Thực hư về sự khác biệt giữa não trái và não phải (left vs right brain)

  1. Kiến thức chung

Có lẽ chúng ta ai cũng đã từng được nghe nói đến lý thuyết bộ não con người bị chia làm 2 nửa, 2 bán cầu não (hemisphere). Mỗi bán cầu não chịu trách nhiệm xử lý những công việc khác nhau.

Theo lý thuyết này, bán cầu não phải thường chịu trách nhiệm xử lý những công việc thiên về sáng tạo, tùy hứng, trực giác và cảm xúc, trong khi bán cầu não trái quản lý những công việc mang tính phân tích, chi tiết, logic và tính toán.

Nhưng thực sự thì 2 bán cầu não này có hoạt động một cách độc lập đến vậy? Và tại sao lại xuất hiện khái niệm "não trái não phải" này? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua một số ví dụ trong bài viết này.

nao-trai-nao-phai

(Nguồn: wallpaper-house.com)

Trước hết, tại sao lại có hiện tượng phân chia chức năng giữa 2 bán cầu não?

Một trong những cách giải thích thường thấy cho vấn đề này là bộ não nếu tự nó giải quyết toàn bộ tất cả các công việc, từ sáng tạo đến phân tích, sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực. Vì thế, việc bộ não được chia làm 2 phần có thể giúp nó cùng một lúc thực hiện được cả 2 loại công việc mang cả tính trực giác và logic.

Việc phân chia chức năng này cũng là nguyên nhân tại sao quanh chúng ta luôn có những người thuận tay trái, mặc dù chỉ chiếm thiểu số. Đó là vì từ thời nguyên thủy, những người có thể sử dụng tay trái thường có khả năng chiến thắng trong những cuộc chiến đấu tay chân cao hơn.

Ngoài ra, giới khoa học cho biết việc phân chia chức năng này thường bắt đầu xảy ra ở trẻ em khi chúng 2-3 tuổi.

Một số dẫn chứng về não trái não phải

1) Chúng ta không bao giờ chỉ sử dụng một bán cầu não

Thực ra điều này cũng không có gì quá bất ngờ, bởi mỗi hoạt động trí óc của chúng ta, dù đơn giản đến đâu, thường phải bao gồm cả yếu tố tư duy não trái và não phải.

Ví dụ: khi chúng ta hát, cả 2 bán cầu não đều tham gia vào công việc. Bán cầu não trái phụ trách việc giúp chúng ta nhớ đúng lời bài hát, trong khi bán cầu não phải giúp chúng ta cảm nhận bài hát và điều chỉnh tông giọng của mình cho phù hợp.

Một ví dụ khác là khi chúng ta đọc sách, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết: não trái chịu trách nhiệm xử lý các từ ngữ và ý nghĩa của chúng, trong khi não phải giúp chúng ta hình dung, tưởng tượng ra những hình ảnh trong đầu mình dựa theo nội dung câu chuyện trong cuốn sách.

Như vậy, sự phân chia chức năng giữa 2 bán cầu não không thực sự quá rạch ròi.

the-chai

Vị trí thể chai trong não bộ. (Nguồn: tranhthudi.com)

2) Hội chứng "bàn tay người ngoài hành tinh" (Alien Hand Syndrome)

Đây là hội chứng được ghi nhận ở các bệnh nhân buộc phải tiến hành phẫu thuật cắt đứt mối liên kết giữa 2 bên bán cầu của mình, trong công trình nghiên cứu đoạt giải Nobel của tiến sỹ Roger Sperry vào năm 1981.

Thông thường 2 bán cầu não được kết nối bởi một cơ quan gọi là thể chai. Khi 2 bên bán cầu não không còn làm việc liền mạch với nhau, các bác sĩ đã nhận ra rằng ở nhiều bệnh nhân, bàn tay của họ đôi khi không làm việc đúng theo chỉ thị của bộ não họ, cứ như thể có một bàn tay của một ai khác mọc trên người họ vậy.

Ví dụ: khi bệnh nhân mặc áo, một tay của anh tay cài nút áo, trong khi tay kia liên tục tháo những nút áo này ra.

Điều này dẫn chúng ta đến kết luận: mối liên kết giữa 2 bán cầu não thực sự đóng một vai trò nhất định đối với các hoạt động thường ngày của chúng ta.

3) Các cơ quan làm việc không ăn ý với nhau

Một thí nghiệm khác trên các bệnh nhân bị cắt đứt sự kết nối giữa 2 bên bán cầu não của Michael Gazzaniga, học trò của Roger Sperry, cho thấy có một sự "phối hợp" làm việc không hiệu quả giữa các cơ quan và bộ phận trên cơ thể những bệnh nhân này.

Cụ thể, trong một thí nghiệm, ông Gazzaniga đưa cho một bệnh nhân xem 2 bức hình, 1 bức có hình 1 bông hoa và 1 bức có hình 1 chú thỏ. Ông Gazzaniga, với các dụng cụ của mình, bảo đảm rằng mắt phải của người bệnh chỉ có thể thấy được hình ảnh bông hoa, trong khi mắt trái của anh ta chỉ thấy được chú thỏ. Khi được hỏi đã nhìn thấy hình gì, người bệnh nói rằng anh ta chỉ thấy bông hoa, không thấy con thỏ.

two_minds

(Nguồn: spiderum.com)

Kỳ lạ ở chỗ, khi được yêu cầu dùng tay để lựa chọn các hình ảnh liên quan (chủ đề "bông hoa" và chủ đề "thỏ"), thì tay phải của anh ta lại chọn những hình ảnh liên quan đến hoa, trong khi tay trái chọn những hình ảnh liên quan đến thỏ.

Mà như chúng ta đã biết, não trái điều khiển các cơ quan và bộ phận cơ thể nằm bên phải (mắt phải, tay phải, tai phải...) và ngược lại. Như vậy, trong trường hợp này, tuy não phải của bệnh nhân, thông qua mắt trái của mình, thực sự đã nhìn thấy hình ảnh chú thỏ, nhưng không nói ra được điều đó. Điều này chứng tỏ việc sử dụng ngôn ngữ không trực tiếp do bán cầu não phải quản lý.

Cần có những nghiên cứu sâu hơn

Tóm lại, bán cầu não trái và phải của con người thực sự đảm nhận những trách nhiệm khác nhau, nhưng sự phân chia này không tuyệt đối. Bằng chứng là cả 2 bán cầu não đều vào cuộc trong tất cả các hoạt động của chúng ta. Sự phân chia chức năng này có bản chất như thế nào, và tại sao lại như vậy, chúng ta đành phải trông đợi những nghiên cứu trong tương lai.


Đọc thêm:

https://spiderum.com/bai-dang/Thuc-hu-chuyen-nao-trai-nao-phai-dik

Từ khóa: 

left vs right brain

,

não trái não phải

,

bán cầu não

,

hemisphere

,

kiến thức chung