Thiền có nguy hiểm không? Nguy hiểm như thế nào?

  1. Tâm linh

Thông thường, bất kể là ai, khi người ta gặp một vấn đề nào đó trong cuộc sống khiến họ rơi vào bế tắc, có khả năng sẽ nghĩ đến việc tìm về với cõi Thiền. Lúc này, người ta nghĩ rằng Thiền có khả năng giúp họ tịnh tâm, đưa họ trở về với tinh túy của thân và tâm một cách cân bằng, giúp tâm thoát ra khỏi những điều không hay không tốt không đẹp trong cuộc sống. Từ đó, hướng họ đến với việc quan sát, suy ngẫm mình thực sự là ai và mục đích cuộc sống của mình là gì.

Có rất nhiều phương pháp Thiền cũng như có rất nhiều mục đích khi một người nào đó quyết định tìm đến với Thiền. Tuy nhiên, mục đích phổ biến và cũng dễ hiểu nhất theo mình, có lẽ là vì người ta muốn giải tỏa những căng thẳng trong tâm trí, giúp tâm trí được thư giãn, nghỉ ngơi, rộng hơn là giúp họ phá bỏ bức tường rào vọng tưởng và những định kiến mà họ đã vô tình hoặc cố tình xây nên từ bao lâu nay, từ đó hiểu được những gì xảy ra xung quanh mình là tự nhiên như hơi thở, để không phán xét hay chấp niệm.

7ab840802be5c079a22ba73fa516dd21

Ảnh: Pinterest

Về cơ bản, Thiền là tốt. Thiền có nhiều lợi ích và hiếm khi có nguy hiểm hay gây ra những hậu quả xấu nào ngoài những giá trị dễ nhận thấy của nó như: giảm stress, làm sâu sắc hơn sự nhận thức ý nghĩa cuộc đời, xoa dịu nỗi đau và giúp người ta thực hành để dễ tìm kiếm giấc ngủ ngon. Nhưng thực tế có đúng như vậy không? Có những góc khuất ẩn mình nào của Thiền mà chúng ta chưa được/chưa thể nhận ra? Có thể tồn tại những mối nguy hiểm, rủi ro nào từ Thiền có thể xảy ra cho người thực hành Thiền?

Trên Wikipedia có ghi, Thiền thực chất cũng có nhiều loại Thiền khác nhau:

  • Các phương pháp thực hành Thiền
  • Tọa thiền.
  • Thiền trong Phật giáo: gồm Thiền định và Thiền tuệ. Thiền định gồm Tứ Thiền. Thiền Tuệ hay còn gọi là Chánh niệm (Chính niệm) hoặc gọi là Tứ niệm xứ hoặc gọi là Thiền minh sát.
  • Thiền trong Ấn Độ giáo: gồm nhiều pháp môn của Yoga để rèn luyện thân tâm.
  • Thiền siêu việt
  • Thiền tông, là tông phái Phật giáo Đại thừa xuất phát từ Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma.
  • Khí công

Vậy Thiền có thể tiềm ẩn những mối nguy hiểm nào? Muốn biết, chúng ta có thể thử đặt ra cho mình một vài câu hỏi như sau:

1. Chúng ta có đang Thiền đúng cách hay không?

Ai cũng nghĩ rằng mình đang Thiền đúng cách, vì đang theo học giáo viên có kiến thức về Thiền. Thậm chí là phủ nhận và gạt bỏ những kỹ thuật Thiền khác với hướng tiếp cận của mình. Thử nghĩ mà xem, ai mà chẳng cho rằng chỉ có mình mới bán… sầu riêng không thuốc? :D Cũng như vậy, ai cũng cho rằng chỉ có phương pháp Thiền của mình mới là đúng, là chuẩn.

Thực tế là chẳng có phương pháp Thiền hay kỹ thuật Thiền nào là chuẩn mực. Nếu bạn rơi vào trạng thái “đứng núi này trông núi nọ”, đang tập thực hành bằng cách này nhưng lại thấy cách khác có kỹ thuật hay hơn lại nảy sinh lòng thèm muốn thay đổi, nhảy cóc, thì rất có thể, Thiền sẽ khiến bạn tẩu hỏa nhập ma. Chỉ có khi bạn biết tìm kiếm và lựa chọn ra cách thức phù hợp với mình và kiên tâm đi theo, bạn mới mong Thiền được thành công mà không xảy ra bất cứ hậu quả xấu nào.

