Thể chế lưỡng đầu quyền lực trong Lịch sử Việt Nam
Xuyên suốt Lịch sử phong kiến Việt Nam, từ khi Ngô vương Quyền sáng lập cơ nghiệp (939) cho đến khi Bảo Đại hoàng đế Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy tuyên bố thoái vị và trao ấn kiếm cho Chính quyền Cách mạng (1945) thì đặc trưng chủ đạo của chế độ phong kiến tập quyền Việt Nam, cũng như của chế độ phong kiến tập quyền ở các quốc gia khác, là vua nắm giữ quyền lực tối cao. Vua là thiên tử, là Trời sai xuống để cai trị muôn dân. Ở Việt Nam, trong các văn kiện ngoại giao với Trung Quốc thì các vua Việt Nam chỉ xưng vương, còn trong các văn kiện trong nước thì các vua Việt Nam vẫn xưng đế bình thường, ngang hàng với Trung Quốc ở phía Bắc. Như trong “Bình Ngô Đại cáo”, Nguyễn Trãi đã khẳng định:
“Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia, phong tuc Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”
Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy.
Năm 938, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, thái tử Lưu Hoằng Tháo tử trận, kỷ nguyên hơn 1000 năm Bắc thuộc chấm dứt, mở ra kỷ nguyên phong kiến độc lập tự chủ cho người Việt. Năm 944, Ngô Quyền qua đời, em vợ Ngô Quyền là Dương Tam Kha tiếm ngôi. Năm 950, Nam Tấn vương Ngô Xương Văn tiến quân về Cổ Loa, tiêu diệt Dương Tam Kha, phế truất Tam Kha thành Trương Dương công và mời Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập về cùng coi việc nước, 2 anh em họ Ngô cùng làm vua, sử cũ gọi là Hậu Ngô vương. Năm 954, Thiên Sách vương bị “thượng mã phong” mà chết; năm 965, Nam Tấn vương trúng tên tử trận khi chinh chiến. Nhưng ngay từ năm 944, khi Ngô vương Quyền mất thì các sứ quân trong nước đã lục đục nổi dậy, sử gọi là “Loạn 12 sứ quân”. Sau này, Tam Kha bị diệt, anh em họ Ngô đoạt lại quyền bính nhưng cũng không thể khống chế được các sứ quân. Các sứ quân đó bao gồm: Nguyễn Siêu (giữ Tây Phù Liệt, nay là Thanh Trì – Hà Nội), Đỗ Cảnh Thạc (giữ Đỗ Động Giang, nay là Thanh Oai – Hà Nội), Phạm Bạch Hổ (giữ Đằng Châu, Hưng Yên), Ngô Nhật Khánh (giữ Đường Lâm, nay là Sơn Tây – Hà Nội), Kiều Công Hãn (giữ Phong Châu, Bạch Hạc – Phú Thọ), Ngô Xương Xí (giữ Bình Kiều, nay là Khoái Châu –Hưng Yên), Trần Lãm ( sau được Đinh Bộ Lĩnh kế nghiệp) (giữ Bố Hải Khẩu, nay là Kỳ Bố - Thái Bình), Nguyễn Khoan (giữ Tam Đái, nay là Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc), Nguyễn Thủ Tiệp (giữ Tiên Du – Bắc Ninh), Lý Khuê (giữ Siêu Loại, Thuận Thành – Bắc Ninh), Kiều Thuận (giữ Hồi Hồ, Cẩm Khê – Phú Thọ), Lữ Đường (giữ Tế Giang, Văn Giang – Hưng Yên). Các sứ quân này tranh đấu lẫn nhau không ngừng, cuối cùng nước Việt ta được thống nhất vào năm 968 bởi Đại Thắng Minh hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh. Nhắc đến Đinh Bộ Lĩnh, người ta nhớ ngay đến danh xưng Vạn Thắng vương, nhớ ngay đến Giao Châu thất hùng: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn (Nam Việt vương), Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, Phạm Cự Lạng, Lê Hoàn. Nhưng do Đinh Bộ Lĩnh “phế trưởng lập thứ”, lập con út Đinh Hạng Lang làm thái tử, không lập trưởng tử Đinh Liễn khiến nội bộ nhà Đinh lục đục. Đinh Liễn giết chết Đinh Hạng Lang, cha con Đinh Bộ Lĩnh – Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại, Đinh Toàn mới 6 tuổi lên nối ngôi. Nhà Tống ở phía Bắc thấy nước Việt có loạn, chuẩn bị đem quân sang đánh. Thái hậu Dương Vân Nga liền trao quyền bính cho Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn và ông đã đánh bại quân Tống (981). Hành động này khiến 3 vị tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp khởi binh đánh Lê Hoàn nhưng bị Lê Hoàn đánh bại. Và từ đây, dấy lên nghi án về mối quan hệ mờ ám giữa Lê Hoàn và Thái hậu Dương Vân Nga?
