Thượng Đế ở trong ta
TẬP CHẾT TRONG KHI ĐANG SỐNG(sưu tầm)
Lược dịch từ cuốn “Die to live” của Maharaj Charan Singh, Radha Soami Satsang Beas, Punjab, India xuất bản năm 1979.
Maharaj Charan Singh là một vị Thánh người Ấn Độ, sinh năm 1916 và đã qua đời cách đây vài năm. Cũng như những Minh Sư khác, trong thời gian còn tại thế, Ngài đã từng đi qua nhiều nước trên thế giới để truyền bá chân lý, chỉ đường cho con người tìm về Thượng Đế, thoát khỏi sinh tử luân hồi.
******
Tất cả các vị Thánh, Phật đến thế giới này đều có cùng một thông điệp là truyền bá chân lý và chỉ cho chúng ta con đường trở về Ngôi Nhà Thật của chúng ta: Thiên Quốc hay Niết Bàn. Không một vị nào đến đây để lập nên một tôn giáo mới, để chia rẽ con người, để làm cho nước này xung đột với nước kia hay tôn giáo này chống đối tôn giáo nọ.
Sau khi một vị Thánh qua đời, con người thường có khuynh hướng tạo ra những hình thức, lễ nghi bên ngoài, biến những giáo lý của họ thành những tổ chức tôn giáo mới. Từ đó con người bắt đầu tranh cãi nhau và những giáo lý trung thực bị bóp méo hoặc bị lãng quên nhanh chóng.
Những vị Thánh, Phật là những Thiên Sứ. Họ đến đây không do ý muốn của họ mà họ được Thượng Đế (Phật Tổ tối cao) chỉ định.
Chúa Jesus nói: “Chính cha Ta đã gởi Ta đến đây”.
Sứ mạng của họ là đem về cho Thượng Đế những đứa con yêu quý của Ngài, tức là những linh hồn đã được lựa chọn, hay những con chiên đã được đóng dấu. (Phật Giáo cũng nói: “Phật chỉ độ người có duyên”).
TRÁCH NHIỆM NGOÀI ĐỜI
Những vị Thánh, Phật dạy chúng ta rằng, muốn tìm được Thượng Đế, chúng ta không cần dựa vào những hình thức hoặc lễ nghi bên ngoài, cũng không cần phải từ bỏ xã hội, trốn tránh những trách nhiệm ngoài đời để vào tận rừng sâu, hang động hoặc những nơi hẻo lánh để tu tập.
Họ luôn khuyên: “Hãy làm đầy đủ bổn phận với gia đình và xã hội. Song song với các bổn phận và trách nhiệm này, đừng bao giờ quên mục đích chính trong cõi đời là Trở Về Nhà Thật của chúng ta ở Thiên Quốc hay Niết Bàn, thoát khỏi sinh tử luân hồi”.
NGÔI ĐỀN CỦA THƯỢNG ĐẾ
Những vị Thánh, Phật không đòi hỏi chúng ta phải đi tận đâu xa xôi để tìm Thượng Đế, vì Thượng Đế không thể tìm thấy ở bên ngoài.
Chúa Jesus và Thánh Phao Lô dã từng nói:
“Thân thể chúng ta là ngôi đền thờ mà trong đó Thượng Đế đang ngự trị”.
“Thượng Đế ở trong ta”.
“Phật tại Tâm”.
Chân lý đơn giản này được những Minh Sư lặp đi lặp lại nhiều lần ở những thời đại khác nhau.
Nếu Thượng Đế và Thiên Quốc ngự trị trong mỗi chúng ta và Phật Tính có trong mỗi một chúng sinh thì đương nhiên chúng ta phải tìm Ngài ở bên trong “cái nhà thờ, cái chùa thân thể” này.
THÂN NGƯỜI – MỘT ÂN ĐIỂN CỦA TRỜI PHẬT
Sự quan trọng và vô cùng quý báu có được thân người đã được nhiều vị Thánh nhấn mạnh.
Kinh Thánh nói: “Con người là hình ảnh của Thượng Đế”.
