Thúng, Mủng, RỔ, RÁ, Đan đát,đan lát?
người Tây phương dùng cành non của cây liễu hoặc thân của các loài cây leo để đan. Việt Nam ta thì lấy họ nhà tre (tre, nứa, vầu, giang, lồ-ô..) làm nguồn nguyên liệu chính, bên cạnh những thứ khác như mây, lá nón, lá dừa, cỏ lát v.v. Từ tre, người ta đã làm ra nào thúng, nào mủng, nào rổ nào rá, rồi giần, sàng, nong, nia, bồ, sề, trẹt (mẹt), bầu, sọt và nhiều thứ khác nữa, không kể xiết.
Dù đan gì đi nữa thì người thợ đan cũng thường trải qua những bước sau đây để hoàn thành một đồ dùng:
- Vót nan,- Gầy,- Đan,- Đát,- Lận,- Nứt.Thử lấy việc đan một cái rổ sưa (rổ thưa) làm thí dụ. Rổ thưa là loại rổ mà hồi chưa có sản phẩm bằng plastic thì các cô các bà thường dùng đi chợ hay để đựng thứ gì cần được thông thoáng và ráo nước sau khi rửa xong, như rau, chẳng hạn.
- Vót nan: là làm ra nan để đan.
Người ta thường chọn loại tre già dài lóng, để làm nan. Tùy theo kích thước sản phẩm to hay nhỏ mà người ta cưa tre thành từng đoạn dài ngắn khác nhau, rồi dùng rựa hay mác để chẻ tre ra thành từng thanh mỏng, gọi là nan. Độ dày mỏng với bề ngang to nhỏ khác nhau của nan hoàn toàn tuỳ thuộc theo loại sản phẩm. Bởi vậy nan đan rổ không giống nan đan giần sàng. Nan đan rá không giống nan đan thúng mủng. Chẳng hạn để đan loại rổ chợ vừa nói thì người ta làm nan với bề ngang chừng 5mm, dày non 1mm. Còn nan đan rá thì có hình tròn với đường kính chừng 2mm. Nếu là loại rổ đặt (custom-made) hay rổ gia dụng thì người ta dùng toàn tre cật để cho được bền bĩ hơn. Bề ngoài của thân tre được gọi là cật tre, có màu xanh lục, cứng, có sức đàn hồi lớn, độ bền cao. Bên trong của thân tre là ruột tre, màu trắng, càng gần trung tâm càng xốp, vì vậy phần ruột tre ở trong cùng thường được vất bỏ. Nếu dùng toàn cật tre để làm nan thì sản phẩm bền chắc hơn nhưng cũng tốn nhiều tre hơn nên giá thành cao, khách hàng có “order” người ta mới làm..
Nan ra rồi thì phải trau chuốt cho có độ dày mỏng trơn láng thích hợp rồi mới đan. Công việc này gọi là vót nan. Người ta dùng rựa, đôi khi dùng mác, để vót nan, nhưng rựa vẫn thông dụng hơn vì đa năng hơn. Nan làm kỹ thì sản phẩm làm ra càng đẹp.
– Gầy: Muốn xây nhà thì phải làm móng; muốn đan thì trước hết phải gầy, nghĩa là sắp xếp những nan đầu tiên với nhau theo một lề lối riêng để tạo thành đường nét căn bản của sản phẩm.
– Đan: Sau khi đã gầy được rồi thì dựa theo đó mà đan tiếp.
Đan nghĩa là gài cái nan này với những cái nan khác theo một nguyên tắc chồng chéo trên dưới nào đó để cho chúng tự giữ chặt với nhau. Có nhiều cách đan, nhưng thông dụng nhất vẫn là đan lòng mốt, đan lòng hai, đan mắt cáo (lục giác) v.v.
Đan thưa, đan dày hay đan bít là tùy theo công dụng của sản phẩm. Chẳng hạn rổ sưa (thưa) và rổ dày có cùng một cách đan nhưng khoảng cách giữa các nan trong rổ sưa lớn hơn, cỡ lọt ngón tay út, thích hợp với những vật khi rửa xong cần thông thoáng cho mau ráo nước, như tôm cá hay các thứ rau chẳng hạn. Giần và sàng cũng thế, cùng một cách đan nhưng sàng có lỗ thưa hơn để cho hột gạo dễ rơi xuống. Còn như thúng, mủng, bầu thì dùng để đựng lúa, gạo, các loại ngũ cốc và bột nên phải đan bít để vật đựng không thể rơi rớt được.
Hình một cái mê (rổ) điển hình- Các loại mê khác (giần, sàng, thúng, mủng, rá, trẹt, nong, nia) cũng có hình dáng tương tự, chỉ khác ở kích thước, cách đan, và đan thưa, đan dày hay đan bít mà thôi.
