"Thể hiện" hay "ảo tưởng sức mạnh" - nên hay không nên?
Thể hiện có nhiều dạng biểu hiện khác nhau, về cơ bản thì nó là sự tương quan giữa hiểu biết và tư tưởng của một người với những gì người đó nói ra, viết ra hay bằng các hình thức truyền tải khác, theo hướng từ trong ra ngoài, tùy theo mục đích của người thể hiện.
Theo mình có 4 dạng thể hiện chính:
1. Nổ: được thực hiện bởi những người có hoặc không có kiến thức, mục đích để người khác biết rằng mình biết, mình giỏi ở một lĩnh vực nào đó. Những người này giống trẻ con, ngây thơ, đáng thương. Họ sẽ thức tỉnh khi tâm trí họ trưởng thành hơn.
2. Rèn luyện: khi tâm trí hấp thu một điều gì đó, ta suy nghĩ về nó, và dùng nó để so sánh, đối chiếu với những sự vật, hiện tượng trong thực tế. Khi đó, nói ra, thể hiện ra có tác dụng giúp người thể hiện nhìn nhận lại những gì họ đã hấp thu, qua đó hoàn thiện bản thân, hoàn thiện kiến thức. Những người này như những thiếu niên, đôi khi cũng vướng chút vào trường hợp nổ, nhưng cơ bản là rất đáng động viên, khích lệ.
3. Chia sẻ: những người hiểu rõ về một lĩnh vực, đề tài nào đó, muốn nói ra để chia sẻ, trao đổi với mọi người, giúp nhau cùng tiến bộ. Đây cũng là rèn luyện nhưng ở cấp độ cao hơn. Những người này cần được ủng hộ.
4. Anh hùng núp: đây là nhóm người bảo thủ và ích kỷ theo tư tưởng "quân tử Tàu". Châm ngôn sống của họ luôn xoay quanh những câu nói kiểu "thùng rỗng kêu to", "ảo tưởng sức mạnh", "action speaks louder than words",... kiểu vậy. Thực tế họ đầy sợ hãi, sợ lộ cái dốt. Hơn nữa họ muốn mọi người đều phải sợ hãi giống họ.
"Ảo tưởng sức mạnh" là một cụm từ đơn giản, ngu ngốc nhưng đầy quyền năng, nó khiến người ta không dám nghĩ, dám nói. Nó nói rằng mọi người phải im im tỏ ra nguy hiểm mới là chính đạo. Rất nhiều người không dám rèn luyện hay chia sẻ cũng là vì nhóm anh hùng núp này. Nó bóp chết sự sáng tạo và nhốt kín tâm hồn của rất nhiều người trong thời gian rất dài, có thể là cả đời.
Có nhiều đạo lý rất hay, nhưng lại dễ gây hiểu lầm nếu tuân thủ hoàn toàn theo hướng tiêu cực. Xin giới thiệu với các bạn 2 câu này, để thấy rằng đạo lý là đúng đắn nhưng việc khi nào vận dụng mới là quan trọng nhất.
"Khi bạn nói, bạn chỉ lặp lại những gì đã biết, nhưng nếu lắng nghe, bạn có thể học được những điều chưa biết bao giờ."
- Dalai Lama
"Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something"
(Những người khôn ngoan nói vì họ có điều muốn nói; những kẻ ngốc nói vì họ phải nói điều gì đó)
- Plato
Dù luôn tâm niệm 2 câu nói đó, mình vẫn nói ngày này qua ngày khác.
Khi làm việc gì đó, hãy cố hiểu rõ mình đang làm gì, hãy lắng nghe và học hỏi, suy nghĩ và thử nghiệm, đừng áp dụng rập khuôn lời nói của bất kỳ ai, dù nó có hay tới đâu đi nữa.
Jonny lang
Hồng Quân
Cho mình hỏi là "thùng rỗng kêu to" hay "ảo tưởng sức mạnh" đâu có ăn nhập gì với "action speaks louder than words" nhỉ?
Mình thấy "action speaks louder than words" là một cách làm tốt đấy chứ. Hành động được rồi hãy nói! Còn mấy câu trên bạn kể ra thì mang ý nghĩa ngược lại thì phải.