Gần 300 năm sau khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, cho đến năm 1225, một vương triều khác trong lịch sử Đại Việt tồn tại thể chế lưỡng đầu quyền lực ra đời, đó là vương triều Trần. Nhắc đến vương triều Trần 175 năm, 12 đời vua (1225 – 1400) thì người ta sẽ nhớ đến hào khí Đông A 3 lần đại phá quân Nguyên – Mông (đế chế mạnh nhất thế giới thời đó, từng càn quét khắp Á – Âu), nhớ đến những cuộc hôn nhân cận huyết để hoàng quyền không rơi vào tay người ngoài (Và thế quái nào, nhà Trần sụp đổ bởi 1 kẻ thuộc dòng ngoại thích, tên hắn là Hồ Quý Ly). Thời Trần tồn tại hình thức lưỡng đầu quyền lực, nhưng khác với các hình thức lưỡng đầu quyền lực khác, thì lưỡng đầu quyền lực nhà Trần là lưỡng đầu quyền lực cùng dòng họ. Khi vua cha trị vì được 1 thời gian nhất định, thấy Thái tử đã đủ trưởng thành thì vua cha sẽ nhường ngôi cho Thái tử, bản thân vua cha sẽ lui về hành cung Thiên Trường làm Thái thượng hoàng, cùng vua con lo việc trị nước. Thể chế lưỡng đầu của nhà Trần chỉ thể hiện ở 2 cá nhân là Thái thượng hoàng và Hoàng đế, còn bộ máy quan lại ở Trung ương và địa phương vẫn giữ nguyên như cũ. Thể chế lưỡng đầu của nhà Trần cũng là sự cân bằng, không có sự chênh lệch giữa 2 cá thể của thể chế lưỡng đầu.
Hơn 100 năm sau khi nhà Trần sụp đổ, cho đến năm 1545 thì một thể chế lưỡng đầu khác xuất hiện và tồn tại trong suốt hơn 200 năm sau đó, đó là thể chế vua Lê – chúa Trịnh, mà ở đó vua Lê là đại diện cho uy phúc còn chúa Trịnh là đại diện cho quyền bính. Trịnh còn thì Lê còn, Trịnh mất thì Lê cũng mất. Song song với triều đình của vua Lê là phủ liêu của chúa Trịnh, song song với Lục bộ của triều đình là Lục phiên của phủ liêu.
Nguồn gốc cho sự hình thành của thể chế này bắt đầu từ năm 1497, khi “đệ nhất minh quân Đại Việt” Lê Thánh Tông băng hà. Lê Hiến Tông (1497 – 1504) và Lê Túc Tông (1504 – 1505) lên nối ngôi, về cơ bản vẫn duy trì được nền thái bình thịnh trị từ đời Hồng Đức. Nhưng sau khi Túc Tông chết, Uy Mục và Tương Dực lên nối ngôi thì hoang dâm vô đạo, tàn ác hiếu sát khiến bách tính rơi vào cảnh lầm than cơ cực, giặc giã nổi lên khắp nơi, quần hùng trỗi dậy tranh đấu không ngừng giành quyền bính về tay. Trong cái hoàn cảnh nhiễu nhương đó, Lê Chiêu Tông (1516 – 1523) và Lê Cung Hoàng (1523 – 1527) chỉ là những con rối trong cuộc tranh đấu giữa các thế lực cát cứ. Và cuối cùng, kẻ chiến thắng trong những cuộc tranh chấp đó, là 1 võ tướng xuất thân từ ngư phủ làng Cổ Trai, đất Kiến An (Hải Phòng ngày nay), sử dụng 1 cây Định Nam đao tung hoành thiên hạ (trọng lượng của nó còn nặng hơn Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vũ thời Tam quốc). Tên của vị tướng đó là Mạc Đăng Dung, và năm 1527, Đăng Dung đã phế bỏ và giết chết Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc, trải qua 5 đời vua là: Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên và Mạc Mậu Hợp. Nhà Mạc trị vì ở Thăng Long 65 năm (1527 – 1592), trước khi bị Bình An vương Trịnh Tùng đánh bại chạy lên Cao Bằng và cát cứ Cao Bằng trong 85 năm (1592 – 1677) cho đến khi bị chúa Trịnh tiêu diệt. Nhà Mạc tuy có được thiên hạ, nhưng lòng người vẫn hướng về nhà Lê, vẫn nhớ về công lao Thái Tổ đánh giặc Minh cứu nước, nhớ về công đức Thánh Tông đưa Đại Việt lên đến đỉnh cao. Nhà Mạc về cơ bản vẫn duy trì khuôn phép nhà Lê, dù cho chiến tranh với nhà Lê – Trịnh liên tiếp xảy ra (1533 – 1592) nhưng việc khoa cử vẫn không hề bị gián đoạn. