Tản văn MÙA VẪN CHẠY TÍT TẮP…
Mùa quả chay lòng ta xốn xang!
Nhớ mùa quả chay. Có quả chay trong tay. Bẻ đôi quả chay, hai nửa quả hấp dẫn và đẹp vô cùng. Các thớ thịt vỏ chay hồng cùng vị ngọt hơi chua. Náo nức mùa quả chay. Những quả chay đã trở thành kỉ niệm nhỏ nhỏ.
Quả chay đi qua tuổi thơ thoáng chốc. Dần dần không thấy quả chay được bán nữa, mùa chay mất hẳn. Có lúc quên tên loại quả này. Gặp quả chay trên trang báo, chay là vị thuốc đông y.
Đối với tôi, giá trị của quả chay không chỉ nằm trong công dụng của mà còn ý nghĩa tinh thần. Quả chay cho tôi nhớ về tuổi thơ, về miếng trầu không của bà, về cội nguồn dân tộc.
Hồi bà ngoại tôi còn sống. Tôi vào chơi nhà bà. Tôi thấy bà thường phơi rễ vỏ chay dưới nắng để ăn cùng trầu. Những mảnh rễ vỏ chay tươi màu đỏ nâu ánh lên trong cách bà tôi cầm và phơi phóng chúng. Khi ăn trầu, bà tôi bỏ ít vỏ rễ chay cùng trầu, cau vào một cái cối trầu nhỏ và dằm nhừ ra, miếng trầu đỏ au lên. Bà tôi ăn miếng trầu. Răng bà tôi không còn được khỏe để có thể tự nhai trầu. Chiếc cối trầu quen thuộc của bà nhỏ hơn chiếc cốc vẫn uống trà, uống rượu, được đúc bằng đồng, chày giã có hai răng sắc, dài bằng nửa chiếc đũa ăn cơm.
Cây chay đã không gắn bó với nhiều làng quê nữa cũng như các loại cây thị, bồ quân, … Tuổi thơ được ôm ấp, vỗ về bởi quả chay chín ngọt, quả thị vàng, quả bồ quân sẫm đỏ. Chay chín vào tháng tám. Thị cũng chín rộ vào dịp hè chuyển sang thu. Tôi chọn quả thị to căng mọng, ngọt để thưởng thức. Những quả có hình thức đẹp, đặc biệt là quả nhỏ, xinh xinh sẽ được tôi nâng niu bằng cách đan túi lưới và bỏ quả thị vào. Ngày đấy, cứ đến dịp cắm trại thiếu nhi cũng là vào mùa nhãn, mùa ổi. Trong những cái thúng nhãn, thúng ổi được bày bán cho người xem tập nghi thức không thể thiếu được thúng thị. Món quà vàng rộm, thơm phức mà bất cứ đứa trẻ nào cũng bỏ ra mấy trăm bạc lẻ bố mẹ dành dụm cho để mua một vài quả thị. Mùa bồ quân, tôi có thể ăn no bụng thứ quả này. Nó chỉ nhỏ như trái sim, bồ quân phải thật chín ăn mới ngọt, nếu háu ăn ta sẽ phải nếm vị chát của nó.
Tôi gặp người bán chay vào ngày nắng hạ đã nhạt. Lâu lắm mới gặp lại mùa chay. Những quả chay bày trên mảnh bì gai bán bên đường, không nhiều lắm, tầm ba chục trái. Lúc chín quả chay mềm dễ bị dập nát. Cây chay cao. Cây càng lâu năm thì càng to. Muốn hái trái cây phải cần tới ba bốn người. Để có vỏ rễ chay ăn trầu, người ta sẽ đào sâu xuống gốc cây, lấy phần vỏ rễ, rửa sạch, đem ra chợ. Thị thì bây giờ người ta bán cân chứ không còn bán lẻ từng quả như xưa. Túi lưới thì hầu như chẳng đứa trẻ nào bây giờ đan nữa. Mùa bồ quân chín tôi không còn gặp lại. Tất cả thành kỉ niệm. Đôi khi được gợi lại từ cuộc sống hằng ngày. Nao nức lòng! Tôi chẳng bao giờ còn gặp lại bà tôi, miếng vỏ chay đỏ nâu cùng cối trầu giã nhỏ, nhưng dường như mọi thứ nguyên vẹn đâu đây.
Quả chay nghe tên thấy lành. Vỏ quả mỏng như lớp áo xanh rồi vàng dần. Phần lòng quả chín đậm màu hơn phía ngoài. Quả chay ban đầu cho vị ngọt, sau đấy cảm giác hơi chua, nhưng cái ngọt át đi chỉ còn lại vị chua ngọt trong miệng. Hạt quả chay tương tự như hạt cam nhưng to và cứng hơn. Thị thì không phải là loại trái cây mang lại giá trị kinh tế cao. Bồ quân, hồng quân cũng không là hàng đặc sản. Người ta tìm tới thị vì còn đó câu chuyện cổ tích. Trái bồ quân là bài đồng dao của tuổi thơ. Tháng tám, tháng chín, mùa bồ quân là phần thân thuộc trong tim con người.
Mùa vẫn chạy tít tắp… Ngoảnh lại phút giây nào ta gặp kỉ niệm mình ở đó. Kỉ niệm bao giờ cũng đẹp. Vì phút giây đó, ta cũng như trái chay hồng đào, quả thị mơ màng, hồng quân ngon ngọt, được cuộc sống ban tặng và ưu ái. Thế nên, mùa vẫn chạy tít tắp, …
Ảnh trên google