Thể dục thể thao (Sports), Võ thuật (Martial Arts) & Khí công (Qi Gong) khác nhau như thế nào?
Có lẽ, khi được hỏi "làm cách nào để giữ gìn sức khỏe, tăng cường thể lực", sẽ có không ít người nghĩ đến và lưỡng lự khó quyết giữa 3 khái niệm: thể dục thể thao, võ thuật & khí công.
Tại sao lại có sự lưỡng lự này? Các khái niệm trên khác nhau cụ thể như thế nào? Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Tại sao việc phân biệt các khái niệm này lại quan trọng?
Ấy là bởi vì, cả 3 phương pháp "luyện tập" trên, dù ít nhiều có những điểm chung, nhưng lại mang trong mình những mục đích vô cùng khác nhau. Việc nhận ra được sự khác biệt này, cùng với việc hiểu được bản thân mong muốn điều gì, sẽ giúp chúng ta gặt hái được nhiều thành quả hơn từ việc luyện tập.
Vậy, 3 phương pháp/khái niệm trên khác nhau như thế nào?
Nguồn: photojoiner.net
1) Thể dục thể thao (Sports)
Với câu hỏi được đặt ra ở đầu bài viết, phần lớn người được hỏi sẽ liên tưởng đến phương pháp luyện tập này đầu tiên. Họ sẽ nghĩ ngay đến những bộ môn như chạy bộ, bóng đá, bóng rổ, bơi lội...những bộ môn được cho là thuần túy mang tính "thể thao".
Mục đích:
Về khía cạnh mục đích luyện tập, thể dục thể thao được cho là một hình thức chuẩn bị cả về thể xác lẫn tinh thần của các chiến binh trước mỗi cuộc chiến, hoặc các cuộc săn bắn. Nhiều nguồn ghi nhận rằng bộ môn thể dục thể thao đầu tiên là đua xe ngựa đã xuất hiện tại Ai Cập từ niên đại 1500 TCN. Nói ngắn gọn, thể dục thể thao khởi thủy mang mục đích phục vụ cho chiến tranh. Ngày nay, nó dần biến đổi và trở thành một hình thức giải trí, cho cả người chơi (player) và người xem (spectator).
Nguồn: scienzaericerca.unisr.it
Hình thức:
Nếu để ý phân tích, bạn đọc sẽ nhận thấy rằng các bộ môn thể dục thể thao đều nhắm đến việc phát triển, hoặc duy trì, sức mạnh của các cơ bắp trên thân thể chúng ta, cho dù là sức bật hay sức bền. Với mỗi bộ môn khác nhau, người chơi sẽ có điều kiện được luyện tập và phát triển các nhóm cơ bắp (và kỹ năng vận động cơ thể) khác nhau.
Ví dụ: bóng đá chủ yếu giúp ta phát triển các nhóm cơ bắp từ hông trở xuống, trong khi bóng rổ hoặc boxing tập trung vào các nhóm cơ ở phần trên của cơ thể. Tuy ít nhiều có khác nhau, nhưng đối tượng luyện tập chính của các bộ môn này là cơ bắp (muscle).
Ngoài ra, tính cạnh tranh (competitiveness) là một yếu tố không thể thiếu trong thể thao. Trong các ván chơi của bất cứ môn thể thao nào, mục đích cuối cùng của người chơi chính là đánh bại những người chơi khác và giành chiến thắng cho mình, hoặc đội của mình. Ngay cả với những bộ môn không mang tính đối kháng (ví dụ: bơi lội, chạy bộ...) thì tính cạnh tranh & ganh đua này vẫn có thể hiện diện trong các cuộc thi (mời bạn đọc tìm hiểu thêm về sự "lợi bất cập hại" của thể dục thể thao tại đây).
Nguồn: gregfallis.com
Như vậy, có thể nói thể dục thể thao là hình thức luyện tập mang tính hướng đến thế giới bên ngoài bản thân chúng ta. Theo đó, người chơi được khuyến khích phải chinh phục thế giới bên ngoài (ví dụ: đối thủ) thông qua việc phát triển và sử dụng sức mạnh cơ bắp của mình.