2. Bạn có dám chấp nhận và đương đầu với mọi cảm xúc có thể xảy đến với mình trong khi Thiền?

Về mặt lý thuyết, Thiền giúp con người ta tương tác được với chính bản thân mình. Nó giúp chúng ta chạm đến những vùng cảm xúc khác nhau vốn đã được chôn chặt hoặc dồn nén trong tâm trí. Tuy nhiên, Thiền không chỉ mang lại cho chúng ta những cảm xúc tích cực, mà nó còn trải ra cho chúng ta những mặt cảm xúc tiêu cực như tức giận, sợ hãi, đố kỵ,… mà rất có thể khi nhận ra những vùng cảm xúc này, bạn sẽ thấy khó chịu và không đối diện được với những làn sóng cảm xúc như thế, từ đó tránh né Thiền, không tiếp tục nữa. Như vậy sẽ rất nguy hiểm vì rất có thể bạn sẽ rất khó để quay trở lại với Thiền nếu như cứ mãi mang cảm giác lo sợ bị Thiền “vạch mặt”.

Cách đơn giản để không bị Thiền làm cho bối rối, đó là bạn cần phải biết đối diện với mọi cảm xúc có thể xảy đến với mình trong khi Thiền.

الدماغ-1-850x491

Ảnh: maghrebint.com

3. Bạn có bao giờ suy nghĩ “Người khác Thiền được thì bạn cũng Thiền được” khi bắt tay vào Thiền?

Nếu có suy nghĩ như vậy, thì bạn đã nhầm. Với một số người, Thiền rất dễ. Thậm chí với những người này, khi họ Thiền, họ có thể lạc vào thế giới có thứ ánh sáng trắng huyền thoại nơi họ được bay bổng nhẹ nhàng như rơi vào thiên đường.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn cũng dễ dàng đạt được điều đó. Nếu bạn cho rằng người khác thiền được thì bạn chắc chắn phải thiền được, và kết quả là bạn không Thiền được, rồi bạn cho rằng Thiền đang lừa bạn chăng? Thiền bất công chăng? Thiền trời ơi đất hỡi chăng?,... thì bạn ơi, hãy suy nghĩ lại. Đừng để bản thân mình tự cảm thấy bối rối, hoang mang dẫn đến việc nghi kỵ Thiền, suy nghĩ không tốt về Thiền, từ đó truyền bá cho mọi người những hiểu biết và trải nghiệm sai lầm của bạn về Thiền, như vậy là rất nguy hiểm đấy!

4. Bạn có nghĩ rằng bạn chính là một người thực hành Thiền hoàn hảo?

Theo như mình được biết, thì trong Thiền Phật giáo, không có gì tệ hơn một người cho rằng kinh nghiệm của mình là tột bực, và cho mình là một vị thầy trong khi kinh nghiệm Thiền của họ còn non nớt. Bạn hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng mình sẽ thực hành Thiền tốt và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, đừng hy vọng khi Thiền, bạn sẽ Thiền được lâu và giữ được tâm bình tĩnh suốt cả trước, trong và sau quá trình Thiền. Đừng mơ mộng. Ai cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt, rất khó giữ được sự điềm tĩnh, ngồi yên một cách tuyệt đối được. Nếu bạn nghĩ rằng mình đã Thiền thành công, tự nhận chân bản thân mình rồi và cho rằng mình là một cá nhân Thiền hoàn hảo rồi thì thôi, mình nghĩ là từ giờ trở đi bạn không cần phải Thiền nữa đâu. :D

Chấp nhận sự mất tập trung, đấy mới chính là sự tự nhiên một cách hoàn hảo khi bắt tay vào Thiền.

5. Thiền là trị liệu, bạn có nghĩ vậy không?

Thiền hoàn toàn không phải là phương pháp trị liệu. Thiền đơn giản chỉ là một quá trình giúp người ta có cơ hội chữa lành và nuôi dưỡng nội tâm. Nếu ai cũng hy vọng Thiền sẽ chữa lành tất cả mọi thứ, thì những nhà tư vấn/tham vấn tâm lý hay nhà trị liệu tâm lý sẽ không tồn tại trên cõi đời này. Không nên dựa dẫm vào Thiền mà quên mất thực tại còn nhiều chỗ dựa tinh thần vững chắc hơn.

