Tìm hiểu chủ nghĩa hiện thực
kiến thức chung
Chủ nghĩa hiện thực, bên cạnh chủ nghĩa tự do, là một trong hai trường phái lý thuyết quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế, được hình thành từ lâu đời và có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tư duy hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia. Mặc dù có nhiều phân nhánh khác nhau, nhìn chung các nhà hiện thực chia sẻ các giả định chủ yếu sau:
Chủ thể chính trong hệ thống quốc tế là các quốc gia – dân tộc có chủ quyền trong khi các chủ thể khác như các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các công ty đa quốc gia, các nhóm hay các cá nhân không có vai trò đáng kể. Về bản chất, hệ thống quan hệ quốc tế là một hệ thống vô chính phủ, không tồn tại một quyền lực đứng trên các quốc gia nhằm điều chỉnh và quản lý mối quan hệ giữa họ với nhau.
Chính vì vậy mục tiêu của các quốc gia là tìm cách nâng cao quyền lực nhằm tự đảm bảo an ninh và sự tồn tại của mình trong hệ thống thông qua việc cố gắng giành được càng nhiều nguồn lực càng tốt. Điều này dẫn tới việc các quốc gia luôn ở trong thế cạnh tranh và đối đầu lẫn nhau (trong nhiều trường hợp dưới hình thức chiến tranh, xung đột vũ trang) nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia dưới dạng quyền lực, khiến cho các quốc gia không thể duy trì việc hợp tác một cách lâu dài. Có thể thấy đa phần các giả định này đều trái ngược với các giả định của chủ nghĩa tự do.
Tình trạng vô chính phủ
Trong phạm vi một quốc gia, nhà nước – với quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp -giữ nhiệm vụ ban hành luật pháp, chế tài người vi phạm nhằm đảm bảo an ninh, trật tự của xã hội. Tuy nhiên trong hệ thống quốc tế, một thiết chế đảm bảo các chức năng như nhà nước của các quốc gia không tồn tại. An ninh và sự sống còn của mỗi quốc gia do họ tự bảo đảm, tùy thuộc vào sức mạnh nội tại hay các liên minh quân sự với đồng minh. Tình trạng thiếu vắng một siêu chính phủ đứng trên các quốc gia trong quan hệ quốc tế được gọi là tình trạng vô chính phủ.
Xét chiều dài lịch sử, quan điểm đề cao quyền lực như một mục đích mà mọi quốc gia muốn đạt đến không mới. Chúng ta có thể bắt gặp những luận điểm tương tự trong các tác phẩm nổi tiếng của các học giả từ Châu Âu sang Châu Á, nổi bật là Thucydides, Machiavelli, Thomas Hobbes hay Hàn Phi Tử. Tuy nhiên điều làm cho chủ nghĩa hiện thực trở thành một lý thuyết được giới học giả đặc biệt quan tâm là hệ quả của hai cuộc chiến tranh thế giới diễn ra cách nhau chưa đến 25 năm trong nửa đầu thế kỷ 20. Hai cuộc chiến này làm phá sản kỳ vọng tiến tới một thể chế chính phủ toàn cầu và một nền “hòa bình vĩnh cửu” mà các nhà lý tưởng mong muốn.
Trong tác phẩm nổi tiếng của mình Chính trị giữa các quốc gia: Cuộc đấu tranh vì quyền lực và hòa bình(Politics Among Nations: The Struggle for Power and Peace), tác giả Hans Morgenthaus lập luận rằng: các nhà lý tưởng đã đi quá xa khi tin vào một thế giới hòa bình, bình đẳng được xây dựng bằng thể chế hay các tổ chức quốc tế mà bỏ quên yếu tố quyền lực. Theo Morgenthaus, một sự thật có vẻ trần trụi nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích các sự kiện xảy ra trên sân khấu chính trị thế giới chính là yếu tố quyền lực và cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia nhằm theo đuổi mục tiêu này.
Quyền lực trong góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực không chỉ là phương tiện để các quốc gia đạt đến các mục tiêu của mình, mà tự nó cũng chính là một mục tiêu, thông qua hai giả định. Thứ nhất, quyền lực là động lực cho các chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Câu hỏi tại sao quốc gia lựa chọn chính sách A hay chính sách B, chỉ có thể được giải thích bằng lăng kính quyền lực. Morgenthaus trả lời bằng một câu được xem như nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực: “Chính trị thế giới, giống như tất cả hình thái chính trị khác, là cuộc chiến để đạt quyền lực. Mục đích cuối cùng của chính trị quốc tế, dù nằm ở đâu cũng là quyền lực”.