Những vị Thánh Hồi Giáo và Kinh Thánh cũng nói: “Con người là Chúa tể của muôn loài”.
Kinh Phật cũng diễn tả sự quan trọng của thân người: “Chúng ta được ban cho thân người sau khi phải trải qua hàng triệu kiếp làm thân cây cỏ, côn trùng và thú vật”.
Chúng ta được Thượng Đế ban bố ân sủng này chỉ vì một mục đích duy nhất là tìm được Thượng Đế bên trong, thoát khỏi sinh tử luân hồi. Khi được thân người rồi, chúng ta mãi say sưa lặn hụp trong những công việc và đam mê của trần thế, nên quên hẳn cái mục đích được đầu thai làm người này.
Có được thân người chúng ta mới có thể tìm gặp Minh Sư, được cho biết về con đường tâm linh bên trong, được truyền cho Pháp Nghe, Quán Âm hay quán Dòng Âm Lưu nội tại để tu tập và được dẫn dắt trở về Thiên Quốc, thoát khỏi sinh tử luân hồi.
TÊN THẬT CỦA THƯỢNG ĐẾ
Chúng ta thường gọi Thượng Đế bằng nhiều tên khác nhau, những tên như Ram, Rahim, Allah, Wahiguru, Radhasoami, Jehova,…đều có thể nói và viết, nhưng tên thật của Thượng Đế đã có từ lâu rồi.
Những vị Thánh, Phật hoặc Minh Sư nói đến tên thật này như là một LỰC LƯỢNG của Thượng Đế. Lực lượng siêu việt đó được gọi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Những vị Phật, Thánh gọi lực lượng này là:
Shabd (Diệu Âm, Phật Âm);
Nam (Tên Thật);
Dhun (Âm Thanh);
Akash Bani (Âm Thanh từ thiên đàng).
Những vị Thánh Hồi Giáo gọi lực lượng này là:
Kalma (Âm Thanh);
Kun (Mệnh lệnh);
Bang-i-Hali (Lời của Thượng Đế).
Trong Kinh Thánh, lực lượng này được gọi là:
The Word (Ngôi Lời);
Logos (Thánh Từ);
The Holy Ghost, The Spirit (Thánh Linh);
The Comforter (Đấng An Ủi);
The Living Water (Nước Nguồn Sống).
(Trong Cao Đài Giáo, lực lượng này được gọi là:
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
Đức Chí Tôn / Đại Từ Phụ
Ơn Trên
Thầy
Tiên Thiên Khí / Hư Vô Chi Khí…)
Tất cả các vị Thánh đều nói rằng Thượng Đế và Diệu Âm (Ngôi Lời) là một. Diệu Âm đã sáng tạo và nuôi dưỡng toàn thể vũ trụ.
Trong Thánh Khinh có nói: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở với Thượng Đế và Ngôi Lời chính là Thượng Đế”.
(Trong Kinh Phật có nói đến Diệu Âm, Phạm Âm, Hải Triều Âm và Thắng Bĩ Thế Gian Âm).
Điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt sự khác nhau giữa tên của một vật và chính vật đó. Chúng ta không thể lầm lẫn giữa cái toa của bác sĩ và chính thứ thuốc đó. Cũng như chúng ta không thể lặp đi lặp lại chữ “thức ăn” mà chúng ta có thể hết cơn đói được.
Diệu Âm có thể được nhắc tới trong kinh điển, nhưng không thể tìm thấy trong kinh điển được. Kinh sách chỉ có khả năng tán tụng và vinh danh nó mà thôi. Đọc kinh sách và nghe những giáo lý của những Thánh Nhân không sẽ không đủ. Chúng ta phải cảm nhận những âm thanh đó, phải thực hành những điều dạy dỗ của họ thì mới có thể tìm được Thượng Đế bên trong.
Diệu Âm phát xuất từ Phật Tính hay Thánh Linh. Đó là những luồng rung động cực kì vi tế, nó âm vang trong chúng ta nhưng chúng ta không thể nghe nó bằng lỗ tai ngoài được. Chỉ khi nào chúng ta được một vị Minh Sư tại thế thức tỉnh linh hồn, nối chúng ta với Diệu Âm này, lúc đó chúng ta mới cảm nhận được những âm thanh cõi trời huyền diệu.
