Thiên Nga Đen

  1. Sách

Cuốn này tôi đọc xong cũng lâu rồi, nhưng cứ lưỡng lự mãi không viết review, một phần vì nó không khiến tôi cảm thấy ấn tượng tới mức cần thiết phải mở lap ra viết liền như hồi tôi đọc “Giết con chim nhại". Nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi vẫn viết review về nó vì… gần đây không viết review sách, mà mấy cuốn khác tôi cần tìm lại cảm hứng đã.

thien-nga-den-1


   Thiên Nga Đen – đây không phải đầu sách tôi vừa thấy liền mua. Tôi thấy nó rất nhiều lần rồi, trong nhà sách cũng có, tình cờ lướt Tiki thấy cũng có, lướt Facebook cũng thấy, nhưng tôi không định mua nó. Tôi nhớ lúc đầu tôi nhìn thấy nó, thứ tôi nghĩ tới chính là bộ phim “Black Swan – Thiên Nga Đen”, thứ đã đem về cho Natalie Portman một tượng vàng Oscar mà thôi. Bẵng đi ít năm, tôi vào đại học, tôi học Thương Mại, đại khái là có liên quan tới kinh tế đó, và tôi biết về những cuộc khủng hoảng kinh tế đã từng xảy ra, và khái niệm Thiên Nga Đen của tôi đã được bổ sung thêm khía cạnh kinh tế học, bên cạnh góc độ điện ảnh kia. Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là tôi có hứng thú với cuốn sách này, thế nên nó lại lướt qua đời tôi một lần nữa. Mãi cho tới năm ngoái, một người bạn của tôi dọn nhà vô Sài Gòn ở, bạn ấy có một tủ sách cũng kha khá, nhưng lại không thể mang đi hết, nên bạn ấy có đăng Facebook để tìm người thích hợp “gửi gắm” những đứa con tinh thần của mình. Tất nhiên là tôi không bỏ lỡ cơ hội mượn sách đó rồi, tôi biết gu đọc sách của bạn ấy, nên khi thấy cuốn “Thiên Nga Đen” trên kệ sách của bạn này tôi đã rất ngạc nhiên, nhưng cũng có chút tò mò, nên tôi đã hỏi có thể cho tôi mượn cuốn này được không. Từ chỗ bạn ấy tôi còn cầm về cuốn “Nguồn Cội” của Dan Brown - tôi thích tác giả này, hầu hết các đầu sách của ông tôi đã đọc qua rồi, và những cuộc phiêu lưu của giáo sư biểu tượng học Robert Langdon từng khiến tôi bỏ ăn bỏ ngủ để đọc cho xong. Mà quay về chủ đề chính, cuốn “Thiên Nga Đen”, dù sao cũng tha về rồi, nên tôi quyết định sẽ đọc nó.

Black_Swan_poster

Black Swan

phim này tôi cũng chưa xem, mà nghe nói hay lắm 

   Nếu như bạn hoàn toàn không có chút kiến thức gì về cách não bộ hoạt động như thế nào, hoặc là không có kiến thức về thống kê xác suất, tôi đảm bảo sẽ có lúc bạn muốn đem cuốn sách đi chôn luôn đấy. Không biết bạn đã nghe về cuốn “Suy nghĩ nhanh và chậm” chưa, nếu chưa bạn có thể đọc cuốn đó trước để đỡ bỡ ngỡ, hoặc là không đọc sách cũng được, bạn có thể tìm hiểu sơ về cách não bộ con người ghi nhớ và cách chúng hoạt động, như vậy sẽ dễ hiểu hơn tí. Còn về phần xác suất của cuốn sách thì, xin lỗi thầy cô, nhưng kiến thức tôi đã trả hết cho thầy cô rồi, nên tôi đọc về phần này có chút không hiểu lắm. Nhưng thật ra bố cục cuốn sách tương đối đơn giản, nội dung cũng vậy, không phải là một mớ lý luận cao siêu hoặc là hằng hà sa số tình tiết lắt léo hack não người xem đâu. Thông điệp tác giả muốn truyền tải rất đơn giản, hãy nhìn sự việc theo đúng bản chất của nó.