6. Bạn có biết... từ bi với chính mình?

Khi Thiền, rất có thể chúng ta sẽ rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực. Đó là khi chúng ta nhận ra chúng ta thật sai trái trong cuộc sống. Chúng ta quá xấu xa khi thế này thế nọ; chúng ta quá yếu đuối khi thế nọ thế kia; chúng ta quá độc ác khi thế kia thế ấy,... Nếu chúng ta chấp nhận gắn kết mình với việc thực hành thiền nhưng lại không dễ chịu với cảm xúc, cảm giác bên trong mình thì sẽ rất dễ bị rơi vào chứng trầm cảm trong khi Thiền. Thay vào đó, nếu chúng ta phải biết từ bi với chính mình, chúng ta sẽ biết cách đối diện và bào chữa cho chính chúng ta. Khi những con sóng cảm xúc quá dữ dội thì hãy biết lui lại, thương lấy chính mình thay vì để cho mình bị nhấn chìm bởi cảm xúc và những chỉ trích từ bản thân.

7. Bạn có bất chấp tất cả mọi thứ để Thiền?

Bạn có bao giờ cố gắng thực tập thiền trong khi tâm thần của mình đang bị dao động dữ dội bởi những cảm giác, tâm lý mất thăng bằng và chưa chín chắn?

Nếu có, thì thực nguy hiểm. Vốn dĩ Thiền định là từ bỏ, nên nếu bạn vẫn còn tham lam và sân hận, thì tốt nhất đừng nên Thiền. "Cẩn tắc vô áy náy", dù là trong hoàn cảnh nào cũng cần phải biết tự lượng sức mình. Trong khi thiền lại càng phải biết rõ giới hạn của mình đang ở đâu để tránh bị rơi vào tình trạng tẩu hỏa nhập ma. Sự cố gắng quá độ hoặc thực tập quá mức sẽ tạo nên những trạng thái xáo trộn về mặt cảm xúc. Không tốt chút nào.

28F9ADBC00000578-3092572-Meditation_can_trigger_depression_hallucinations_and_psychosis_c-a-18_1432292050661

Ảnh: ahmedsoura.com

Trên đây chỉ là một vài ý nhỏ mình đặt ra để nhìn nhận mối nguy hiểm có thể xảy ra trong khi Thiền. Tất nhiên, trên thực tế còn rất nhiều mối nguy hiểm khác mà Thiền có thể mang lại cho người thực hành. Tuy nhiên, chỉ cần biết rằng, Thiền có thể cần thiết cho sự an lạc tinh thần của chúng ta thật, nhưng nếu chúng ta thực hành nó một cách hời hợt và thiếu phương pháp, chắc chắn nó sẽ tạo ra nhiều vấn đề khiến bạn đã bế tắc lại càng bế tắc hơn. Thế nên, cần cẩn trọng trước khi bắt tay vào Thiền. Hít thở đôi khi cũng rất khó, chứ không phải đơn giản đâu!

Bài viết có tham khảo từ các nguồn:

  • FB Q Home - Stop . Breathe . Be
  • Wikipedia tiếng Việt
  • Google
Từ khóa: 

lợi ích của thiền định

,

nguy hiểm của thiền định

,

phương pháp thiền

,

thiền đúng cách

,

tâm linh

 Trong phật giáo
Muôn nhập tứ thiền thì cần có tứ thần túc muốn có tứ thần túc thì phải có tâm vô lậu muốn có tâm vô lậu thì phải học lớp bát chánh đạo muốn học lớp bát chánh đạo thì phải thọ được ngũ giới muốn thọ trọn ngũ giới thì phải có quyết tâm mãnh liệt.
Mà đạo phật thì đơn giản thôi khi gặp giận hờn tà dục thì tác ý nhắc tâm: tâm phải bất động thanh thản an lạc và vô sự 
Trả lời
 Trong phật giáo
Muôn nhập tứ thiền thì cần có tứ thần túc muốn có tứ thần túc thì phải có tâm vô lậu muốn có tâm vô lậu thì phải học lớp bát chánh đạo muốn học lớp bát chánh đạo thì phải thọ được ngũ giới muốn thọ trọn ngũ giới thì phải có quyết tâm mãnh liệt.
Mà đạo phật thì đơn giản thôi khi gặp giận hờn tà dục thì tác ý nhắc tâm: tâm phải bất động thanh thản an lạc và vô sự 
Dạo gần đây thấy bạn bè chọn Yoga rất nhiều. Chắc cũng là một kiểu "trend", thấy bạn bè mình tập hay quá nên học theo. Thiền cũng vậy chăng?

Cảm ơn bạn đã cung cấp thêm kiến thức về Thiền, mình cũng đang dành thời gian rảnh để tìm đến bộ môn này.

Có một điều rất dễ chịu mà Thiền có thể mang lại, đó chính là mình có thể tranh thủ... ngủ luôn trong lúc Thiền mà không ai biết :))