Tiếng rao gánh hàng rong - Nét đẹp văn hóa âm nhạc dân gian

  1. Văn hóa

Xã hội hiện đại ngày càng phát triển, đời sống văn minh nhưng cũng là nguyên nhân một số giá trị văn hóa dân gian xưa quý bị mai một. Trong các phóng sự, phim tài liệu trên vô tuyến thời gian gần đây, có thể bắt gặp những khu nhà khang trang, mới được xây dựng theo lối hiện đại. Những khu chợ, hẻm hay ngõ nhỏ dần vắng bóng do bị giải tỏa để xây trung tâm thương mại và khách sạn, quy hoạch lại diện mạo thành phố. Tiếng rao gánh hàng rong cùng với đó cũng trở thành một thứ để hoài niệm trong quá khứ, cái mà được coi là một phần của văn hóa âm nhạc dân gian. 

Hang-rong-vhsg

Âm nhạc tính trong tiếng Việt

Có nhiều bạn bè quốc tế chia sẻ với tôi rằng khi họ nghe tiếng Việt, họ cảm giác như người nói đang hát. Một phần do tiếng Việt được cấu tạo bởi những dấu giọng như sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng nên khi nghe chúng ta có thể thấy được biến hóa âm điệu như nhạc tính. 

Khi sử dụng tiếng Việt, để thu hút hoặc nhấn mạnh vào một yếu tố trong câu, chúng ta thường ngân từ đó lâu hơn, hoặc tăng cao độ hơn các từ còn lại. Các tiếng rao hình thành chính là nhờ vậy, để làm cho thông điệp của câu nói trở nên ấn tượng, dễ ghi nhớ đối với người khác, người bán hàng rong phải nghệ thuật hóa câu rao thông thường của mình. Đòi hỏi phải có óc sáng tạo, kiến thức về vần và nhịp nhất định, khả năng linh hoạt câu từ. Chúng ta gọi đó là âm nhạc hóa tiếng nói.

Hàng_Rong_Hà_Nội_-_tieudungplus.vn_(8)

Âm nhạc hóa tiếng nói: Thông điệp và giai điệu

Để mặt hàng kinh doanh có lượng tiêu thụ tốt, chúng ta phải biết quảng cáo. Ở một số nơi trên thế giới thậm chí còn coi quảng cáo như một loại hình sáng tạo nghệ thuật, cần phải được giảng dạy bài bản ở các trường Đại học.

Chào hàng là bước đầu tiên và cũng là sơ đẳng nhất của nghệ thuật quảng cáo. Thông điệp nội dung của tiếng rao hàng phải đánh trúng vào tâm lý của khách hàng, phô bày được lợi ích mà mặt hàng đó đem lại. 

Người bán có thể rao ở âm vực cao quãng 8, quãng 5, quãng 4,... tuy nhiên ít ai sử dụng những quãng âm lớn vì khó, mà họ thường dùng chủ yếu quãng 2 trưởng và quãng 3 trưởng.

Ai tóc dài, tóc nối bán không? Ai bánh đa kê đây?

Thật ra không có ai đặt ra quy tắc chung hay điệu thức cho tiếng rao hàng cả, có kẻ rao thấp có người rao cao. Và những người bán hàng rong không phải ai cũng có chất giọng hay, họ ca lệch tông, sai cung hoặc lạc điệu là chuyện hoàn toàn bình thường. Nhưng trong ký ức của chúng ta, từng món hàng rong đã được gắn với những câu rao đặc thù.

Người bán hàng rong hiện nay thu sẵn lại tiếng rao rồi phát băng tự chạy. Tính nhạc dân gian từ đó cũng mất đi phần nào, những chiếc băng rè tạo nên âm thanh chào hàng máy móc, đinh tai nhức óc đối với người dân thủ đô.

Một số nhà soạn nhạc đã có những nỗ lực đưa giai điệu gánh hàng rong vào âm nhạc đương đại để xây dựng chủ đề dân gian cho tác phẩm. Những câu rao dù là tác phẩm nhỏ đơn sơ của văn hóa sinh hoạt bình dân nhưng mang trong mình dân tộc tính và giá trị văn hóa tinh thần không hề nhỏ. Hy vọng rằng bên cạnh việc bảo tồn, giữ gìn các di sản văn hóa hữu hình, người Việt Nam sẽ trân trọng cả những di sản văn hóa tinh thần như tiếng hát rao gánh hàng rong gắn liền với tuổi thơ của mỗi người.

Từ khóa: 

văn hóa