Tìm hiểu về ngày lễ Halloween
Hàng năm, vào cuối tháng 10, đặc biệt là ở những quốc gia Âu-Mỹ, chúng ta lại thấy trẻ em đổ ra đường, trong những trang phục kỳ lạ và cổ quái, gõ cửa từ nhà này đến nhà khác để xin bánh, kẹo. Người người nhà nhà rủ nhau tham dự những bữa tiệc cải trang (costume parties), đốt đèn bí ngô, đốt lửa trại và cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện kinh dị - họ đang cùng nhau thưởng thức lễ hội Halloween.
Nhiều nghiên cứu cho biết, lễ hội Halloween, diễn ra vào ngày 31/10 hàng năm, là lễ hội mà người dân bỏ ra nhiều tiền chỉ sau ngày lễ Giáng Sinh (Christmas Eve). Thế nhưng, bạn có biết, lễ hội Halloween đã có lịch sử va nguồn gốc từ rất lâu đời?
Vậy, nguồn gốc của lễ hội Halloween là gì? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Nguồn: Terminal Palace
Nguồn gốc của ngày lễ Halloween
Lễ hội Halloween có nguồn gốc từ lễ hội Samhain (có nghĩa là Tháng 11 trong ngôn ngữ của người Ireland) của dân tộc Celt, một tộc người sống vào thời điểm cách đây 2.000 năm, tại khu vực Ireland, Anh, và miền Bắc nước Pháp ngày nay.
Lễ hội Samhain thường được bắt đầu vào buổi tối ngày 31/10 và kéo dài đến tối ngày 1/11 hàng năm, với mục đích tôn thờ và vinh danh các thần thánh và những người đã khuất. Bởi vậy nên lễ hội Halloween vào thời điểm đó được gọi là đêm trước ngày lễ các Thánh (All Hallow's Eve).
Vào ngày này, người Celt tin là cánh cửa ngăn cách giữa hai cõi giới âm-dương sẽ được mở ra, và các vong hồn và âm binh ác quỷ có thể xâm nhập vào thế giới của của người. Các vong hồn và âm binh này có thể giúp các pháp sư đưa ra các tiên đoán về tương lai.
Vào thời đó, con người vẫn còn thiếu hiểu biết về khí tượng và thiên văn, nên thường phải phụ thuộc vào lời tiên tri của các pháp sư để tránh đói, tránh rét. Vì lý do này, động vật thường sẽ bị đem hỏa thiêu và trở thành vật tế các thánh thần, và người dân sẽ mặc lên mình những bộ da và đầu lâu của động vật trong suốt lễ hội.
Người Celt hỏa thiêu trâu bò để làm vật tế Halloween. Nguồn: Chief Writing Wolf
Trò chơi "ăn táo nổi" (apple bobbing)
Khi lãnh thổ của người Celt bị đế quốc La Mã (Roman) xâm lược, người La Mã đã sáp nhập lễ hội Feralia (một ngày lễ diễn ra cũng vào tháng 10, với mục đích tưởng niệm những người đã khuất) của họ với lễ hội Samhain của người Celt.
Một lễ hội khác của người La Mã đã được sáp nhập với Samhain và Feralia là lễ hội thờ thần Pomona - nữ thần trái cây. Đó là lý do tại sao vào các dịp Halloween, các cô gái trẻ thường tụ tập thành nhóm và chơi trò ăn táo nổi (apple bobbing), để dự đoán về đám cưới trong tương lai của mình.
Người dân cùng tham gia chơi apple bobbing. Nguồn: Vinton County, Jackson
Trò chơi "cho kẹo hay bị ghẹo" (trick or treat)
Về sau, lễ hội Samhain tiếp tục được sáp nhập vào ngày lễ vong hồn (All Souls' Day) của Cơ Đốc Giáo (Christianity), diễn ra vào ngày 2/11 hàng năm. Vào ngày này, ngoài việc thờ cúng và tưởng nhớ những người đã khuất, người nghèo từ khắp nơi sẽ đến gõ cửa và xin bánh ngọt, thường được gọi là bánh ngọt cho tâm hồn (soul's cake), từ những gia đình khá giả ở trong khu vực.
Phong tục này theo thời gian đã dần trở thành trò chơi mà ngày nay chúng ta hay gọi là cho kẹo hay bị ghẹo (trick or treat), khi trẻ con trong khu vực đi từ nhà này đến nhà khác và gõ cửa để xin bánh kẹo.
Trò chơi trick-or-treat nổi tiếng. Nguồn: Cincinnati Parent
Nguồn gốc của cái tên "Halloween"
Thời điểm khi mới được tiếp nhận vào Cơ Đốc Giáo, lễ hội Halloween đã được gọi là Hallomass. Trong đó, "hallo" có nghĩa là thánh thần, còn "mass" có thể được hiểu là nhiều, những, các, với số lượng nhiều hơn 1. Vậy "hallomass" được dịch ra là các thánh thần. Về sau này Hallomass đã được đổi thành All Hallow's Eve, như đã đề cập ở các phần trên, và sau đó thành Halloween.