Ở đây để dễ thấy cấu tạo của phần Đát nên tác giả vẽ thưa ra; trong thực tế, các nan ở phần Đát bao giờ cũng khít nhau.
– Đát: Đát cũng là đan, nhưng theo một lối khác, nghĩa là đan với nan nhỏ hơn và đan dày hơn, sau khi đã đan xong phần chính của sản phẩm.
Thử mở banh một cái rổ thưa ra mà xem. Trên cái mảnh đan bằng tre đó, mà người ta gọi là cái mê, thấy rõ có hai phần đan khác nhau: ở giữa là một mặt hình vuông, nan được sắp xếp cách đều nhau, tạo ra những ô vuông trống hở, đó là mặt chính của cái rổ, đó là phần đan. Chung quanh bốn phía của phần đan là những nan nhỏ hơn được đan khít với nhau. Đây chính là phần đát.
Đát bao giờ cũng lâu hơn đan, vì vậy dễ làm nản lòng những tay đan tài tử. Nhiều người mới biết đan thường tỏ ra hăng hái khi bắt tay vào việc. Đan xong phần chính, thấy khích lệ lắm, nhưng khi vào giai đoạn đát, thấy đan mãi mà vẫn chưa xong, nản quá, bèn bỏ đó, đi làm việc khác, công trình trở thành dở dang, chẳng ra cái gì cả. Bởi vậy mới sinh câu ca dao mà cô Lài đổi chữ đầu câu thứ hai để hát ghẹo anh Tuy:
Cười là phải quá đi chứ. Ở đời chán chi người sức không kham nổi mà cũng thích bày chuyện ôm đồm, ra vẻ ta đây cũng đủ khả năng, cũng tài giỏi như ai. Hay như Thúc Sinh, sợ vợ như mèo sợ cọp mà cũng bày đặt hứa hẹn với Kiều rằng Trăm điều hãy cứ trông vào một ta (Kiều).
– Lận: lận là làm cho cái mê hình phẳng trở thành hình dáng của sản phẩm.
Lại nói chuyện cái rổ thưa. Cho dẫu sau khi đan và đát đã hoàn tất, nó vẫn chỉ là một cái mê, chưa ra vật dụng gì cả. Phải lận thì mê mới thành rổ. Trước khi lận, phải chuẩn bịcặp vành, gồm vành trong và vành ngoài, thường làm bằng tre cật.
Khi lận, chỉ dùng vành ngoài. Lận xong rồi mới dùng đến vành trong. Một cách mạnh mẽ nhưng khéo léo, người ta buộc cái mê phải nằm lọt vào bên trong cái vành để lấy hình dáng của sản phẩm.
Cái câu anh Tuy hát rằng Lận thì trên nhún xuống chính là bao hàm cái kỹ thuật lận vừa nói.
Với những thứ như giần, sàng, mẹt (trẹt), mủng, rổ, rá có độ sâu không bao nhiêu, kích thước lại nhỏ, thì việc lận không khó lắm. Với các loại thúng, có độ sâu trên dưới 3 tấc, đường kính cũng lớn hơn, khó lận hơn nên có khi người ta đào một cái hố tròn để cho mê dễ lọt xuống, giúp cho việc lận dễ hơn. Đối với các loại nong hay nia, đường kính từ một đến hơn 2 thước, mê dày và cứng hơn, thì khi lận người ta phải đóng cọc để giúp giữ vành cho vững, nhờ vậy mới đủ sức ép cái mê đi vào khuôn khổ.
Khi cái mê đã vào lọt trong vành, phải sửa sang uốn nắn để cho mê nằm ngay ngắn đúng vị trí thích hợp rồi bỏ vành trong vào. Người ta tạm thời buộc chặt vành trong vành ngoài và mê lại với nhau bằng một sợi lạt, cứ cách chừng 10-20cm (tùy kích thước lớn nhỏ) lại buộc một nút. Nói là tạm thời vì các nút buộc này sẽ lần lượt được cắt bỏ khi nứt.
Ấy, anh đang muốn nói về những việc phải làm sau khi lận xong, vậy mà mấy cô nghe rồi bỏ chạy. Kỳ thiệt. Số là sau khi lận xong và buộc chặt tạm thời các bộ phận với nhau, sẽ có một số nan thừa lòi ra khỏi vành, cần được cắt và vứt bỏ để cho miệng sản phẩm được bằng phẳng thì mới nứt được. Đó là việc chấn và lột. Người ta dùng cái chàng thợ mộc, hoặc cái mác hay thậm chí cái dao phay để chấn nan thừa. Chấn lột xong rồi thì phải nhún, phải đè, điều chỉnh lần cuối để cho đâu vào đó trước khi đi vào khâu cuối cùng là nứt.