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (còn gọi là Tuyết Giang phu tử), nhân vật chỉ ra con đường lập nghiệp cho chúa Trịnh và chúa Nguyễn đã từng làm quan cho triều Mạc, và sau này ông thà đi ở ẩn chứ quyết không làm quan cho nhà Lê – Trịnh. Nhà Mạc cũng để lại tiếng xấu, khi Mạc Đăng Dung quỳ gối cắt đất cho nhà Minh. Nhưng đó là chuyện khác, nhìn nhận vương triều Mạc có rất nhiều quan điểm, nó cũng khó như việc đánh giá vương triều Hồ hay vương triều Tây Sơn vậy?
Nhà Mạc có được thiên hạ, nhưng lòng dân vẫn hướng về nhà Lê. 6 năm sau khi Mạc Đăng Dung lập ra nhà Mạc ở Thăng Long (1533), thì An Thành hầu Nguyễn Kim (con trai Nguyễn Hoằng Dụ) đã lập con rốt vua Chiêu Tông lên làm vua, tức là vua Lê Trang Tông, mở đầu ra thời kỳ Lê Trung Hưng trong sử Việt. Dưới trướng Nguyễn Kim có một vị tướng tài, tên người đó là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm có công lao to lớn, nên được Nguyễn Kim gả con gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho. Năm 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết ở Yên Mô (Ninh Bình), Trịnh Kiểm thay quyền Nguyễn Kim và từ đây, kỷ nguyên “lưỡng đầu quyền lực” vua Lê – chúa Trịnh bắt đầu. Nguyễn Kim có 2 người con trai: trưởng tử là Nguyễn Uông, thứ tử là Nguyễn Hoàng (sau này là người mở đầu cơ nghiệp chúa Nguyễn Đàng Trong, được hậu thế truy tôn là Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế, được vua Lê phong là Đoan quận công, được dân chúng Đàng Trong yêu quý gọi là chúa Tiên). Trịnh Kiểm sau khi kế nghiệp đã ngay lập tức hại chết Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng trong lòng lo sợ liền đến chỗ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vấn an xin kế sách. Trạng Trình cho Nguyễn Hoàng 8 chữ “Hoành Sơn nhất đái/Vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng hiểu ý và ngay lập tức nhờ cậy chị gái mình là Ngọc Bảo xin với Trịnh Kiểm cho mình vào trấn thủ Thuận Hóa – Quảng Nam. Trịnh Kiểm ngay lập tức đồng ý ngay, vì nghĩ rằng Thuận Quảng là đất “rừng thiêng nước độc”, và ý trời sẽ giúp Kiểm trừ được mối họa tâm phúc mà không ngờ rằng, đó là khởi đầu cho thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh trong sử Việt. Năm 1558, Nguyễn Hoàng cùng với Nguyễn Ư Dĩ, Mạc Cảnh Huống,… lên thuyền vào Nam, mở ra cơ nghiệp các chúa Nguyễn Đàng Trong, đối nghịch với các chúa Trịnh Đàng Ngoài. Mới đầu, Nguyễn Hoàng thấy lực lượng mình vẫn chưa phải đối thủ của họ Trịnh nên vẫn tỏ ra hiếu thuận với chúa Trịnh và vua Lê, vẫn nộp thuế đầy đủ, vẫn cử binh ra giúp họ Trịnh đánh nhà Mạc, thậm chí 4 đứa con của chúa Tiên còn tử trận trong cuộc nội chiến Nam Bắc triều. Nhưng đến đời con của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên, thế lực họ Nguyễn đã đủ sức “cân kèo” với họ Trịnh, lại được mưu thần Đào Duy Từ giúp sức nên chúa Nguyễn quyết tâm tách khỏi họ Trịnh, thành lập 1 vương quốc riêng, độc lập toàn bộ với họ Trịnh Đàng Ngoài. Về 9 đời chúa Nguyễn (và sau này là 13 vua nhà Nguyễn), sẽ hầu chuyện ở 1 bài khác.
