Tản mạn nghề Phi công - không "màu hồng" như nhiều người vẫn nghĩ
Câu chuyện sau đây đến từ bạn Ngô Thiên Ân - hiện là cơ phó thuộc hạm đội Vietnam Airlines. Trong bài viết này, Noron! Talk sẽ thay mặt Ân chia sẻ lại hành trình trở thành một phi công của hãng hàng không lớn nhất quốc gia này, cùng rất nhiều những điều thú vị, niềm vui, cũng như các gian nan, thử thách của nghề.
Cơ duyên đến với nghề
Trong buổi nói chuyện, Ân đã chia sẻ: sau khi tốt nghiệp phổ thông, bạn đã quyết định theo học ngành Quan hệ Quốc tế (International Relations) tại đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Tuy nhiên, một phần vì truyền thống gia đình sẵn có (ba của Ân từng là phi công quân sự), một phần vì tiềm năng phát triển của nghề phi công là rất cao, cùng một mức lương hấp dẫn, nên Ân đã quyết định chuyển ngành học.
Chính từ sau quyết định này, mà Ân cho biết bạn đã ngày càng cảm thấy một niềm đam mê mãnh liệt cho nghề lớn lên bên trong mình. Tính cho đến nay, bạn đã công tác tại Vietnam Airlines được hơn 2 năm, kể từ đầu 2017.
(Aviation Jobs)
Lộ trình nghề nghiệp
Khi được hỏi về quá trình huấn luyện và công tác, Ân đã chia sẻ về lộ trình phát triển của nghề phi công như sau:
- Huấn luyện các kĩ năng, thao tác lái máy bay cơ bản (2 năm).
- Huấn luyện chuyển loại phi cơ (1 năm): thường các học viên sẽ được dạy các kĩ năng lái phi cơ cánh quạt (động cơ pistol) cỡ nhỏ, sau đó sẽ chuyển qua lái phi cơ phản lực (động cơ jet) cỡ lớn hơn - cụ thể là dòng máy bay airbus.
- (Các đợt huấn luyện thường diễn ra tại các trường dạy bay tại Mỹ hoặc New Zealand - trong trường hợp của Ân, bạn đã được huấn luyện và tốt nghiệp tại Auckland, New Zealand).
- Sau khi kết thúc đợt huấn luyện, các học viên sẽ trở thành cơ phó và được bay kèm cùng 1 cơ trưởng trên các tuyến bay ngắn (thường là bay nội địa).
- Sau khi bay các tuyến nội địa được một thời gian, tùy vào tốc độ phát triển kĩ năng của mỗi cơ phó, họ sẽ được bay các tuyến dài hơn (các tuyến bay quốc tế).
- Sau khi công tác liên tục từ 3 - 5 năm: nếu sở hữu kĩ năng đủ tốt, các cơ phó sẽ được cất nhắc trở thành cơ trưởng.
- Sau khi công tác liên tục từ 8 - 10 năm: các cơ trưởng có thể cân nhắc việc trở thành các nhà huấn luyện bay (flight instructor) - dạy cho các học viên tại các trường bay.
Những khó khăn, thử thách trong nghề
Đây có lẽ cũng là điểm nhấn của buổi trò chuyện. Ân cho biết, sở dĩ nghề phi công được dán mác là "nghề hot" chẳng qua là vì sở hữu mức lương hấp dẫn. Và đa số mọi người thường chỉ quan tâm đến khía cạnh này khi chọn nghề, mà bỏ qua các khía cạnh liên quan khác, vốn cũng quan trọng không kém, ví dụ như:
- Các đợt kiểm tra kĩ năng chuyên môn diễn ra liên tục, đòi hỏi người làm nghề này phải không ngừng học hỏi, rèn luyện.
- Giờ giấc làm việc không bao giờ cố định, nên các phi công cần có kĩ năng quản lý thời gian biểu hiệu quả, để tránh việc công tác ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống.
- Việc giữ sức khỏe là vô cùng quan trọng, và đôi khi thực ra rất khó thực hiện. Vì bạn sẽ phải dành phần lớn thời gian trong buồng lái, cùng với việc dễ sa vào các hoạt động "thiếu lành mạnh" khác như tiệc tùng với đồng nghiệp...
- Môi trường làm việc rất "nhọc": thiếu oxy, áp suất không khí cao, thường xuyên bị jet lag (hiện tượng rối loạn thói quen sinh hoạt khi di chuyển trên nhiều vùng múi giờ khác nhau).
- Áp lực tinh thần cao: phải bảo đảm đúng giờ, an toàn tuyệt đối cho hành khách, cùng lúc đó cũng phải tính toán đường bay thật tốt nhằm tiết kiệm nhiên liệu máy bay.
