Thực trạng ngành khách sạn hiện nay ở Việt Nam?
kiến thức chung
Sự tăng trưởng của nền kinh tế cùng với sự đa dạng các loại hình du lịch đang lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh, nhất là lĩnh vực khách sạn.
Theo Công ty Tư vấn bất động sản CBRE (Anh), trong ba năm qua, công suất phòng tại Việt Nam liên tục tăng. Tỷ lệ lấp đầy phòng tại tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có mức độ tiếp cận với các thành phố lớn tai Đông Nam Á, như Jakarta (Indonesia) và Kuala Lumpur (Malaysia). Trong ba năm tới, dự báo nguồn cung khách sạn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng 8%.
Theo Hãng STR Global, một công ty chuyên tư vấn thị trường trong ngành công nghiệp khách sạn, trong năm 2014, công suất phòng tại Hà Nội đã gia tăng thêm 2,4% (số % tăng, giảm trong bài đều so với cùng kỳ hay so với năm 2013), lên đến 68%, tại thị trường TP. Hồ Chí Minh giảm 1,7%, còn 66,4%.
Các dữ liệu khác của STR Global cho thấy ngành công nghiệp khách sạn Việt Nam chưa mấy nổi bật.
Trong năm 2014, tỷ lệ lấp đầy của ngành khách sạn Việt Nam đã giảm xuống 2,2%, còn 62,3%, giá trung bình một ngày của phòng gia tăng nhẹ, lên 1,8%, khoảng 2,7 triệu đồng/phòng, tương đương 125,57 USD. Doanh thu trung bình của phòng giảm 0,4%, còn 1,7 triệu đồng, tương đương 78,18 USD.
Tuy nhiên, nhìn chung, sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam vẫn rõ ràng trên nhiều mặt và sự hỗ trợ cho mức độ phát triển ngành công nghiệp khách sạn không chỉ nằm ở sự gia tăng du khách.
“Nhu cầu khách sạn tăng do ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm nơi sản xuất thay vì Trung Quốc”, ông Adam Bury, Phó Chủ tịch phụ trách đầu tư Công ty Jones Lang LaSalle khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói.
Ông Art Buser, Giám đốc quản lý điều hành, phụ trách mảng khách sạn của CBRE đánh giá, các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến thị trường khách sạn tại Việt Nam do nền kinh tế tại đây tăng trưởng tốt, và là nơi đầu tư hấp dẫn hơn nếu so với Hong Kong, Singapore hay Tokyo.
“Theo tôi được biết, 18 tháng trước đây, các nhà đầu tư chỉ mới quan tâm đến thị trường khách sạn Việt Nam theo cách sơ khởi, nhưng giờ đây là mối quan tâm chính của họ”, ông Art Buser nói.
Vậy việc đầu tư khách sạn tại Việt Nam nằm ở toàn vùng hay ở một số khu vực? Theo ông Bury, cả hai đều đúng.
“Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung xây dựng phân khúc khách sạn 5 sao, cao cấp tại hai trung tâm lớn cả nước là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, cùng với đó là tại các vùng ven biển hấp dẫn như Đà Nẵng và Nha Trang. Nhưng phân khúc này đã dần bão hòa và chúng tôi nhìn thấy gần đây là làn sóng đầu tư vào phân khúc trung cấp và bình dân. Quan điểm các nhà đầu tư là muốn cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu cho tất cả phân khúc khách hàng. Chúng tôi cũng nhìn thấy những dòng vốn đầu tư mạnh tại các thành phố ven biển vì có tiềm năng du lịch, tương tự như tại Phuket và Koh Samui (Thái Lan) và Bali (Indonesia) trước đây”, ông Bury cho biết.
Chẳng hạn, Tập đoàn Khách sạn Accor vào thị trường Việt Nam từ năm 1991 và giờ đây là nhà đầu tư trong lĩnh vực khách sạn lớn nhất Việt Nam với 17 khách sạn, hơn 3.300 phòng, đáp ứng đủ loại phân khúc khách hàng từ bình dân đến cao cấp.
“Chúng tôi có một chuỗi các thương hiệu khách sạn tại Việt Nam, từ cao cấp như thương hiệu Sofitel, Pullman, Mgallery, Novotel, Mercure cho đến hạng economy là thương hiệu Ibis. Kế hoạch của chúng tôi tại Việt Nam là tiếp tục phát triển nhiều loại hình khách sạn tại các thành phố chính, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, phù hợp với mọi tùy chọn của khách hàng”, ông Paul Stevens, Giám đốc Điều hành Accor tại Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines cho biết.
Accor không phải là tập đoàn khách sạn duy nhất thấy được sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Tập đoàn Khách sạn Minor đã đầu tư vào thị trường Việt Nam từ năm 1998 thông qua liên doanh với một đối tác Việt Nam và đang điều hành hệ thống resort Anantara Mui Ne Resort & Spa và chuẩn bị đưa vào hoạt động hai khách sạn tại Hà Nội và Quy Nhơn.
“Quy Nhơn hiện nay đang nổi lên là điểm du lịch biển hấp dẫn khách quốc tế. Tập đoàn Khách sạn Minor đã thấy được cơ hội rất lớn tại đây và đang là nhà đầu tư khách sạn quốc tế duy nhất tại Quy Nhơn để mở ra một điểm đến đầy kinh ngạc cho du khách”, ông Roger Baldwin, Giám đốc khu vực phụ trách tiếp thị và bán hàng của Tập đoàn Khách sạn Minor cho biết.
Khách sạn Mövenpick hiện đang hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng đã nhắm đến mở thêm một khách sạn tại Quy Nhơn vào năm 2017. “Quy Nhơn là điểm đến du lịch tương lai tại Việt Nam”, ông Bruno Huber, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á của Mövenpick khẳng định.
Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc vẫn tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu khách sạn trong hiện tại lẫn tương lai.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản đầu tư khách sạn tại Việt Nam. Và rào cản đó không có gì khác chính là các quy định pháp luật. “Các nhà đầu tư luôn mong muốn sự minh bạch trong quá trình thiết lập đầu tư, tuy nhiên, điều này vẫn gặp quá nhiều vướng mắc ở Việt Nam. Vẫn có sự thống trị của các giao dịch bên ngoài các quy định đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây”, ông Buser nói.
Theo ông Baldwin, việc thiếu thốn cơ sở hạ tầng cho du lịch cũng là vấn đề chính đối với các nhà đầu tư khách sạn. Nhưng điều này có thể khắc phục bằng cách hợp tác với các đối tác và chính quyền địa phương để hoàn thiện dần. Cũng nên mạnh dạn thử nghiệm các chương trình cho du lịch như miễn thị thực cho công dân một số quốc gia nào đó hay mở đường bay thẳng Đà Nẵng - Hồng Kông.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Bình Hằng