Tận dụng thời gian cá nhân để tự học trong mùa COVID

  1. Kỹ năng mềm

Ngày xưa cách đây độ trăm năm đến ngàn năm về trước, trong bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào cũng có những người thầy giỏi, từ nghề y, nghề mộc, võ sư cho tới đạo sư,... Một người muốn học cái gì thì phải đi tìm thầy bái sư mà học, mà cầu học cũng không phải chuyện dễ dàng. Có người phải dâng một số tiền lớn xem như lễ vật cầu học, có người thì bị thử thách quỳ trước cửa 3 ngày 3 đêm thì may mắn mới được ông thầy ra chỉ điểm vài câu, hoặc thương tình mà nhận. Lửa thử vàng, gian nan thử sự kiên nhẫn, đó là điều kiện căn bản để các vị thầy giỏi thử thách tâm trí học trò của mình xem căn cơ ngộ tánh tới đâu thì mới thâu nhận.

Xuyên không trở lại thế kỷ 21, ngày nay trên hành trình mưu cầu tri thức con người ta không phải vất vả bái sư như thời xưa khi mọi kiến thức đã được số hóa hết trên Internet, muốn tìm học bất cứ kiến thức nào cũng có. Bây giờ, bạn được học không chỉ với một ông thầy mà là rất nhiều ông thầy ở khắp nơi trên thế giới, không có rào cản nào về không gian và thời gian, chỉ trừ rào cản ngoại ngữ.

Và 1 lần nữa, không phải Thầy đâu, mà là Cô, Cô - Vy lại đến rồi, để tôi mách bạn mấy bí kíp tận dụng thời gian cá nhân để tự học mùa dịch COVID-19.

https://cdn.noron.vn/2021/05/04/722713661359055-1620096989_1024.png

Vấn đề khi mới tự học

Khi bước một cẳng chân vào chuyện tự học, có 2 vấn đề lớn bạn phải đối diện:

1. Có quá nhiều nguồn tài liệu trên mạng, không biết đâu mà lần, không biết đâu là nguồn uy tín để theo học?

2. Có quá nhiều kiến thức muốn học và có quá nhiều lĩnh vực muốn tìm hiểu nên không biết bắt đầu từ đâu, nên học cái gì trước?

Ở vấn đề 1, nếu bạn là người xuất chúng – tức có đủ trí tuệ và khả năng để thẩm định chất lượng nguồn tài liệu để tự học thì tất nhiên bạn sẽ không đặt ra câu hỏi này. Nếu bạn nằm ở nhóm còn lại, cảm thấy hoang mang rối nùi trong một biển tài liệu online thì giải pháp tốt nhất là nên tìm một mentor – người thuộc nhóm xuất chúng mà bạn quen biết, giỏi hoặc rất giỏi trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định mà bạn quan tâm, để nhờ họ tư vấn cho nên đọc cuốn sách nào, học khóa học gì hay tham khảo tài liệu ở đâu. Ít nhất họ sẽ giúp bạn thu hẹp một cái biển tài liệu vô chừng thành một cái hồ nhỏ xíu, để bạn tập bơi cho đã trước khi nhảy sang cái hồ khác to hơn.

https://cdn.noron.vn/2021/05/04/722713661359056-1620097029_1024.png

Trong giai đoạn research nguồn tài liệu, người dở hay mắc cái bệnh THAM tài liệu. Cứ thấy ebook, quyển sách, khóa học nào hay cũng tải hay mua bất chấp, trữ một nùi y như đi shopping săn đồ hạ giá. Một đặc điểm nhận diện nữa là chuyên share mấy post Facebook tổng hợp các link tự học, bla bla rồi để đó ngàn năm đóng mốc không bao giờ đụng đến, hoặc có vô ngó qua vài trang rồi đi ra quên luôn. Khẩu quyết giai đoạn này cần nhớ: Tài liệu không cần nhiều, chỉ cần CHẤT. Trữ cho nhiều mà không có chọn lọc thì trữ làm gì.

