Thương nhau để đâu?

  1. Tâm lý học

Một lần nọ, ở một trạm dừng chân, có hai bạn nữ đến ngồi ở hàng ghế trước mặt, xoay lưng về phía mình. Một bạn mặc quần tây, áo sơ mi ca rô, đóng thùng, tóc hơi ngắn ngang tai. Một bạn mặc áo thun đỏ, quần jean, tóc dài uốn cong cong, đeo kính trắng, trừ lúc nói chuyện ra thì miệng luôn cười tươi. Bạn nữ mặc sơ mi ngồi thẳng, nhìn thẳng, từ lúc bạn ngồi xuống cho đến lúc đứng dậy bước ra xe mình vẫn không thấy được mặt bạn chút nào. Bạn nữ áo đỏ thì khác hẳn, dù hai ghế đặt song song, bạn vẫn ngồi xoay mặt sang bạn nữ áo sơ mi. Vì tạo hình và cách ngồi của hai bạn khá lạ, nên mình quan sát một tí.

Bạn áo đỏ vừa ngồi xuống ghế đã xoay qua bạn kia, cười nói ríu rít nho nhỏ, mình không nghe được, chỉ thấy mắt bạn rất vui, miệng luôn cười. Lúc sau bạn lấy trong túi ra một chai nước, đưa bạn kia và nói: Mệt hông, có nước nè. Lúc này hơi lớn nên mình nghe. Bạn kia xoay mặt qua một tí, khoảng 15 độ gì đó, cầm chai nước, uống một miếng và đưa lại. Bạn này nhìn bạn kia uống, nụ cười có chút tươi hơn, mắt híp cả lại. Cất chai nước vào túi, bạn này lại nhìn bạn kia, đưa tay lau gì đó trên mặt bạn kia một chút, lại cười. Tầm 10 phút sau thì họ đứng dậy rời đi, bạn áo đỏ đứng lên sau, cầm lấy mũ bạn kia để trên ghế và nói: Mũ nè, lại quên.

Hồi nhỏ mình hay nghe người ta đọc câu vè: Thương nhau chẳng biết để đâu, để trên lỗ mũi lâu lâu át xì. Hồi đó mình bắt đầu quan sát và tự hỏi, thương một người là như thế nào, và người ta thương nhau thì để ở đâu?

Khi ta thương một người, mọi thứ của ta đều hướng về người đó, bỏ qua hoàn cảnh xung quanh, bỏ qua cả chính mình. Khi thật sự thương một người, hạnh phúc không phải là được người đó quan tâm chăm sóc, mà bắt đầu từ việc quan tâm, chăm sóc người đó. Làm một việc gì cho người đó cũng đều thấy vui, ở cạnh nhau, nhìn nhau thôi cũng vui.

Tất nhiên do tính cách và đặc điểm của mỗi người khác nhau, nên cách quan tâm và thái độ chăm sóc dành cho người thương sẽ khác. Nhưng mình luôn cho rằng yêu thương không phải chỉ từ biểu hiện mà còn là sự kết nối từ tâm hồn, từ trái tim. Dù biểu hiện có giống nhau, nhưng tâm hồn sẽ cho ta biết ta và người có tình cảm gì với nhau hay không.

Vui nhất là được thấy niềm vui trong mắt nhau.

eyes


Mình cũng từng quan sát nhiều cặp đôi đi cùng nhau, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau và cách ứng xử khác nhau. Đôi khi mình nghĩ họ không yêu thương nhau, đôi lúc lại thấy một người yêu người kia rất nhiều, người kia cũng có yêu mà yêu ít ít. Có khi một người không yêu đi với một người yêu...

Khi một người yêu đi với một người không yêu, trong ánh mắt của họ cũng chất chứa yêu thương và sự quan tâm nồng đậm, nhưng đâu đó là chút thất lạc và một ít cô đơn.

Khi tình yêu là hai chiều, thì trong mắt của người yêu nhiều hơn sẽ có niềm hạnh phúc, tựa như chỉ cần giây phút này là đủ.Tựa như họ chỉ đang sống trọn vẹn trong phút giây hiện tại của tình yêu.

Khi một người thật sự thương một người, đó bắt đầu là một trạng thái bị động (rơi vào bể tình - fall in love cơ mà), rồi sau đó là một sự trao đi: trao cảm xúc, trao sự quan tâm và tất cả.

Hạnh phúc có nhiều dạng, trong đó có một dạng bắt đầu khi ta biết mình thương một ai đó. Và tiếp tục khi người đó tiếp nhận tình cảm của ta, và viên mãn khi người đó cũng yêu thương ta.

Thương nhau để đâu? Theo mình là để hết trong ánh mắt, đôi khi trong nụ cười và những lần khẽ chạm người thương.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Từ khóa: 

phong cách sống

,

tình yêu

,

tình cảm

,

hạnh phúc

,

văn hóa

,

tâm lý học