(Tai của những vị Phật được vẽ hoặc tạc thật lớn và dài. Không phải sau khi thành Phật, tai của họ dài và lớn ra. Đây chỉ là một biểu tượng cho việc nghe âm thanh bên trong).
THƯỢNG ĐẾ VÀ LINH HỒN
Thượng Đế ngự trị trong mỗi chúng ta, nên việc chúng ta phải tìm Ngài trong thân thể này là một việc hoàn toàn hợp lý, và con đường dẫn về Ngài chắc hẳn phải là một chứ không thể là hai được.
Nếu tìm Ngài ở bên trong, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy chỉ có một con đường duy nhất, con đường của Âm Thanh và Ánh Sáng. Nếu tìm Ngài ở bên ngoài, thì dĩ nhiên mỗi người sẽ có một con đường riêng để đi, và những con đường riêng rẽ này sẽ không dẫn chúng ta đến đâu hết.
Linh hồn là tinh túy của Thượng Đế, là một giọt nước của Đại Dương. Lúc ban đầu nó xa rời cội nguồn để xuống thế gian. Vì ở thế gian, nó phải dùng trí óc để hướng dẫn và làm bạn đồng hành. Trí óc lại chịu ảnh hưởng của những giác quan. Khi những ham muốn do sự đòi hỏi của giác quan nổi dậy, trí óc bằng mọi cách phải làm thỏa mãn những đòi hỏi đó. Kết quả là bất cứ cái gì trí óc làm, linh hồn của chúng ta phải gánh chịu những hậu quả đó.
Những vị Thánh biết rất rõ về tình trạng thật tội nghiệp của chúng ta. Họ biết chúng ta luôn sống trong ảo tưởng, những ảo tưởng này được diễn ra như một giấc mộng, hay một vở kịch, không có gì là thật cả. Khi chúng ta bắt đầu diễn vở kịch này, chúng ta cứ tưởng nó là thật, nên quên ngay cái gia sản thực sự và quý báu của ta ở Thiên Quốc hay Niết Bàn, mà nghĩ rằng cái thế giới mộng ảo này là Ngôi Nhà Thật. Chúng ta quay cuồng trong đó, cùng khóc, cùng cười với tất cả những thứ vô thường, nay còn mai mất. Nhưng khi những duyên nghiệp của đời này đã được trang trải, chúng ta sẽ chia tay nhau như những khách rời quán trọ.
TRÍ ÓC VÀ GIÁC QUAN
Các Minh Sư đều nói rằng Trí Óc là trở ngại lớn nhất trên con đường nhận biết Thượng Đế. Bản chất của Trí Óc là ích kỷ, ham vui, đam mê, có khuynh hướng chạy ra ngoài và đi xuống.
Vì luôn luôn muốn chiếm hữu nên Trí Óc hoạt động không ngừng. Chúng ta khó kềm giữ được nó, vì nó bị lệ thuộc vào những giác quan và giác quan thì luôn luôn bị ràng buộc bởi những thứ bên ngoài như giàu sang, danh vọng, quyền lực, sắc đẹp,…Những hành động của nó dù tốt hay xấu cũng đều quàng vào cổ chúng ta những sợi dây xích, ràng buộc chúng ta càng ngày càng chặt chẽ với thế giới này. Chính sự ràng buộc đó đã làm cho chúng ta phải luôn trở lại trần gian và hậu quả là làm linh hồn của chúng ta bị kềm giữ mãi trong sinh tử luân hồi.
Chạy theo vật chất bên ngoài, chúng ta bị sống trong ảo tưởng nhưng không hay biết. Chúng ta chỉ trực nhận được nó khi đối diện với thần chết. Chỉ có lúc này ta mới bừng tỉnh là những gì thuộc thế gian, bạn bè, thân quyến, giàu sang, danh vọng,…đều phải bỏ lại sau lưng. Chỉ lúc đó ta mới nhận ra rằng ta đã lãng phí thời giờ quý báu để chạy theo những cái không có thật.
