Tìm hiểu về Ngũ Ấm

  1. Phong cách sống

BỐN LOẠI MA (bài 2): NGŨ ẤM MA

#4loạima, #ngũấmma

"Loại thứ hai là “Ấm Ma, vị Ngũ Ấm thân, cộng tương tồi diệt” (Ấm Ma, tức là thân Ngũ Ấm, hủy diệt lẫn nhau), loại này cũng ở trong thân thể của chính mình. Ngũ Ấm là gì? Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, nói đúng ra là thân thể hiện tiền của chúng ta.

Nhục thân này là sắc pháp, Sắc là nói tới vật chất. Nay chúng ta gọi Sắc là vật chất, nhục thân này là vật chất. Con người ngoại trừ thân thể, còn có tinh thần. Vật chất và tinh thần hòa hợp thành thân thể này. Tinh thần là gì? Thọ, Tưởng, Hành, Thức, nói đến bốn chữ ấy!

Thọ (受) là gì? Quý vị có cảm nhận. Người ta khen ngợi quý vị, quý vị vui vẻ, sự vui vẻ ấy là Thọ. Khi người ta chửi quý vị, quý vị nổi cáu, đó cũng là Thọ. Thọ là nói đến sự cảm nhận.

Tưởng (想): Sau khi quý vị đã Thọ bèn có vọng tưởng. Vọng tưởng không ngừng, kể cả lúc ngủ vẫn chẳng ngưng dứt, ngủ thì như thế nào? Quý vị nằm mộng. Mộng do đâu mà có? Mộng do vọng tưởng sanh ra. Nếu chẳng có vọng tưởng, lấy đâu ra mộng? Người thiện tâm thường gặp mộng đẹp, nằm mơ những chuyện tốt lành. Kẻ làm chuyện ác, sẽ gặp ác mộng. Tuy những thứ ấy chẳng thật, khi tỉnh giấc chỉ là một giấc mộng, nhưng trong khi nằm mộng, quý vị có cảm nhận, cũng có thể khiến cho quý vị mừng, giận, buồn, vui. Mộng cảnh cũng có thể dẫn phát toàn là phiền não.

Chữ thứ ba là Hành (行), Hành là gì? Hành là chẳng trụ, chẳng ngừng. Rõ rệt nhất là mỗi người chúng ta từ sanh ra cho đến chết đều chẳng ngừng, tinh tấn nhất, chẳng ngừng khắc nào, mỗi ngày càng tiến gần tử vong, có sanh ắt có tử. Không phải là mỗi ngày, mà là mỗi phút, mỗi giây, mỗi giây đều chẳng chịu ngừng, đi đến đâu? Điểm kết thúc cuối cùng của sự hạ sanh là phần mộ. Chẳng có ngoại lệ! Ai nấy đều đi theo con đường ấy! Có người hai, ba mươi năm đã đến, cũng có người năm, sáu mươi năm mới đến, trường thọ một chút thì tám, chín mươi tuổi mới tới, chung quy đều phải đến trạm cuối cùng! Nếu nghĩ đến chân tướng sự thật này, đối với pháp thế gian, quý vị sẽ tâm tình nguội lạnh. Tìm đến tôn giáo, tôn giáo nói có thiên đường. Y Tư Lan Giáo nói có “thiên viên”[1], quý vị rất hâm mộ, [thiên đường] tốt đẹp hơn thế gian này của chúng ta, có thật hay không? Thưa chư vị, thật sự có, chẳng giả tí nào. Vì sao? Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng, thiên viên do tâm tưởng của quý vị sanh ra, nên có thật. Giống như trong thế giới hiện tiền này, thế giới hiện tiền cũng sanh từ tâm tưởng của chúng ta. Vì sao hiện thời thế giới này hỗn loạn, lắm tai nạn như thế? Do tâm tưởng của chúng ta bất thiện, toàn là nghĩ tới tham, sân, si mạn, nghi, toàn nghĩ tới Ngũ Dục, Lục Trần, phản ứng là trạng huống hiện tiền, chúng ta hiểu rất rõ ràng, minh bạch.

Nếu quý vị khởi tâm động niệm, trong tâm nghĩ tới nhân nghĩa, đạo đức, lễ nghĩa, liêm sỉ, có những suy nghĩ tốt đẹp ấy, nghĩ tới quốc thái dân an, tai nạn tiêu tan, phước đức đưa đến, thế giới này sẽ biến thành thế giới Cực Lạc, sẽ biến thành thiên đường. Chúng ta phải nhớ kỹ câu kim ngọc lương ngôn sau đây của đức Phật, đó là chân lý: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, trong tâm quý vị nghĩ gì, sẽ hiện ra điều ấy. Nghĩ tới Phật, cảnh giới Phật hiện tiền; nghĩ tới Bồ Tát, cảnh giới Bồ Tát hiện tiền. Con người hiện thời ý niệm chẳng tốt lắm, nghĩ tới gì? Họ nghĩ tới tham, sân, si. Tham, sân, si biến hiện điều gì? Nếu một người niệm niệm đều là tham lam, trong tương lai kẻ ấy sẽ ở trong ngạ quỷ đạo, kẻ ấy vào trong quỷ đạo. Niệm niệm nghĩ tới sân khuể, mỗi ngày suy tính dùng phương pháp gì để chỉnh hoặc hại kẻ khác, kẻ ấy trong tương lai đi vào địa ngục đạo. Thiên đường và địa ngục đều do con người tưởng ra, chẳng có ai kiến tạo. Bởi thế, tôn giáo bèn nói: “Thiện nhân có thiện quả, ác nhân có ác báo”.

