The Pianist (2002): Tái định nghĩa lòng can đảm
Warsaw, 1939
Thành phố yên bình và hòa hợp bỗng chốc bị xáo trộn khi quân Đức ập đến, thời kỳ đen tối của những người Do Thái ở Ba Lan bắt đầu. Những bác sĩ, luật sư, nhạc công, doanh nhân,…đang được trọng vọng trong xã hội bỗng chốc bị biến thành nô lệ, bị rẻ rúng như hàng sâu bọ cần phải tiêu diệt. Thời kỳ đó, người Do Thái ở Ba Lan giảm từ 600.000 người xuống chỉ còn 60.000 người, tức chỉ 10% dân số người Ba Lan gốc Do Thái còn sống sót sau cuộc diệt chủng của Quốc xã. Kể từ đó đến nay, đã có hàng trăm tác phẩm từ văn học đến điện ảnh, kể về cuộc diệt chủng này, về số phận của người Do Thái ở khắp châu Âu – nơi mà quyền lực và bàn tay của người Đức dưới trướng Hitler không ngừng vươn tới. Năm 1993, Schindler’s List của Steven Spielberg đã gây rúng động trong lòng công chúng khắp mọi nơi và cả Viện Hàn lâm khi kể một câu chuyện đầy bi thương nhưng cũng đầy đẹp đẽ về con người, về lương tâm, nhà tư bản Oskar Schindler là hiện thân của lòng chính trực và sự cao thượng, một đức hy sinh quên mình xuất phát từ một lương tâm cao quý. Sự đối lập để nâng cảm xúc lên tột đỉnh đã khiến cho Schinler’s List chạm đến sâu sắc tâm can người xem, và vẽ nên một tượng đài kinh điển về lòng quả cảm và tinh thần quý tộc.
Năm 2002, The Pianist ra đời và được giới phê bình tán thưởng nhiệt liệt, bộ phim giành được Palme d’Or cùng năm tại Liên hoan phim Cannes và mang lại cho Roman Polanski một tượng vàng Oscar cho “Đạo diễn xuất sắc nhất” (Best Director) và một tượng vàng Oscar cho Adrien Brody (Best Actor). Mặc dù lấy cùng một bối cảnh thời kỳ Đức Quốc xã diệt chủng người Do Thái, nhưng The Pianist (2002) lại lựa chọn kể một câu chuyện dưới góc nhìn rất riêng của mình. Bộ phim của Polanski được chuyển thể từ cuốn tự truyện cùng tên của Wladyslaw Szpilman, tác phẩm không đề cập đến những hành vi cao thượng kiểu cứu nhân độ thế như trong các tác phẩm ngợi ca chủ nghĩa anh hùng trong thời kỳ chiếm đóng khác, mà đây chỉ đơn thuần là những lời bộc bạch và tự sự của một nhân chứng sống, người đã trải qua 6 năm trời đằng đẵng phải trốn chạy cả ánh mặt trời, sống không biết đến ngày mai, lay lắt và đơn độc với bản án tử lúc nào cũng lơ lửng trên đầu chỉ vì không được lựa chọn dân tộc của mình và vì lòng thù ghét phi lý, và chỉ biết bám víu vào những người tốt mà anh ta đã may mắn được gặp trong đời.
Ban đầu, cuốn tự truyện của Wladyslaw Szpilman không nhận được sự chú ý và quan tâm của công chúng, ở thời điểm nó ra đời, công chúng và cả chính quyền vẫn cần những tác phẩm thể hiện rõ ràng sự đấu tranh, phản kháng trước tội ác của Đức Quốc xã và Hitler. Trong khi đó, The Pianist lại đơn thuần là một lời tự sự cá nhân, mất hết gia đình và đầy bất lực trong hoàn cảnh loạn lạc như thế. Mãi sau này, khi bộ phim ra đời, tác phẩm (cả phim lẫn tự truyện) mới nhận được sự chú ý đúng mực. Người ta nhận ra rằng Oskar Schindler là một cá nhân cá biệt, nhưng còn Wladyslaw Szpilman là một cá nhân trong tất cả chúng ta. Cũng từ đó, ta mới bắt đầu nhìn nhận lại về chủ nghĩa anh hùng và lòng can đảm mà ta nói với nhau. Trong mọi trường hợp, ta đều có thể nhận thấy rằng lòng can đảm thực sự không xuất phát từ những hành động to lớn mà xuất phát từ nhận thức cá nhân của chúng ta. Và tất cả chúng ta đều đồng ý rằng lòng can đảm cao quý nhất là vượt qua chính mình.