(hình ảnh của Ân trong đợt huấn luyện tại Auckland)
Những điều thú vị trong quá trình công tác
Bên cạnh những thử thách, gian nan, Ân cũng cho biết nghề phi công cũng mang lại rất nhiều niềm vui và điều lý thú cho bạn. Cụ thể, việc làm phi công tạo điều kiện cho bạn gặp gỡ và tiếp xúc được với rất nhiều người, từ cả phía phi hành đoàn (phi công và tiếp viên) đến phía quản lý tại Vietnam Airlines, và rất nhiều các nhóm liên quan khác.
Bay liên tục cũng giúp Ân có dịp đi đến rất nhiều những chân trời mới, những địa bàn, khu vực mới. Ngoài ra, có thể nói rằng không nhiều người có được những trải nghiệm đặc biệt mà chỉ các phi công mới có được. Và quan trọng nhất là được làm công việc đúng với đam mê của mình.
Vậy những ai có thể trở thành phi công?
Theo Ân, điều kiện tiên quyết nhất cần có ở một phi công, chính là niềm đam mê mãnh liệt với công việc. Bởi nghề này vốn nhiều khó khăn, thử thách, nên nếu người làm nghề không có đủ đam mê thì các sơ suất trong công việc sẽ dễ xảy ra. Và thường thì trong lĩnh vực hàng không, những việc này bắt buộc phải tránh.
Điều kiện quan trọng tiếp theo là sức khỏe tốt, đi kèm với một trình độ tiếng Anh tốt nhất định. Ân cho biết:
"Hàng không là một lĩnh vực không thể nào 'quốc tế' hơn, nên việc sử dụng thành thục ít nhất là tiếng Anh là vô cùng quan trọng, cho dù bạn là phi công hay tiếp viên."
Ngoài ra, điều kiện kinh tế của gia đình cũng đóng vai trò tương đối quan trọng. Bởi phí huấn luyện là rất cao, thường lên đến tiền tỉ. Thế nên đây cũng là một khía cạnh mà những bạn nào có mong muốn trở thành phi công cần phải cân nhắc.
Kĩ năng chuyên môn cũng quan trọng, nhưng theo Ân thì, so với niềm đam mê và các đức tính như chịu khó chịu khổ, và đặc biệt là tính kiên nhẫn, thì không quan trọng bằng. Chính những tính cách này mới quyết định sự thành công của một phi công.
Tiềm năng phát triển của nghề phi công trong tương lai
Trong suốt quá trình huấn luyện và công tác, Ân cho biết đã thu nhận được không ít các insights về lĩnh vực nghề của bạn. Ân chia sẻ rằng nhìn chung, lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển không ngừng trong tương lai. Vì đi kèm với việc kinh tế phát triển, sẽ là sự tăng lên không ngừng về nhu cầu du lịch, và việc này cũng có nghĩa là số lượng phi công trong các hãng bay cũng sẽ không ngừng được chiêu mộ.
Ân cũng tiết lộ: mỗi khi GDP của một quốc gia tăng lên 5%, thì tốc độ phát triển của lĩnh vực hàng không của quốc gia đó sẽ tăng 10%.
(Cơ hội làm việc với đồng nghiệp từ nhiều quốc gia)
Đi làm để hiểu hơn về con người, về cuộc sống
Chính việc tiếp xúc với rất nhiều người, đi đến rất nhiều nơi và trải qua vô vàn gian nan thử thách, đã giúp Ân có được nhiều bài học sâu sắc về cuộc sống. Cụ thể, khi được hỏi về lý do tại sao tiếp tục làm phi công, khi mà nó là một công việc nhiều khó khăn như vậy, Ân đã trả lời:
"Không có việc nào là không khó, quan trọng là đam mê. Sau cùng thì niềm đam mê sẽ chiến thắng mọi khó khăn."
Bên cạnh đó, Ân cũng chia sẻ thêm một vài bài học rút ra cho nghề của mình: làm phi công thì phải điềm tĩnh trong mọi tình huống để có thể luôn đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời. Ngoài ra, các kĩ năng làm việc nhóm, làm việc chung với đồng nghiệp, còn gọi là Crew Resource Management (CRM) cũng rất quan trọng. Riêng về khía cạnh này, nghề phi công cũng không khác mấy so với các loại hình công việc văn phòng thông thường khác.
Như vậy, nghề Phi công không phải chỉ hoàn toàn "màu hồng", không chỉ đơn thuần là nghề kiếm bộn tiền - nó cũng chứa đầy những gian nan, thử thách. Bạn có quan tâm về lĩnh vực nghề này không? Hãy cùng chia sẻ trong bài viết này nào!