Tìm kiếm ĐỘNG LỰC VÀ PHƯƠNG PHÁP HỌC tiếng Anh phù hợp
Tiếng Anh! Làm thế nào để tiếng Anh không còn là nỗi sợ của rất nhiều người hiện nay? Làm thế nào để có động cơ học đúng và duy trì việc học tiếng Anh hàng ngày, học tiếng Anh với niềm yêu thích và say sưa khám phá vẻ đẹp của nó như một ngôn ngữ thứ hai của mình?
Có thể nói đây là điểm cực kỳ quan trọng, nếu không nói là “mấu chốt” cho việc bạn có thể bắt đầu và duy trì được nó hay không? Muốn làm được điều này, trước hết bạn cần “nhìn thấy” được những lợi ích mà tiếng Anh mang lại. Vậy lợi ích của việc biết/thông thạo tiếng Anh là gì?
Lợi ích của việc biết/thông thạo tiếng Anh
Theo mình, việc bạn biết và có thể sử dụng được tiếng Anh không phải để “ra oai” hay sĩ diện với người khác, để chứng tỏ “ta đây giỏi” mà tiếng Anh là một ngôn ngữ, là phương tiện, cầu nối giúp bạn tiếp cận được nhanh hơn, nhiều hơn với nhiều nguồn thông tin mới trên thế giới, từ đó bạn sẽ có được sự trưởng thành hơn trong nhận thức, tư duy và update được nhiều kiến thức và nhiều cơ hội sẽ mở ra trước mắt bạn. Ví dụ theo quan sát trong lĩnh vực công việc của mình thì mình nhận thấy đa phần những người giỏi đều là những người có tiếng Anh tốt, vì vậy họ đã có cơ hội được tiếp cận nhiều nguồn thông tin, tri thức và mở rộng sự hiểu biết ra bên ngoài. Hoặc đơn giản là khi bạn biết và thông thạo tiếng Anh bạn sẽ có được nhiều cơ hội việc làm. Ở đây, khi mình làm một phép so sánh nhỏ về cơ hội việc làm sau khi ra trường giữa sinh viên biết/ sử dụng được tiếng Anh và sinh viên không biết, không sử dụng được tiếng Anh, bạn sẽ thấy sự khác biệt.
Ví dụ: Nếu bạn là sinh viên chuyên ngành văn hóa học có tiếng Anh khi ra trường bạn sẽ có cơ hội làm nghiên cứu viên cho UNESCO, tham gia các dự án văn hóa, các dự án truyền thông của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế thay vì chỉ là cán bộ văn hóa tại các cơ quan Nhà nước; nếu bạn là sinh viên du lịch bạn có thể trở thành hướng dẫn viên quốc tế thay vì chỉ làm nhân viên, lễ tân khách sạn; nếu là sinh viên ngành Gia đình và công tác xã hội bạn sẽ có cơ hội làm việc cho các dự án về gia đình của tổ chức United Nation tại Việt Nam; bạn là giáo viên mầm non bạn sẽ làm việc trong trường quốc tế thay vì trường công lập…Nói như vậy không có nghĩa là mình hạ thấp các ngành nghề khác hay quá đề cao tiếng Anh.
Mình chỉ muốn nói với các bạn rằng nếu các bạn có tiếng Anh các bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn, nhiều lựa chọn hơn để có thể tìm kiếm các công việc với nguồn thu nhập cao hơn và đặc biệt là được làm việc trong môi trường năng động, hiện đại, phát huy thế mạnh bản thân và giúp bạn ngày càng trưởng thành hơn trong nhận thức, tư duy và kỹ năng. Điều đặc biệt hơn nữa là khi bạn có tiếng Anh bạn có nhiều cơ hội để apply các học bổng đi du học ở những bậc học cao như ThS, TS ở Úc, Mỹ, Anh và nhiều các nước khác nhau trên thế giới; cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài…Vì vậy, mình cho rằng nếu bạn có tiếng Anh bạn sẽ có nhiều cơ hội thoát ra khỏi “vùng an toàn”, “vùng thoải mái” để “bơi ra biển lớn” và thậm chí nhiều người đã “thay đổi số phận” nhờ có tiếng Anh. Thế nên, không có lý do gì để chúng ta không học tiếng Anh, đặc biệt trong thời đại cách mạng 4.0 hiện nay, khi chúng ta đang ngày càng hội nhập quốc tế và mở rộng không gian giao tiếp của mình.
