Tây Sơn - một triều đại mạnh nhưng không vững
Bánh xe lịch sử liệu có trật bánh khỏi đường ray không? Điều này là không thể, nhất là khi lịch sử đã xảy ra trong quá khứ. Vậy liệu lịch sử có chữ "nếu" không? Có chứ, có rất nhiều trường hợp trong lịch sử người ta tự hỏi nếu không xảy ra như đã từng xảy ra mà xảy ra theo hướng khác thì sao? Và triều đại Tây Sơn với sự lãnh đạo của Quang Trung hoàng đế là một trong những trường hợp mà hậu thế hay đặt ra vấn đề "giá như", "nếu" đó. Triều đại Tây Sơn mạnh thật và phát triển như vũ bão nhưng đây là triều đại xây dựng không vững vàng nên thật sự chỉ cần dao động một yếu tố là sụp đổ ngay. Yếu tố đó là sự lãnh đạo hoàng đế Quang Trung. Cái chết của Quang Trung đến giờ vẫn là bí ẩn và nhiều người đặt ra vấn đề rằng: "Nếu hoàng đế Quang Trung không băng hà bất ngờ thì vận nước sẽ về đâu?".
Có khá nhiều sách vở, tư liệu đều khá ca ngợi triều đại Tây Sơn nhất là dưới sự lãnh đạo của Quang Trung. Tuy nhiên, đây là triều đại với góc nhìn của cá nhân tôi là một triều đại đầy biến động, những cơn sóng ngầm đang từng ngày từng ngày nuốt chửng cái sự bình yên trên bề mặt mà rất ít người nhận ra. Sự lãnh đạo của Quang Trung hoàng đế chỉ là một trong nhiều yếu tố quyết định sự sống còn của Tây Sơn chứ không phải hoàn toàn. Nếu nhà Tây Sơn vững vàng thì sau cái chết Quang Trung nhà Tây Sơn sẽ tiếp tục phát triển chứ không phải từng bước lụn tàn và diệt vong.
Tôi không phủ nhận cái tài của hoàng đế Quang Trung nhưng cái tài này mang tính quá vượt bậc chỉ lo phần ngọn mà không nghĩ phần gốc. Đầu tiên là thành phần lãnh đạo. Ba anh em nhà Tây Sơn có thể cùng nhau gây dựng cơ đồ nhưng lại không thể cùng nhau hưởng chung quyền lực. Sự xâu xé quyền lực ngầm có từ thời Nguyễn Nhạc- Thái Đức hoàng đế khi chia lãnh thổ cai quản của 3 anh em thành 3 vùng:
Nguyễn Nhạc xưng Trung ương hoàng đế đóng đô Quy Nhơn
Nguyễn Lữ được phong Đông Định Vương cai quản vùng Gia Định
Nguyễn Huệ được phong Bắc Bình Vương cai quản vùng đất từ đèo Hải Vân ra bắc.
Sự phân chia rằng đầu tiên sẽ thấy có lỗ hổng là phân tán lực lượng trung ương, mỗi người nắm 1 lãnh thổ và khi bị cô lập tấn công riêng thì sẽ bị tiêu diệt lần lượt vì đâu có sự đoàn kết, hỗ trợ cho nhau. Quá trình phân chia này kéo dài đến gần lúc Tây Sơn diệt vong. Chưa kể khi nhìn vào sơ đồ vùng đất mà 3 anh em cai quản sẽ thấy một điểm yếu chí mạng là vùng Gia Định - đây là cái nôi của các đời Chúa Nguyễn, một vùng đất trọng yếu chiến lược mà không chỉ tài nguyên thiên nhiên phong phú mà ngay cả lòng người ở đây có phần có hướng về các chúa Nguyễn - những người khởi tạo nên vùng đất này. Thế mà người cai quản đơn độc là Nguyễn Lữ. Tôi không đánh giá thấp tài năng lãnh đạo của ai trong 3 anh em nhưng rõ ràng sức của một mình Nguyễn Lữ là không thể chống lại tàn dư chúa Nguyễn – Nguyễn Ánh ở ngay trên chính địa bàn của họ được.
Chưa kể ba anh em Tây Sơn cũng đâu đoàn kết giai đoạn này, thậm chí là có thể nói phân quyền cai quản mỗi vùng của từng người. Mỗi người chỉ lo phần của mình đâu có sự tương trợ với nhau và đó là cái sơ hở để sau này Nguyễn Ánh tiêu diệt từng người một.
Đầu tiên là tiêu diệt Nguyễn Lữ ở Gia Định nắm lại địa bàn sau đó để Nguyễn Quang Toản tiêu diệt Nguyễn Nhạc và Nguyễn Ánh thì tiêu diệt Nguyễn Quang Toản – nhà Tây Sơn sụp đổ.
