Tiếng Việt yêu thương
Đối với tiếng Việt thì suy nghĩ của mình giống bài "Tình ca" của Phạm Duy:
"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi"
Chúng ta chỉ dừng ở mức độ biết dùng tiếng Việt thôi chứ chưa thành thạo đâu. Tiếng Việt rất giàu và đẹp. Gặp vào tay các bậc thầy như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử,... thì tiếng Việt trở nên biến hoá muôn màu, rực rỡ lung linh, thành các tác phẩm nghệ thuật. Tại sao không là "chuông gọi hồn ai" mà lại là "chuông nguyện hồn ai"? Tại sao không phải "đường đến Vạn Kiếp" mà lại là "nẻo về Vạn Kiếp"? Chỉ có những người thợ kim hoàn tiếng Việt, nhạy cảm, trân trọng và yêu thương tiếng Việt mới làm được như vậy.
Như một câu văn của Tô Hoài ta đọc lên thấy như tranh vẽ:
"Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng - những màu vàng rất khác nhau. Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra trông thấy trời có vàng hơn thường khi. Lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm, không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng xẫm. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối đốm quả chín vàng. Những tàu lá chuối vàng ối xõa như những đuôi áo, vạt áo."
Hoặc như thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu viết về đêm mưa Hà Trung, hình ảnh cứ như hiện ra sống động trước mắt:
"Sóng trào gió rét nghĩ mà kinh
Mù tỏa dần tan mây trắng xanh
Bến cũ đèn chài thấp thoáng điểm
Mưa buồn lữ khách lắng thâu canh
Phật kinh không vẳng dư âm khánh
Quê cũ ai hay nỗi nhớ mình
Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh
Muốn vẽ mà sao vẽ chẳng thành"
Nói chung tiếng Việt hay lắm, nếu bạn chịu để ý và chịu học.