Tính hệ thống của ngôn ngữ được hiểu như thế nào?
kiến thức chung
Hệ thống được hiểu là “tập hợp các yếu tố có quan hệ qua lại, quy định lẫn nhau, tạo thành một thể thống nhất có tính phức hợp hơn” (Vũ Đức Nghiệu, Nguyễn Văn Hiệp, 2010). Song hành cùng khái niệm hệ thống là “cấu trúc”. Kasevich đưa ra quan điểm rằng: “Nếu hệ thống là một tập hợp các yếu tố liên kết với nhau bằng những quan hệ nhất định, thì cấu trúc là kiểu của những quan hệ này, là phương thức tổ chức hệ thống” (V.B.Kasevich, 1998). Hay ngắn gọn hơn, cấu trúc là tổ chức bên trong của hệ thống.
Ngôn ngữ là 1 hệ thống nhờ mang đủ các tiêu chí nêu trên. Nó cũng gồm các hệ thống nhỏ: ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp. Trong các hệ thống nhỏ đó lại chứa những hệ thống, đơn vị cụ thể hơn. Ví dụ như trong hệ thống ngữ âm tiếng Việt có hệ thống âm vị gồm nguyên âm (a, e, o, i, u,…), phụ âm (p, t, b,…), thanh điệu (`, ~, ?,…). Muốn đặt các đơn vị này cạnh nhau thì phải tuân theo đúng cấu trúc – tổ chức, quan hệ bên trong để làm thành một chỉnh thể phức hợp, như việc tuân theo cấu trúc dưới đây để tạo nên một âm tiết dạng đầy đủ:
THANH ĐIỆU
ÂM ĐẦU VẦN
Âm đệm Âm chính Âm cuối
Bất kì hệ thống nào cũng có cấu trúc mà nói đến cấu trúc chính là nhắc đến các quan hệ - mối liên hệ hữu cơ giữa sự vật, hiện tượng. Trong hệ thống ngôn ngữ, “quan hệ ngôn ngữ có tầm quan trọng bậc nhất vì chúng tạo ra các loại giá trị ngôn ngữ” (Đinh Văn Đức, 2012). Điều này là dễ dàng nhận thấy thông qua 3 quan hệ chính của hệ thống ngôn ngữ:
Quan hệ kết hợp: Quan hệ này – dựa trên tính hình tuyến của ngôn ngữ, được hiểu đơn giản là “những cái biểu đạt của ngôn ngữ kết hợp với nhau theo trật tự tuyến tính”, tức trong lời nói thì các chuỗi kí hiệu ngôn ngữ xuất hiện nối tiếp nhau theo trục thời gian chứ không chồng lấn lên nhau, từ đó tạo ra các kết hợp gọi là ngữ đoạn.
Như vậy, quan hệ kết hợp là quan hệ giữa các đơn vị nối tiếp nhau trên trục nằm ngang, gọi là trục kết hợp. Tất cả các đơn vị ngôn ngữ đều có thể xuất hiện trên trục này, song quan hệ kết hợp chỉ xảy ra giữa các yếu tố cùng cấp độ và tạo nên đơn vị lớn hơn. Ví dụ: trong câu “Nhiều đoạn hồi kí rất thú vị.” gồm các quan hệ kết hợp như:
• Quan hệ giữa hai ngữ: “nhiều đoạn hồi kí” và “rất thú vị”
• Quan hệ giữa các từ: nhiều – đoạn – hồi kí; rất – thú vị
• Quan hệ giữa các hình vị trong từ : hồi – kí; thú – vị
• Quan hệ giữa các âm vị: nh – iê – u trong “nhiều”…
Ví dụ cho thấy rằng, rõ ràng, chuỗi kí hiệu ngôn ngữ không xuất hiện theo tuyến tính mà chồng lên nhau là điều khó mà xảy ra, và nếu có thì khi đó, giá trị giao tiếp của lời nói chắc chắn sẽ không còn.
Quan hệ đối vị (quan hệ liên tưởng): có thể hiểu là, khi ta phát ngôn ra lời nói theo tuyến tính thì đồng thời, chúng ta cũng liên tưởng đến các kí hiệu khác cùng bản chất. Ví dụ: phía sau “xơi” trong câu “Mời các bác xơi cơm” là một loạt từ có thể thay thế nó như ăn, dùng, tọng, chén, hốc,…Nhưng chính vì có sự liên tưởng, người nói đã lựa chọn và sử dụng đúng từ vào đúng ngữ cảnh, đúng mục đích cũng như hoàn cảnh giao tiếp.
Bằng khả năng liên tưởng như vậy, người nói có thể biến đổi từ ngữ dù chúng thuộc cùng một trường nghĩa, qua đó thể hiện các sắc thái khác nhau, các giá trị của ngôn ngữ cũng khác nhau và sau cùng là làm nên những phong cách đặc trưng.
Nội dung liên quan
Tuấn Đại Ngân