Thế nào là Nền giáo dục toàn diện hay giáo dục định hướng sớm cho học sinh?
kiến thức chung
Bộ giáo dục của chúng ta luôn cố gắng chú trọng vào đào tạo toàn diện, một lối đào tạo mà nghe thôi ta cũng thấy nó thật “toàn diện”. Tuy nhiên, điều này trong mắt nhiều người có nghĩa là coi tất cả các môn học là như nhau gần như trong suốt 12 năm học của thời học sinh và rất nhiều người trong đó có tôi cho rằng đây là một hướng đi không đúng đắn cho nền giáo dục.
Chúng ta đều hiểu rằng mục tiêu giáo dục toàn diện thực ra không phải đánh đồng tất cả các môn học với nhau. Thực ra, mục tiêu này cũng có mặt tốt. Trước hết có thể kể đến việc học sinh sẽ nắm bắt được nền tảng của hầu hết mọi bộ môn cơ bản từ đó dễ dàng phát triển bản thân hơn. Cùng với đó, việc được học đầy đủ các bộ môn sẽ giúp sinh viên hiểu được đâu là thế mạnh của bản thân, phần nào giúp việc định hướng sau khi hoàn thành chương trình phổ thông trở nên dễ dàng hơn. Việc học nhiều bộ môn cũng rèn cho học sinh khả năng quản lí thời gian và phần nào đó là tăng khả năng chịu đựng áp lực ở học sinh.
Nhìn chung, mục tiêu này không xấu, tuy nhiên nó cũng có khá nhiều nhược điểm. Chúng ta có thể kể đến nhược điểm đầu tiên là sự thừa thãi của kiến thức chương trình học. Tôi tự hỏi khoảng bao lâu thì một lập trình viên mới phải viết một bài văn miêu tả? Hay liệu một nhà văn có bao giờ phải đi tính tích phân của một hàm số? Một đầu bếp liệu có thật sự cần biết sản lượng gạo của TP HCM? Tôi nghĩ chúng ta đều đồng ý rằng chúng là những kiến thức mà gần như bạn chẳng bao giờ phải động đến nếu bạn không làm những ngành đó. Một nhược điểm khác là số lượng môn học lớn sẽ khiến học sinh bị áp lực và mất đi động lực học nhất là trong một xã hội chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi bệnh thành tích. Tôi đồng ý rằng để lên được lớp, bạn không cần phải dành nhiều thời gian cho những môn mà bạn đã xác định là sẽ không dùng đến. Nhưng có mấy giáo viên chấp nhận 1 học sinh “chỉ cần đủ điểm lên lớp”? Mà kể cả giáo viên có chấp nhận đi nữa, liệu bố mẹ học sinh đó có chấp nhận lí do trên của con mình không? Không! Còn nếu để đảm bảo thành tích tốt thì không thể không luyện tập liên tục. Một học sinh chỉ học lí thuyết cơ bản mà không luyện tập các dạng bài tập thì nhiều khả năng là không thể làm nổi những dạng bài tập mà mình mới gặp lần đầu. Tôi đã từng trải qua quãng thời gian học sinh như vậy, tôi phải làm đầy đủ bài tập nếu không muốn bị mắng mỏ hoặc phạt. Và nếu tôi không học 1 môn nào đó, giờ kiểm tra bài cũ ngày tiếp theo tôi chẳng thể làm gì ngoài cúi mặt học cấp tốc bài để đối phó và cầu trời giáo viên đừng gọi tên mình. Không khí lớp học cực kì nặng nề. Tôi tự hỏi có bao nhiêu học sinh có thể hào hứng học tập khi mà môn nào cũng phải dành cả tiếng để học và luyện tập sau khi rời trường mà lỡ có sót 1 môn thì giờ học tiếp theo sẽ như địa ngục? Tệ hơn, việc đảm bảo thành tích có thể phá hỏng mục tiêu học sinh nắm được nền tảng kiến thức của giáo dục toàn diện. Tại sao ư? Nếu bạn đã không làm kịp bài tập, không học thuộc bài bạn sẽ làm gì nào? Chấp nhận bị mắng và phạt ư? Làm gì có học sinh nào nghĩ thế! Chúng sẽ chép bài bạn, gian lận hoặc học bài chỉ để đối phó xong rồi quên. Bằng chứng ư? Có bao nhiêu người trong chúng ta biết được năm mà Ngô Quyền lên ngôi Hoàng Đế mà không cần tra sách? (Nhân tiện, Ngô Quyền không lên ngôi Hoàng Đế mà chỉ xưng Vương thôi cho nên nếu bạn trả lời là năm bao nhiêu cũng sai thôi). Đấy là chúng ta còn chưa kể nếu học không tốt một môn và bị mắng thì rất có thể sẽ sinh tâm lí mất tự tin dẫn đến kéo các môn khác xuống. Nói chung, việc giáo dục toàn diện sẽ khá tốt nếu xã hội có thể thay đổi cách nhìn nhận với những môn điểm kém. Nhưng, thay đổi quan điểm xã hội thực sự rất khó khăn, thay vào đó, ta nên thay đổi định hướng giáo dục.
Vậy định hướng giáo dục ra sao thì hợp với xã hội hiện tại? Theo tôi, chúng ta nên giữ nguyên kiểu giáo dục toàn diện đối với cấp tiểu học. Lí do là vì ở mức này học sinh chưa tìm hiểu đủ về thế mạnh cũng như mong muốn của bản thân. Việc cung cấp môi trường giáo dục đầy đủ các bộ môn sẽ giúp học sinh có cảm nhận về những gì mình yêu thích cũng như phần nào biết được xu hướng tự nhiên hay xu hướng xã hội. Việc đánh giá điểm ở cấp tiểu học sẽ chuyển hoàn toàn sang chấm điểm chữ để tránh tâm lí tự ti ở học sinh, giảm áp lực thành tích từ cha mẹ mà vẫn đánh giá được điểm mạnh của học sinh. Đối với cấp 2, trước khi vào trường cần có 1 buổi định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Thông qua đó có thể giúp học sinh chọn được những môn cần tập trung và đăng kí những bộ môn này với nhà trường. Học sinh cấp 2 sẽ vẫn phải học tất cả các môn để đảm bảo kiến thức nền tảng mọi mặt nhưng sẽ có nhiều tiết cho môn đã đăng kí hơn, đồng thời chỉ đánh giá thành tích học sinh thông qua những môn đã đăng kí với trường. Bằng cách này, ta vẫn có thể đảm bảo học sinh được tiếp xúc với nội dung nền tảng (do lí thuyết cơ bản chỉ cần nghe giảng là có thể nắm được ý tưởng) mà không cần bắt học sinh đầu tư thời gian luyện tập cho những bộ môn kém cần thiết hơn. Sang cấp 3, kiến thức của hầu hết bộ môn đều đã không còn là lý thuyết cơ bản nên học sinh sẽ chỉ phải học những môn liên quan tới định hướng, bỏ hoàn toàn những môn ngoài phạm vi. Theo tôi đó mới là hướng giáo dục phù hợp.
Tóm lại, giáo dục toàn diện sẽ cực kì phù hợp khi vấn đề thành tích không còn đè nặng lên học viên lẫn giảng viên nhưng trước khi đạt được kết quả đó, có lẽ giáo dục theo định hướng nghề nghiệp sẽ là một bước đi đúng đắn đối với nền giáo dục nước nhà.
Nội dung liên quan
Thị Thu Chi