Thiên kinh vạn quyển không bằng đọc đúng hiểu sâu
Trong một thế giới mà dữ liệu – thông tin – tri thức tăng lên theo cấp số nhân với những khoảng thời gian ngày một giảm dần, việc ĐỌC ngày càng trở thành một vấn đề nan giải với mỗi con người trong thế giới hiện đại.
Chúng ta không thể không ĐỌC, nhưng cũng không thể ĐỌC hết nổi những thứ CẦN ĐỌC, cũng chưa nói đến cần phải đọc những thứ liên quan, mở rộng, đào sâu…
ĐỌC trở thành một gánh nặng, khi chúng ta bị thêm tâm lý của sự sợ để hụt mất “điều gì đó”. Kỷ nguyên số cùng với sự phát triển của các thiết bị di động đã làm cho việc cập nhật dữ liệu – thông tin – tri thức ngày càng trở nên dễ dàng hơn, trở nên nhanh hơn, nhiều hơn, chất lượng hơn, chi phí thấp hơn và dễ dàng tiếp cận và liên kết hơn.
Chính điều này lại thúc giục người ta ĐỌC không ngừng nghỉ, cập nhật không ngừng. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó, càng đọc nhanh, đọc nhiều thì chất lượng ĐỌC càng giảm đi.
Có thể mô hình hóa việc ĐỌC thành một tiến trình vòng xoáy ốc như sau: ĐỌC -> BIẾT -> HIỂU -> DỤNG -> KIẾN TẠO -> NHU CẦU MỚI -> ĐỌC. Giải thích ngắn gọn chu trình này như sau:
Khi ta ĐỌC, việc đọc sẽ giúp chúng ta BIẾT một “điều gì đó”, nếu chỉ dừng ở đây, thì việc BIẾT cũng sẽ chỉ để biết và có thể dần phai mờ, thỉnh thoảng có ai nhắc đến thì ta có thể ờ à rằng ta đã biết đến điều đó nhưng cũng chẳng có giá trị mấy.
BIẾT rồi thì phải tư duy để HIỂU, cần nhớ, biết không có nghĩa là hiểu, biết có thể rất nhiều nhưng hiểu thì chưa chắc đã bao nhiêu. Do vậy, cũng có thể hiểu HIỂU là một giá trị tinh lọc bởi BIẾT, càng hiểu nhiều, đồng nghĩa ta đã tinh chế ra được cái biết đó tạo nên những giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều.
Do vậy, biết một mà hiểu mười sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho việc ĐỌC lên rất nhiều lần.
HIỂU rồi, nhưng không DỤNG thì cũng chỉ là “bụng đầy một bồ chữ” mà “vô dụng” thôi. Hiểu tạo nên một giá trị, nhưng giá trị đó thực sự chỉ có giá trị thực sự, tức là nó có “khả năng trao đổi để tạo ra giá trị mới thông qua quá trình trao đổi”, điều này trong tài chính sẽ dễ hiểu hơn bằng khái niệm “thanh khoản”. Ta có một tài sản có giá trị, nhưng khi cần nó không có giá trị thanh khoản để dùng thì tài sản đó cũng “chỉ là để đấy” mà thôi.
Do vậy, nhờ DỤNG mà sự HIỂU lại tiếp tục gia tăng giá trị của nó lên nhiều lần nữa, phải dụng cái ta hiểu được vào thực tiễn, từ chính thực tiễn mà cái hiểu trở nên hoàn thiện, lọc bỏ những sai lệch.
DỤNG rồi mà chỉ dừng ở đó cũng chỉ lại là kẻ thụ động, theo đuôi. DỤNG tốt rồi thì phải từ cái trải nghiệm thực tiễn của việc dụng cái hiểu đó mà KIẾN TẠO nên những cái mới, thông qua tổng kết, thông qua trừu tượng hóa, hệ thống hóa để cái hiểu đó mở rộng, đào sâu hơn thì những giá trị đó lại tiếp tục được mở rộng.
Nhất là trong một xã hội tiến trình đổi mới và sáng tạo không ngừng như ngày nay, thì kiến tạo – hay học tập suốt đời, trở thành một năng lực bắt buộc để không bị “tụt hậu”. Cũng cần nhớ KIẾN TẠO chính là nấc thang cao nhất của việc học, chứ không phải học là đọc thuộc, nhắc lại và áp dụng.
KIẾN TẠO rồi, tất yếu sẽ nảy sinh ra những NHU CẦU MỚI của những điều còn chưa biết, điều còn phải hoàn thiện. Không nảy sinh ra nhu cầu mới thì sự kiến tạo cũng sẽ rơi vào tình trạng thui chột và bế tắc, càng nhìn thấy nhiều nhu cầu mới nảy sinh thì có nghĩa là sự kiến tạo đang càng hiệu quả.
Và khi xuất hiện NHU CẦU MỚI thì yêu cầu phải ĐỌC mới lại xuất hiện để bắt đầu một chu trình mới.
Sơ lược tiến trình như vậy để chúng thấy rõ ý nghĩa, giá trị và yêu cầu của việc ĐỌC, ngày nay, nhất thiết muốn chủ động, muốn vượt lên, muốn trưởng thành về tư duy, hành động, nhất thiết cần phải ĐỌC CHẬM để ĐỌC ĐÚNG, HIỂU SÂU, DỤNG TỐT, KIẾN TẠO HIỆU QUẢ.
Cần phải ý thức quá trình ĐỌC cũng chẳng khác gì việc ta chọn “thức ăn” để ăn. Một ngày, chúng ta chỉ có thể ăn được một giới hạn nhất định mà thôi, do vậy, khi có thể có điều kiện lựa chọn, cần chọn miếng ăn ngon, chọn cái ta có thể tiêu hóa hiệu quả, và làm cho ta có một sức khỏe tốt, chứ không phải là ăn cho thật nhiều, ăn tạp, làm vậy chỉ tổ hại sức khỏe mà thôi. Đọc cũng vậy. Đọc nhiều quá nhưng đọc không đúng, đọc cho cố mà không tiêu hóa được thì sẽ thành bệnh tật về tư duy, ảo tưởng về tri thức.
Bài của FBker Giang Lê
(https://www.facebook.com/giang.le.169/posts/4514529241895779)
sách và đời sống
,đọc và suy ngẫm
,phương pháp đọc
,thư viện tự lập
,giáo dục
,sách
Ờm cái này đúng đấy :v
Zorba Abraxas
Ờm cái này đúng đấy :v