2) Võ thuật (Martial Arts)
Khi nói đến võ thuật, không ít bạn đọc có lẽ sẽ nghĩ rằng các bộ môn này phần lớn đều mang sắc thái khá...cổ truyền. Đó là những bộ trang phục, nghi thức rất trang trọng, cùng hệ thống cấp bậc (các bậc đai) đa dạng & phức tạp.
Mục đích:
Có thể nói mục đích của võ thuật khi so sánh với thể dục thể thao cũng không phải quá khác biệt: chúng đều nhắm vào việc phát triển khả năng chiến đấu của cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, khi so sánh với thể dục thể thao thời hiện đại, thì có thể nói võ thuật mang tính ứng dụng thực tiễn cao hơn, bởi nó giúp người tập phát triển khả năng tự vệ (self-defense) trong những tình huống rất cụ thể.
Một bài tập tự vệ chống dao găm điển hình. Nguồn: Ashihara.co.uk
Một điểm khác biệt nữa là: trong khi thể dục thể thao khuyến khích chúng ta sử dụng sức mạnh của bản thân để chiến thắng và chinh phục thế giới bên ngoài, thì võ thuật lại nhấn mạnh tinh thần tự kỷ luật (self-discipline) và việc tự vượt lên & chiến thắng bản thân mình.
Hình thức:
Điểm khác biệt chủ yếu về khía cạnh hình thức luyện tập giữa thể dục thể thao và võ thuật là: trong khi người chơi thể thao chú trọng vào việc duy trì và tăng cường sức khỏe, sức mạnh thể lực...thì người luyện võ chủ yếu đến các võ đường để học kỹ năng (techniques). Sau khi thành thục các kỹ năng, ngón đòn, người luyện võ có thể tăng cường tính hiệu quả & sát thương của chúng thông qua các phương pháp rèn luyện sức mạnh thể lực khác - chính là thể dục thể thao.
Nguồn: Groupon.
Ngoài ra, nhiều bộ môn võ thuật, đặc biệt là các bộ môn võ thuật Trung Hoa cổ truyền (ví dụ: Thái Cực Quyền - trong tiếng Anh là Tai Chi), không chỉ hướng người tập đến việc rèn luyện cơ bắp - sức mạnh bên ngoài, mà còn rèn luyện nội công - sức mạnh bên trong. Nội công còn được gọi là "Khí" trong tiếng Việt, "Qi" (phát âm là chi) trong tiếng Trung Quốc, "Ki" trong tiếng Nhật, và "Energy" (tức năng lượng) trong tiếng Anh. Đây cũng là khía cạnh được rất nhiều các bộ truyện tranh khai thác, điển hình là bộ truyện tranh nổi tiếng Bảy Viên Ngọc Rồng của họa sĩ Akira Toriyama.
Như vậy, có thể nói võ thuật là phương pháp luyện tập vừa mang tính hướng ngoại (khả năng tự vệ, chiến đấu...) vừa mang tính hướng nội (tính tự kỷ luật, phát triển nội công...). Người luyện võ cần phải linh hoạt biến chuyển giữa 2 tính chất trên, lúc cương lúc nhu, tựa như thuyết Âm Dương trong Đạo Giáo.
Nguồn: Awakening Times.
3) Khí công (Qi Gong)
Cuối cùng, tuy là hình thức ít thông dụng và được biết đến nhất, nhưng khí công dường như nắm giữ một vị thế đặc biệt trong hệ thống các phương pháp "rèn luyện thân thể". Một vài những bộ môn khí công điển hình là Yoga của Ấn Độ, hoặc Pháp Luân Công của Trung Quốc. Thậm chí, những bài tập đơn giản hơn như thiền định hoặc các bài tập hít thở cũng được cho là những hình thức luyện khí công.
Mục đích:
Khí công, nếu được gọi là một hình thức "rèn luyện thân thể" thì cũng không hoàn toàn chính xác, bởi mục đích tối hậu của người tập khí công không phải là để tăng cường sức mạnh, thậm chí là sức khỏe. Mấu chốt của việc tập khí công là giúp người tập trở nên hài hòa với thế giới & môi trường sống chung quanh, với vũ trụ.