Nếu biết dùng thì giờ khi có tấm thân quý báu này, tìm vào bên trong, lắng nghe Diệu Âm như những Tiếng Nhạc Trời, Trí Óc của ta sẽ tìm được những sự cao quý, tuyệt vời hơn những thứ nó đang theo đuổi bên ngoài. Lúc đó nó mới có thể bỏ đi những ảo ảnh bên ngoài, sẽ trở thành người bạn đồng hành tốt trên con đường tâm linh.
Khi linh hồn thoát khỏi ảnh hưởng của Trí Óc, nó sẽ dần dần thăng hoa để tìm về Thiên Quốc, lúc đó chúng ta mới thực sự được bình an, hạnh phúc và giải thoát.
NGHIỆP QUẢ VÀ LUÂN HỒI
Những vị Thánh, Phật mô tả thế giới này như là một sự tạo thành bởi những duyên nghiệp. Chúng ta phải đầu thai theo những hình thức nào phù hợp với những hành động, nghiệp quả hay ước muốn mà chúng ta đã làm trong quá khứ. Khi trả những nghiệp quả quá khứ, chúng ta lại tạo ra những nghiệp mới cho tương lai. Hậu quả là ta mãi sinh tử luân hồi, bị cầm giữ hoài trong cái nhà tù tam giới vĩ đại này.
Muốn rửa sạch nghiệp quả, phải biết ăn năn hối cải. Hối cải bằng sự ăn năn không sẽ không đủ. Chúng ta phải hối cải bằng cách tôn sùng Thượng Đế. Tôn sùng Thượng Đế tức là tôn sùng lực lượng Diệu Âm ngự trị trong mỗi chúng ta. Tôn sùng ở đây có nghĩa là làm thế nào để chúng ta nối liền được với Diệu Âm đó, vì Diệu Âm chính là Thượng Đế, là Phật Tính, là Thánh Linh trong mỗi chúng ta. Khi liên lạc được với Diệu Âm, nghiệp của chúng ta mới thực sự được rửa và những lời ăn năn của chúng ta mới thực sự được tha thứ.
HÀNH TRÌNH CỦA LINH HỒN – CON MẮT THỨ BA
Cuộc hành trình tâm linh bắt đầu từ lòng bàn chân đi đến đỉnh đầu. Hành trình gồm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu từ lòng bàn chân lên Con Mắt Thứ Ba (Cánh Cửa Thứ Mười, Con Mắt Độc Nhất, Phật Nhãn hay Mắt Trí Huệ); Giai đoạn hai từ con mắt này lên đỉnh đầu.
Con Mắt Thứ Ba là chỗ nối liền linh hồn và trí óc của chúng ta. Mắt này nằm sau hai mắt và giữa hai hàng lông mày (chúng ta thường thấy hình vẽ những vị Phật có chấm đỏ trên trán).
Trong trạng thái thức tỉnh, dòng ý thức của chúng ta sẽ lan tràn khắp nơi từ con mắt này. Khi tập trung hoặc nghĩ đến việc gì hay đến ai, dòng ý thức liền đến đó ngay và cái hình ảnh về việc đó hay người đó sẽ xuất hiện trước chúng ta. Khi nghĩ đến những việc trần thế, dòng ý thức của chúng ta sẽ lan tràn đến thế giới ảo ảnh này. Chỉ khi nào chúng ta kéo sự chú ý vào bên trong, lên Con Mắt Thứ Ba, chúng ta mới có thể bước vào con đường tâm linh để Về Nhà được.
Chúa Jesus nói: “Hãy gõ, cửa sẽ mở”. Cửa chỉ được mở khi chúng ta rút dòng ý thức lên Con Mắt Thứ Ba. Mắt này là nơi liên lạc với Diệu Âm (Ngôi Lời), với Phật Tính (Thánh Linh) của chúng ta.
Chúa Jesus cũng nói:
“Khi Mắt con còn lại Một, thân thể con sẽ tràn đầy Ánh Sáng”.
