Tết- giá trị truyền thống còn sót lại.

  1. Tâm sự cuộc sống

Tết, quê tớ có trống họ, các nhà sẽ bưng mâm cỗ lên cúng ở nhà thờ. Tớ nhớ hồi nhỏ, những sáng 30 tớ hay chạy qua chạy lại khoảng cách giữa nhà thờ họ và nhà mình. Chạy về nhà thì mẹ đang làm cỗ tất bật ở bếp, chạy lên nhà thờ thì ông nội đang sắp sửa làm lễ. Ông mặc một chiếc áo dài màu tím than, đầu đội khăn đóng và tay cầm cuốn vở cũ. Tớ chưa một lần đứng xem ông cúng đọc như thế nào. Hồi đó tớ quá nhỏ và quá ngu xuẩn để biết trân trọng những điều đấy. Chỉ biết xưa xửa xừa xưa, vì có một ai đó nịnh mồm khách sáo với bố mà lỡ buông câu “Thầy Thuật cúng hay”, mà tớ luôn tự hào đi truyền bá với thế giới rằng: Tớ là cháu gái thầy Thuật. Thầy cúng nôm rất hay luôn đó.

Cùng Cuội, Vịt và Cún ngồi nghe tiếng trống họ bên cạnh các ông dâng hương cúng lễ, tớ thấy thú vị và hào hứng hơn một bom tấn nào đó chiếu ở rạp. Đã bao lần tớ tự hỏi, mai này khi tay các bác đã mỏi, các chú đã đi xa làm ăn, những que trống kia sẽ được tay ai cầm? Tớ không hề muốn nghe tiếng trống họ của mình được phát ra từ một chiếc app trong điện thoại.

Bỗng chốc tớ hoang mang: Có những giá trị sẽ mãi bị mất đi.

-

Nhớ hồi tớ lớp 10, bà trách chuyện gì đó mà tớ dỗi, vùng vằng chạy sang phòng anh Hiếu nằm chơi điện thoại. Được chừng mấy phút tớ đã thấy bóng bà đứng ở cửa phòng, nhẹ nghiêm nói vào:“Hạnh về phòng con đi. Con gái không được nằm giường con trai như thế”. Tớ ngồi dậy phụng phịu quay lại phòng mình. Tớ không nhớ cũng không hiểu nổi tại sao lúc đó mình không cãi mà tuân theo. Chắc là dù trong đầu có cảm thấy không thuyết phục vì bà cổ hủ quá, nhưng trong sâu thẳm tớ lại tôn trọng "giá trị cổ hủ" đó của bà, một cách vô thức. Đó là một chi tiết ăn sâu vào trí nhớ của tớ. Đến nỗi tận bây giờ, cứ đến nhà bạn chơi, nằm giường của bạn là tớ lại vô thức nhìn về phía cánh cửa phòng và nhớ về bóng hình của bà đứng ở phía đó.

Lại nhớ hồi hè lớp 6, mẹ gửi tớ trên nhà Thảo để học hè. Nhà Thảo tuy dựa trên tinh thần dạy dỗ nghiêm khắc nhưng lại có sự thoải mái nhất định trong lối sống thường ngày. Và tớ có bị nhiễm. Có hôm về nhà, gắt gỏng gì đấy mà tớ buột mồm: “Làm máu chi không biết". Mẹ tớ đứng bên cạnh quay sang nghiêm khắc: “Này Hạnh cẩn thận ăn nói nhé”. Tớ im bặt. Người lớn trong nhà không chửi thề nói tục, tớ cũng vô thức mà tuân theo chứ không có ý phá cách, dù các thứ khác thì tớ hay cãi lại. Bây giờ mọi thứ có vẻ dễ dàng hơn. Mỗi lần cả nhà sum họp đông vui anh chị tớ vẫn trêu:“Hạnh xưa là cháu cưng của ông bà mà bây giờ làm ông bà buồn bỏ mẹ”. Mọi người đều cười vui vẻ, người lớn không có ý kiến gì và vẫn dùng mấy từ bỏ mẹ/ mẹ để đùa vui nhấn mạnh. Tớ thi thoảng cũng có. Bây giờ mẹ cười bình thường, nhưng vẫn chưa một lần mẹ nói ra một chữ đấy.