Năm 1570, Trịnh Kiểm qua đời và Trịnh Tùng lên nối nghiệp cha. Trịnh Tùng chính là người đã lấy lại Thăng Long cho nhà Lê, nhưng ông cũng nổi tiếng là vị quyền thần giết nhiều vua nhất sử Việt. Chính tay ông đã giết 3 vua (Mạc Mậu Hợp, Lê Anh Tông, Lê Kính Tông), hơn 300 năm sau Tôn Thất Thuyết (Phụ chính đại thần nhà Nguyễn) cũng giết 3 vua (Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc). Trịnh Kiểm cũng đã từng muốn soán ngôi nhà Lê, điều này ông ta hoàn toàn có thể làm được. Nhưng ông ta lại sợ thiên hạ sinh biến, bài học của Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung đã thức tỉnh ông, và ông ta đã xin Trạng Trình kế sách. Trạng Trình nói “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”, ông hiểu ra và đi tìm cháu 5 đời của Lam Quốc công Lê Trừ (anh ruột Lê Thái Tổ) lập làm vua, ông cũng di chiếu cho con cháu đời sau không được phế bỏ vua Lê để tự lập. Sau này dù có nhiều vị vua Lê Trung Hưng bị chúa Trịnh phế bỏ hay sát hại, nhưng các chúa Trịnh không bao giờ soán ngôi vua Lê. Có thể nhắc đến, Lê đế Duy Phương bị Dụ Tổ Thuận vương Trịnh Giang vu cho tư thông với phi tần của Hy Tổ Nhân vương Trịnh Căn, phế ông ta thành Hôn Đức công và giết chết (1732) hay Thánh Tổ Thịnh vương Trịnh Sâm bắt và giết Thái tử Lê Duy Vỹ (con trưởng vua Lê Hiển Tông, cha của Mẫn Đế Lê Chiêu Thống) (1767). Các chúa Trịnh trải qua 8 đời: Thế Tổ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm (1545 – 1570), Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng (1570 – 1623), Văn Tổ Nghị vương Trịnh Tráng (1623 – 1657), Hoằng Tổ Dương vương Trịnh Tạc (1657 – 1682), Chiêu Tổ Khang vương Trịnh Căn (1682 – 1709), Hy Tổ Nhân vương Trịnh Cương (1709 – 1729), Dụ Tổ Thuận vương Trịnh Giang (1729 - 1740), Nghị Tổ Ân vương Trịnh Doanh (1740 – 1767) và Thánh Tổ Thịnh vương Trịnh Sâm (1767 - 1782) thì biến loạn nổi lên, nghiệm đúng câu nói năm xưa của thầy phù thủy trước mộ mẫu thân Trịnh Kiểm “Chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ/ Truyền được tám đời, trong nhà dấy vạ”. Cơ nghiệp họ Trịnh suy sụp là do quyết định “phế trưởng lập thứ” của Trịnh Sâm, phế trưởng tử Trịnh Tông lập thứ tử Trịnh Cán kế nghiệp, và nhân vật có liên quan mật thiết nhất là Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Trịnh Cán lên ngôi nhưng bệnh mất khi còn nhỏ, và kiêu binh Thanh Nghệ đã nổi lên tiêu diệt Đặng Thị Huệ và dư đảng họ Đặng, lập Đoan Nam vương Trịnh Tông lên làm chúa, Trịnh Tông chết thì lại lập Án Đô vương Trịnh Bồng lên làm chúa. Nhưng quân Tây Sơn của Quang Trung Nguyễn Huệ tấn công như vũ bão, cơ nghiệp hơn 200 năm của chúa Trịnh sụp đổ vào năm 1786, giống hệt như cơ nghiệp hơn 200 năm của chúa Nguyễn sụp đổ vào năm 1777. Chúa Trịnh đổ, quyền hành về tay vua Lê nhưng vua Lê và thần tử không có ai đủ sức điều hành chính sự nên Nguyễn Huệ đoạt lấy quyền bính Bắc Hà vào năm 1788. Lê Chiêu Thống sang cầu viện vua Thanh, Càn Long sai Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống đem 29 vạn quân Thanh sang đánh Thăng Long (?) nhưng bị Quang Trung hoàng đế tiến binh thần tốc, tiêu diệt trong 6 ngày Tết Kỷ Dậu (1789). Trong đó, trận Ngọc Hồi – Đống Đa là trận đánh hào hùng nhất, và dân chúng Thăng Long hẳn sẽ không bao giờ quên hình ảnh vua Quang Trung và quân Tây Sơn ca khúc khải hoàn ở Thăng Long, khi gương mặt và chiến bào của Quang Trung sạm đen vì khói súng. Tôn Sĩ Nghị cùng Lê Chiêu Thống chạy về Bắc quốc, Sầm Nghi Đống thắt cổ tự vẫn, Hứa Thế Hanh tử trận. Lê Chiêu Thống sang Tàu được 4 năm thì chết (1793), đến tận khi nhà Nguyễn lên ngôi thì thi hài mới được mang về an táng ở Thanh Hóa. Phá 29 vạn quân Thanh trong 6 ngày, tiêu diệt thế lực cát cứ Trịnh – Nguyễn, đập tan 2 vạn quân Xiêm và 300 chiến thuyền trong 1 đêm, chiến tích lẫy lừng như thế, tự cổ chí kim không ai sánh bằng. Và Quang Trung hoàng đế xứng đáng với 4 chữ “anh hùng dân tộc”.
Ở Đàng Ngoài, hình thành và tồn tại thể chế lưỡng đầu Lê – Trịnh là do những nguyên nhân sau đây: + Nguyên nhân sâu xa và có tính chất chủ đạo là tư tưởng Chính danh của Nho giáo. Nho giáo đã trở thành tư tưởng chính trị chính thống từ đầu thời Lê sơ. Theo quan điểm Nho giáo thời bấy giờ, chỉ có triều Lê mới là triều đại chính thống nên khi lên cầm quyền, các chúa Trịnh không thể không duy trì triều Lê. Phế bỏ nhà Lê thì dễ, nhưng bài học của Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung rất có thể sẽ lặp lại. Tự dưng mua cả đống rắc rối vào người, có ai ngu mà làm vậy
+ Nguyên nhân về mặt Lịch sử, thể chế lưỡng đầu đã bước đầu được hình thành từ đầu thời Lê Trung Hưng, tức giai đoạn Nam triều. Trong đó, bên cạnh vua Lê là Nguyễn Kim rồi họ Trịnh nắm thực quyền. Sau khi đánh đổ được nhà Mạc (Bắc triều), họ Trịnh không thể không tiếp tục duy trì vua Lê ở Đàng Ngoài.
+ Nguyên nhân thứ ba là do sự tương quan lực lượng giữa các phe phái phong kiến: Giữa tập đoàn họ Trịnh và tập đoàn nhà Lê, giữa phong kiến Đàng Ngoài và phong kiến Đàng Trong. Triều Lê đã từng tồn tại hàng trăm năm, đã có ảnh hưởng lớn lao trong xã hội bấy giờ. Nhiều sĩ phu phong kiến và thần dân vẫn hướng về vua Lê. Nhưng nhà Lê lúc này đã trở nên mục nát và muốn tồn tại được phải dựa vào thế lực phong kiến khác, đó là họ Trịnh. Họ Trịnh là tập đoàn phong kiến mới trội lên và có thế lực nhất lúc bấy giờ nhưng muốn cai trị được thiên hạ thì phải dựa vào danh nghĩa của nhà Lê. Có lẽ các chúa Trịnh cũng đã rút ra bài học kinh nghiệm từ nhà Mạc trước đó. Nhà Mạc chỉ tồn tại trong khoảng thời gian không lâu sau khi phế bỏ hẳn triều Lê. Chúa Trịnh chính là thế lực phong kiến mới để khôi phục lại xã hội đang bị suy bởi sự mục ruỗng của các triều vua cuối Lê sơ nhưng đồng thời họ Trịnh, như trên đã nói, vẫn phải dựa vào địa vị của vua Lê. Ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn cũng giương chiêu bài “Phù Lê diệt Trịnh’. Vì vậy, các chúa Trịnh muốn tập hợp được lực lượng ở Đàng Ngoài chống Nguyễn thì không thể phế bỏ vua Lê.