Khi chúng ta mở được Con Mắt Độc Nhất này, rút dòng ý thức lên đó, mở cánh cửa thiên đàng bên trong thân thể, chúng ta sẽ thấy được Ánh Sáng và cảm nhận được Âm Thanh; lúc đó đầu óc mới có thể buông thả những đam mê vật chất bên ngoài, và linh hồn sẽ dần dần thăng hoa lên đẳng cấp của Thượng Đế để hòa nhập làm một, trở nên đồng một thể với Ngài.
MINH SƯ: MỘT SỰ CẦN THIẾT
Cách thức rút dòng thần thức từ khắp nơi về Con Mắt Thứ Ba để liên lạc được với Diệu Âm bên trong chỉ có thể thực hiện được qua sự giúp đỡ của một Minh Sư.
Minh Sư là vị Thầy đã hoàn toàn khai ngộ, là những vị Thánh, Phật luôn luôn đến cõi đời này rồi lại về lại với Thượng Đế sau khi đã làm xong nhiệm vụ. Họ là những người đã từng đi qua con đường bên trong và đã tìm được Thượng Đế. Họ là Thiên Sứ, được Thượng Đế đặc biệt giao cho cái chìa khóa bí mật để mở cánh cửa bên trong của chúng ta.
Bất cứ học điều gì, chúng ta cũng phải học từ một vị thầy. Muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư hay những cán sự chuyên môn,…chúng ta cũng phải được huấn luyện dưới sự hướng dẫn của những vị thầy. Con đường tâm linh là con đường khó khăn, đầy cạm bẫy và nguy hiểm nhất thì chúng ta không thể nào thiếu một vị thầy đầy kinh nghiệm được.
Những Minh Sư trong quá khứ không thể đảm nhận công việc đem chúng ta Về Nhà được. Một bác sĩ tuy tài ba lỗi lạc nhưng đã chết không thể cho thuốc để trị bệnh ngày hôm nay. Cũng thế, một thầy giáo đầy kiến thức nhưng đã qua đời không thể dạy dỗ chúng ta lúc này được. Chúng ta là những người còn sống, nên cần những thầy giáo còn đang sống để dạy dỗ, dẫn dắt chúng ta.
Chúa Jesus nói:
“Đương khi Ta còn ở thế gian, Ta là Ánh Sáng của thế gian”. (“As long as I am in the world, I am the light of the world”).
Ngài là ánh sáng của thế giới cho những người đã đến với Ngài, trong khi Ngài đang còn sống. Những người đến sau khi Ngài đã ra đi phải tìm một đấng cứu rỗi còn tại thế khác.
Người có thể nối liền chúng ta với Diệu Âm là cái gạch nối giữa chúng ta và Thượng Đế, là vị Minh Sư tại thế. Người là “Ngôi Lời trở thành xác thịt” (The Word made flesh). Bởi vì Thượng Đế trong bản chất thực sự của Ngài, Ngài không ở vào cái đẳng cấp của con người. Ngài là Âm Thanh, là Ánh Sáng, là những chấn động lực cực kỳ vi tế mà tai và mắt thường của chúng ta không cảm nhận được.
Vị Minh Sư thực sự của chúng ta là Diệu Âm, Ngôi Lời, Phật Âm hay Phúc Âm,…bất cứ ngôn từ nào chúng ta muốn dùng cũng được. Chúng ta cần một Minh Sư vừa có cái nhục thể của con người vừa có cái lực lượng Diệu Âm của Thượng Đế bên trong để có thể nối liền chúng ta với Thượng Đế.
Sự liên hệ của Minh Sư và Thượng Đế giống như sự liên hệ của một con Sóng với Đại Dương. Sóng đến từ Đại Dương rồi lại trở về cùng Đại Dương. Những vị Minh Sư đến từ Thượng Đế rồi trở về cùng Thượng Đế. Sóng và Đại Dương là một thì Minh Sư và Thượng Đế cũng là một.
Chúa Jesus nói: “Ta với Cha Ta là một”.