Động lực để bắt đầu/duy trì việc học tiếng Anh
Nhiều bạn chia sẻ với mình “Muốn học lại tiếng Anh, sẽ quyết tâm học lại tiếng Anh…nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu?". Vậy làm thế nào để bắt đầu/duy trì việc học tiếng Anh? Mình sẽ chia sẻ với các bạn điều nay khi bản thân mình cũng là người mới bắt đầu “yêu lại từ đầu tiếng Anh” trong khoảng thời gian gần đây.
Điều đầu tiên bạn cần lưu ý là đừng bao giờ “giới hạn” và “dán nhãn” bản thân về việc học tiếng Anh nhé. Bản thân mình trước đây đã từng nghĩ rằng: mình không thể học được tiếng Anh và khi học hoài, học mãi không được mình cho rằng mình không có năng khiếu, mình không giỏi rồi mình đổ lỗi là do mình không có môi trường để giao tiếp, thực hành nó…Nhưng thực ra không phải! Nếu bạn thực sự muốn học, nghiêm túc dành thời gian cho nó, tìm kiếm phương pháp học phù hợp và môi trường thực hành thì mình tin chắc rằng một ngày không xa bạn sẽ không còn nỗi sợ hãi, lo lắng khi học tiếng Anh nữa.
Như mình trước đây mình đã từng rất sợ tiếng Anh, cảm thấy tiếng Anh khó và học nhiều mà không có kết quả (lẹt đẹt, học rồi lại quên, không thể sử dụng được trong giao tiếp và công việc, gặp nhiều phen “bẽ bàng”,”ê chề”, những “cú sốc” khi rơi vào môi trường cần dùng tiếng Anh…) nhưng sau một thời gian kiên trì, bền bỉ học, tìm kiếm cách học đúng hiện tại mình đã có những kết quả bước đầu: có thể giao tiếp, thuyết trình bằng tiếng Anh mà không cảm thấy lo lắng, tự ti, lúng túng và điều quan trọng là tiếng Anh không còn là nỗi sợ với mình nữa (dù khi học lại mình đã gần 40 tuổi và đang có quá nhiều việc phải làm hàng ngày). Thế nên mình tin là ai cũng đều có khả năng học tiếng Anh miễn là bạn nỗ lực, kiên trì và quyết tâm để chinh phục nó.
Thứ hai, bạn cần hiểu chính mình và việc học của mình: hiểu mong muốn, mục đích của việc học; biết rõ trình độ, năng lực hiện tại của bản thân. Đây là điều rất quan trọng để giúp bạn xác định rõ mục tiêu và phương pháp học phù hợp, tránh trường hợp bạn “ngồi nhầm lớp” (học trình độ thấp hơn hoặc cao hơn so với hiện tại), trình độ không phù hợp khiến việc học nhanh chóng bị down mood và kết quả là bỏ cuộc giữa chừng như mình đã từng gặp phải khi quyết định học lại tiếng Anh. Minh chứng gần đây nhất là năm ngoái mình đã học một lớp ôn thi IELTS trong khi mình không có nhu cầu thi IELTS và cũng không phù hợp về trình độ, năng lực hiện có của bản thân. Muốn vậy bạn có thể tự test trình độ của mình qua bài kiểm tra về các kỹ năng hoặc nhờ bạn bè, thầy cô những người đang dạy hoặc có trình độ tiếng Anh tốt có thể giúp bạn.
Sau khi biết được năng lực, trình độ hiện tại bạn cần đặt ra mục tiêu, thời gian thực hiện và kế hoạch hành động. Khi bắt đầu học hay thực hiện một công việc gì chúng ta thường bằng câu hỏi “Tôi học/làm nó để làm gì?” nhằm xác định cho bản thân động cơ và mục tiêu hướng tới. Việc bắt đầu học tiếng Anh cũng vậy. Bạn cần đặt ra câu hỏi “Vậy bạn học tiếng Anh để làm gì?” Khi đặt ra câu hỏi này chúng mình đã nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau: học để có điểm, không phải học lại, để có điểm tốt đạt học bổng, để có cơ hội tham gia các khóa học sử dụng tiếng Anh, học để đọc được sách và các thông tin khác bằng tiếng Anh, tìm kiếm cơ hội việc làm ở các tổ chức nước ngoài, học để có thể học lên cao…Với mình, mình quyết tâm học lại tiếng Anh bởi mình muốn có thể thể sử dụng được tiếng Anh trong công việc và cuộc sống, học để có thể học cùng con…Như vậy, mỗi người ở mỗi thời điểm, lứa tuổi, nhu cầu khác nhau sẽ đặt ra các mục đích khác nhau cho việc học. Việc xác định mục đích của việc học sẽ giúp cho chúng ta nhìn rõ mục tiêu cần hướng tới cũng như xây dựng kế hoạch, lộ trình cho việc học.