Ngày lễ Halloween đã du nhập sang Mỹ và toàn thế giới như thế nào?
Vào nửa sau thế kỉ thứ 19, thời kì giữa năm 1845 và 1852, người dân quốc đảo Ireland đã phải gánh chịu một trận hạn hán nặng nề, còn được gọi là The Great Famine. Việc này đã khiến cho rất nhiều công dân của quốc gia này phải di cư sang Mỹ, và mang theo nền văn hóa cùng những phong tục tập quán của họ.
Vào đầu thế kỉ thứ 20, sau khi đã du nhập vào Mỹ, lễ hội Halloween ngày càng trở thành một lễ hội mang tính giải trí và kết nối cộng đồng, và ngày càng mất đi ý nghĩa tâm linh và tôn giáo vốn có của nó. Như đã đề cập, Halloween giờ đây đã trở thành một trong những ngày lễ được người dân chi tiền nhiều nhất, chỉ sau lễ Giáng Sinh. Được biết, mỗi năm người dân Mỹ chi khoảng 6 tỉ đô la trong dịp lễ này.
Lễ hội Halloween ngày nay. Nguồn: Xclusivetouch
Phong tục khắc hình mặt ma quỷ lên những quả bí ngô (pumpkin) vào ngày lễ Halloween
Chi tiết cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng mà bài viết này sẽ đề cập đến về ngày lễ Halloween chính là những quả bí ngô được khắc hình mặt người. Một phần lý do của việc này là bởi vì bí ngô thường được gặt nhiều vào thời điểm tháng 10 trong năm. Ngoài ra, nguồn gốc của phong tục này thường được người ta giải thích theo 2 cách:
1/ Vì ngày lễ Halloween thuở ban đầu được tạo ra để người Celt tôn thờ các thần thánh và xua đuổi ma quỷ, nên người ta thường khắc hình mặt ma quỷ lên trên những quả bí ngô, và đốt nến bên trong những quả bí ngô này. Ý nghĩa của việc này là những ngọn nến sẽ giúp dẫn lối cho ma quỷ về lại với thế giới của chúng, và không quấy phá con người.
Bí ngô Halloween. Nguồn: br.freepik.com
2/ Cách giải thích thứ hai là, ngày xửa ngày xưa, ở xứ Ireland có một gã đàn ông được gọi là Jack Keo Kiệt (Stingy Jack), vì ông ta rất bủn xỉn và lắm trò, hay bịp bợm mọi người.
Một hôm, ông ta rủ Quỷ Vương (Devil) đi "nhậu", và cùng hắn chơi một trò cá cược: nếu Quỷ Vương chịu chi tiền cho cuộc nhậu, hắn sẽ có quyền tước đoạt linh hồn của Jack. Quỷ Vương ngay sau đó liền tự biến hình thành một đồng tiền vàng, để trả cho chủ quán, thế nhưng ngay lập tức, Jack chộp lấy đồng tiền và bỏ vào trong túi áo hắn, cùng với một cây thánh giá nhỏ. Thế là Quỷ Vương không biến hình trở lại được nữa, hắn ta vĩnh viễn sẽ mang hình hài của một đồng tiền.
Jack Keo Kiệt rủ Quỷ Vương đi nhậu. Nguồn: The Courier
Sau đó, Jack nói với Quỷ Vương: "Ta sẽ để ông biến hình trở lại, với điều kiện ông không bao giờ được tước đoạt linh hồn của ta", Quỷ Vương nghe xong liền đồng ý. Sau này khi chết đi, linh hồn của Jack khi đi lên Thiên Đàng đã bị Thượng Đế từ chối không cho vào, vì Jack đã sống một cuộc đời quá bê tha và keo kiệt. Cùng đường, hắn mò đến Địa Ngục, nhưng tại đây hắn cũng bị xua đuổi bởi Quỷ Vương, vì Quỷ Vương vẫn còn nhớ lời hứa năm xưa.
Thế là Jack vĩnh viễn bị kẹt lại ở cõi trần, trở thành một vong hồn lạc lối. Vậy nên trong phong tục Halloween sau này, người ta mới đốt nến trong những quả bí ngô để soi sáng dẫn lối cho Jack.
Lời Kết
Như đã nói, ngày lễ Halloween vốn là một ngày lễ mang ý nghĩa tâm linh nhưng dần đã trở thành một dịp để người ta gặp gỡ nhau và giải trí, tiệc tùng. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đọc sẽ có một cái nhìn sâu sắc hơn về ngày lễ Halloween, để có thể hưởng ứng và thưởng thức nó một cách trọn vẹn hơn.
Nguồn:
halloween
,lễ hội halloween
,ngày lễ halloween
,văn hóa
Bài viết thật chi tiết và đầy đủ. Cảm ơn bạn đã chia sẻ nhé
Đặng Nhi
Bài viết thật chi tiết và đầy đủ. Cảm ơn bạn đã chia sẻ nhé