Ở vấn đề 2, bạn cần xác định mục tiêu mình tự học để làm gì? Đối với mình, việc tự học là đề lấp đầy những lỗ hổng kiến thức trong các lĩnh vực mình quan tâm và khắc phục những điểm yếu của bản thân để hoàn thiện mình hơn. Đừng học chỉ để cho vui, vì nếu cần vui thì hãy tìm đến việc giải trí.

Có 2 hướng mình gợi ý:

- Học những cái mình thích (hướng vào trong): những kiến thức & kỹ năng giúp bạn hoàn thiện bản thân và làm đầy tâm hồn của mình hơn. VD: học đàn, học hát, học nhảy, học vẽ, học thiền,…

- Học những cái mình cần (hướng ra ngoài): những kiến thức & kỹ năng bổ trợ cho công việc để giúp mình trở nên nổi bật hơn trong thị trường việc làm. VD: học thiết kế, học chụp ảnh/quay phim, học lập trình, học làm website, học cách ăn nói thuyết phục,… Khi đã xác định được cái hướng bạn muốn đi, đường đi tự khắc sẽ hiện dưới chân mình. Mỗi môn học sẽ tương ứng với một con đường. Lúc đó bạn chỉ cần đi đúng lộ trình từng trạm một, đi từ cơ bản tới trung cấp, rồi nâng cao, tích lũy đủ số giờ thực hành trên quãng đường đi thì sẽ đạt đến trình độ bậc thầy ở phía cuối con đường.

Quá trình tự học

Trên mỗi con đường tự học, để đi được tới đích thì có tám chục phương tiện để đi, từ đi bộ, đi xe đạp, xe máy cho tới xe hơi, xe lửa, máy bay,... Phương tiện này về mặt vô hình nó lại thuộc về năng lực của mỗi người, ví dụ có người chỉ cần đọc một lần là hiểu được ý chánh tác giả nói gì, nhưng cũng có người đọc 2, 3 lần vẫn chưa hiểu, mà phải đọc đi đọc lại 5, 6 lần rồi từ từ suy ngẫm mới hiểu. Lúc này, hơn thua nhau không phải ai giỏi ai dở, vì đường đời căn bản cũng đâu có tổ chức giải đua xe nào mà mấy chế phải lồng lộn lên thi chạy, để so bì với ai?

1. Tự học lúc nào và bao lâu thì đủ?

Một ngày có 24 giờ, 8 giờ bạn ngủ, 8 giờ đi làm, còn lại 8 giờ cá nhân, trừ hao chuyện ăn uống vệ sinh di chuyển thì trung bình còn 5 tiếng + 2 hoặc 1,5 ngày cuối tuần là thời gian cá nhân. Cuộc đời của bạn sau 3 năm, 5 năm, 10 năm nữa thay đổi như thế nào là nhờ cách bạn sử dụng khoảng thời gian cá nhân này sao cho hiệu quả, chứ không nằm ở 8 giờ đi ngủ hay 8 giờ ở chỗ làm.

https://cdn.noron.vn/2021/05/04/722713661359057-1620097046_1024.png

Nhiều người đi làm 8 tiếng về mệt ngu người nên có xu hướng dành 5 tiếng thời gian cá nhân này cho việc vui chơi giải trí, không thiết tha gì chuyện tự học, nên cuộc đời sau 5 hay 10 năm nữa vẫn y chang vậy, chỉ tích lũy thêm số năm kinh nghiệm làm việc (cho cùng một công việc) chứ không tích lũy được gì thêm cho hành trình phát triển linh hồn một cách toàn diện.

Thực tế không ai bắt bạn leo lên một chiếc xe đạp, đạp một buổi tối 5 tiếng, đạp liên tục 5 ngày liền mà bạn là người cầm lái, bạn có quyền đạp vừa sức vừa phải và đạp từ từ, vì đâu có ai phía sau hối bạn hay đâu có chó rượt mà chạy chi cho lẹ?

Bạn có toàn quyền dành 2 tiếng trong 5 tiếng thời gian cá nhân đó để dừng lại bên đường, ngồi chơi cái xích đu một lát như luyện phim bộ, lướt Facebook, coi Youtube giải trí để “sạc bình” rồi 3 tiếng sau đó đạp xe cũng chưa muộn.