– Nứt: Nứt là dùng dây mây để buộc vành trong, vành ngoài và cái mê lại với nhau theo một phương cách riêng, vừa đẹp vừa bền. Có nhiều cách nứt, trong đó có hai lối chính là nứt đơn và nứt kép. Dĩ nhiên nứt kép thì đẹp hơn, kỹ hơn nhưng cũng tốn công hơn. Nứt không kỹ không kéo thì vành mau sút, nghĩa là sản phẩm sớm bị phế thải. Hàng chợ đa số thuộc loại này vì người ta làm ít tốn công để có thể bán giá rẻ.
Khi nứt người ta không dùng lạt tre mà dùng mây vì mây dẻo dai và cho sợi dài. Trên rừng có nhiều loại mây. Mây voi cho sợi to bằng cổ tay, mây song cho sợi cỡ xấp xỉ ngón tay cái, và mây nước hay còn gọi là mây nứt, sợi chỉ to bằng chiếc đũa, rất thích hợp cho việc nứt các đồ dùng bằng tre. Mây được chẽ nhỏ làm tư hay làm sáu và vót rất công phu để trở thành một sợi dây mỏng với bề ngang chừng 2mm thì phù hợp với khâu nứt. Ngày nay, ở các xưởng đan đát, đã có máy chẽ và chuốt mây rất tiện lợi. Phải dùng một dùi sắt để dùi thủng cái mê thì mới xỏ sợi dây mây qua được, và khi nứt người ta thường xỏ sợi dây từ ngoài vào trong, Đó là lý do khiến anh Tuy có thể dựa vào mà hát ỡm ờ rằng:
Phải sau khi nứt xong thì sản phẩm mới thực sự hoàn thành. Khi ra tre để đan, thường là tre tươi để dễ chẽ dễ vót. Vì vậy sau khi đan xong, người ta thường dem sản phẩm phơi nắng cho khô. Có nhiều nhà kỹ hơn, đem treo ở nhà bếp. Sức nóng của nhà bếp sẽ làm cho tre khô dần, khói bếp sẽ phủ lên một lớp “véc-ni” tự nhiên, rất công hiệu trong việc chống mốc ẩm và mối mọt.
Đến thành quách lâu đài mà cũng rụi tàn theo năm tháng, nói chi đến mấy thứ đồ dùng bằng mây tre. Bung vành sổ nẹp là những bịnh thông thường của các loại rổ rá thúng mủng. Tuy cái thúng cái rổ đã bung vành, banh miệng, nhưng vành chưa gãy và cái mê vẫn còn tốt, bỏ đi thì uổng, nếu chịu khó sửa chữa thì đồ hư trở trên đồ tốt ngay, khỏi phí của đời. Cái việc làm mới lại, sửa lại rổ rá thúng mủng bị bung vành, người ta gọi là cạp.
Khi rổ rá được cạp lại thì rổ rá cũ bắt đầu một cuộc đời mới. Trong đời thường cũng không thiếu chi những cuộc đời được làm mới theo cái kiểu đó. Ông A chết vợ nay làm bạn đời với bà B chết chồng. Xóm giềng hay chỗ quen biết khi nói chuyện với nhau sẽ nói rằng đó là một cặp rổ rá cạp lại. Ông C ly dị vợ rồi lại lấy bà D ly dị chồng, hai cuộc đời xộc xệch nay lại chắp nối với nhau để tạo thành một cuộc đời mới, đó cũng là rổ rá cạp lại.
Với cách nói vắn tắt nhưng đầy ấn tượng và ý nghĩa như thế, tưởng không phải dân tộc nào cũng có. Tuy nhiên, một ngày kia khi rổ rá bằng plastic đã thay thế hoàn toàn rổ rá bằng tre, nghề đan đát mai một thì lối nói như thế trở thành ngoại ngữ hay cổ ngữ và câu hát của anh Tuy phải cần tới các nhà nghiên cứu văn học cổ điển mới hiểu được.
Cái thành ngữ rổ rá cạp lại tôi đã học được từ một bà người Bắc trong xóm. Còn cái câu lấy thúng úp miệng voi là từ mệ ngoại tôi. Đem cái hình ảnh rổ rá cạp lại để ví von với sự làm lại cuộc đời của những mảnh đời tình duyên sứt mẻ thiệt là hay ho đáo để, nhưng cũng hay ho không kém khi ví von việc che giấu sư thật một cách ấu trĩ với hình ảnh buồn cười của việc lấy cái thúng bé con đem che cái miệng khổng lồ của “ông” voi. Khen rằng hay, ấy cũng là khen tương đối bởi vì nếu không biết chuyện rổ rá thúng mủng thì cũng khó mà thưởng thức cái tính cách gợi hình và gợi cảm của câu nói. Voi thì hy vọng còn mãi với người. Không thấy được voi trong rừng thì cũng có thể thấy được voi trong gánh xiếc hay trong vườn bách thú, còn thúng thì một ngày kia chắc không còn nữa vì công nghiệp hiện đại sẽ cung cấp những loại đồ đựng tương đương với giá rẻ hơn và bền tốt hơn.
