Tinh thần tự do trong tác phẩm "Xấu"

  1. Sách

"Chúng ta thường bị cuốn hút bởi những gì vốn làm chúng ta sợ hãi."



Câu này sai, hoàn toàn sai, ít nhất là với mình. Vì mình bị Xấu (Natsuo Kirino, Quỳnh Lê dịch, Nhã Nam & NXB Thời Đại 2013) cuốn hút không phải vì sợ hãi mà là bởi ngồn ngộn một mớ những dòng chữ li ti trong 1 cuốn sách dày 424 trang. Đó không phải là một sự ngộp thở do cái XẤU mang lại mà là một sự lôi cuốn rất ma mị của một câu chuyện nghe thì hư cấu nhưng lại khiến tâm trí không ngừng đọc còn tay thì không ngừng lật giở từng trang từng trang sách đến quên mất thời gian. Hay nói đúng hơn, là mình bị cuốn hút bởi chính cái giọng điệu lê thê dài dòng đó của Natsuo Kirino.

Mình là một đứa có thể nói là sở hữu một thần kinh thép. Nghe truyện ma Nguyễn Ngọc Ngạn chẳng sợ, xem phim ma Hollywood chẳng hãi, đọc truyện kinh dị chẳng khiếp, mục sở thị cái thế giới đen tối của Nhật Bản và Hàn Quốc trên màn ảnh chẳng rúng động, nói tóm lại là vì chưa bao giờ đặt mình vào trong những hoàn cảnh như vậy để so sánh, nên tất cả đối với mình mà nói chẳng qua chỉ là lý thuyết và hư cấu. Rặt những “thuyết âm mưu” khiến cho những tâm hồn non nớt bị mất đi niềm tin vào cái cuộc sống tốt đẹp này. Tất nhiên là thỉnh thoảng cũng rùng mình ớn lạnh, nhưng sợ hãi thì nhất quyết không. Cái làm mình sợ hãi duy nhất trong cuộc đời này chính là tất cả những nguy hiểm mà mình cố tình cho rằng nó hư cấu hóa ra đều là... sự thật.

Đọc Xấu, mình chẳng thích ai ngoài nhân vật Ông Ngoại dù ông xuất hiện rất ít và tính tình của ông thì cũng chẳng ra làm sao. Mình chẳng thích Yuriko Hirata – cô gái có khuôn mặt đẹp đến… yêu quái cũng phải ngước nhìn; cũng chẳng thích chị gái Yuriko – một cô nàng cực đoan đến tàn nhẫn; lại cũng chẳng ưa Mitsuru – cô gái thông minh trí tuệ ân cần rất biết cách quan tâm đến người khác nhưng chẳng may bị lầm đường lạc lối; càng chẳng chấp nhận Kazue Sato – cô gái với ước mơ “vượt lên chính mình vượt qua khối người” một cách ngu ngốc… Thêm vào đó, những nhân vật nam mờ nhạt như thầy Kijima, anh chàng đồng tính Kijima con, rồi tên sát nhân xấu như ma mà cứ nghĩ mình đẹp và thông minh và trí tuệ Zhang Zhe Zhong,… tất cả bọn họ với mình mà nói là đồ bỏ đi, mặc dù đôi lúc cũng thấy mình có chút giống với chị gái Yuriko (theo kiểu bao đồng tất cả mọi thứ nhưng chẳng bao giờ để tâm vào bất cứ chuyện gì, nếu có thì cũng chỉ là để moi móc cho thỏa mãn trí tò mò). Với mình, chỉ có ông Ngoại là người mang lại cảm hứng nhiều nhất. Theo kiểu giá mà trong đời có một ai đó giống như ông Ngoại để trò chuyện thì tuyệt vời biết bao. Không quan trọng ông Ngoại là nghệ sĩ kiêm chuyên gia lừa đảo như thế nào, cũng không màng việc ông Ngoại sau này có bị tình yêu tình dục làm cho mờ mắt ra sao, quan trọng là ông Ngoại có mặt ở đó để triết lý cho mình nghe, để san sẻ bớt cái sự cô đơn rất đáng nuôi dưỡng trong cuộc đời này. Ông Ngoại nói, ở chung với bọn người xấu không có nghĩa mình cũng là người xấu, chỉ là do ở đời bọn người xấu thường rất thích tìm đến với người tốt mà thôi. Ông còn bảo, những người có tài là người được đất trời truyền cho một nguồn cảm hứng. Cảm hứng là sự kết hợp giữa sức mạnh và sự tao nhã và cảm hứng chính là khi ta bắt đầu cảm thấy sự nhiệm màu. Mình đã bao giờ nói rằng mình thích những triết lý kiểu như vậy chưa? Những triết lý đến từ những người thích triết lý trong khi thực sự không biết bản thân mình đang triết lý ấy?

Nhìn chung là toàn bộ câu chuyện dài dòng đôi lúc không cần thiết trong Xấu của Natsuo Kirino thật sự là một kiểu “Độc lập – Tự chủ – Tự tôn” rất đặc sắc của văn học Nhật. Giống như “một con bé 16 tuổi dù nhẫn tâm cỡ nào cũng có những lúc xao lòng”, thì một câu chuyện dù có “tởm” đến đâu cũng có những lúc khiến người ta bị thu hút. Có những người sinh ra đời là để làm giảm giá trị của người khác như chị gái của Yuriko thì cũng có những cuốn sách được viết nên là để “ăn cắp” thời gian của người khác như Xấu của Natsuo. Một kiểu ăn cắp rất… dễ thương.

Nói tóm lại là đọc Xấu để thấy không ai có thể nhẫn tâm hơn bọn con gái ở tuổi vị thành niên và điều quan trọng nhất chính là đôi khi phải biết trả giá để có được tinh thần tự do, cái tinh thần mà chẳng có ai trong Xấu có được ngoài Yuriko Hirata!

Không liên quan, nhưng có vẻ thích thích câu này, dù nó chẳng liên quan gì đến cái tinh thần tự do nhắc đến ở trên kia:

"Có một loại cây tồn tại vì chính bản thân mình, một loại cây đơn độc, không phải loại cây cho hoa khiến chim chóc và côn trùng tới tụ hội, và người ta gọi đó là cây hạt trần."
Từ khóa: 

review sách

,

natsuo kirino

,

xấu

,

sách