"Không có bằng chứng về sự tồn tại của nó không đồng nghĩa với việc nó không tồn tại"

À tôi cũng không biết là tác giả muốn truyền tải bao nhiêu thông điệp nữa, mà tôi ấn tượng nhất cái này, vì thực tế trong cuộc sống có rất nhiều thứ chúng ta tự cho rằng nó sẽ không xảy ra, không bao giờ xảy ra chỉ vì trước giờ nó chưa từng xảy ra. Nhưng thật sự, những khả năng đó vẫn tồn tại, nó nằm đâu đó trong vũ trụ này, chỉ là chưa tới thời điểm chúng ta va vào nó thôi. Thế nên đọc xong, hiểu rồi thì tự chuẩn bị tâm lý cho mình là tốt nhất. Hãy chừa một khả năng cho những bất ngờ đó, đừng all-in, và thật sự có một số chuyện mình có thể quản tới, thì hãy nghe tác giả, chuẩn bị một tí cho trường hợp đó. Nhưng có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình thì sao, ví dụ như việc thiên thạch va vào Trái Đất đâu có nằm trong khả năng tính toán của khủng long. Mà cho dù khủng long tính ra được chuyện đó thì khủng long sẽ làm gì, sẽ phát hiện ra và bắn một trái tên lửa để phá hủy thiên thạch ở cự ly đủ xa để những mảnh vỡ của nó không ảnh hưởng tới Trái Đất à. Được như vậy thì trình độ khoa học kỹ thuật của khủng long đã nằm ở một mức độ cực kỳ cao cấp rồi, như vậy việc “thiên thạch” này đối với khủng long sẽ trở thành bình thường như cân đường hộp sữa rồi, như loài người ngày nay dự báo bão thôi. Như vậy sự kiện “thiên thạch” kia không còn mang đủ yếu tố Thiên Nga Đen với khủng long nữa rồi.

 

4

 Tưởng tượng tới cảnh khủng long bắn tên lửa là tôi cười suýt phun nước rồi

   Tôi chỉ muốn nói là, chúng ta đọc sách để có thêm hiểu biết, chứ không phải đọc sách để ám ảnh và trăn trở về những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta không cố gắng để vươn lên những tầm cao mới, làm sao chúng ta đạt được những thành tựu như hiện nay đúng không!? Đừng vội, để tôi nói bạn nghe, sự phát triển của xã hội loài người là một quá trình tích lũy, đôi khi bạn có điều kiện cần, nhưng bạn vẫn chưa đạt được điều kiện đủ, thì những phát minh vẫn sẽ chưa xảy ra đâu. Điển hình nhất, hãy nhìn vào Leonardo da Vinci. Nhân vật này thì chắc mình không cần phải giới thiệu nữa rồi đúng không, mọi người ít nhiều gì đều đã nghe nói về ông ấy rồi. Nói về ý tưởng, ông có rất nhiều, phải nói là nhiều như số lượng drama mỗi ngày bạn thấy trên mạng xã hội vậy |・ω・)ノ nhưng số ý tưởng có thể hiện thực hóa thì được bao nhiêu đâu, và đa phần đều là trong lĩnh vực hội họa. Ông có điều kiện cần, nhưng chưa có điều kiện đủ. Nếu như ông sinh ra vào thời kỳ anh em nhà Wright xem, lúc đó chưa chắc anh em nhà này đã là những người đầu tiên thử nghiệm thành công máy bay. Vậy nên, “dục tốc bất đạt”, mình vẫn quan điểm là cứ thuận theo tự nhiên, một mình chúng ta không thể thay đổi thế giới, có một số vấn đề hôm nay bạn không giải quyết được, nhưng một vài tháng sau, bạn đọc thấy đâu đó trên thế giới có người phát minh ra một công cụ A, B, C nào đó, mà chính cái công cụ đó là thứ còn thiếu để bạn có thể giải quyết được vấn đề của mình, vậy là bùm, đột nhiên vấn đề của bạn dễ như trở bàn tay. Mà cái người xa lạ phát minh ra thứ đó, đôi khi đó chỉ là một phát minh vô tình của người ta mà thôi, chứ mục đích họ không phải là tìm tòi nghiên cứu phát minh ra cái thứ đó.

idesign_anh-em-nha-wright-da-tu-duy-thiet-ke-nhu-the-nao_01

Orville Wright và Wilbur Wright

những người đầu tiên thử nghiệm thành công cho máy bay bay được

   À mà nói tới đây, tôi lại nhớ ra một điểm nữa tôi đồng tình với tác giả, đó là quá trình khám phá là kết quả của một quá trình thử đi thử lại, sai rồi lại rút kinh nghiệm, chứ không phải chỉ đơn thuần tính toán là có thể ra được.