Wladyslaw Szpilman, một nhạc công chơi nhạc Chopin cho Đài phát thanh Ba Lan, luôn coi mình là một cá nhân bình thường với niềm quan tâm duy nhất trên cuộc đời là chơi đàn. Ở Szpilman ta có thể thấy được hai điều, một người đàn ông biết rõ anh ta giỏi cái gì và người đàn ông chơi đàn vì biết rằng anh ta chơi rất giỏi. Còn, tại sao lại là Chopin ư? Dễ hiểu thôi. Vì Chopin là trái tim của Ba Lan, là niềm tự hào và là biểu chứng cho nền văn hóa có bề dày lịch sử của họ, một điểm xuyết tinh tế và đầy khéo léo để khẳng định lòng yêu nước của một cá nhân. Một nhạc công người Ba Lan thì làm sao có thể chơi bất cứ loại nhạc nào khác ngoài Chopin kia chứ.
Khi quân Đức tràn tới Warsaw, gia đình Szpilman cũng như bao gia đình Do Thái khác, bị đẩy vào khu tập trung, rồi đến trại tập trung. Đối lập với người anh trai dường như “chẳng biết gì” về tình hình đất nước, Henryk, người con trai Szpilman thứ hai, dường như luôn in hằn ý chí phản kháng, anh chính là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng truyền thống, sự phản kháng hiển nhiên phải có trong hình tượng một người Do Thái trước người Đức vào thời kỳ đó. Henryk từ chối lời đề nghị của người bạn làm cảnh sát Do Thái, đá xéo anh trai mình vì vẫn đi chơi nhạc cho bọn Do Thái bợ đỡ người Đức, tuy nhiên, trong hai anh em nhà Szpilman, dù Wladyslaw (Wsalek) nổi tiếng hơn nhờ vào tài năng piano của mình, thì người em lại có vẻ hiểu biết hơn, cấp tiến hơn, và có khiếu hài hước khiến người ta cay đắng, mà cũng chính vì vậy nên Henryk sớm đã bị cuộc chiến tác động tinh thần sâu sắc và nếu giả như Henryk còn sống, thì nó sẽ ám ảnh anh đến cuối đời. Trong khi đó, Wsalek vừa phải thực hiện nghĩa vụ của một người anh cả – cố gắng chăm lo cho mọi người, lại vừa phải tự mình vật lộn với vấn đề của chính mình. Suy cho cùng, Wsalek cũng chỉ là một cá nhân nhỏ bé, anh không đủ sức thay đổi cả hệ thống, vì thế, anh chỉ làm việc duy nhất anh có thể làm – đó là cố gắng được sống và cứu lấy chính mình. Hành vi của Wsalek sẽ rất dễ khiến người ta quy kết anh thành kẻ hèn nhát hoặc bị lẫn lộn trong cảm thông và khinh ghét anh. Tuy nhiên, khi đặt bản thân vào cùng một hệ quy chiếu với Wsalek, ta mới thấy rằng, trong những giây phút cam go đến thế, thì còn sống là tốt rồi, con người sau rốt chỉ biết mình ham sống đến cỡ nào khi đối diện với cái chết hay bị cái chết rình rập mỗi ngày. Và Wsalek, một người nghệ sĩ nhạy cảm, bạn nghĩ rằng anh ấy không đau đớn ư? Chẳng phải vậy. Nỗi đau của Wsalek lớn lao và in hằn trong anh hơn những gì ta có thể hiểu. Trong tự truyện của mình, Wsalek đã miêu tả cảm giác của anh khi hay tin về cái chết của mẹ mình, đó là nỗi đau đớn mà chỉ có cái chết của chính anh mới có thể khỏa lấp được, và Wsalek phải sống với nỗi đau đó đến cuối cuộc đời anh. Nhưng chính anh lại được cho một cơ hội để sống, làm sao có thể phí hoài nó trong khi gia đình anh lại không có cơ hội ấy đây?! Lòng can đảm của Wsalek được thể hiện trong mỗi giây mỗi phút anh cố gắng chống đỡ với đau đớn thể xác, với hiện thực khắc nghiệt, để không ngừng vươn tới sự sống, tìm đến những người tốt có thể giúp đỡ anh được sống tiếp. Không đầu hàng nghịch cảnh chính là bản chất cao quý nhất của con người, và Wsalek trong bất cứ một giây phút nào cũng thể hiện rõ rệt cái quyết tâm sừng sững đó của anh.
Đến cuối cùng, bản dạ khúc của Chopin lại được vang lên trên sóng Đài phát thanh Ba Lan, đúng như điều Wsalek đã đáp khi viên sĩ quan Đức hỏi anh sẽ làm gì khi những chuyện này kết thúc, “Tôi sẽ chơi nhạc ở Đài phát thanh Ba Lan”. Một lời khẳng định chắc nịch cho hai điều, một người đàn ông biết rất rõ bản thân mình và một tâm hồn chính trực không thua kém bất cứ một ai. Bản dạ khúc của Chopin vang lên với âm sắc buồn hơn, cả một cuộc chiến đã in hằn lên toàn bộ con người anh, nhưng lại nhẹ nhõm vì cuối cùng người nhạc công cũng đã được trở về với cây đàn.