Minh Sư không đến trần gian để thay đổi nó, nhưng để giải thoát chúng ta ra khỏi sự ràng buộc của thế giới đầy đau khổ, giúp ta chuyển sự chú ý hướng về Thượng Đế, chỉ dẫn cho ta tìm được Thiên Quốc bên trong, thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Những Minh Sư xuống thế truyền bá chân lý thường bị người đời hiểu lầm, phỉ báng, vu cáo hoặc hãm hại, bị thiêu, bị trấn nước hoặc bị thuốc độc cho chết. Điển hình là Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá. Không phải Chúa không có đủ quyền năng hay thần thông để thoát khỏi cực hình, nhưng vì là Con Trời, Ngài vui lòng làm theo ý muốn của Thượng Đế. Chúa Jesus là chân lý, là sự thật, đem đóng đinh Ngài tức là đóng đinh chân lý. Đây là thông điệp của Thượng Đế gởi xuống cho chúng ta, đừng vô minh và lầm lẫn làm theo vết chân của quân dữ.
Chúng ta phải vô cùng bình tâm, cởi mở, khiêm tốn và thành tâm cầu nguyện cho chúng ta được sáng suốt, thoát khỏi vô minh để có thể nhận diện được vị Minh Sư tại thế.
TRUYỀN TÂM ẤN (INITIATION)
Khi truyền tâm ấn, vị Minh Sư nối liền tâm hồn của đệ tử với Diệu Âm bên trong và đặt họ trên con đường trở về Thượng Đế. Truyền tâm ấn không là nghi thức hay nghi lễ bên ngoài mà là một sự tái sinh cho linh hồn để linh hồn có thể hòa nhập vào biển Diệu Âm bên trong.
Chúa Jesus nói:
“Ngươi sẽ không thể nào thấy được Thiên Quốc nếu ngươi chưa được Tái Sanh. Ngươi sẽ không thể nào vào được Thiên Quốc nếu ngươi chưa được Tái Sanh với Nước Nguồn Sống (Nectar: Diệu Âm, nước Cam Lồ) và Thánh Linh”.
Ý Ngài muốn nói đến sự Tái Sinh Tâm Linh chứ không phải sự tái sinh nhục thể.
Giờ thọ tâm ấn là giờ tái sinh của linh hồn. Rồi qua cuộc hành trình tâm linh bên trong, linh hồn của chúng ta sẽ thăng hoa dần dần tiến đến chỗ nhập làm một với Thượng Đế.
Sau khi truyền tâm ấn, vị Minh Sư không bao giờ rời bỏ đệ tử của Ngài. Ngài sẽ luôn luôn dẫn dắt đệ tử bên ngoài lẫn bên trong. Bên ngoài bằng những lời dạy dỗ, hoặc bằng chính cái gương sống của Ngài. Bên trong, với hóa thân rực rỡ hào quang Ngài sẽ dẫn dắt đệ tử từng bước một, cùng đi chung với đệ tử trong suốt cuộc hành trình tâm linh tìm về Thượng Đế.
Vị Minh Sư dẫn dắt, bảo vệ đệ tử của họ trong suốt thời gian những đệ tử này còn sống và Ngài còn ở bên cạnh vào lúc đệ tử chết và cả sau đó nữa.
Khi vị Minh Sư qua đời trong khi đệ tử của Ngài còn sống, những đệ tử này cũng vẫn tiếp tục tu tập như thường với sự hướng dẫn của sư phụ bên trong (Inner Master).
Sau khi thọ tâm ấn, đôi khi có một vài đệ tử vì không hiểu được sự quan trọng của việc tâm truyền tâm này, nên đã “truyền lại” cho người khác. Nhưng những gì họ “truyền lại”, chỉ là những lời chỉ dạy bên ngoài hoặc dạy cách ngồi thiền mà thôi, giống như họ đưa cho người kia một sợi dây điện chưa được câu thông với ổ điện.
Khi vị Minh Sư truyền tâm ấn, họ truyền đạt lực lượng vạn năng của Thượng Đế, khai mở Con Mắt Thứ Ba của đệ tử để đệ tử có thể cảm nhận được Âm Thanh và Ánh Sáng bên trong.
