Tên của nước hoa: Do Son và Tam Dao
Nước hoa là một phần của thế giới thời trang nhưng lại hoàn toàn vô hình. Vì vậy, quảng cáo nước hoa và các sản phẩm tạo mùi đối mặt với rất nhiều thách thức để diễn tả mùi hương cho khách hàng. Một trong những cách phổ biến để tiếp thị là tập trung vào tên của sản phẩm. Những cái tên có thể gợi đến một cảm giác, ví dụ như “Cực kỳ quyến rũ” (Very Sexy – hãng Victoria’s Secret), tạo ra sự tò mò như “Gái Ngoan Hóa Hư” (Good Girl Gone Bad – hãng Kilian) hoặc mô tả trực tiếp mùi hương như “Hoa Cam” (Orange Blossom – hãng Jo Malone), v.v…
Ngoài việc đặt tên thông thường, cũng rất nhiều chai nước hoa có cái tên ẩn chứa cả một lịch sử hay một câu chuyện dài. Qua loạt bài này, xin giới thiệu với mọi người một số chai nước hoa có tên thú vị như vậy mà người viết đã bắt gặp trong quá trình khám phá thế giới “thời trang vô hình” này. Xin lưu ý là danh sách có thể kéo dài vô tận, đây chỉ là một phần nhỏ trong số đó mà thôi. Mờ đầu là:
DO SƠN VÀ TAM DAO CỦA NHÀ DIPTYQUE
Không nhầm đâu, chính là Đồ Sơn và Tam Đảo, hai địa danh nổi tiếng của miền Bắc Việt Nam.
Chai nước hoa mang tên Tam Đảo. Bản EDP (eau de parfum) nhãn màu đen.
Nhà Diptyque khá nổi tiếng trong thế giới nến thơm và cũng có “số má” trong ngành nước hoa nữa. Câu chuyện của Diptyque bắt đầu tại Pháp khi một chuyên gia thiết kế nội thất, một họa sĩ và một giám đốc nhà hát bỗng phát hiện ra cả ba có điểm chung mà hẳn ai cũng biết: yêu thích cái đẹp.
Năm 1961, khi Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ và dân chúng Xô Viết hò reo thì ở một góc trên đại lộ Saint-Germain của Pháp, cửa hàng đầu tiên của ba người bạn ra đời. Lúc đầu cửa hàng bán đồ nội thất trang trí nhà cửa và kèm theo đó là những sản phẩm tạo mùi hương từ các nhà sản xuất Anh Quốc. Dần dà từ cửa hiệu đó, Diptyque phát triển thành một cây đại thụ trong giới mùi hương với các sản phẩm nến thơm, nước hoa của riêng họ. Cửa hàng đầu tiên đó giờ vẫn còn ở Pháp để du khách và khách hàng ghé thăm.
Cửa hàng khi mới thành lập (ảnh đen trắng) và cửa hàng hiện tại, không khác gì nhau lắm. Nói là bức ảnh màu được đổi thành đen trắng cho có vẻ vintage chắc cũng có người tin.
Một trong những nhà sáng lập, vị giám đốc nhà hát là Yves Coueslant (1926 – 2013), đã có tuổi thơ lớn lên tại miền Bắc Việt Nam. Tam Đảo cùng với Ba Vì ở phía Bắc thường được so sánh như Đà Lạt ở phía Nam, có khí hậu mát mẻ cận ôn đới. Thời kỳ Pháp thuộc, trên Tam Đảo có xây dựng một thành phố nhỏ tầm 200 căn biệt thự nhà nghỉ cho các gia đình quan chức Pháp nghỉ dưỡng. Rất có khả năng cha của Yves Coueslant là một trong số họ (rất tiếc trong khả năng hạn hẹp người viết cũng chưa có cơ hội tìm được tư liệu về ông bà thân sinh của Yves).
Tam Dao mang đậm phong vị của rừng, một chai nước hoa thơm mùi gỗ đàn hương béo mượt trên nền gỗ cứng. Lẫn thêm trong đó là hương hổ phách ấm nhẹ và chút hoa phấn phấn, tạo độ vương vấn và mơ màng, tựa như đây là chuyến hành trình về tuổi thơ của Yves Coueslant.
Mặt sau của chai Tam Dao là một chú voi. Thiết kế chai của hãng này rất thú vị vì phía sau nhãn dán cũng có hình họa chứ không trắng trơn, thành ra nhìn qua màn thủy tinh trong không bị cảm giác mất thẩm mỹ.
Bộ ba nhà sáng lập là người biết chuộng cái đẹp, biết cái đẹp, mỗi tội hơi thiếu duyên với đồ nội thất, thành ra dần dà Diptyque chỉ còn nổi tiếng vì giúp khách hàng thơm chứ không còn giúp nhà khách hàng đẹp nữa.
Ba nhà sáng lập của Diptyque. Yves Coueslant là người ngoài cùng bên trái.
Còn chai Đồ Sơn thì sao? Theo như thông tin ghi lại thì Đồ Sơn chính là nơi cha của Yves Coueslant đã xây dựng một ngôi chùa (rất tiếc người viết chưa tìm được ngôi chùa này), và Yves đã tận hưởng mùa hè tuổi thơ tại đây.
Do Son của Dyptique
Diptyque Do Son mang đậm mùi hoa huệ tây (tuberose) – loài hoa mang sắc thái rất gợi tình quyến rũ, mặc dù ở Việt Nam thì nghe đến hoa huệ người ta sẽ nghĩ ngay đến… bàn thờ. Cùng với sự tô điểm của hoa cam và xạ mượt, Do Son bản eau de parfum ngọt mịn, mềm và trong, có chút cảm giác như nuốt một viên thạch mềm thơm mùi hoa.
Nguồn: Willow Wằn-Wại