Thế hệ nhảy việc?
Tôi nghe những bạn đồng trang lứa có ý định bỏ việc và chuyển sang làm những công việc mới mẻ, khác xa so với những gì các bạn đang làm. Nhưng ý định mãi là ý định. Phần đông vẫn chần chừ và thường ở lại với công việc hiện tại hoặc chuyển sang nơi mới với công việc tương tự ở vị trí cao hơn hoặc thu nhập cao hơn đôi chút. Có thể họ không thích nhưng đâu dễ gì dám đánh đổi thu nhập hiện tại với những điều không chắc chắn. Nhìn chung, chúng tôi vẫn có những gắn bó với nơi làm việc, là đôi ba năm hoặc lâu hơn thế. Tuy vậy thế hệ trước chúng tôi chừng vài năm thôi vẫn sẽ thấy chúng tôi hay nhảy việc.
Rồi giờ đến thế hệ sau chúng tôi, những bạn 9x và số đông sinh năm 1991 trở về sau này. Tôi không gọi các em là thế hệ nhảy việc, nhưng tự các em cảm thấy mình không có quá nhiều gắn bó với các công việc mà các em làm. Những em tôi gặp qua phần nhiều đều từng làm thêm hay có những công việc có thu nhập tốt so với mức chi tiêu thời sinh viên của em, chuyện tiền nong không phải là điều gì đấy cần phải cân nhắc quá nhiều. Các em có đủ khả năng để kiếm tiền đủ sống. Có những em kể cả đã có công việc mà em cho là tốt, thấy thích thú khi làm, ổn định nhưng trong em vẫn không ổn, em vẫn muốn mình bước ra khỏi cái ổn định và an toàn hiện tại để làm thêm những điều khác nữa. Nhiều người lớn nhìn vào sẽ bảo, lũ trẻ này chẳng chịu chí thú làm ăn, suốt ngày nhảy hết việc này đến việc kia. Tôi thấy trách vậy không ổn bởi cũng cần hiểu rằng sẽ không có thế hệ như hiện tại nếu không có thể hệ trước đó, sẽ không có những tiện nghi và cơ hội cho các em tự tạo thu nhập đủ cho mình như hiện thời nếu không có những việc làm do chính thế hệ trước đó tạo ra, và hẳn cũng chẳng có những tương tác trực tuyến giúp em các tiếp cận được nhiều thứ như hiện tại nếu không có thế hệ trước đó kiến tạo nên. Vậy thì chẳng thể cứ trách các em suông thế được.
Nhớ lại một chút điều Má tôi từng nói rằng ngày xưa không có nhiều lựa chọn nên có khi dễ dàng hơn và không phải suy nghĩ nhiều. Thời nay khi lựa chọn đầy rẫy, cái nào trông cũng ngon ăn, cũng mời gọi, cái nào cũng muốn, vậy nên hóa ra việc lựa chọn lại khó khăn hơn trước. Khi có quá nhiều lựa chọn các em đâm ra hoang mang nhiều hơn rồi cứ mãi mắc kẹt với câu hỏi “cái gì là đúng với mình”, vậy giờ rồi phải làm sao? Các em phải thử mình từ sớm ở nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau, từ đấy em mới có thể đưa ra quyết định được. Nhảy việc cũng chỉ là một hệ quả.
Nhưng “nhảy việc” thì có gì là không tốt?
Với một cá nhân, nếu em có thể nhìn thấy được rõ mình trong những lần thay đổi môi trường, những lần cựa quậy chuyển mình như thế có thể giúp em ngày thêm khai mở được tiềm năng của bản thân, em sẽ tự nhận thức được những liên hệ giữa em với thế giới xung quanh và dần dà em có thể làm được nhiều điều hay mà nhiều khi chẳng ai có thể hình dung được. Chuyện ấy cũng có thể xảy ra lắm chứ. Tôi nghĩ những ai chỉ trích thế hệ hay nhảy việc này cần biết rằng các em cũng là hệ quả của chính những gì người lớn hơn từng làm và đang làm. Các em có khi lại là nơi đang hứng chịu hậu quả chứ không chỉ là thừa hưởng những gì đã làm được, biết vậy đã ta thôi trách móc mà cùng nhau tìm cách gỡ rối, để dung hòa được cả đôi bên. Cũng cần nhớ thêm rằng, nếu thế hệ này vẫn cứ tiếp tục thừa hưởng những nghi hoặc và phẫn nộ của thế hệ trước, các em có thể lại đẩy nó tiếp tục sang thế hệ sau và cứ mãi lẩn quẩn như thế.
Vậy thì, lúc này, thay vì gán ghép cho “nhảy việc” với những lời lẽ khó ưa nhất thì cần hiểu nó là gì, nó ra sao, vì sao lại xảy ra như thế, và tất nhiên thôi dán mác cho “nhảy việc” dù là ý nghĩa tốt hay không tốt đi nữa. Cũng lúc này, cái cần làm là tạo cơ hội để các em thử sức nhiều hơn, giúp các em hiểu thêm về mình, chọn được cái các em yêu thích để dành trọn vẹn mình cho nó, đồng hành cùng các em bằng sự tin tưởng, ủng hộ và dìu dắt nhiều hơn là đưa ra những phàn nàn và hoài nghi.
À, mà chẳng phải tôi đang là người nhảy việc nhiều nhất Việt Nam ở độ tuổi của tôi đấy sao. Tôi thấy ổn, vậy có gì mà không ổn?
Nguyễn Ánh Nguyệt