Lâu lắm lắm rồi, một lần hiếm hoi hai chị em cãi nhau, Cún cáu và dùng bad word cãi lại, tớ đã thấy mặt đất dưới chân tớ như đang sụp đổ. Tớ biết khi kể chi tiết này mọi người sẽ cười, và nói Khiếp hồn, có gì đâu mà làm quá. Nhưng tớ vẫn ngại ngùng mà thẳng thắn thừa nhận, tớ nhớ như in sự sụp đổ ngỡ ngàng lần đó. Như rằng một thứ gì đó của gia đình trong Cún bị mất đi, như rằng giây phút đó Cún lạc ra khỏi vòng tay của gia đình tớ, một chút. Hiện tại Cún chửi thề văng tục với bạn game cũng nhiều, tớ nghĩ đã quá tuổi và vô nghĩa để cấm cản. Chỉ là tớ có chút không rõ, khả năng thích nghi của mẹ và của tớ đã tăng cao, hay một số khuôn phép đã ra đi mà không còn nữa.

Tớ không nhớ từ khoảng thời gian nào tớ bắt đầu mặc quần đùi đi chơi. Chỉ nhớ một lần hồi sinh viên năm 3, chị Bẹp comment một ảnh trên Facebook, bảo: Ồ Hạnh đã mặc quần đùi rồi nè, như là lời khen cho một sự tiến hóa. Đó là lúc tớ chợt nhận ra mình có sự thay đổi "tiến hóa" mà chính mình không biết. Vì trước đó mấy năm tớ về nhà, mặc bộ đồ ở nhà có chiếc quần đùi, bà tớ bảo Lần sau con đừng mặc quần ngắn như thế này. Ở quê người ta thấy người ta cười, tớ đã vâng dạ. Sáng nay thấy bộ đồ trên giàn phơi, tự dưng nhớ đến lời bà. Tớ không có ý gì với việc mặc quần đùi cả. Bây giờ trong xóm, trẻ nhỏ thanh niên và cả người lớn mặc quần đùi ngắn và váy tự nhiên và bình thường như việc đi ra đầu xóm cũng phóng xe máy. Tớ chỉ cảm giác hình như có một thứ gì đó trong mình bị lãng quên.

Đã lỡ rông dài thì tớ cố kể thêm. Trong họ hàng nhà tớ có hai nhân vật đáng (để) kể là Bà Điều và bà Kim. Hai bà là chị em ruột, và đều mang tính cách giống nhau, đều nghiêm chỉnh đến nỗi mọi người hay đùa: Đứa nào trước khi lấy chồng cứ đến ở với bà Điều 2 tháng. Nhà chồng khó mấy cũng chấp hết. Các bà là kiểu người lớn tuổi giữ gìn những giá trị truyền thống. Nghiêm khắc từ những thứ nhỏ nhặt như đi đứng ngồi như thế nào, cười nói- ăn uống ra sao… Trước, tự thấy mình là đứa tự do và không phép tắc, lại được ông bà chiều chuộng, nghe mấy kiểu đó tớ thở không nổi, tránh các bà như tránh tà. Tớ nói không khéo ngồi ăn với bà miệng con phải nhai theo nhịp dựng sẵn đó. Lớn lên, gần đây, thi thoảng gặp các bà một lúc mà thấy lòng bình yên nhẹ nhàng lạ. Có phải vì bây giờ tớ mới biết là hai bà cũng giống bà nội tớ, theo Phật. Hay sự nghiêm khắc đó đã giảm đi? Hoặc là đã có sự thay đổi trong nhận thức của tớ. Lạ kỳ, hơn bao giờ hết, hơn bất kể thứ gì hết, tớ thấy cần lắm lắm những người khó tính như các bà, để gìn giữ trau dồi những thứ đang dần chìm lặn. Tớ tự nhủ mình không được "chuẩn chỉnh" vậy thôi, chứ nếu có thì sau này mình cũng sẵn sàng "đóng vai ác" vậy luôn đó.

