Tiềm lực của phim hoạt hình
"Phim tài liệu phục vụ cho chính trị còn phim hoạt hình thì để giáo dục trẻ em" - NSƯT Phạm Ngọc Tuấn – Phó Tổng Giám đốc hãng phim hoạt hình Việt Nam.
"Hoạt hình là dành cho trẻ con", ta chẳng lạ gì câu nói này nữa khi mọi người đều cho rằng thể loại phim hoạt hình là để giáo dục và giúp trẻ em giải trí với những hình ảnh ngộ nghĩnh và tươi vui. Tuy nhiên, thực tại đã chứng minh một điều khác, rất khác.
Hoạt hình là một dạng giải trí để mọi người nhìn lại chính mình
Là một ngành nghệ thuật điện ảnh, hoạt hình mang đủ tính chất như thỏa mãn thị giác, âm thanh để truyền tải một câu chuyện nhất định.
"Không phải ai cũng có thể trở thành một nghệ sĩ đại tài, nhưng một nghệ tài có thể đến từ bất kì đâu" - Ratouille.
Mặc dù mọi người thường tách biệt phim hoạt hình và phim người đóng về mặt nội dung, tuy nhiên, điều này là sai thực tế. Phim hoạt hình cũng chỉ là một dạng truyền tải nội dung, và dạng phim này cũng có những kịch bản khiến người xem rơm rớm nước mắt. Mặc kệ việc thể loại hoạt hình luôn bị đánh giá thấp vì cách thể hiện của nó, ta đều phải công nhận : Hoạt hình có những câu chuyện khiến chúng ta phải lay động, và phải nhìn lại chính mình.
Trong cuộc sống, ta luôn có thể đối mặt với những câu chuyện và bao lời nói và có thể bỏ qua chúng vì chúng quá vụn vặt. Tuy nhiên, khi ta đón nhận với những tâm trạng thoải mái, như khi đi xem một bộ phim, những lời nói ấy được đưa vào tim ta khi nó đang rộng mở. Khi ấy, câu chuyện ấy khiến ta mở lòng và bắt đầu nhìn lại chính mình, và vào lúc đó, có lẽ ta có thể thay đổi vì một điều tốt hơn.
"Một ngày, cậu sẽ nhìn xung quanh và nhận ra rằng : Tất thảy mọi người đều quý cậu, nhưng chẳng một ai thích cậu cả. Và đó là cảm giác đơn độc nhất thế giới này" - Bojack Horseman.
Hoạt hình phản ánh xã hội
Nếu hoạt hình có thể phản ánh con người, thì nó cũng có thể phản ánh được xã hội, và thậm chí, một cách gay gắt.
"Những gì tôi làm, đều là để khiến ông hãnh diện ! Nói cho tôi nghe tôi rằng ông đã hãnh diện thế nào đi Shifu ! Nói đi ! Nói đi !!!" - Kungfu Panda.
Những câu chuyện hay là những câu chuyện khiến người khác đồng cảm, mà muốn người khác đồng cảm thì phải để họ hiểu được nhân vật. Có rất nhiều nhân vật không tự dưng mà thay đổi, mà họ thay đổi vì chính những người xung quanh hay xã hội. Từ đó những câu chuyện ấy có thể phản ánh lại chính xã hội của người xem, hay chính là xã hội của chúng ta. Đó là khi Tai Lung vủa Kungfu Panda và Merida của Brave phải sống và phát triển trong sự kì vọng quá đáng của bậc sinh thành dẫn đến những hành động chống đối, cũng là khi Ali trong Ejen Ali và Naruto trong bộ phim cùng tên phải chấp nhận rằng xã hội xung quanh không bao giờ nhân nhượng với từng cá nhân và đôi lúc còn vô cùng tàn nhẫn, đưa đến những suy nghĩ khác biệt, và là khi Sabo của One Piece và Carl của Up phải chịu đựng sự vô tâm và bỏ mặt của một xã hội khác biệt dẫn đến việc tìm cách rời bỏ cộng đồng để sống theo ý mình,...
"Mọi người trên thế giới này đều mang trong mình những tội lỗi, và chúng sẽ không bao giờ biến mất. Nhưng điều đó không làm thay đổi sự thật rằng chúng ta phải làm những gì chúng ta bắt buộc phải làm." - Monster.