Thứ hai, quyền lực được định nghĩa là khả năng ảnh hưởng và thay đổi hành vi của các quốc gia hay tổ chức khác theo lợi ích của mình. Nói một cách khác, cuộc chiến giành quyền lực có thể hiểu là cuộc chiến nhằm giành khả năng gây ảnh hưởng đối với hành vi và suy nghĩ của các quốc gia khác. Theo Morgenthaus, đây là một đặc tính bất biến của chính trị quốc tế. Trong một thế giới vô chính phủ, mục tiêu của mỗi quốc gia là trang bị cho mình càng nhiều quyền lực càng tốt để đảm bảo an ninh và sinh tồn. Tuy nhiên cuộc chạy đua tranh giành quyền lực dẫn tới việc các quốc gia đối mặt với một “thế lưỡng nan về an ninh”. Theo đó, khi một quốc gia càng tìm cách nâng cao quyền lực của mình thì càng làm cho các quốc gia khác bất an, buộc các quốc gia thường xuyên phải chạy đua nâng cao quyền lực của mình nhằm đảm bảo an ninh của mình không bị đe dọa.
Kể từ khi ra đời, chủ nghĩa hiện thực đã có các bước phát triển với nhiều bổ sung khác nhau. Hiện nay, chủ nghĩa hiện thực được chia làm hai phân nhánh chính, đó là chủ nghĩa hiện thực cổ điển (classical realism) và chủ nghĩa tân hiện thực (neo-realism), hay còn gọi là chủ nghĩa hiện thực cấu trúc (structural realism).
Chủ nghĩa hiện thực cổ điển
Cũng cho rằng các quốc gia luôn tìm cách theo đuổi quyền lực nhưng chủ nghĩa hiện thực cổ điểncho rằng chính bản chất ích kỷ, ham muốn quyền lực của con người đã khiến các quốc gia và các cá nhân đặt lợi ích dưới dạng quyền lực lên trên các giá trị khác. Nói cách khác, chủ nghĩa hiện thực cổ điển nhấn mạnh cấp độ phân tích cá nhân trong chính trị quốc tế. Theo đó, Hans Morgenthaus, một trong những học giả chủ chốt của tư tưởng hiện thực cổ điển nhận xét rằng con người, tự bản thân nó, là con người của quyền lực, thể hiện qua việc chiếm đoạt hay tích lũy các nguồn lực để đạt đến mục đích cá nhân của mình. Dưới góc nhìn xã hội học, xu hướng theo đuổi quyền lực là nguyên tắc có thể tìm thấy trong mọi kết cấu tổ chức giữa người với người: từ nhà thờ cho tới các hội đoàn. Nơi nào có các nhóm liên kết giữa các cá nhân thì nơi đó xuất hiện các cuộc chiến giành quyền lực. Vì vậy, các quốc gia theo đuổi quyền lực và chiến tranh xảy ra giữa các quốc gia bắt nguồn từ bản chất ích kỷ, ham muốn quyền lực của con người, đặc biệt là cá nhân các nhà lãnh đạo.
Chủ nghĩa tân hiện thực
Khác với chủ nghĩa hiện thực cổ điển nhấn mạnh cấp độ phân tích cá nhân, chủ nghĩa tân hiện thực nhấn mạnh cấp độ phân tích hệ thống quốc tế khi phân tích nguyên nhân các quốc gia tìm cách theo đuổi quyền lực. Theo đó, các nhà tân hiện thực cho rằng trong một hệ thống vô chính phủ, sự phân bổ quyền lực tương đối giữa các quốc gia trong hệ thống chính là yếu tố then chốt đối với an ninh của mỗi quốc gia. Vì thế các quốc gia tìm cách nâng cao quyền lực, vì càng có nhiều quyền lực thì vị trí của nước đó trong hệ thống thế giới càng cao và an ninh của quốc gia đó càng được đảm bảo.
Mặt khác các quốc gia cũng tìm cách cân bằng quyền lực với những quốc gia mạnh hơn nhằm giảm thiểu sự chênh lệch về quyền lực, đồng nghĩa với giảm thiểu các đe dọa về an ninh. Theo các nhà tân hiện thực, chiến tranh giữa các quốc gia xảy ra bắt nguồn từ cuộc chạy đua nhằm nâng cao quyền lực tương đối của mỗi quốc gia so với các quốc gia khác trong hệ thốngchứ không phải do những khiếm khuyết trong bản chất con người như những lập luận của chủ nghĩa hiện thực cổ điển. Do nhấn mạnh tác động của bản chất hệ thống quốc tế đối với chính sách theo đuổi quyền lực của các quốc gia nên chủ nghĩa tân hiện thực còn được gọi là chủ nghĩa hiện thực cấu trúc.
