Tình yêu quê hương của nhà thơ Raxun thông qua tác phẩm “Đaghextan của tôi”
kiến thức chung
“Tình yêu quê hương” không còn là một đề tài quá xa lạ trong mảnh đất văn học màu mỡ. Những bài thơ, những bản trường ca…ca ngợi quê hương, đất nước đã trở thành bất hủ, sống mãi cùng năm tháng:
Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ
Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi!
(Trích trong bài thơ “Miền Nam”- tác giả Tố Hữu)
Tình yêu quê hương, đất nước là một thứ tình cảm thiêng liêng, luôn ấp ủ trong sâu tận tâm hồn mỗi con người chúng ta. Đối với các nhà thơ, nhà văn, tình yêu ấy đã bùng cháy thành những ngọn lửa sáng rực trong bầu trời văn học. Ở một phương trời xa, có một ngọn lửa đã từ lâu lắm rồi vẫn cứ cháy mãi, sáng mãi như thế. Ngọn lửa ấy mang tên Đaghextan của tôi, mà người đã thắp lên nó chính là nhà thơ nhân dân của Liên Xô Raxun Gamazatốp (Rasul Gamzatovich Gamzatov).
Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem Raxun Gamazatốp là ai mà tài giỏi đến thế, một người có thể khiến cho ngọn lửa của mình cháy mãi không bao giờ lụi tàn? Raxun Gamazatốp sinh ngày 8/9/1923, mất ngày 3/11/2003, là người dân tộc thiểu số Avar nước Cộng hoà tự trị Đaghextan thuộc Liên bang Nga. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống thơ ca. Bố ông là nhà thơ Gamzát Xađax nổi tiếng. Chính vì vậy, ông viết văn từ khi còn rất nhỏ. Năm 14 tuổi, ông đã được xuất bản tập thơ của mình. Sau này, ông cũng trở thành một nhà thơ nổi tiếng, được mọi người yêu mến không kém gì người cha tài giỏi. Đề tài sáng tác chính của ông là quê hương và tình yêu. Ông có một câu thơ nổi tiếng mà những người hâm mộ thơ ca ông không ai là không biết đến:
Tôi đã yêu hàng trăm người phụ nữ
Nhưng trong mỗi người đều mang bóng dáng em.
Độc giả say mê phong cách thơ độc đáo của Raxun Gamzatốp bởi nó phản ánh mảng hiện thực miền núi Đaghextan với một loạt tập thơ và trường ca đặc sắc: Mảnh đất của tôi, Tổ quốc của người sơn cước, Trái tim tôi trên núi… Đặc biệt là hai tập văn xuôi trữ tình Đaghextan của tôi (đã được dịch sang tiếng Việt) càng thể hiện rực rỡ phong cách sáng tác độc đáo của ông. Nét nổi bật nhất trong phong cách thơ Raxun Gamzatốp là sự giản dị, giàu chất dân gian nhưng thấm đượm một trí tuệ thâm trầm, sâu sắc đôi lúc có pha chút hóm hỉnh. Nó thể hiện tâm hồn mộc mạc, đôn hậu, giàu nghĩa khí của người miền núi quê ông cùng những giá trị lịch sử và chiều sâu văn hoá của miền Đaghextan xa xôi mà gần gũi với chúng ta.