Thế nên nếu còn ai đó còn nghĩ rằng hoạt hình chỉ đơn thuần dành cho trẻ em và những bối cảnh xã hội ấy chỉ đơn thuần để giúp câu chuyện thêm kịch tính, thì nó không hề. Midoriya bị bạn bè cô lập và đánh đập vì cậu là người duy nhất trong cả lớp không có sức mạnh siêu nhiên, Coraline tìm đến "cha mẹ khác" mỗi ngày vì cha mẹ thật của cô chìm đắm trong công việc, Hiccup nhìn con thuyền hỏa táng chở người cha đã mất vì bị kẻ thù chung tấn công,... Nếu đối chiếu với thế giới thực, đó là gì ? Là phân biệt chủng tộc, là phân biệt người bị tật nguyền, bạo lực gia đình, xâm hại, tội phạm, chiến tranh,... Thậm chí nhiều phim còn đánh thẳng về vấn đề chính trị, xã hội, tâm lí tội phạm nói riêng và con người nói chung, bản ngã con người, sự sống và thuyết tồn tại của vạn vật,... Khi ấy, bộ phim không những dừng lại ở yêu cầu sự đồng cảm mà muốn đưa đến sự suy ngẫm về xã hội và những vấn đề xa hơn nữa.
Hoạt hình giới thiệu và lưu truyền văn hóa
"Đã từng có rồng khi tôi còn là một cậu nhóc... Có người nói chúng đã quay lại biển cả, không để lại một cái xương hay răng nanh nào để người đời sau nhớ tới. Có người nói chúng chẳng là gì ngoài những câu chuyện dân gian..." - How To Train Your Dragon : The Hidden World.
Tại sao giới trẻ Việt Nam ngày nay rất hiểu biết về văn hóa Nhật Bản, ngôn ngữ Hàn Quốc, truyền thuyết Trung Hoa, và vô số nền văn hóa khác trên toàn thế giới nhưng lại vô cùng thờ ơ với chính bản sắc dân tộc ? Chắc hẳn đó là bởi từ khi còn rất nhỏ, trẻ em và giới trẻ Việt đã được xem hoạt hình và bao bản sắc của các quốc gia khác mà đại diện là Nhật Bản. Các em được biết ý nghĩa của hoa anh đào, của ý chí samurai, của bao vẻ đẹp văn hóa khác của đất nước mặt trời mọc nhưng lại không có ý nghĩ nào về chiếc đàn bầu hay môn võ vovinam. Người lớn thường thờ ơ với việc trẻ em xem hoạt hình của một dân tộc khác, tuy nhiên họ quên rằng khi một sản phẩm nội dung được tạo nên trên nền văn hóa dân tộc, vẻ đẹp văn hóa đó sẽ được lưu trữ lại và truyền bá cho người xem. Và trẻ em thì dễ dàng ấn tượng với những gì chúng được nghe, thấy và sẽ khắc ghi những điều đó mà không cần ai khác yêu cầu.
"Đây chính là biểu tượng đầy tự hào của Malaysia - diều Wau" - Upin & Ipin.
Tại đất nước Malaysia với nền công nghiệp hoạt hình đang trên đà phát triển, bản thân các nhà làm phim rất hiểu rõ sự quan trọng của thể loại nghệ thuật thứ bảy này. Nizam Razak - đạo diễn của loạt phim Boboiboy đại diện cho đất nước này cũng từng bày tỏ về tính văn hóa dân tộc trong movie thứ hai của loạt phim vốn mang tính phiêu lưu vũ trụ và đầy những công nghệ cao như sau : "Chúng tôi rất muốn nhấn mạnh các yếu tố văn hóa vùng Đông Nam Á hải đảo, các yếu tố này sẽ được truyền tải với tạo hình công nghệ cao để có cái nhìn ấn tượng hơn, với bản sắc và văn hóa của chúng tôi". Một bộ phim hay sẽ khiến người xem yêu thích và tìm hiểu các yếu tố bên trong nó. Và nếu trong phim có các yếu tố văn hóa, lịch sử có thật, những người hâm mộ sẽ sẵn sàng khám phá, học hỏi. Cuối cùng, hoạt hình trở thành một dạng marketing và lưu truyền văn hóa đến giới trẻ, thậm chí mạnh mẽ và hiệu quả hơn các đơn vị truyền thông hay bất cứ phương thức truyền bá văn hóa truyền thống (nhưng bị đánh giá là khô khan, xa thực tiễn và kém hiệu quả khác vẫn đang được áp dụng tại Việt Nam). Bởi lẽ, hoạt hình mang đến cảm xúc đa chiều và nguồn cảm hứng, điều sẽ được nói tiếp ngay sau đây.