Một số lưu ý khi học tiếng Anh
- Thay đổi trong việc nhìn nhận về tiếng Anh: Trước đây, mình đã coi tiếng Anh cũng giống như bất kỳ một môn học nào khác, học để đi thi lấy điểm số cao, lấy chứng chỉ, văn bằng xong rồi “đắp chiếu” để đấy đến khi hết hạn lại “hùng hục” học và thi (học theo thời vụ, học để đáp ứng nhu cầu trước mắt). Mình thường chỉ tập trung học ngữ pháp, luyện thi, làm bài tập, để có thể vượt qua được các kỳ thi (học vì điểm số, học để lấy được văn bằng, chứng chỉ, chưa học đúng cái cần học khi học một ngôn ngữ). Hiện nay, với quan điểm coi việc học tiếng Anh là học một ngôn ngữ dùng trong giao tiếp nên mình học một cách tự nhiên nhất, với tâm thế chủ động, say sưa tìm tòi, khai thác để hiểu được vẻ đẹp của ngôn ngữ, những sắc thái biểu cảm trong đó.
- Học tiếng Anh ở những kỹ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết với mục đích cần đạt được là sử dụng được trong giao tiếp hàng ngày và công việc (có sử dụng tiếng Anh). Vì vậy, bạn cần xây dựng kho từ vựng phong phú, đa dạng, hiểu được cách dùng trong những ngữ cách khác nhau, đào sâu hơn về nghĩa của từ, nắm bắt được từ đồng nghĩa, trái nghĩa, mở rộng nghĩa của từ…Ngoài ra, bạn cũng cần nắm bắt kiến thức ngữ pháp, cấu trúc câu, các cách diễn đạt khác nhau trong tiếng Anh. Muốn giao tiếp được (trao và nhận thông tin khi nói chuyện bằng tiếng Anh) bạn cần phải nâng cao năng lực nghe và nói hàng ngày cũng như kỹ năng đọc, viết…bằng việc rèn luyện, thực hành nó hàng ngày, hàng ngày.
- Cần có mentors định hướng và hỗ trợ (đặc biệt trong giai đoạn đầu) cũng như hội nhóm (peer group) giúp bạn duy trì việc học tiếng Anh hàng ngày. Mentors có thể là thầy/cô dạy tiếng Anh, là anh/chị, bạn bè…của bạn – những người sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ bạn trên hành trình học tiếng Anh của mình. Họ là những người đi trước, có kinh nghiệm sẽ giúp bạn định hướng và lựa chọn cách học tốt hơn, nhất là ở giai đoạn đầu khi bạn mới bắt đầu học tiếng Anh lại (khiến bạn không mất quá nhiều thời gian cho việc mày mò, tìm kiếm động lực và phương pháp học đúng mà đôi khi không hiệu quả). Tuy nhiên, bạn nên tìm kiếm cho mình những mentors có tâm (thực sự muốn giúp bạn, tôn trọng và ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của bạn, động viên, khích lệ bạn mỗi khi bạn nản chí hay gặp khó khăn, luôn luôn lắng nghe những trải lòng của bạn…); đồng thời là những người có tầm (có năng lực trình độ tiếng Anh tốt, có thể giúp hay hỗ trợ bạn có phương pháp học phù hợp) và bạn nên có sự đầu tư nhất định (học 1- 1 hay học theo nhóm, lớp) để có những kiến thức nền tảng ban đầu và điều quan trọng hơn là họ sẽ giúp bạn xác định được năng lực, trình độ hiện tại, xây dựng lộ trình học phù hợp và rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho việc học. Nhưng ở đây mình cũng lưu ý các bạn là mentors hay đội nhóm cũng chỉ là những người hỗ trợ cho bạn trong việc học còn kết quả đến đâu thì hoàn toàn quyết định ở bạn. Bởi trong thực tế mình đã thấy rất nhiều bạn đặt quá nhiều kỳ vọng, việc học của bản thân vào người khác, đặc biệt học người giỏi, trung tâm tốt thì đương nhiên sẽ giỏi.Mình không nghĩ vậy! Mentors, hội nhóm chỉ là người dẫn dắt, môi trường hỗ trợ bạn mà thôi còn người quyết định vẫn là chính bạn.