Quay trở lại với Đaghextan của tôi - ngọn lửa sáng về đề tài quê hương trên bầu trời văn học thế giới nói chung và văn học Nga nói riêng. Đây chính là một tác phầm văn xuôi đầu tay của nhà thơ Raxun sau sự thành công của 40 tập thơ trước đó. Tuy vậy nó lại góp phần không nhỏ làm nên tên tuổi của vị nhà thơ nhân dân này. Đaghextan của tôi được xuất bản lần đầu tiên tại Liên Bang Nga vào năm 1984 do nhà xuất bản Cầu Vồng ấn hành. Đối với tôi, đây là một cuốn sách rất kì lạ. Một cuốn sách không hề có cốt truyện, không có những tình tiết gay cấn, những chi tiết thắt và mở nút. Xuyên suốt tác phẩm là những câu chuyện ngắn chia thành từng đoạn nhỏ. Khi thì tác giả kể về những dãy núi, khe suối, những con chim bay lượn trên bầu trời Đaghextan, khi thì nhắc đến chợ búa, hay câu chuyện của những người phụ nữ, những cụ già ngồi tán ngẫu với nhau. Bố cục của tác phẩm được nhà thơ Raxun chia thành các mục lớn nói về cách cuốn sách này được viết như thế nào từ sự ra đời, hình thức, ngôn ngữ, đề tài, thể loại…cho đến sự phân vân của tác giả khi viết sách. Nói đến thể loại, đây không phải là một cuốn tiểu thuyết, ký sự hay truyện vừa. Đây là một tác phẩm văn xuôi tự do kết hợp với những đoạn thơ ngắn. “Có thể ví nó như con chim bay và từ trên cao thấy rõ như trong lòng bàn tay, những núi non, khe vực thân thuộc, những làng mạc và phố phường, những nhà cửa và chợ búa, những con chim ưng và những con dê, niềm vui và nỗi lo lắng, quá khứ và có lẽ cả tương lai”. Đaghextan của tôi như một cuốn tự truyện về cuộc đời của nhà thơ Raxun, về quê hương Đaghextan bình yên, thơ mộng với những con người bình dị, mến thương. Bằng giọng văn trữ tình mộc mạc pha chút hóm hỉnh, tác giả đã vẽ lên một bức tranh rất đỗi bình thường mà vô cùng sâu sắc về bản thân ông, về nơi đã sinh ra và nuôi ông trưởng thành.
Liếc qua các mục lớn của cuốn sách, người ta tưởng như tác giả muốn nói về kinh nghiệm viết sách của mình. Tuy nhiên khi đi vào nội dung ta mới khám phá ra được những điều bất ngờ, thú vị, ta càng thêm hiểu hơn về con người của nhà thơ qua nhiều mặt, càng thấm thía hơn ý nghĩa của những từ: Tổ quốc, quê hương, xứ sở…mà tác giả dùng để bày tỏ tình cảm của mình với những người yêu thương. Một cuốn sách chỉ vài trăm trang giấy mà chứa đựng biết bao triết lí, gửi gắm cho độc giả biết bao thông điệp văn học. Một cuốn sách như là sự trải lòng của nhà thơ về con người trần trụi của mình, về trải nghiệm của một con người đã ngoài 40 tuổi với cuộc đời và về tấm lòng bao la tình yêu thương con người, quê hương, đất nước. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin được bàn về tình yêu Đaghextan vô bờ bến của tác giả.
Ông kể rằng có lần, một vị tổng biên tập tạp chí nọ nhờ ông viết bài báo về những thành tựu, những việc làm tốt đẹp và quang cảnh lao động hàng ngày ở Đaghextan trong phạm vi 9 – 10 trang giấy trong 20 – 25 ngày. Có vẻ lúc đó nhà thơ của chúng ta đã tức giận lắm. Ông cho rằng làm sao có thể diễn tả hết vẻ đẹp về Đaghextan của ông chỉ trong có 10 trang giấy, làm sao có thể bày tỏ hết tình yêu của mình về Đaghextan chỉ trong có 20 ngày? Điều đó thật không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, có lẽ chính sự việc đó cũng đã góp phần tạo nên động lực để nhà thơ của chúng ta cho ra đời cuốn sách này.
