Tìm hiểu về ngữ định danh: Nêu khái niệm, đặc điểm của các ngữ định danh và nêu ví dụ?
kiến thức chung
Ngữ định danh là: Những cụm từ biểu thị các sự vật, hiện tượng hay khái niệm nào đó của thực tế. Nó bao gồm những cụm từ thường được gọi là từ ghép như: xe đạp, máy tiện, cá vàng, cà chua, áo dài,… và những cụm từ thường được gọi là ngữ cố định như: đường đồng mức, phương nằm ngang, máy hơi nước,… ( theo Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học Tiếng Việt, trang 70. NXB Giáo dục Việt Nam).
Ngữ định danh được chia ra làm hai loại là Ngữ định danh hòa kết và Ngữ định danh hợp kết. Đặc điểm của 2 ngữ định danh này và ví dụ tương ứng là:
- Ngữ định danh hòa kết là: Những cụm từ mà ý nghĩa của chúng không thể phân tích thành các yếu tố nghĩa tương ứng với ý nghĩa của các bộ phận tạo thành ( theo Nguyễn Thiện Giáp , Từ Vựng Học Tiếng Việt, trang 73. NXB Giáo dục Việt Nam). Như vậy, ta có thể thấy, đặc điểm của ngữ định danh hòa kết là :
+ Về mặt ý nghĩa: các bộ phận cấu thành của ngữ định danh hòa kết đã mất tính độc lập, hòa lẫn với nhau để cùng biểu thị một khái niệm. Ví dụ: bánh xèo, bánh bao,bánh chưng, cây cối …
+ Ở ngữ định danh hòa kết, đối tượng cần được gọi tên đã nhận tên gọi của một đối tượng khác. Do đó những nét nghĩa dùng làm cơ sở của tên gọi không phản ánh những thuộc tính của đối tượng mới này, Ví dụ: Anh hùng bàn phím, sửu nhi,…
- Ngữ định danh hợp kết là: những cụm từ của chúng có thể phân tích thành những yếu tố nghĩa tương ứng với ý nghĩa của từng bộ phận tạo thành. Nói cách khác, ngữ định danh hợp kết được dẫn xuất từ ý nghĩa của các thành tố cấu tạo nên nó (theo Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học Tiếng Việt, trang 70. NXB Giáo dục Việt Nam). Nó trực tiếp phản ánh những thuộc tính của đối tượng trong cấu trúc ý nghĩa của mình. Ví dụ: đèn bàn, máy tính xách tay, bàn thờ, …
Nội dung liên quan
Hồng Gia Vy