Nguồn: Trax Outdoor Center.
Có thể nói, việc tập luyện khí công mang nhiều yếu tố tâm linh hơn là vật chất, thực tiễn. Khi luyện khí công, người tập luôn được khuyến khích là buông bỏ các tâm truy cầu (sức mạnh, kỹ năng, sức khỏe, các ham muốn khác...), thay vì cố gắng thỏa mãn chúng. Một người tu thiền lâu năm có thể sẽ không đạt được bất cứ "thành quả" có giá trị vật chất & thực tiễn nào, nhưng anh ta có thể trừ bỏ được rất nhiều thứ không trong mình, như: các ham muốn, tính xấu, tâm tham sân si...
Tuy nghe có vẻ...ngược ngạo, nhưng người luyện khí công cũng không nên mang trong mình tâm niệm tập luyện để trở nên khỏe mạnh, cho dù đó là mục đích chính đáng (ví dụ: chữa bệnh). Các lợi ích về sức khỏe thường sẽ đến một cách không cần gượng ép, giống như một tác dụng phụ đến từ việc buông bỏ các ham muốn & suy nghĩ tiêu cực.
Hình thức:
Về mặt hình thức, các bộ môn khí công nhìn chung có hệ thống bài tập khá đơn giản, ví dụ như thiền định, các bài tập hít thở, hoặc Pháp Luân Công. Nếu bạn đọc có nghiên cứu, hẳn sẽ nhận ra rằng bài tập của các môn này thường không đòi hỏi người tập phải di chuyển thân thể quá nhiều. Thậm chí, phần lớn thời gian luyện tập, người tập sẽ phải giữ nguyên một tư thế cố định. Hình thức luyện tập này còn được gọi là "tĩnh công tu luyện".
Một động tác trong môn Pháp Luân Công - người tập cần giữ tư thế này trong một thời gian dài. Nguồn: Medium.
Các hình thức khí công khác, như Yoga và một vài môn võ cổ truyền như Thái Cực Quyền - được cho là một sự kết hợp giữa khí công & võ thuật, có phần phức tạp & đòi hỏi người tập di chuyển nhiều hơn, nhưng yếu tố nội công, tu tâm tính, vẫn là tối quan trọng.
Ngoài ra, như đã giải thích ở mục số 2, tên gọi của hình thức luyện tập này cũng ám chỉ một sự khác biệt giữa nó với 2 hình thức còn lại là thể dục thể thao & võ thuật: thay vì tập trung phát triển cơ bắp, khí công có thể giúp điều hòa nguồn năng lượng trong cơ thể chúng ta. Trong môn Yoga, nguồn năng lượng này còn được gọi là các luân xa.
Như vậy, nếu so sánh với thể dục thể thao & võ thuật, thì khí công mang yếu tố hướng nội khá cao. Một cách lý tưởng thì, người tập khí công cần phải buông bỏ toàn bộ tâm tranh đấu, sân si, các ham muốn hướng đến thế giới bên ngoài...để có thể tập trung vào việc nhận thức được suy nghĩ của bản thân, nhằm hướng đến một cuộc sống tâm linh & hài hòa với vũ trụ.
Hệ thống các luân xa trong môn Yoga. Nguồn: The Wellness Universe.
Lời kết
Mình không viết bài viết này nhằm đưa ra kết luận rằng hình thức tập luyện nào là hiệu quả, và hình thức nào không. Mỗi người khác nhau sẽ có mục đích tập luyện khác nhau, và do đó có những sự lựa chọn khác nhau. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đọc đã phần nào nắm rõ hơn về sự khác biệt giữa 3 khái niệm thể dục thể thao, võ thuật & khí công.
Theo bạn thì giữa chúng còn có những điều khác biệt nào nữa? Cá nhân bạn ưa thích phương pháp luyện tập nào? Hãy cùng chia sẻ trong phần bình luận cuối bài nhé!
Nguồn:
Yoga Yoga, What is Qigong?
SportsAspire, Understanding the differences between Qi Gong and Tai Chi.
Okina Learning, Differences between martial arts & sports.
Movement-vest, Qi Gong versus Sports.