Thế giới như tôi thấy
Nhiều khi, tôi đã tự hỏi tại sao người ta lại có thể nghĩ khác mình như vậy. Bây giờ tôi không hỏi tự hỏi mình như vậy nữa. Tôi biết hiển nhiên mọi người không thể có cùng suy nghĩ.
Ngày trước tôi thường hay ăn tối ở một quán nhỏ ấm cúng vùng Katsura của Kyoto. Đó là một quán mà khách thỉnh thoảng nói chuyện với nhau, và với chủ quán. Không khí khá gần gũi và thân mật, có lẽ hao hao giống như quán ăn trong series Midnight Dinner trên Netflix. Có lần tôi nói chuyện với một gia đình. Hai vợ chồng có một người bạn từng sống ở Việt Nam, họ nói ở Việt Nam an ninh trật tự kém lắm phải không. Tôi nói không phải. Họ bảo người bạn của họ nói ở Việt Nam sợ lắm. Tôi bị bất ngờ. Với tôi thì Việt Nam là nơi an toàn nhất thế giới :), nói như vậy có thể hơi quá, nhưng chắc chắn là khi tôi còn ở nhà, an ninh chẳng kém gì ở Kyoto.
Rồi tôi lại nhớ nhiều người nói đại học ở VN thế này thế kia, công ty ở VN thế này thế kia, Hà Nội thế kia thế nọ. Những điều họ nói khác hẳn với cảm nhận của tôi. Thế thì họ sai chăng? Không, hoàn toàn không.
Khi bạn tìm hiểu một chút về chính trị ở Mỹ, nếu bạn đọc phân tích của những người Dân chủ, bạn sẽ thấy những đường lối của Cộng hòa có phần thiển cận, ích kỷ, vô nhân đạo; ngược lại, nghe phân tích của bên Cộng hòa thì những người Dân chủ lại có phần phi thực tế, điên rồ, và không hiểu lý lẽ. Nếu cả hai bên đều đúng, thì đa phần dân Mỹ có vấn đề về nhân cách hoặc tư duy.
Tôi không nghĩ như thế. Đa phần dân Mỹ là những người bình thường. Bi kịch ở đây là trên đời có thứ gọi là confirmation bias, người ta thường tìm kiếm những chi tiết ủng hộ kết luận của họ, chứ không phải là tìm kiếm dữ kiện để có kết luận. Con đường tư duy thực tế thường ngược với con đường mà ta được đào tạo, ai mà biết được con người lý trí đến đâu. Người Cộng hòa thường phản đối quan điểm Dân chủ từ trước khi những người Dân chủ giải thích, và ngược lại. Confirmation bias có khi làm người ta xuất hiện một cách rất ngu xuẩn, chẳng hạn tôi đọc được có người nói rằng Mỹ thiếu trang thiết bị y tế vì chính quyền trước không bổ sung. Chính quyền vào năm 2020 nói rằng chính quyền mãn nhiệm năm 2016 đã không bổ sung thiết bị, thế thì suốt mấy năm qua chính quyền mới làm gì? Những kiểu buộc tội và phản pháo kiểu đó có thể thấy ở cả hai bên. Tôi đọc các nguồn Dân chủ nhiều hơn và thấy hành vi của Trump nói chung là trơ tráo và thỉnh thoảng ghê tởm.
Nhưng có chắc chắn là tôi nghĩ đúng không?
Hay nói đúng hơn, có chắc chắn điều mà chúng ta, bạn, hoặc tôi, hoặc bạn và tôi, đang tin, là đúng không?
Khả năng cao nhất là chúng ta đều đúng, kể cả khi chúng ta tin vào những điều ngược nhau. Làm sao lại có thể như thế được? Vậy mà có thể đấy.
Ví dụ dưới đây được dẫn từ bài viết trên blog của Nick Case:
Case nói về
Giả sử trong một cộng đồng có 9 sinh viên, 3 trong số đó uống rượu.
Có cách nào để tất cả mọi sinh viên đều nghĩ rằng số đông (ít nhất một nửa sinh viên) là những người uống rượu không? Ở đây, có thể tạo ra các kết nối giữa các sinh viên. Nếu một người biết 3 người bạn, hai trong số đó uống rượu, anh ta sẽ kết luận rằng phần đông sinh viên uống rượu. Chẳng hạn:
Trong trường hợp trên, 5 trên tổng số 9 sinh viên nghĩ rằng phần đông sinh viên uống rượu. Có cách kết nối nào để tất cả đều nghĩ rằng phần đông sinh viên uống không? Có. Chẳng hạn như cách kết nối ở hình dưới.
Trong tình huống này, tất cả các sinh viên có quyền nói rằng phần lớn bạn bè của họ uống rượu. Họ có thể có cảm nhận rằng hầu hết sinh viên là những người uống rượu, trong khi con số thực tế chỉ là 33%. Phát biểu đầu tiên của họ đúng, nhưng nhận định chung về sinh viên thì sai. Họ không thể phát biểu chính xác về tất cả sinh viên, nếu không quen biết tất cả.
