Thế nào là phê bình văn học?
kiến thức chung
Trước hết, phải nói rằng phê bình văn hoc là một sự tự ý thức về văn học. Điều này đã được công nhận trong những công trình quan trọng tại Việt Nam như Từ điển Văn Học (Bộ Mới) (1), Từ điển thuật ngữ văn học (2) hay trong bài viết Mấy vấn đề lí luận về phê bình văn học trong cuốn Trên đường biên của lí luận văn học (3). Tuy nhiên trong Từ điển thuật ngữ văn học cũng như bài viết Mấy vấn đề lí luận về phê bình văn học đều cho rằng phê bình văn học là một bộ môn khoa học về văn học và muốn tách phê bình văn học khỏi nghiên cứu văn học là một quan niệm ấu trĩ (4). Tuy nhiên, ở đây, người viết cho rằng, giữa phê bình văn học và nghiên cứu văn học chỉ có sự giao thoa mà không phải là quan hệ bao trùm theo tập hợp và bộ phận. Nghiên cứu và phê bình đều là quá trình đọc, thẩm định và đánh giá về văn bản văn học một cách khoa học, lý tính. Bản chất của một bài nghiên cứu, hay phê bình là phải có tính mới. Nhưng nếu nghiên cứu văn học thuần túy sử dụng lý tính, lý luận, lý thuyết, thì phê bình văn học lại chấp nhận được cả tư duy nghệ thuật – cảm tính, cá nhân, trực giác, mà nhìn vào văn học Việt Nam, ta sẽ thấy Hoài Thanh là điển hình cho phê bình ấn tượng. Ở đây, tôi có muốn đối thoại lại với quan điểm được trình bày trong bài viết Mấy vấn đề lí luậ về phê bình văn học trong cuốn sách Trên đường biên của lí luận văn học (3) ở chỗ GS. Trần Đình Sử cho rằng phê bình không được quyền bịa đặt, hư cấu, sáng tạo luận cứ. Tôi cho rằng, người phê bình có thể sáng tạo luận cứ, và anh ta có quyền mang năng lực hư cấu của mình vào phê bình văn học mà không sợ trở thành tai họa cho văn học (5). Ở bài viết này, GS. Trần Đình Sử cũng có viết: Phê bình văn học cũng không hoàn toàn là một công việc khoa học, nó là một diễn ngôn, chịu sự chi phối của tri thức, quyền lực và nhiều quy tắc ngầm của xã hội. Tính khoa học của nó chỉ là nói có sách, mách có chứng, không nói khống, nói bậy và chỉ như thế nó mới có thể có giá trị. Tôi đồng ý với quan điểm này ở vế phê bình văn học cũng không hoàn toàn là một công việc khoa học, nhưng lại chưa hoàn toàn đồng tình khi lý do của việc nó không hoàn toàn là một công việc khoa học mà tác giả bài viết đã đưa ra. Nghiên cứu văn học tuyệt đối thuộc về khoa học, nhưng phê bình văn học lại chính là con vật lưỡng thê.
Dù không cùng quan điểm trong khía cạnh mối quan hệ giữa phê bình văn học và nghiên cứu văn học, nhưng tôi lại rất đồng tình với quan điểm về đối tượng của phê bình văn học mà GS. Trần Đình Sử đưa ra. Đối tượng của phê bình văn học hiển nhiên là những tác phẩm văn học. Tuy nhiên, những tác phẩm văn học là đối tượng của phê bình ở đây chỉ thường được coi là những hiện tượng mới theo dòng đương đại của thời gian. Nghĩa là, đó là những hiện tượng mới. Ở đây tôi đồng tình với việc co rằng cơ sở để xác lập đối tượng của phê bình văn học là hoạt động tiếp nhận của người đọc (6) bởi có những tác phẩm văn học được sáng tác ở những giai đoạn trước (so với thời điểm đương đại) nhưng vẫn trở đi trở lại và việc dựa vào hoạt động tiếp nhận của người đọc là một điều đáng được xem xét như là đối tượng của phê bình. Người đọc tiếp nhận tác phẩm văn học, và nó trở thành một hiện tượng, phê bình chính là ở chỗ nói về những hiện tượng đó.
Về mặt môi trường công bố, với quan điểm thông thường, phê bình văn học được công bố trong môi trường báo chí với những bài đánh giá, giới thiệu hay được đăng trên tạp chí, trong khi nghiên cứu văn học công bố trong môi trường học thuật thì cũng có sự giao thoa khi nghiên cứu văn học được đăng trên tạp chí khoa học, hay phê bình văn học được viết dưới dạng tiểu luận, nó không còn chỉ được đăng trên báo, tạp chí mà có thể xuất bản thành sách, nghĩa là môi trường công bố đã có sự thay đổi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (2004), Từ điển Văn Học (Bộ Mới), Nxb Thế Giới.
(2) Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (2010), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục.
(3) Trần Đình Sử (2016), Mấy vấn đề lí luận về phê bình văn học, Trên đường biên của lí luận văn học, Nxb Phụ nữ, tr. 296 – 311.
(4) Từ điển thuật ngữ văn học, Sđd, tr. 253; Trên đường biên của lí luận văn học, Sđd, tr. 303
(5) Trên đường biên của lí luận văn học, Sđd, tr.299
(6) Trên đường biên của lí luận văn học, Sđd, tr. 300
Khánh Nhật Xuân