Triều đại Tây Sơn được xây dựng từ phong trào nông dân nổi dậy chống lại chính quyền cai trị đã quá lỗi thời thì một điều phải thấy là họ không có kinh nghiệm trong quản lý bộ máy nhà nước. Các sĩ phu Bắc Hà thì mang nặng tư tưởng bảo thủ và vẫn còn nặng lòng với dòng họ vua Lê. Chính quyền chúa Nguyễn đàng trong dù bị tiêu diệt nhưng hậu duệ Nguyễn Ánh vẫn còn sống và là nhân tố tạo sóng gió.
Thật ra thì nếu vua Quang Trung sống lâu hơn thì với tôi có lẽ tương lai nước Việt Nam sẽ sôi nổi và đầy bất ngờ.
Nếu Quang Trung kiên quyết thống nhất đất nước thì bắt buộc phải tập trung quyền lực về một điểm, có thể sẽ có những cuộc tắm máu giữa các anh em Tây Sơn. Nếu Quang Trung là kẻ mềm lòng với anh em thì tình hình đất nước ta sẽ rơi vào nạn cát cứ và mặc nhiên có thể chia ra thành thế chân vạc với sự lãnh đạo của cả 3 anh em dù thực tế Quang Trung là hoàng đế nhưng quyền lực không tập trung thì nạn cát cứ xảy ra là điều dễ hiểu. Và có thể 3 anh em chung sống hòa bình giai đoạn đầu nhưng đến đời con của 3 người lên nắm quyền thì ai dám đảm bảo rằng nội chiến vì quyền lực không thể xảy ra và đất nước tiếp tục bị chia cắt. Đây là tiên đoán cho trường hợp xấu nhất còn nếu Quang Trung mạnh tay tập trung quyền lực về một mối thì sử sách sẽ ghi nhận thêm một ông vua vì quyền lực bất chấp tình anh em và biết đâu từ ca ngợi sẽ thành lên án mất.
Về xây dựng bộ máy nhà nước: Quang Trung là một trong những vị vua khá tiến bộ trong nhận thức nhưng triều đại Tây Sơn được xây dựng từ phong trào nông dân rồi tiến hành những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và gần như không có thời gian đủ để xây dựng một bộ máy nhà nước hoàn chỉnh. Một phần quan lại trong triều là cựu quan lại nhà hậu Lê và những công thần theo nhà Tây Sơn từ lúc khởi phát. Tôi cho rằng đây là một cơn sóng ngầm về mặt tư tưởng vì nếu tất cả quần thần một lòng thì Quang Trung dù mất hay còn thì triều đại vẫn tiếp tục chứ không có chuyện tan đàn xẻ nghé.
Các mặt về nông nghiệp, thương nghiệp, tôn giáo và quân sự mà hoàng đế Quang Trung đã đề ra và tiến hành thì có thể sẽ đạt kết quả tốt trong điều kiện đất nước thống nhất và thái bình.
Nhưng về mặt ngoại giao thì tôi lại đặt ra một vấn đề khác. Như một số sử liệu đưa là Quang Trung cho Vũ Văn Nhậm đòi vùng Lưỡng Quảng và cầu hôn cách cách nhà Thanh. Tôi cho là sẽ khó mà thành công được hai nhiệm vụ nặng nề đó. Nhà Thanh từ cuối thời vua Càn Long về sau xuống dốc một cách trầm trọng và gần như là tiền đề để nhà Thanh suy vong sau này. Thì liệu cái vấn đề trả lại đất cho Việt Nam có không hay đây chỉ là một chiêu bài gây tiếng vang trong nước chưa kể dân Trung Hoa tính tự tôn của họ rất cao làm gì có chuyện nhường hay trả đất, họ không chiếm là mừng chứ trao lại một vùng rộng lớn thì hơi ảo tưởng rồi. Mộng nam tiến của Trung Hoa chưa bao giờ bị dập tắt. Còn chuyện cách cách (công chúa) hòa hiếu ở Việt Nam là sẽ không bao giờ thực hiện được. Trong tư tưởng Trung Hoa thì Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc về Nhung, Địch (những dân tộc man di, không cùng đẳng cấp) nên dù hòa hiếu thì chưa chắc chịu gả công chúa.
Có chăng đó là chính sách ngoại giao, phát triển thương nghiệp và tôn giáo của vua Quang Trung thì có thể bánh xe lịch sử hướng vào một đường khác. Có thể những chính sách tiên tiến sẽ khéo léo khiến nước ta “lách” được một cuộc xâm lược của thực dân phương Tây như Thái Lan chẳng hạn. Hơi mong manh nhưng vẫn có thể xảy ra đúng không?