Chính quyền Lê – Trịnh thể hiện sự hoàn bị, rõ ràng nhất và tiêu biểu về thể chế lưỡng đầu trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Chính quyền Lê – Trịnh là thể chế lưỡng đầu của 2 dòng họ, giữa vua và chúa, giữa đế và vương, kết hợp với nhau trong sự đối trọng, vừa hòa hợp vừa mâu thuẫn.
Chế độ lưỡng đầu thời Lê – Trịnh không chỉ được thể hiện tập trung ở vua và chúa, mà còn được thể hiện rõ ràng và chặt chẽ ở các thể chế Nhà nước, giữa triều đình và phủ chúa, giữa Lục bộ và Lục phiên…Hay nói cách khác, thể chế lưỡng đầu vua Lê – chúa Trịnh là cả 1 hệ thống cơ cấu tổ chức Nhà nước chặt chẽ, rõ ràng, trong đó có 1 số yếu tố đã được luật pháp hóa.
Thể chế lưỡng đầu Lê – Trịnh là sự khác biệt về quyền lực. Triều đình giữ uy phúc, vương phủ giữ quyền bính. Lê đế trị vì nhưng không cai trị, Trịnh vương cai trị nhưng vẫn giữ địa vị bề tôi. Các chúa Trịnh, nhất là Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng và Hy Tổ Nhân vương Trịnh Cương, đã không ngừng cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước nhằm tập trung cao độ quyền lực Nhà nước vào phủ chúa. Nói như vậy không có nghĩa là các chúa Trịnh chỉ nhằm mục đích duy nhất như vậy, tuy rằng đó là mục đích cơ bản và hàng đầu. Phương thức tổ chức bộ máy Nhà nước của các chúa Trịnh còn nhằm mục đích thứ hai và cũng là 1 trong hai mục đích cơ bản là làm cho giữa các cơ quan của chúa và vua có sự phân biệt quyền hạn rõ ràng, có sự phối hợp công vụ chặt chẽ, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả cai trị của Nhà nước phong kiến, giữ vững được nền thống trị của giai cấp phong kiến đương thời. Đó cũng là 1 trong những nguyên nhân lý giải tại sao chế độ Lê – Trịnh lại tồn tại được lâu dài đến như vậy.
Chính do chế độ Lê – Trịnh là thể chế của 2 dòng họ, hai tập đoàn phong kiến, vừa hòa hợp lại vừa mâu thuẫn với nhau, đồng thời phải đối phó với chính quyền chúa Nguyễn Đàng Trong, nên Nhà nước lưỡng quyền Đàng Ngoài còn có đặc điểm thứ tư. Đó là, Nhà nước có nhiều cơ quan và chức quan mới được đặt ra, ngạch quan võ có vai trò rất quan trọng, hầu hết các chức vụ chủ chốt từ trung ương đến địa phương được trao cho các võ quan nắm giữ.
Có thể nói, thể chế lưỡng đầu Lê – Trịnh vừa là sản phẩm, vừa phù hợp thực trạng của hoàn cảnh lịch sử bấy giờ. Nếu xét về phương diện tổ chức Nhà nước, đây là hiện tượng đặc sắc nhất của thời kỳ thế kỷ 16 – 18 đồng thời cũng là 1 trong số những hiện tượng độc đáo trong lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam.
vua lê - chúa trịnh
,lịch sử
Nội dung hữu ích nhưng lần sau bạn nên cho vài hình ảnh minh họa hoặc là chia đề mục ra để dễ đọc hơn nhe. Nội dung lịch sử dài thế này mà không có hình coi sợ người khác đọc hay bị nản á. :D
Người ẩn danh
Nội dung hữu ích nhưng lần sau bạn nên cho vài hình ảnh minh họa hoặc là chia đề mục ra để dễ đọc hơn nhe. Nội dung lịch sử dài thế này mà không có hình coi sợ người khác đọc hay bị nản á. :D
Elviscahn
Thể chế lưỡng đầu theo như bạn nói thì ko thể xuất hiện đầu tiên ở thời Lê Trung Hưng được. Nếu như thế thì bạn dẫn chứng ra nhà Hậu Ngô Vương làm j.