Chúng ta hay rơi vào những trường hợp như vậy, và hơn thế nữa đó là những trường hợp không thể tránh khỏi. Bạn có thể có cảm nhận là người Tp. HCM nói chung giàu hơn người Hà Nội, nhưng có thật thế không? Bạn có biết tất cả người dân hai thành phố không? Biết đâu thu nhập bình quân đầu người cao chỉ là do có một nhóm nhỏ người siêu giàu, và con số đó không nói lên gì về việc cuộc sống ở đâu sung túc hơn, thì sao?
Toàn bộ nhận định của chúng ta phụ thuộc vào những dữ liệu ta được tiếp cận. Trong hầu hết các trường hợp, ta chỉ biết được một phần của sự thật. Chuyên gia thì biết nhiều phần hơn, nhưng hiếm khi biết tất cả. Vì thế, hãy thận trọng khi đưa ra một nhận định chung cho cả một nhóm đối tượng. Không nên nghĩ rằng những người đưa ra nhận định đối lập với bạn về cùng một hiện tượng là ngốc, vì bạn và họ tiếp cận những thông tin khác nhau, chuyện rất đơn giản.
Nếu bạn quan tâm, có thể đọc thêm bài viết của Nick Case. Tôi nghĩ đó là một bài viết hay. Nó thậm chí cho chúng ta biết khi nào thì đám đông là thông thái, và khi nào thì chỉ là những đám a dua nông cạn.
Hoa anh đào ở Kyoto
Bây giờ, quay lại với Việt Nam của tôi. Đó thực ra chỉ là một tập con của đất nước tôi, giao với cuộc sống của tôi những năm tháng đó. Đó không phải là thế giới thật sự như nó là, cũng như thế giới mà các bạn nghĩ là thế giới, đó không phải là thế giới này đâu.
Tôi vẫn nhớ mãi ngày tôi thi tốt nghiệp trung học, người ngồi cạnh tôi gian lận. Về sau, cậu ta nói với tôi: “Không thể có chuyện có ai tự học mà làm hết được bài thi tốt nghiệp.” Trong khi đó, thậm chí ở trường chúng tôi học sinh khó mà trượt đại học. Chỉ vài cây số khoảng cách, nhưng rõ ràng là hai thế giới.
Lúc tôi còn ở nhà, người ta hay nói đại học ở VN nhiều tệ nạn, học giả thi giả, chạy điểm này kia. Tôi không hề thấy chuyện gì như thế suốt những năm học hành, hoặc, trí nhớ của tôi kém. Khi tôi coi thi, dù có là con của lãnh đạo cao nhất, nếu có gian lận vẫn bị bắt như thường. Tôi được chỉ thị làm nghiêm túc và không có chú thích gì thêm. Tất nhiên, sau này tôi hiểu nếu những người đó muốn gian lận thì họ có những cách khác. Nhưng rõ ràng thế giới của tôi khác những phàn nàn trên báo chí.
Hà Nội, cũng như vài đô thị lớn thì có đặc sản là tắc đường vào giờ tan tầm. Tôi thậm chí sống gần một điểm nóng là đường Phạm Văn Đồng. Thế nhưng, chẳng bao giờ tôi mắc kẹt ở đó, vì hầu hết thời gian tôi đi bộ đi học hoặc đi làm, và con đường tôi đi là những ngõ hẻm ít người, hoặc rộng thênh thang. Ở Hà Nội 9 năm, tôi không thấy CSGT làm tiền, không thấy cướp giật, đánh nhau, v.v. Kỷ niệm tồi tệ nhất là có một lần tôi bị móc mất điện thoại ở bến xe bus. Ngoài chuyện đó thì Hà Nội luôn yêu thương tôi. Những gì xấu xa tôi biết chỉ là do nghe những câu chuyện.
Vì thế, khi có người nói VN an ninh không tốt thì tôi vô cùng ngạc nhiên. Ở một nơi nào đó thì có thể, chứ nơi tôi sống thì không. Ngược lại, khi ai nói người Nhật lạnh lùng, tôi có thể hiểu ngay là họ chưa tiếp xúc đủ nhiều.
Bạn đọc có thể thấy tôi không trải đời, nhưng cuộc đời mỗi người có một cái, chẳng ai sống hết mọi cuộc đời. Cuộc đời chúng ta chỉ hơi khác nhau. Thế nhưng, nhiều người không chịu hiểu rằng quan điểm của họ chỉ là thế giới nhìn từ một góc, và chỉ trích những khác biệt. Tôi nghĩ nếu chúng ta mở rộng tầm mắt và tấm lòng, để biết hiểu và chấp nhận, thì mọi chuyện đều không có gì kỳ lạ.
--------------------------------------------------
Originally posted on my blog - June 2020
phong cách sống
Thế giới này rộng lớn mà con người thì thật nhỏ bé nên chúng ta bớt áp cái mình hiểu vào thế giới thì tự dưng thế giới đẹp lên bao nhiêu bạn ạ.
Cảm ơn bài viết của bạn!
Solitary
Thế giới này rộng lớn mà con người thì thật nhỏ bé nên chúng ta bớt áp cái mình hiểu vào thế giới thì tự dưng thế giới đẹp lên bao nhiêu bạn ạ.
Cảm ơn bài viết của bạn!
Độc Cô Cầu Bại