Tớ luôn tự thấy mình là đứa tiến hóa ngược. Hơn chục năm trước lúc mọi người quan tâm sức khỏe thể chất thì tớ đi quan tâm những niềm vui nho nhỏ. Rồi bây giờ khi mọi người la toáng lên hãy chăm sóc sức khỏe tinh thần thì tớ mới đi lo mấy chứng bệnh linh tinh. Hồi trước tớ là đứa bị dân làng “nói xấu” là “gái thành phố”, “được ông bà giữ trong tủ kính”…vì chẳng biết gì nhà ai trong xóm, chẳng làm việc nhà, chẳng hòa đồng với mấy trò chơi quê… thì bây giờ tớ là đứa hay nghĩ về sự mất mát của những đàn trâu làng, của mùi rơm mới, của lũy tre trước cổng… Hồi nhỏ xíu thấy mẹ vất vả trong bếp làm cơm, tớ không biết phụ giúp mà luôn bảo “Sau này con sẽ đi thuê hết, từ làm cỗ đến dọn nhà”. Bây giờ khi cúng đơm lễ lạt đã được đơn giản hóa, tớ nhớ vô cùng những tất bật xưa, lúc mẹ làm 3 mâm cỗ đầy: một mâm cúng bàn thờ nhà, một mâm cúng bàn thờ chính đàng nhà bác Thắng, và một mâm nhà thờ họ.

Đương nhiên là hiện tại, tớ vẫn mặc quần đùi áo cộc, không như các cô gái Trung Quốc xưa thẹn thùng khi lộ ra bàn chân trần. Tớ vẫn nói Diệu Linh cậu ơi cậu là phép cmn màu. Tớ bình lặng khi Cún nhà tớ chửi thề với bạn game… Và tớ hoàn toàn không có vấn đề gì với các bạn mặc áo dây quần đùi váy ngắn cả (ngoài việc ghen tị bởi các bạn dáng đẹp và da trắng vãi ra). Tớ còn chạy xe nhanh ẩu để người ta hỏi Đi ăn cướp hả? Cũng có nhiều lần say khướt nữa... Vậy đó. Các bạn đừng nghĩ tớ là đứa mặc áo dài đưa tay che miệng khi nói, chỉ mím môi nhẹ khi cười. Nhưng quả đúng là, tớ đang cảm thấy sợ. Tớ sợ rằng có những thứ giá trị đang dần phai đi...

Biết sự tồn tại của vô thường mà vẫn không thoát khỏi sự lo lắng vô thường, tớ vẫn luyến tiếc và lo lắng sự ra đi của những giá trị cũ. Tiếng trống họ. Mâm cỗ đầy. Bát hương có khói. Sự khuôn phép và e lệ… Nếu một ngày những điều đó mất hẳn đi, thế giới trong tớ thật buồn.

-

Hồi nhỏ ông dạy tớ quét nhà. Ngày xưa nền nhà là nền đất đen thui, gồ ghề không bằng phẳng. Chỗ nào mà dính nước thì rất là lâu khô. Ông dạy tớ: Lưng khom xuống. Nhát chổi ngắn, không hất cao. Nhát sau đè lên nhát trước. Chọn chỗ đất khô và phẳng để nhóm lại. Sau đó mấy năm thì làm nhà mới, từ đó đến giờ nền nhà được thay mấy màu gạch hoa. Nhưng mỗi khi nhìn mấy đứa em quét nhà tớ đều nhắc lại câu thần chú: Lưng khom xuống. Nhát chổi ngắn, không hất cao. Nhát sau đè lên nhát trước. Câu cuối Chọn chỗ đất khô và phẳng để nhóm lại tớ tự nói trong đầu, cùng với hình ảnh của ông và nền nhà đất đen thui mát rượi lồi lõm.

Sẽ có gì đó mất đi. Cũng sẽ có thứ gì đó được gìn giữ và lưu truyền.

Là người lạc quan, tớ tin tưởng câu sau hơn: Sẽ có những giá trị được lưu truyền mà ở lại.

Chắc chắn thế.

Vậy nên tớ có tiêu đề: Những giá trị còn sót lại.

.

P.s: Bài này tớ viết vào đợt rằm tháng 7, nhưng tớ sửa lại thành Tết. Vì Tết mọi thứ cũng y chang. Và tớ muốn nhấn mạnh là, Tết là một giá trị truyền thống tốt đẹp lớn lao vô vàn trong tớ. 7 tuổi hay 27 tuổi hay 70 tuổi, tớ vẫn yêu và chờ mong Tết.

Từ khóa: 

tết

,

truyền thống

,

tâm sự cuộc sống