- Tìm kiếm các môi trường thực hành và duy trì việc học tiếng Anh: tiếng Anh là một ngôn ngữ giao tiếp, thế nên nó chỉ có thể “sống” khi được sử dụng trong chính môi trường của nó. Vì vậy, việc bạn sử dụng tiếng Anh hàng ngày là cách tốt nhất giúp bạn duy trì và nâng cao trình độ tiếng Anh của mình. Thế nên bạn cần chủ động tìm kiếm, kết nối với những người thường xuyên nói tiếng Anh, những môi trường sử dụng tiếng Anh như tham gia các hội nhóm,các câu lạc bộ tiếng Anh…Khi bạn đã có trình độ kha khá, bạn nên mạnh dạn tham gia các hội thi có sử dụng tiếng Anh, làm tình nguyện viên cho các tổ chức nước ngoài để có cơ hội được thực hành tiếng Anh nhiều hơn hay đơn giản là nghe tin tức hàng ngày trên các kênh CNN, BBC, ABC…như một hình thức “tắm ngôn ngữ” thông qua việc cảm nhận và trải nghiệm, sử dụng nó hàng ngày.
Một số phẩm chất cần có
Để học được tiếng Anh không khó nhưng để có thể làm được bên cạnh việc xác định được động cơ, mục đích, phương pháp học phù hợp bạn sẽ cần phải rèn luyện cho mình một số phẩm chất cần thiết:
Thứ nhất, bạn cần sự kiên trì, bền bỉ (no never give up): có thể nói đây là một keywork/chìa khóa rất quan trọng để giúp bạn có được những kết quả trong việc học tiếng Anh cũng như nhiều môn học khác. Sự kiên trì, nỗ lực từng ngày, từng ngày theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, “kiến tha lâu sẽ có ngày đầy tổ”, “đủ nắng hoa sẽ nở”…sẽ giúp bạn vượt qua được sự lười biếng, sự chán nản, sự khó…để có thể chinh phục được thứ ngôn ngữ đầy mới lạ này.
Thứ hai, bạn cần có kỹ năng quản trị bản thân tốt: tự tin vào năng lực bản thân, không so sánh với người khác, cân bằng cảm xúc, nghiêm túc và kỷ luật, kỹ năng quản lý thời gian tốt …để có thể hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn đặt ra.
Thứ ba, luôn ghi nhận sự tiến bộ và nỗ lực của bản thân cho dù là nhỏ nhất. Điều này giúp bạn trân trọng những cố gắng của bản thân đồng thời giúp bạn không bị nản chí trên hành trình học tiếng Anh của mình. Vì vậy, luôn cần có sự kết nối với bản thân, đo lường việc học bằng việc soi chiếu bản thân trong quá trình học (nên viết nhật ký học tập theo tuần, tháng, năm) để nhìn lại những thay đổi, tiến bộ của mình.
Ngoài ra, để có thể thực hành tiếng Anh hàng ngày bạn không nên lo lắng, sợ hãi quá mức việc mình mắc lỗi hay sợ sai không dám nói, không dám giao tiếp, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo…Hãy cứ mạnh dạn giao tiếp, sử dụng nó và dần rút ra những lỗi sai để sửa. Có như vậy bạn mới ngày càng tiến bộ được.
Chúc các bạn thành công trên hành trình học tiếng Anh của mình!
kỹ năng mềm
Bài viết rất bổ ích, Cô ạ.
Nguyenphuhoang Nam
Bài viết rất bổ ích, Cô ạ.
Thúy Hạnh
Đúng là phải kiên trì thì mới có được quả ngọt!
Huy Hoàng
Thật sự không phải ai cũng có thể có được quyết tâm như chị
Nhiên Ngọc Huyền
Mình cũng rất muốn cải thiện kỹ năng học tiếng Anh nhưng lười thật sự :((
Vũ Trần Kim Nhã
Ôi hâm mộ nỗ lực tiếng Anh của chị quá.