Hoạt hình tạo cảm hứng học tập và phát triển
Trong tập truyện dài thứ tư của bộ truyện Doraemon theo lối xuất bản cũ, đã có một câu chuyện được nhắc đến trong lời mở đầu rằng 'có một cậu bé yêu thích Doraemon và nhờ sự yêu thích làm đam mê, cậu đã tham gia cuộc thi robotic và ước mơ của cậu là tạo nên Doraemon đời thực'. Từ câu chuyện này, có lẽ mọi người đã có phần hiểu về tiềm năng tạo cảm hứng của các sản phẩm nội dung nói chung.
"Em có biết tại sao con mắt chúng ta lại ở đằng trước không ? Vì thượng đế muốn chúng ta hướng về tương lai phía trước" - Doraemon
Nếu nói về nền hoạt hình, có lẽ Mỹ và Nhật sẽ suýt sát nhau. Nhưng nếu so sánh trên việc sáng tạo hoạt hình để trợ giúp giáo dục, có lẽ sẽ không quốc gia nào dám qua mặt xứ sở mặt trời mọc. Bởi lẽ, sức sáng tạo của người Nhật khỏi phải bàn về độ độc lạ, và giữa những sáng tạo khá quái đản, cũng có những tác phẩm thú vị thậm chí có thể xem là nguồn cảm hứng cho việc học. Đó là bộ phim Hetalia được lấy cảm hứng từ lịch sử thế giới nhưng được nhân hóa và nhí nhố hơn, đó là bộ phim Hataraku Saibou với nội dung về hoạt động của các tế bào cơ thể dưới góc nhìn nhân hóa, là Dr Stone với câu chuyện phục dựng nền văn minh cùng vô vàn kiến thức vật lí, hóa học,... Có thể những sáng tạo này không phù hợp với lượng người lớn khó tính khi chúng không trực tiếp đưa ra các kiến thức chuẩn học sinh sinh viên cần học, nhưng với giới trẻ, có được một động lực để tìm hiểu kiến thức nhưng không phải từ những trang chữ chán ngán đã là một niềm vui lớn rồi.
"Một người thầy tốt cũng sẽ tạo ra những học sinh giỏi, đó là người thầy thành công” - Naruto
Vượt trên của sự yêu thích là đam mê. Và không ít người tìm được đam mê cho mình từ những điều nhỏ nhặt. Nếu cậu bé phía trên có thể gầy dựng nên một sự nghiệp nhờ có Doraemon, thì còn bao nhiêu cậu bé, cô bé khác với điểm bắt đầu tương đương ? Đó có thể là những cảnh sát tương lai nhờ yêu thích Conan, hay những nhà tạo mẫu vì thích thú với những bộ váy của các công chúa Disney, hay đơn giản là trở thành các đạo diễn, biên kịch vì quý mến một nhân vật nào đó,... Nghe thật đơn giản, nhưng đã có rất nhiều điều to lớn trên thế giới này được gầy dựng nên bởi những điều nhỏ nhoi hệt những đường vân trên vỏ trứng. Và chẳng phải đã có không ít thành tựu công nghệ hiện đại được tạo nên nhờ hình mẫu các món bảo bối của Doraemon đó sao ?
"Nếu bạn bắt một chuyến đến vùng Tây Bắc, có lẽ bạn đã thấy một miếng đề can về một nơi tên Gravity Falls. Nó không có trên bất kỳ bản đồ nào, và hầu hết mọi người chưa bao giờ nghe về nó... Nhưng nếu bạn tò mò, đừng chờ đợi. Hãy bắt một chuyến xe. Tìm kiếm nó..." - Gravity Falls.
Hoạt hình mang đến sự sáng tạo không biên giới cho những nhà làm phim
Khi cùng nhau bắt tay làm series phim người lớn 18+ Love Death + Robot, hai nhà làm phim kì cựu David Fincher (Fight Club, Gone Girl,...) và Tim Miller (Deadpool) đã có mong muốn đưa đến "một trải nghiệm cực ngầu, sáng tạo, và không bị giới hạn bởi những gì được đưa lên màn ảnh", vì thế phong cách hoạt hình được chọn làm cách thể hiện nội dung tốt nhất. Và thật vậy, những bộ phim được thể hiện nội dung bằng hoạt hình luôn mang đến những thế giới vượt xa giới hạn của thực tế. Thậm chí, CGI trong những bộ phim live action cũng bị ràng buộc về những giới hạn về vật lí, thứ hầu như có thể được bỏ qua trong hoạt hình.