Ở Thừa Thiên có hai làng nổi tiếng về nghề đan đát, ấy là Bầu La và Dạ Lê. Bầu La thì được tín nhiệm về thúng mủng rổ rá, còn Dạ Lê thì được tiếng về gót (cót). Cót hay là gót là một tấm mê đan khít bằng tre, có bề ngang chừng một thước tây còn bề dài thì tùy ý. Người ta dùng cót làm tấm lót để phơi khô các sản phẩm thu hoạch từ mùa màng. Cót cũng được quây lại để chứa lúa, để che chắn những chỗ cần che chắn. Mặc dù hàng hóa bằng plastic tấn công khá mạnh nhưng vẫn chưa đánh gục được cái nghề truyền thống của hai làng đó.
Ca dao có câu “Liệu bề đát được thì đan/Đừng gầy ra bỏ đó thế gian họ cười”. Đan (người Nam Bộ có nơi gọi là đươn) là động tác dùng nan tre cài xếp thành tấm mê - bộ phận chính làm thành cái lòng rổ, thúng... Đát là công đoạn tiếp sau khi đan, dùng các nan nhỏ hơn đan lồng vào bốn phía mép tấm mê để cố định các nan đã đan.
người thợ đan cũng phải trải qua 6 bước để hoàn thành một đồ dùng: Vót nan, Gầy, Đan, Đát, Lận, Nứt.
Ví như đan cái rổ sưa (rổ thưa), loại rổ được các cô, các bà thường dùng đi chợ hay để đựng thứ gì cần được thông thoáng và ráo nước sau khi rửa xong, như rau, chẳng hạn. Cần:
Vót nan, thường chọn loại tre già dài lóng. Tùy theo kích thước sản phẩm to hay nhỏ mà người ta cưa tre thành từng đoạn dài ngắn khác nhau, rồi dùng rựa hay mác để chẻ tre ra thành từng thanh mỏng, gọi là nan, sau đó vót nan.
Gầy, nghĩa là sắp xếp những nan đầu tiên với nhau theo một lề lối riêng để tạo thành đường nét căn bản của sản phẩm. Sau khi đã gầy được rồi thì dựa theo đó mà đan tiếp.
Đan nghĩa là gài cái nan này với những cái nan khác theo một nguyên tắc chồng chéo trên dưới như thế nào đó để cho chúng tự giữ chặt với nhau. Có nhiều cách đan, nhưng thông dụng nhất vẫn là đan lòng mốt, đan lòng hai, đan mắt cáo (lục giác)...
Đan thưa, đan dày hay đan bít là tùy theo công dụng của sản phẩm. Chẳng hạn rổ sưa (thưa) và rổ dày có cùng một cách đan nhưng khoảng cách giữa các nan trong rổ sưa lớn hơn so với rổ dày.Đát, cũng là đan, nhưng theo một lối khác, nghĩa là đan với nan nhỏ hơn và đan dày hơn, sau khi đã đan xong phần chính của sản phẩm.
Thử mở banh một cái rổ thưa ra mà xem (ảnh). Trên cái mảnh đan bằng tre đó, mà người ta gọi là cái mê, thấy rõ có hai phần đan khác nhau: ở giữa là một mặt hình vuông, nan được sắp xếp cách đều nhau, tạo ra những ô vuông trống hở, đó là mặt chính của cái rổ, đó là phần đan. Chung quanh bốn phía của phần đan là những nan nhỏ hơn được đan khít với nhau. Đây chính là phần đát.
Đát bao giờ cũng lâu hơn đan, vì vậy dễ làm nản lòng những tay đan tài tử. Nhiều người mới biết đan thường tỏ ra hăng hái khi bắt tay vào việc. Đan xong phần chính, thấy khích lệ lắm, nhưng khi vào giai đoạn đát, thấy đan mãi mà vẫn chưa xong, nản quá, bèn bỏ đó, đi làm việc khác, công trình trở thành dở dang, chẳng ra cái gì cả. Bởi vậy mới sinh câu ca dao “Liệu mà đát được thì đan/Đan rồi bỏ đó, thế gian chê cười” với nghĩa rộng là: cần phải nắm chắc các công đoạn cần thiết của một việc gì rồi mới bắt tay vào làm, nếu không thì việc sẽ dang dở khiến thiên hạ chê cười.