Raxun sinh ra và lớn lên ở ngôi làng Xađa thuộc nước Cộng hòa tự trị Đaghextan (Liên Bang Nga) xa xôi. Ngôi làng ấy dưới ngòi bút của ông vừa xa lạ mà vô cùng thân thuộc: “Ôi Xađa! Bảy mươi nếp nhà ấm cúng. Bảy mươi làn khói xanh tỏa lên bầu trời trong sáng của miền núi cao. Những ngôi nhà màu trắng trên mặt đất đen. Phía trước làng, những ngôi nhà màu trắng trên mặt đất đen. Phía trước làng, phía trước những ngôi nhà màu trắng là những cánh đồng xanh bằng phẳng. Đằng sau làng, là những vách đá dựng đứng. Những tảng đá màu xám nhấp nhô dựng trên là chúng tôi hệt như những đứa trẻ tụ tập trên mái nhà bằng để nhìn xuống đám cưới đang diễn ra dưới sân”. Raxun là một nhà thơ nổi tiếng của Đaghextan, của Liên Xô. Ông đã từng đi rất nhiều nơi, từng đặt chân đến những vùng đất từ chốn xa hoa, phồn thị cho đến những vùng quê thanh bình. Nhưng không nơi nào có thể níu giữ ông, khiến ông quên đi quê hương Đaghextan của mình. Không nơi đâu khiến tái tim ông loạn nhịp, lồng ngực đau nhói, mắt nhòa đi và đầu óc quay cuồng như vùng đất có bảy mươi nếp nhà nép mình bên vách đá kia. Tất cả những thứ tiện nghi, hiện đại ông đã từng tiếp xúc như vòi tắm hoa sen ở khách sạn Pari hoàng cung hay bồn tắm màu xanh ở khách sạn Luân-đôn đều là thứ đồ chơi thảm hại, cái đĩa nhỏ so với thác nước mát lạnh, bồn tắm giữa khe núi của ông. Những thành phố lớn đi nhiều rồi cũng sẽ làm cho ông cảm thấy nhàm chán. Vậy mà ông cứ muốn đi mãi trên các ngõ ngách làng ông – nơi ông đã hàng nghìn lần đi qua đó. Vùng đất đã gắn bó với con người ta suốt một thời gian dài của tuổi thơ tưởng chừng như đã quá nhàm chán mà với nhà thơ nó vẫn luôn mới lạ, thú vị.
Khi mới được giao nhiệm vụ viết bài, tôi đã lựa chọn Đaghextan của tôi thay vì Bông hồng vàng bởi tôi nghĩ Đaghextan chắc hẳn là một cậu bé hay cô bé nào đáng yêu lắm và điều này kích thích sự tò mò của tôi. Cho đến khi tôi mở quyển sách và đọc những trang đầu tiên. Khá ngạc nhiên, tôi đã “Ồ!” lên một tiếng. Đaghextan đâu phải cô bé, cậu bé dễ thương nào đâu. Đó là một đất nước trên miền núi xa xôi của nước Nga. Một đất nước với biết bao người dân vậy sao tác giả lại gọi nó là của tôi? Phải đến khi đọc hết chương hai của cuốn sách tôi mới thấu hiểu được ý nghĩa nhan đề này: “Không phải vì Đaghextan là sở hữu của tôi, mà là vì hình dung của tôi về Đaghextan không giống hình dung của người khác”. Quả thực, càng đọc tôi càng thấm thía hơn tình yêu thương quê hương bao la, rộng lớn mà không thể diễn tả hết bằng lời của nhà thơ Raxun và cảm nhận của riêng Raxun về nơi đã nuôi lớn ông. “Đaghextan – là tổ ấm của tôi. Đaghextan là cái nôi của tôi”, “Ở đâu tôi cũng tự coi mình là phóng viên thường trú của Đaghextan quê tôi”. Ông luôn so sánh mọi nơi mà ông đến với Đaghextan của mình và Đaghextan của ông luôn là tuyệt vời nhất. Mọi lẽ sống của ông đều gắn với quê hương. Ông mang nơi ấy đi quảng bá với khắp thế giới và đem mọi tinh hoa trên thế giới mà ông biết về làm giàu cho quê hương mình. Đaghextan, từ những dân tộc nhỏ lẻ, rời rạc giờ đã đoàn kết và hòa vào làm một. Đaghextan, từ một đất nước nhỏ bé không ai biết tới giờ đã nổi tiếng với những cái tên nhà văn, nhà thơ tài giỏi bậc nhất nước Nga như Abutalíp, Makhơmút, Gamzát Xađax, Raxun Gamazatốp…