 “Người ta không tìm kiếm thứ họ không biết về sự tồn tại của nó.”

   Chính là ý này, người ta không tìm kiếm những hiện tượng như “Thiên Nga Đen” vì người ta không biết về sự tồn tại của nó, nên chúng ta cần thực nghiệm, làm đi mới biết được chuyện nó sẽ như thế nào. Điểm này mình rất đồng tình với tác giả.

   Chỉ là mình không thích lắm cách tác giả công kích những người có suy nghĩ khác với ông. Có thể đối với ông, họ là một giống loài ngu ngục ưa thể hiện nào đó, nhưng mình nghĩ mình vẫn có thể chứng minh quan điểm của mình mà không cần hạ thấp người khác mà. Mình có thể tức họ, nhưng nếu mình cho rằng mình có suy nghĩ đúng đắn hơn họ, mà họ từ chối tiếp nhận suy nghĩ của mình thì mình cũng không thể tước đoạt quyền được “ngu” của họ như vậy được. Thật sự, nếu bạn sợ sự sai lệch trong kiến thức này lan rộng ra, sẽ gây ra những thiệt hại cho xã hội, vậy bạn hãy tìm cách truyền bá kiến thức mà bạn cho là đúng tới càng nhiều người hơn, để cái đúng của bạn có thể ngăn chặn sự ảnh hưởng của những cái sai kia. Đây là cuộc chơi về sức ảnh hưởng, nếu mục đích bạn hướng đến là truyền bá cái đúng, bạn cần tìm được cách thu phục người nghe, chứ không phải chứng minh bạn đúng và hạ thấp đối thủ của mình, như vậy sẽ có những thành phần người nghe trung lập từ chối tiếp nhận lý luận của bạn chỉ vì không tán đồng cách làm của bạn.

   Nhìn chung tôi nghĩ đây là một cuốn nên đọc thử một lần cho biết, để giữ cho đầu óc của mình luôn “mở”, nhưng không phải ai tôi cũng sẽ đề xuất cuốn này cho họ đọc thử, những người có cái tôi quá cao tôi nghĩ là không nên rờ vào cuốn này thì hơn, nhất là những bạn tôn thờ “đường cong Gauss” và những thứ xác xuất thống kê mang tính tuyệt đối, đại loại vậy, bạn sẽ cảm thấy như tín ngưỡng của mình bị xúc phạm vậy. À mà tác giả công kích giới tài chính cũng nhiều lắm, nếu bạn là một trong số đó, và đầu óc bạn không đủ thoáng để tiếp nhận một luồng ý kiến trái chiều, thì tôi nghĩ là bạn đừng rước bực vào mình làm gì. Để cuốn sách xuống và tìm cuốn khác để đọc sẽ có ích hơn.

-Chúc bạn có một trải nghiệm vui vẻ với cuốn sách này-

 Wordpress của mình

The Librarian – Người Thủ Thư – Kiến thức được chia sẻ sẽ càng có ích hơn~~~

thelibrarianvn.wordpress.com

Từ khóa: 

review sách

,

sách

Có nhiều thứ chúng ta không thấy, không sờ nắm được, không cảm được nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại. Ví dụ sóng điện từ chẳng hạn.

Trả lời

Có nhiều thứ chúng ta không thấy, không sờ nắm được, không cảm được nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại. Ví dụ sóng điện từ chẳng hạn.

Tôi chưa hiểu rõ ý nghĩa của câu " thuận theo tự nhiên" bạn có thể giải thích cho tôi theo ý hiểu của bạn được ko

từ thiên nga đen nói về hiện tượng giá vàng tăng vừa rồi và đổ vỡ tán loạn, dân chứng khoán lại hốt tiền, lúc đầu cứ tưởng chứng khoán hạ, nghĩ là chứng khoán đổ vỡ mà thực chất giá vàng đổ vỡ, chuyện quá hài, thiên nga đen là thuật ngữ tài chính của giới trading mà