Trong chủ nghĩa tân hiện thực, câu hỏi về giới hạn mục tiêu theo đuổi quyền lực được trả lời khác nhau. Phái “hiện thực phòng thủ” (defensive realism) lập luận rằng các quốc gia dù theo đuổi quyền lực nhưng chỉ ở mức độ tối thiểu, nhằm đảm bảo nhu cầu tồn tại. Nói cách khác, quyền lực chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục đích cuối cùng của các quốc gia. Hơn nữa, việc có quá nhiều quyền lực sẽ gây ra phản ứng phụ là việc các quốc gia đối thủ sẽ nỗ lực cân bằng quyền lựcthông qua chạy đua vũ trang hay thiết lập hoặc gia nhập các liên minh quân sự đối địch, khiến cho an ninh của quốc gia có quyền lực gia tăng quá nhiều cũng bị đe dọa.
Trong khi đó, trường phái “hiện thực tấn công” (offensive realism)cho rằng quyền lực không có giới hạn và các quốc gia cần đạt được càng nhiều quyền lực càng tốt nhằm đảm bảo an ninh và chiếm thế áp đảo so với các quốc gia khác trong hệ thống. John Mearsheimer là đại diện nổi tiếng nhất của trường phái này. Theo Mearsheimer, quốc gia chỉ có thể đảm bảo an ninh và lợi ích một cách hiệu quả nhất nếu trở thành nước mạnh nhất trong hệ thống quốc tế hay khu vực. Ông sử dụng khái niệm “bá quyền khu vực” để diễn tả lập luận này. Theo cách nhìn trên, thì với sức mạnh đang lên, không một quốc gia náo chấp nhận làm một cường quốc nguyên trạng (status quo power) mà sẽ cố gắng thay đổi trật tự quốc tế hiện hữu để trở thành bá quyền trong khu vực. Quan điểm này khiến Mearsheimer thành một lý thuyết gia đại diện cho trường phái bi quan về sự trỗi dậy của các cường quốc, đặc biệt là với trường hợp sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Chủ nghĩa tân hiện thực đã mở ra một góc nhìn mới trong khung lý thuyết phân tích chính trị quốc tế và đã trở thành một trong những lý thuyết được bàn luận, bổ sung, mở rộng và phê bình sôi nổi nhất trong hơn ba thập niên qua. Ví dụ, một số học giả cho rằng cân bằng quyền lực không phải là chính sách thường gặp trong trường hợp các nước đối đầu với một quyền lực đang lên. Stephen Walt lập luận rằng chính sách cân bằng thật ra bắt nguồn từ một nguyên nhân khác, đó là sự sợ hãi. Các quốc gia có xu hướng cân bằng lại những nước mà họ cảm thấy gây nên mối đe dọa với mình, hơn là cân bằng lại một nước sở hữu sức mạnh vượt trội hơn. Lập này còn được biết tới với tên gọi thuyết cân bằng mối đe dọa (balance of threats), tương phản với thuyết cân bằng quyền lực. Ngoài ra, đối với một số học giả như Randall Schweller, thì cân bằng quyền lực không phải là lựa chọn thường gặp nhất. Đối đầu với một nước lớn, các nước nhỏ thường theo đuổi chính sách phù thịnh (bandwagon) để được hưởng lợi ích và đảm bảo không bị nước lớn tấn công.
Mặc dù có một lịch sử lâu đời với mức độ ảnh hưởng sâu rộng trong chính trị quốc tế, ngày ngay không ít học giả cho rằng chủ nghĩa hiện thực không còn là một lý thuyết phù hợp nhằm giải thích các hiện tượng chính trị quốc tế khi mà quá trình toàn cầu hóa đang làm thế giới nhỏ lại, tình trạng phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Theo đó, các quốc gia có xu hướng tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực và số lượng các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia ngày càng giảm xuống.
Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng cần chờ thêm nhiều thời gian nữa trước khi có thể đi đến kết luận rằng chủ nghĩa hiện thực không còn phù hợp đối với việc giải thích chính trị quốc tế. Một mặt trong lịch sử chủ nghĩa hiện thực đã từng thể hiện khả năng tự điều chỉnh mạnh mẽđể duy trì sức sống của mình với ví dụ điển hình là sự xuất hiện của chủ nghĩa tân hiện thực. Mặt khác, bên cạnh xu hướng hợp tác, các quốc gia ngày nay vẫn tiếp tục duy trì chính sách chính trị quyền lực, thể hiện ở việc không ngừng nâng cao sức mạnh toàn diện của mình, mà một ví dụ gần đây là trường hợp trỗi dậy của Trung Quốc đi kèm với các tác động của nó đối với tình hình chính trị an ninh khu vực và toàn cầu.
Nội dung liên quan
Tấn Thụy Mẫn