Đọc Đaghextan của tôi, tôi như được thả hồn vào thế giới của Raxun, một thế giới tưởng chừng như phức tạp lại hóa ra đơn giản và vô cùng bình dị. Tôi nhìn thấy tuổi thơ của ông, một câu bé đã từng ham chơi, trốn học rồi nói dối và bị ăn một cái tát nhớ đời của bố. Tôi hình dung ra được chân dung của hai người mẹ đẻ và mẹ nuôi của ông. Tôi cảm nhận được tình yêu, sự biết ơn của ông dành cho hai người mẹ ấy. Thế rồi bài ca hát ru của mẹ ông cũng như văng vẳng bên tai tôi. Bài hát như một nguồn sức mạnh to lớn của nhà thơ: “Không một ngày nào, không giờ phút nào trong tôi không vang lên bài ca mẹ tôi đã hát ru bên nôi. Bài ca ấy là cái nôi của tất cả các bài ca của tôi. Nó là tấm gối mà tôi ngả mái đầu mệt mỏi của mình xuống, nó là con ngựa đưa tôi đi khắp thế gian này. Nó là ngọn nguồn mà tôi ghé môi xuống uống những lúc khô khát. Nó là bếp lửa sưởi ấm người tôi, hơi ấm của nó tôi đã mang theo trong suốt cuộc đời ”. Ông có hai người mẹ và mỗi cuốn sách của ông cũng vậy. Người mẹ thứ nhất là miền Đaghextan thân yêu nơi đã sinh ra ông. Còn người kia là Matxcơva, là nước Nga vĩ đại, “người đã dạy dỗ, chắp cánh cho tôi, đưa tôi lên con đường lớn, chỉ cho tôi những chân trời bao la, chỉ cho tôi cả thế giới”. Cuộc sống của nhà thơ Raxun và thơ văn của ông luôn có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Ông nhìn thấy thơ ca trong chính cuộc sống của mình và độc giả nhìn thấy cuộc sống của ông trong những bài thơ ca ấy.
Đaghextan thiêng liêng còn được nhà thơ Raxun gọi bằng một tiếng “Người” vô cùng thân thương. Và tiếng Avar dân tộc ông, cũng được ông gọi một tiếng “Người” thân thương như vậy. “Hỡi tiếng Avar thân yêu của tôi! Người là tài sản của tôi, là kho báu của tôi trong những ngày hoạn nạn, là vị thuốc thần trị trăm ngàn bệnh…Người đã nắm tay tôi, như nắm tay một đứa trẻ mà dắt tôi đi từ làng nhỏ ra thế giới rộng lớn để đến với mọi người, để tôi được kể cho họ nghe về miền đất quê hương tôi. Người đã dẫn tôi đến với tiếng Nga vĩ đại”. Phần lớn các tác phẩm của ông đều được viết bằng tiếng Avar và cuốn sách này cũng không ngoại lệ. Ông yêu tiếng Avar, mặc dù có người cho rằng Avar là loại ngôn ngữ nghèo nàn, ít người sử dụng. Ông tự hào với thứ ngôn ngữ nghèo nàn ấy. Ông dùng tiếng Avar để ca ngơi đất nước Nga vĩ đại:
Tôi yêu cuộc đời, yêu hành tinh tôi ở
Yêu đến từng gọc nhỏ khắp gần xa…
Mà trên hết là quê hương Xô Viết
Tôi muốn ngợi ca bằng chính tiếng Avar.
Ông dùng tiếng Avar để sáng tác thơ ca, để đem tấm lòng mình đi khắp thế gian. Cũng giống như Đaghextan, ông coi tiếng Avar là mẹ đẻ còn tiếng Nga như một người mẹ nuôi cho sữa. Ông chỉ trích những con người rời bỏ quê hương đi ra những thành phố lớn, họ sử dụng những ngôn ngữ mới mà dần dần quên mất tiếng mẹ đẻ và ông cho rằng đó là những con người bất hạnh. Ông còn kể về chuyện hai người đô vật chửi nhau trên sàn đấu nhưng khi phát hiện ra cả hai đều là người Avar thì liền ôm chầm lấy nhau và từ đó họ trở thành bạn bè. Nhà thơ của chúng ta vui lắm khi ở đâu đó trên những thành phố lớn, ông bắt gặp một người nói tiếng Avar, tiếng dân tộc mình. Có lẽ, cảm xúc của ông lúc bấy giờ cũng bồi hồi, xúc động như người con xa quê lâu ngày trở về. Tiếng Avar hay tiếng mẹ đẻ, nó cũng giống như lòng yêu nước ăn sâu vào máu thịt của mỗi con người, kết nối họ với nhau trở thành cộng đồng. Là một nhà thơ, nhà văn, theo Raxun thì ngôn ngữ là thứ vô cùng quan trọng:
Tôi chỉ biết nếu tiếng tôi biến mất
Thì tôi sẵn sàng nhắm mắt buông xuôi
Ông ví ngôn ngữ như những hạt lúa và bông lúa, còn nhà văn chính là những người nông dân. Để thu được những hạt lúa chắc mẩy thì cần phải trải qua một quá trình chăm sóc, sàng lọc vô cùng cẩn thận. Và một điều quan trọng hơn nữa, Raxun muốn sử dụng tiếng Avar để viết tác phẩm này một cách đơn giản nhất, gần gũi nhất để đưa Đaghextan đến với người đọc một cách dễ dàng nhất.