Thời gian tự học mỗi ngày tối đa nên là 3 giờ, tối thiểu là 1,5 giờ (y như đi học phụ đạo ngoại khóa). Lúc đầu có thể đạp chậm 2 đêm 1 lần, mỗi lần 1,5 giờ, từ từ quen nhịp quen guồng rồi thì tăng tốc lên 2-3 giờ rồi đạp xe đều đều mỗi đêm.

2. Thái độ

Muốn đạp xe không mệt thì phải tận hưởng hành trình. Bạn phải tập trung toàn tâm toàn ý vào chuyện đạp xe trên đường, tận hưởng mùi gió, mùi đất, mùi của cây rừng hai bên đường, quỡn quỡn thì bật thêm bản nhạc không lời chuyên dành cho học tập và hướng về mục tiêu đạp đến đích. Chứ đang đạp xe ngon trớn mà noti Facebook, tin nhắn cứ nhảy loạn xạ thì có ngày đâm đầu xe vô trụ điện hoặc cứ đạp được vài phút thì dừng lại nhắn tin. Ủa rồi tính đạp tới tám chục năm sau hay gì? 

Làm ơn khi đã xác định tự học thì tắt noti máy tính, điện thoại và log out hết ra khỏi các mạng xã hội gây xao nhãng giùm.

Trân quý từng giờ một trong quỹ thời gian cá nhân của bạn mỗi ngày. Bạn có thể học và làm được nhiều thứ chỉ trong 1 giờ tập trung toàn lực, và rất nhiều thứ trong 3 giờ cá nhân mỗi đêm.

Có một thuật ngữ kinh tế gọi là “chi phí cơ hội” để chỉ những gì ta phải từ bỏ khi ra một quyết định. Ví dụ, nếu bạn quyết định dành 1 giờ để xem phim thì chi phí cơ hội của bạn có thể là 1 giờ học lập trình hoặc một 1 học tiếng Anh. Hoặc nếu sáng dậy bạn quyết định dành 1 tiếng để ngủ nướng tiếp thì chi phí cơ hội của bạn có thể là 1 giờ ngồi thiền hay 1 giờ đọc sách. Lúc đó, bạn như đứng trên bàn cân của sự lựa chọn: giữa A và B – bạn muốn lựa chọn cái nào tại thời điểm đó.

Tâm lý chung khi rơi vào tình huống bàn cân ở trên, đa số có xu hướng lựa chọn ngồi chơi xích đu cho đỡ mệt mà còn vui thay vì leo lên xe đạp mắc mệt lòi bản họng, đó là tư duy ngắn hạn và cảm xúc nhất thời khi lựa chọn thứ làm cho não bộ được vui ngay và luôn. Nhưng lúc này, hãy tỉnh táo vả chạc vô bản mặt để nhìn về cái đích phía cuối con đường: bạn muốn ngồi đó đu đưa tới sáng mai hay ráng đạp xe một chút để đến gần cái đích hơn?

Hãy suy nghĩ thứ nào đối với bạn sẽ đáng giá hơn, sẽ tạo nhiều giá trị và cơ hội cho cuộc sống của bạn hơn?

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Quãng thời gian được nghỉ dịch là quãng thời gian rất tốt để học ngoại ngữ , thề luôn ít tiếp xúc với mọi người nên học ngoại ngữ là phương án rất Ok

Trả lời

Quãng thời gian được nghỉ dịch là quãng thời gian rất tốt để học ngoại ngữ , thề luôn ít tiếp xúc với mọi người nên học ngoại ngữ là phương án rất Ok

Cảm ơn bài viết của chị ạ

Bí quyết tự học thành công là: Đam mê+Kiên nhẫn+Có mục đích thiết thực+Nguồn tư liệu tốt+hội nhóm đồng hành :)

Haha con người đúng là giống "nước đến chân mới nhảy" :v luôn để việc cần thiết nhất đến sau cùng:v