"Giờ muội chỉ muốn đi săn. Săn những kẻ nghĩ rằng chúng có thể sở hữu chúng muội. Săn những kẻ gây nên tội ác, nhưng lại gọi nó là sự tiến bộ" - Love, Death + Robot.
Một ví dụ có thể kể đến chính là live action của bộ phim kinh điển The Lion King. Trong bản phim hoạt hình, các nhân vật động vật được tạo hình với những khả năng nhảy nhót, nhảy múa và thể hiện cảm xúc cùng với những đặc điểm được hình tượng hóa. Ngược lại, trong bản CGI với hình ảnh chân thực với tự nhiên, những điều thú vị trong bản hoạt hình đã không còn. Một số bộ phim khác cũng có điểm tương tự khi CGI và cách dựng phim live action dựa trên các nội dung hoạt hình có sẵn phải trở nên "thực tế" khiến chất hay và sự độc đáo của bản gốc mất đi. Đối với cá nhân của người viết, việc đưa các phim hoạt hình thành phim live action và xem đó là một bản tốt hơn không khác gì một sự nhạo báng về sự sáng tạo không giới hạn được đưa thẳng từ sự tưởng tượng của con người của hoạt hình.
"Sau này khi các em bước vào cuộc sống, vòng chảy to lớn của xã hội sẽ ngáng bước các em, và sẽ có lúc mọi thứ không tiến triển như các em đã hi vọng. Khi điều này xảy ra, đừng nhìn vào xã hội để tìm kiếm lí do" - Ansatsu Kyoushitsu.
Khác với phim người đóng và CGI, trong hoạt hình, bất kì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nó có thể là câu chuyện về một gã nửa người nửa ngựa trở thành siêu sao Hollywood, hay về một đứa nhóc với sức mạnh kéo dài cơ thể lập băng cùng một con tuần lộc đi bằng hai chân cùng bộ xương người biết nói, hay chỉ đơn giản về một thế giới nơi động vật cùng chung sống và gầy dựng nên một xã hội văn minh giống như loài người... CGI có thể giúp chúng ta làm nên những bộ phim này không ? Có chứ, nhưng chúng sẽ không khác gì những bộ phim kinh dị khiến người lớn cũng phải phải bật đèn đi ngủ, huống chi là trẻ em. Nhưng hoạt hình có thể đơn giản và hài hước những hình ảnh đó cho mọi lứa tuổi, thậm chí dễ dàng thay đổi tạo hình và hình ảnh chung để phù hợp với các nội dung từ hài hước, trong sáng đến đen tối và khiến người xem rơi vào trầm tư. Nói các khác, khả năng khai thác hình ảnh và sự sáng tạo của hoạt hình là không-giới-hạn.
Tạm kết
Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết thơ một bài thơ ca thán về 'tiềm lực còn ngủ yên' của đất nước Việt. Và có thể, mà cũng chắc chắn, rằng chất xám và nhân lực con người cũng là một tiềm lực mà nhà thơ muốn nhắc đến. Và rõ ràng rằng tiềm lực này trong ngành điện ảnh nói chung và ngành hoạt hình nói riêng vẫn còn bị xem thường rất rất nhiều.
"Khi tôi đã quyết định con đường cho mình, kẻ nói tôi ngu ngốc chỉ có bản thân tôi mà thôi" - One Piece.
Và cả khi mọi người đã hiểu về sự quan trọng của ngành nghệ thuật này, thì biết thôi vẫn là chưa đủ. Ta phải nói, phải rao, phải bắt tay và hành động. Giới trẻ đã ngày càng phát triển và để dạy thế hệ mới, những điều cổ hủ của thế hệ cũ đã không còn phù hợp nữa. Ta cần thay đổi, và để tạo nên những thay đổi lớn, hãy bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ, cả từ trong suy nghĩ và tư duy. Và nếu những người lớn kia không thể thay đổi suy nghĩ của mình, thì có lẽ họ cũng nên xem phim hoạt hình trở lại đi bởi chính những con người ấy cũng là trẻ em nhưng sống lâu hơn mà thôi.
Jubi Nguyễn