“Chúng ta không lựa chọn cho mình quê hương, nhưng quê hương thì ngay từ đầu đã lựa chọn chúng ta” – nhà thơ Raxun đã nói như thế. Quê hương là nguồn cảm hứng vô tận của ông. Phong cảnh quê hương từ nhỏ đã in sâu vào tâm trí ông – một bức tranh phong cảnh ông nhìn thấy qua khung cửa nhỏ của nhà mình. Với ông “trước bức tranh ấy mọi cảnh đẹp của thế giới đều trở nên mờ nhạt”. Trong ngôi nhà nhỏ của mình, ông không thể tìm thấy mọi hiện tượng trên thế giới, nhưng ông lại tìm thấy tình cảm quê hương ở mọi nơi trên thế giới. Mỗi nơi ông đặt chân đến đều có sợi dây nối về Đaghextan. Tuy nhiên, ông không yêu quê hương một cách mù quáng mà chối bỏ những thứ tốt đẹp khác. Ông đã kết hợp khéo léo giữa Đaghextan với thế giới rộng lớn để tạo ra cuốn sách này, tạo ra bản giao hưởng của đời ông. Ông muốn cho người đọc thấy được Đaghextan xinh đẹp của mình và muốn cho người đọc cũng thấy được chính bản thân họ trong đó. Raxun cho rằng với nhà văn, một đề tài cứ lặp đi lặp lại mãi thì cũng giống như “một thứ rượu trong thùng sau khi đã tráng nước”. Nhưng với ông, đề tài quê hương là không có giới hạn, càng lặp lại nhiều lần thì càng quý giá và phong phú hơn: “Đaghextan – Người là mẹ tôi…Có thể lăng mạ tôi đủ điều, tôi đều chịu được. Nhưng đừng động đến Đaghextan của tôi. Đaghextan là tình yêu của tôi, là lời thề, lời nguyện cầu, lời khấn khứa của tôi. Người là đề tài chủ yếu trong mọi cuốn sách của tôi, của cả đời tôi”.
Đaghextan của tôi như một thế giới miên man vô tận. Xuyên suốt cả tác phẩm, hình ảnh Đaghextan cứ hiện lên từng chút, từng chút một. Nếu tôi có tài hội họa, có lẽ tôi sẽ vẽ được một bức tranh vô cùng sinh động và rõ ràng về nơi đây. Một bức tranh có rừng núi, những khe suối nhỏ, những con người chất phác, thân thiện, hiếu khách và cả những phong tục tập quán vô cùng đặc biệt nữa. Đọc Đaghextan của tôi, tôi thấy cả tuổi thơ của mình trong đó, một tuổi thơ dữ dội với gia đình, quê hương, với những kỷ niệm khó mà quên được.
Đaghextan của tôi không chỉ cho ta thấy tình yêu quê hương, xứ sở vô bờ bến của tác giả mà ẩn sâu trong đó biết bao triết lí sống, khiến cho người đọc khám phá ra được bao điều mới mẻ. Xa lạ mà thân quen, giản dị mà sâu sắc, dí dỏm mà nghiêm túc. Đây quả thực là một cuốn sách đáng để đọc và chiêm nghiệm.
Nội dung liên quan
Bạch Thùy