[Tản Mạn]Sự Thật hay Quan Niệm Lịch Sử: Anh Hùng Lê Văn Tám & GS Lê
Hồi học lớp Trung Học tôi được thầy Nghị,, dạy môn Sử rất hấp dẫn, lớp có tường đất bao quanh, mưa lụt, nước ngập chân bàn, nhưng giờ của thầy luôn im phắc. Thầy kể về chiến tranh thế giới thứ 1, thứ 2, Hồng quân tấn công Berlin, rồi về Điện Biên Phủ, nhiều chủ đề không có trong sách giáo khoa thuở đó nhưng chúng tôi nghe say sưa dù là chiều thứ 7.
Lũ trò chúng tôi rất ghét nhớ các số liệu khô cứng. Suốt thời cấp 3 phải nhớ trận Điện Biên Phủ giết bao nhiêu tên địch, chiến dịch Đông Khê xảy ra năm nào, ngày nào Liên Xô chiếm Berlin. Nhưng câu chuyện của thầy Nghị về lịch sử thì chúng tôi nhớ tới cả chục năm sau.
Vai trò của lịch sử – ba bảy đường
Vai trò của lịch sử là vô cùng quan trọng, bởi biết sự thật quá khứ, lấy bài học cho hiện tại và để tương lai không mắc phải. Và sinh ra những nhà sử học.
Tất nhiên nhà sử học phải viết sử, kể chuyện sử, nhưng kể cái gì, không kể cái gì, đâu là Fact (sự thật), đâu là Opinion (quan niệm), nhân loại sẽ còn bàn cãi. Lịch sử viết bởi kẻ chiến thắng bao giờ cũng che đậy những sự thật khác.
Năm 2009, trong một cuộc hội thảo của hội các sử gia Anh quốc khi bàn về vai trò của lịch sử thì có nhiều ý kiến khác biệt.
Ông Keith Ajegbo tin rằng lịch sử là quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và cá nhân. Việc dạy/học lịch sử là cần thiết để đảm bảo rằng mọi trẻ em đều quan trọng. Việc biết sử của mỗi người đồng nghĩa với việc hiểu vai trò công dân.
John Tosh lại nghĩ, sử dụng lịch sử cho mục đích gắn kết xã hội lại liên quan đến các chế độ độc tài và tự do quá mức. Sự thiếu hiểu biết của công chúng về lịch sử đã tạo ra một thâm hụt dân chủ. Các sử gia cần lấp đầy những khoảng trống trong kiến thức công cộng.
Alison Kitson lập luận rằng tất cả trẻ em, ngay cả những người không học lịch sử vượt quá 14 tuổi, thường thích các khía cạnh của chủ đề và có thể hiểu được sự liên quan của nó. Lịch sử giúp trẻ hiểu bản thân và thế giới của chúng, làm phong phú thêm kinh nghiệm học tập của chúng, và thậm chí sẽ trang bị tốt cho đội thi đố vui của trường.
Claire Foxtin nghĩ rằng biết sử không đảm bảo rằng mọi người sẽ hiểu hiện tại, hoặc rằng họ sẽ thay đổi hành vi của họ. Sinh viên điểm A trong môn Sử vẫn theo Hồi giáo cực đoan. Lịch sử thật sự không cần thiết cho ai không thích, không quan tâm.
Lịch sử dựa trên Fact nhưng cũng đa chiều về sử.
Câu chuyện anh hùng Lê Văn Tám
Giáo sư sử học Phan Huy Lê (vừa mất) từng gây nóng trên truyền thông về lịch sử anh hùng Lê Văn Tám có thật hay hư cấu. Bọn trò chúng tôi thuộc lòng câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng lao vào kho xăng của Pháp năm 1945.
Tháng 10-2009, Giáo sư Lê gây tranh cãi khi viết trên tạp chí Xưa và Nay (số 10), ông được Gs Trần Huy Liệu, VT Viện sử học và cũng là Bộ trưởng Tuyên truyền hồi thập niên 40 kể cho nghe nhân vật Lê Văn Tám là do ông Liệu ”dựng” lên để ”cổ vũ tinh thần chiến đấu” của người Việt.
Giáo sư Lê cũng trích lời ông Trần Huy Liệu nói với ông và hai người khác trong một cuộc gặp: ”Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.”
”Tôi kể lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học”, ông Lê viết.
Nhưng một cựu bác sỹ quân y và nay là nhà văn sống ở Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Thịnh đã có bài phản bác kịch liệt.
”Cái giải thích của anh Phan Huy Lê là một cái phủi tay. Năm năm, sáu năm trời rồi anh ấy không có một lời đính chính (cho phát biểu về chuyện nhân vật Lê Văn Tám không có thật) bây giờ bài của tôi đăng lên anh ấy mới có bài này”, ông Thịnh bức xúc với BBC VN.
Giáo sư Phan Huy Lê đã mất, người dựng nên lịch sử Lê Văn Tám là cụ Trần Huy Liệu cũng đã mất, cụ Lê Văn Tám cũng đã mất, nhưng qua câu chuyện tranh cãi trên đủ cho thấy, trả lại lịch sử thật là vô cùng quan trọng.
Gs Lê không đồng tình với quan điểm cho rằng ”ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” đã đi vào lòng dân rồi và các nhà sử học ”không cần xác minh nhân vật đó có thật hay không, làm ảnh hưởng tới ‘biểu tượng’, một ‘tượng đài’ yêu nước.”
”Theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực.”
Ông Lê nói cho dù Lê Văn Tám không phải là một tên thật nhưng ”phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hi sinh vì Tổ quốc có thật.”
”Đó là biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng. Trả lại nguồn gốc thật của biểu tượng này là để tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn Tám,” giáo sư Lê viết.
”Tôi nghĩ rằng tất cả các đường phố, trường học, công viên… mang tên Lê Văn Tám vẫn để nguyên, vẫn được tôn trọng như một biểu tượng với nội dung giải thích đúng sự thật.”
Viết bài này tôi nhớ đến thầy Nghị và những giờ sử hấp dẫn của ông cũng nhưng ánh hào quang của anh hùng Lê Văn Tám. Dù ông Tám là hư cấu chăng nữa thì vai trò lịch sử của ngọn đuốc sống vẫn có giá trị một thời vì đó là…lịch sử mất rồi.
Tuy nhiên, lịch sử đích thực phải trả lại đúng nguồn gốc thật Lê Văn Tám, phải là Fact chứ không thể là Opinion.
Thật đáng sợ khi lớp trẻ lớn dù 30-40 năm lại nhớ những Opinion về môn sử chứ không biết Fact của sử ở đâu.
RIP giáo sư Phan Huy Lê - Người Thầy Đáng Kính!
HM. 24-6-2018
giáo dục
,lịch sử
,văn hóa
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian