Thiên hà của chúng ta dưới con mắt người xưa

  1. Khoa học

Ngày nay, tất cả chúng ta đều biết rằng The Milky Way, thiên hà chứa Hệ Mặt Trời của chúng ta là một thiên hà xoắn ốc chứa đến hàng trăm tỉ các ngôi sao, hành tinh, cũng như kích thước lên đến hàng trăm năm ánh sáng.


Thời đại này, công nghệ cho phép chúng ta nghiên cứu kĩ hơn, lục lọi vào nhiều ngõ ngách hơn của vũ trụ. Tuy nhiên, tổ tiên của chúng ta, những người sống cách đây hàng thiên niên kỉ không có được điều đó, dưới con mắt của họ bầu trời cao kia là một sự huyền bí, gần gũi mà cũng xa lạ, thân thương nhưng cũng đáng sợ. Bằng con mắt con những con người bình thường nhìn lên bầu trời họ đã tưởng tượng ra không biết bao nhiêu câu chuyện thần thoại cho những ngôi sao, chòm sao và những hiện tượng trên bầu trời họ trông thấy được. The Milky Way cũng là một trong số đó. Và đó chính là thế giới quan thần thoại, loại thế giới quan cổ xưa nhất của nhân loại.

The Milky Way nghĩa là con đường sữa, chính là tên khoa học chính thức của thiên hà chúng ta nhưng cái tên này bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại Hy Lạp nổi tiếng về người anh hùng kiệt xuất nhất trong thần thoại, anh hùng Heracles.

Truyện kể rằng: Vào một ngày nọ thần Zeus đang lo lắng bởi lời phán của nữ thần Số Mệnh rằng đỉnh Olympus sẽ bị những gã khổng lồ Gigantos tấn công và để cứu nguy thì cần phải có một người anh hùng kiệt xuất ra tay giúp đỡ. Thế là Zeus xuống nhân gian, giả dạng chồng của Alcmene và ân ái với nàng suốt một đêm dài bằng ba đêm vì Zeus đã ra lệnh cho thần Mặt Trời không được mọc như thường ngày.

Sau đó, cậu bé Heracles ra đời, Zeus vui mừng do có cậu con trai. Vì muốn cho cậu bất tử nên lợi dụng lúc Hera (vợ và cũng là chị gái của Zeus- chúa tể thứ hai của các vị thần) đang ngủ say, thần lén đặt cậu bé vào ngực nữ thần cho Heracles bú sữa của Hera. Không may khi Heracles chuẩn bị bú nó thì Hera giật mình tỉnh dậy, biết ngay đó là đứa con hoang của Zeus và sẵn bản tính ghen của mình Hera đẩy cậu bé ra và những giọt sữa bắn ra từ ngực Hera lan khắp bầu trời tạo thành một vệt sáng trắng mờ nhạt. Và từ đó dải sáng ấy có tên là The Milky Way- con đường sữa. Chính vì lẽ đó Zeus đã đặt tên cho Heracles là Heracles nghĩa là vinh quang của Hera (lúc mới sinh cậu có tên là Alcides). Trên bầu trời, có một chòm sao tên là Hercules, đó chính là nhân vật tương đương với Heracles trong thần thoại La Mã, trong tiếng Việt chúng ta thường gọi chòm sao này là Vũ Tiên hoặc Tráng Sĩ.

Đó là theo những người Hy Lạp cổ đại, còn dưới con mắt của những người cổ đại phương đông (Trung Quốc) thì thiên hà của chúng ta lại như con Sông Ngân bắt qua bầu trời. Ngoài Ngân Hà họ cũng gọi là Thiên Hà (con sông trên trời) và vì thế những cấu trúc tương tự The Milky Way đều được gọi là thiên hà trong tiếng Việt của chúng ta.

Để cho sự tưởng tượng của mình tăng thêm tính hấp dẫn, người Trung Hoa xưa đã tưởng tượng ra cái bến của bầu trời, chính là ngôi sao sáng nhất của chòm sao Thiên Nga (Cygnus) Deneb, gán cho nó cái tên là Thiên Tân nghĩa là cái bến của bầu trời.

Câu chuyện thần thoại nổi tiếng nhất liên quan tới Dải Ngân Hà không gì khác ngoài sự tích Ngưu Lang Chức Nữ.

Truyện kể rằng nàng Chức Nữ là con gái út của Ngọc Hoàng Thượng Đế, nàng có tài dệt và may vá rất khéo.

Chàng Ngưu Lang là chàng chăn trâu sinh ra trong một gia đình nghèo và mồ côi từ nhỏ nên không có tiền để cưới vợ. Một hôm chăn trâu trên đồng cỏ, chàng nhìn thấy 9 nàng tiên từ trời bay xuống tắm bên sông. Nghe lời con trâu tinh quái xúi giục, chàng lén lấy và giấu đi xiêm áo của nàng Chức Nữ khiến nàng không thể bay về trời được. Cuối cùng nàng đành chấp nhận làm vợ chàng. Dù thế, hai người vẫn sống một cuộc sống hạnh phúc và có hai đứa con nhỏ.

Vẫn thường nghe nói một ngày trên Thiên Đình bằng một năm ở Hạ Giới, nên niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng chẳng bao lâu thì Ngọc Hoàng biết chuyện. Ông liền cho thiên binh thiên tướng xuống bắt Chức Nữ về trời. Dù vậy, vì còn có chút động lòng ông cho phép đôi phu thê có thể gặp nhau vào ngày 7/7 âm lịch. Loài quạ cảm động trước tình cảm của hai người nên đúng ngày này chúng kết lại thành cầu Ô Thước cho hai người gặp nhau, những giọt nước mắt đoàn tụ rơi xuống nhân gian tạo thành những giọt mưa ngâu.
Cũng có những dị bản khác kể rằng Ngưu Lang là chàng chăn trâu của Ngọc Hoàng nhưng cái kết thì đa phần giống nhau.

Thế đấy, thần thoại mỗi nơi mỗi khác, nhưng những câu chuyện xa xưa ấy bao đời nay chưa bao giờ hết cuốn hút. Hãy lắng nghe và cảm nhận để cho trái tim mình lay động và tâm hồn có cơ hội được hòa vào quá khứ xa xôi của nhân loại.

Tác giả: Robert Nguyen (Công Đoàn).

photo-1-1478158875888
Từ khóa: 

thiên văn học

,

vũ trụ

,

khoa học

Bạn Công Đoàn đăng nội dung trên điện thoại phải không nhỉ? :D Mình nghĩ những nội dung thế này bạn nên đẩy sang dạng bài viết ý, chứ để câu hỏi là sai format nội dung trên đây rùi.

Trả lời

Bạn Công Đoàn đăng nội dung trên điện thoại phải không nhỉ? :D Mình nghĩ những nội dung thế này bạn nên đẩy sang dạng bài viết ý, chứ để câu hỏi là sai format nội dung trên đây rùi.

Cái này hình như là bài viết mà đc mời trả lời ko biết trả lời gì nên góp ý là nên dịch Milky Way là vệt sữa, chứ đường sữa nghe như cân đường hộp sữa vậy. Cũng như gọi là Ngân Hà hay Sông Ngân vì nó như một dòng sông trắng lấp lánh như bạc (ngân) vắt ngang bầu trời.