Điều cuối cùng trong Ngũ Ấm là Thức (識), Thức là gì? Thức là A Lại Da Thức. Theo kinh Phật, Hành được gọi là Mạt Na Thức, Tưởng là thức thứ sáu, Thọ là năm thức trước. Thức thứ tám được gọi là A Lại Da. A Lại Da cũng là một cái kho, nên gọi là Tạng Thức, giống như chữ Tạng (藏) trong Tây Tạng (西藏), có nghĩa là cất giấu, giống như một cái kho. Mỗi cá nhân chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác, những nghiệp quý vị đã tạo đều chứa trong cái kho tư liệu ấy, đều được bảo tồn trong thức ấy vô cùng đầy đủ, tuyệt đối chẳng bị tổn hoại, hễ gặp duyên, nó sẽ khởi hiện hành. Vì thế, chúng ta có thể nhớ rõ những chuyện đã từng trải qua, là do có một kho tư liệu như thế. Hiện thời, chúng ta tập khí phiền não quá nặng, chẳng thể tùy ý lấy tài liệu từ trong kho tư liệu ra, có những thứ chúng ta chẳng thể rút ra được. Nếu chúng ta có công phu định lực, chẳng cần trí huệ, công phu định lực càng sâu, quý vị có thể thấy tư liệu trong A Lại Da càng nhiều. Thấy quá khứ, mà cũng có thể thấy vị lai, vì sao? Có thể nghĩ tới vị lai! Năm sau còn chưa tới, nhưng ta đã dấy vọng tưởng nghĩ năm sau sẽ như thế nào, trong kho tư liệu đã có những thứ của năm sau.

Đó là một cái kho lớn, những thứ trong ấy rất phong phú, toàn bộ các nghiệp đã tạo trong đời đời kiếp kiếp từ vô lượng kiếp đến nay đều tồn trữ trong ấy. Những thứ ấy, khi đã thành Phật, nó sẽ có tác dụng to lớn, chuyển A Lại Da thành Đại Viên Kính Trí. Đại Viên Kính Trí là gì? Không gì chẳng biết, nói đúng ra là tất cả tư liệu trong đời đời kiếp kiếp. Không chỉ là tư liệu của chính mình, mà tư liệu trong kho tư liệu của người khác ta cũng có thể mượn dùng, chẳng có chút chướng ngại nào, thông suốt! Giống như nối vào mạng Internet hiện thời, mảy may chướng ngại đều chẳng có. Đối với kho tư liệu của Thích Ca Mâu Ni Phật, quý vị cũng có thể rút ra, giống như của chính mình vậy!

Thọ, Tưởng, Hành, Thức là tinh thần, Sắc là vật chất, những thứ này nếu chẳng tiếp nhận giáo huấn của thánh hiền sẽ tạo nghiệp, thân tạo nghiệp, Thọ, Tưởng, Hành, Thức càng có thể tạo nghiệp. Vì sao? Đối với Lạc Thọ bèn tham ái, đối với Khổ Thọ bèn oán hận. Quý vị thấy tham ái sẽ đi vào ngạ quỷ đạo, oán hận bèn vào địa ngục đạo. Tuy bản thân Tưởng chẳng tạo nghiệp, nhưng Thọ và Sắc tạo nghiệp, vì sao? Chúng nghe theo sự chỉ huy của Tưởng. Hành vô cùng chấp trước, chấp trước Ngã kiên cố. Do vậy, trong giáo pháp Đại Thừa đã nói tứ đại phiền não thường đi theo Hành, nó cũng là Ngã Chấp, lại còn là tham, sân, si, ngã ái, ngã mạn, ngã si. Mạn là sân khuể, là phiền não bẩm sanh. Thân chúng ta hiện thời là thân Ngũ Ấm, “cộng tương tồi diệt” (hủy diệt lẫn nhau). “Cộng tương tồi diệt” đặc biệt nói về sanh, lão, bệnh, tử, đó là tướng hủy diệt. Nếu chúng ta chú tâm quan sát xã hội hiện tại, sẽ thấy tham, sân, si, mạn chẳng có chừng hạn, mặc sức tạo tác, kết thành quả báo trong đời này như quý vị đã thấy, ba bốn chục tuổi đã chẳng còn mạng nữa. Chúng ta tin tưởng thọ mạng của kẻ ấy không chỉ là ba, bốn mươi tuổi, phải nên là sáu, bảy mươi tuổi, vì sao ba, bốn mươi tuổi mà đã chết mất rồi? Chính mình hủy hoại, phá hư chính mình, trong xã hội hiện thời, hiện tượng ấy quá nhiều."

Trích từ bài giảng Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 105 do pháp sư Tịnh Không chủ giảng.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Từ khóa: 

buồn

,

phong cách sống