Có khi vị Minh Sư không cần phải có mặt nơi truyền tâm ấn, họ có thể ngồi ở nước này truyền cho đệ tử đang ở một nước khác. Bỏi vì lực lượng của họ là Vô Sở Bất Tại (omnipresence), chỗ nào cũng có, lan tràn khắp vũ trụ.
CHẾT TRONG KHI ĐANG SỐNG
Vào lúc truyền tâm ấn, vị Minh Sư dạy đệ tử cách rút Dòng Thần Thức từ toàn thân lên Con Mắt Thứ Ba. Ở đó đệ tử sẽ được nối liền với Diệu Âm bên trong.
Những Minh Sư gọi tiến trình rút Dòng Thần Thức lên Con Mắt Thứ Ba này là Chết Trong Khi Đang Sống. Mỗi ngày đệ tử phải thiền định để tập dượt chết trong khi sống này.
Thánh Phao Lô nói: “Ta chết mỗi ngày”.
Khi cái chết đến, linh hồn chúng ta rút dần từ lòng bàn chân lên Con Mắt Thứ Ba, từ đó linh hồn rời thể xác và chúng ta “chết”.
Sự khác biệt căn bản giữa cái chết thông thường và cái chết trong khi đang sống là sợi dây bạc nối với thân thể không bị đứt đoạn. Những cơ quan của thân thể vẫn tiếp tục hoạt động và linh hồn sẽ trở về thân thể khi thiền định chấm dứt.
Khi linh hồn rời khỏi thể xác, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình vào thế giới bên trong để trở về Nhà.
Chúa Jesus có nói về tình trạng chết trong khi đang sống lúc Ngài đề cập đến những người chết sống dậy từ những ngôi mộ. Chúa diễn tả sự thức tỉnh về Tâm Linh như là việc người chết sống dậy. Ngài nói người chết sẽ sống dậy, người điếc sẽ nghe, người mù sẽ thấy và người què sẽ đi được khi họ thấy được Ánh Sáng và nghe được Âm Thanh bên trong.
ÂN SỦNG CỦA THƯỢNG ĐẾ
Những vị Minh Sư có thể ra đời bên trời Đông hoặc trời Tây.
Họ luôn luôn đến và đi, nhưng nếu duyên chúng ta chưa đến, thời điểm của chúng ta chưa đến, chúng ta khó mà nhận diện được họ, bởi vì nhận diện được họ là một ân sủng của Thượng Đế.
Nếu không phải vì ân sủng của Thượng Đế, chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ đến sự xa cách với Ngài, sẽ không bao giờ có lòng mong muốn được Trở Về Nhà.
Chúng ta thường chủ quan cho rằng chúng ta tìm kiếm Ngài, nhưng thật ra chính Ngài tạo ra sự mong muốn đó trong ta để ta đi tìm Ngài.
Ân sủng của Ngài đến trước, Ngài tạo sự khao khát trong chúng ta và chính Ngài thúc đẩy chúng ta từ bên trong.
Nhờ ân sủng của Ngài chúng ta mới nhận diện được vị Chân Sư, tin tưởng vị Chân Sư đó để được dẫn dắt Về Nhà, thoát khỏi sinh tử luân hồi, mãi mãi sống trong mùa xuân vĩnh cửu đầy hạnh phúc và an lạc nơi Niết Bàn hay Thiên Quốc.
thượng đế
,tâm linh
Nếu con đường về Thiên Quốc có thể sưu tầm được trên internet thì chắc mọi người đều biết cách để đi mà không ai bị bỏ lại. Đáng tiếc là người ta chẳng biết phân biệt thật giả thế nào nên theo Phật cũng ưng mà theo chúa cùng ừ. Song "Kẻ mù dẫn đưa kẻ mù thì cả hai cùng té suống hố"
Thiên Tân
Nếu con đường về Thiên Quốc có thể sưu tầm được trên internet thì chắc mọi người đều biết cách để đi mà không ai bị bỏ lại. Đáng tiếc là người ta chẳng biết phân biệt thật giả thế nào nên theo Phật cũng ưng mà theo chúa cùng ừ. Song "Kẻ mù dẫn đưa kẻ mù thì cả hai cùng té suống hố"