Tích hợp dạy kĩ năng sống trong môn Ngữ Văn ?
kiến thức chung
Đối với gia đình, cần quan tâm hơn đến cảm xúc của con cái, hình thành thói quen chia sẻ với con những tâm sự thầm kín, và đưa cho con những lời khuyên bổ ích, hãy cho con biết tình yêu thương qua những lời nói, cử chỉ hằng ngày, để trau dồi tình yêu thương. Ngay từ bé hãy rèn luyện cho các con những KNS để là hành trang cho các con đương đầu với cuộc đời. Dành nhiều thời gian ở bên con như một người bạn, không áp đặt, mà lắng nghe tôn trọng nguyện vọng và sở thích của con. Cha mẹ cũng không nên đặt quá nhiều áp lực về điểm số cho con cái của mình, mà thường xuyên động viên, khích lệ các em cố gắng.
Những phương tiện truyền thông như: đài, báo, internet, tivi, thường xuyên đưa những tin tức tiêu cực, những tin của các ca sĩ, diễn viên...mà ít đưa những thông tin tích cực, những tấm gương sáng, để các em có niềm tin hơn vào cuộc sống, nhìn vấn đề đa diện, không chủ quan một chiều.
Đối với nhà trường, cần giảm nhẹ áp lực học tập và điểm số, bên cạnh giáo dục về những kiến thức, hãy tổ chức những cuộc thi giúp HS tự tìm hiểu về nguyên nhân, và hậu quả của những vấn đề trong đời sống, để HS tự đưa ra những bài học cho mọi người và cho chính bản thân mình. Qua những hoạt động đó, KNS của các em sẽ được nâng lên, kích thích các con tìm hiểu những KNS đó, và tìm hiểu chính bản thân mình. Các thầy cô bộ môn tích cực tìm những chất liệu, phương pháp mới giúp, liên hệ với thực tế để giúp các em thấy tình ứng dụng của bài học, đồng thời dành thời gian quan tâm, chia sẻ với HS nhiều hơn để giúp HS kịp thời.
Biện pháp nâng cao kĩ năng ứng phó với căng thẳng, tìm kiếm sự giúp đỡ và giải quyết vấn đề của HS lớp 12 THPT qua môn Ngữ văn
Với tư cách là sinh viên sư phạm Ngữ văn, chúng tôi đề xuất việc lồng ghép hoạt động dạy và học vào hoạt động giáo dục kĩ năng ứng phó với căng thẳng, kĩ năng tìm kiếm sự giúp đỡ và kĩ năng giải quyết vấn đề của HS lớp 12 THPT, đặc biệt là trong bài “Chiếc thuyền ngoài xa” tác giả Nguyễn Minh Châu (chương trình Ngữ văn lớp 12, tập 2). Truyện là câu chuyện về một bức ảnh và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh đó – một người đàn bà làng chài luôn nhẫn nhịn, cam chịu chồng đánh. Qua hình ảnh nhân vật người chồng độc ác, GV có thể giáo dục HS kĩ năng ứng phó với căng thẳng. Hầu hết người dân làng chài nơi đây đều chịu cảnh nghèo đói, túng quẫn, chênh vênh trên thuyền. Mọi người đều đang phải đối mặt với cuộc sống mưu sinh đầy khó khăn chứ không chỉ riêng lão đàn ông này. Nhưng người đàn ông này dùng cách đánh vợ, “lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà” để giải tỏa căng thẳng. Qua hình ảnh người đàn ông độc ác này, HS cần phải rút ra kĩ năng cho bản thân, trước những khó khăn, căng thẳng hãy cố gắng tìm cách giải quyết, không nên có suy nghĩ tiêu cực. Qua hình ảnh người đàn bà làng chài chia sẻ vấn đề, khó khăn của gia đình mình với với Phùng và Đẩu – chánh án tòa huyện, GV có thể tích hợp giáo dục kĩ năng tìm kiếm sự giúp đỡ cho HS. Khi gặp những áp lực, căng thẳng trong học tập, cuộc sống hãy tìm đến những người đủ tin cậy, chín chắn để cho ta những phương pháp, lời khuyên giải quyết vấn đề tốt nhất.
Trong chương trình Ngữ văn 12 THPT, GV cũng có thể tích hợp 3 kĩ năng này trong giảng dạy bài “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Hình ảnh nhân vật Mị, một cô gái xinh đẹp nhưng bị bắt về làm dâu nhà Pá Tra, bị đày đọa, giam hãm, Mị đã từng muốn chết mà không được chết , vì cô vẫn còn đó món nợ của người cha. Tưởng rằng cuộc sống tăm tối, khốn khổ sẽ khiến Mị bị chết dần, chết mòn nhưng tình thần phản kháng của Mị vô cùng mạnh mẽ, ngầm ẩn một sức mạnh tiềm tàng. Khi cơ hội đến – Mị bắt gặp ánh mắt của A Phủ khi bị trói, Mị như thấy lại ánh sáng cuộc đời mình, khát vọng hạnh phúc bất chợt cháy lên, thật nồng nàn và xót xa trong một đêm xuân đầy ắp tiếng gọi của tình yêu. Trước áp bức khắc nghiệt nhưng sức sống của Mị không hề bị mất đi, và Mị lựa chọn cách giải quyết vùng lên đấu tranh, thoát khỏi đau khổ.
Tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ trong chương trình Ngữ văn 12 THPT cũng là một tác phẩm theo chúng tôi nên tích hợp 3 kĩ năng trên vào giảng dạy. Nhân vật Trương Ba một người thanh tao, trong sạch, nhã nhặn nhưng phải sống trong thể xác của anh hàng thịt – một người tính cách hoàn toàn trái ngược, bạo lực, thô bỉ. Trương Ba đã gặp rất nhiều phiền toái, khó chịu, đặc biệt là nhiễm một số thói xấu và có những nhu cầu vốn không phải của chính bản thân ông. Đứng trước nguy cơ tha hóa về nhân cách, sự phiền toái do mượn thân xác kẻ khác và ham muốn được sống, Trương Ba quyết định trả lại xác cho anh hàng thịt và chấp nhận cái chết. Trương Ba đã phải đưa ra quyết định để giải quyết vấn đề éo le của mình, Trương Ba chết nhưng đã khẳng định mạnh mẽ nhu cầu được sống là chính mình, được sống làm người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi đưa ra 3 tác phẩm cụ thể trong chương trình Ngữ văn 12 có thể tích hợp giáo dục kĩ năng ứng phó với căng thẳng, tìm kiếm sự giúp đỡ và giải quyết vấn đề cho HS. Qua hình tượng nhân vật người đàn bà làng chài cam chịu, lão chồng độc ác (Chiếc thuyền ngoài xa), Mị với khát khao sống mãnh liệt (Vợ chồng A Phủ), và Trương Ba cao đẹp, sống là chính mình (Hồn Trương Ba, da hàng thịt) được đặt trong những hoàn cảnh, vấn đề khó khăn, họ đã tìm được cách ứng phó, giải quyết vấn đề hợp lý, phù hợp cho bản thân mình. Dù gặp khó khăn, đứng trước ngã ba đường, phân vân giữa những sự lựa chọn khác nhau nhưng họ vẫn vượt qua, ứng phó được. Từ đó, HS có thể hình thành, nâng cao được những kĩ năng ứng phó với căng thẳng, tìm kiếm sự giúp đỡ và giải quyết vấn đề của bản thân.
Nội dung liên quan
Tài Quỳnh