Tâm thế bao vây: Câu chuyện về hai danh tướng

  1. Lịch sử

Siege Mentality: A Tale of Two Wus

John F. Sullivan

Ngô Mạnh Đức dịch

Trung Quốc, năm 527 TCN, Trung Hàng Ngô, một vị trướng nước Tấn, được giao nhiệm vụ chinh phục một thành phố của nước Ngu. Khi Trung Hàng Ngô hành quân áp sát mục tiêu, một thường dân nước Ngu đã tiếp cận ông và đề nghị giúp quân Tấn bằng cách phản bội thành phố, hỗ trợ họ vượt qua các công sự mà không gặp phải cản trở. Trung Hàng Ngô không chỉ từ chối giao kèo vớingười đàn ông này mà còn bắt hắn trở lại thành phố, để các tướng lĩnh nước Ngu có thể hành quyết hắn như một kẻ phản bội. Bối rối trước hành động của chủ tướng, các cố vấn dưới trướng Trung Hàng Ngô liền can gián ông: “Chúng ta có thể chiếm thành phố này dễ dàng mà chẳng cần mất một mũi tên hòn đạn. Sao ngài lại khước từ cơ hội tốt như vậy chứ?” Tuy nhiên, tầm nhìn của Trung Hàng Ngô vượt xa một chiến thắng quân sự nhanh chóng và lừa bịp. Bởi nhiệm vụ của ông là thôn tính vĩnh viễn thành phố kia, nếu hành động đầu tiên của ông là trọng thưởng cho một kẻ phản bội vì sự phản trắc của hắn ta, thì điều này sẽ tạo nên một tiêu chuẩn mới về các hành vi có thể được dung thứ. Một ngày không xa, các công dân nước Ngu sẽ chẳng còn một chút e ngại nào khi phản bội nhà cầm quyền mới của họ. Trung Hàng Ngô cảnh báo: “Chúng ta không nên thỏa hiệp với việc làm bất lương chỉ vì mong muốn làm chủ thành phố. Nếu chấp nhận điều đó, cái chúng ta mất sẽ nhiều hơn cái chúng ta được.”

Trung Hàng Ngô và đội quân của ông tiến hành một cuộc vây ráp lâu dài. Sau ba tháng, các tướng lĩnh nước Ngu đề nghị đầu hàng. Thế nhưng, Trung Hàng Ngô một lần nữa từ chối thỉnh cầu của họ, và nói rằng: “Bộ dạng các ngươi vẫn chưa tới mức thiếu đói. Bây giờ, hãy mau quay về và sửa chữa tường thành đi.” Các thủ hạ của ông lại một lần nữa lên tiếng phản đối: “Ngài đã đánh bại thành phố ấy rồi nhưng lại không muốn lấy nó. Ngài đang vắt kiệt sức người và mài mòn vũ khí của quân ta. Làm thế này là hữu ích cho sự cai trị hay sao?” Lần này, Trung Hàng Ngô trả lời, “Điều này giúp cho việc cai trị của chúng ta. Nếu khi giành được thành phố, mà chúng ta lại dạy cho người dân cách bỏ cuộc thì tốt nhất là nên duy trì hiện trạng. Ta không có thêm lợi ích nào khi họ đầu hàng và cũng chẳng có gì tốt lành khi họ vứt đi ý chí chiến đấu.” Sau khi nguồn cung lương thực trong thành phố dần cạn kiệt và dân chúng ngày càng đói khát, Trung Hàng Ngô cuối cùng cũng hoàn thành sứ mệnh của mình. Các văn bản cổ tự cho chúng ta biết, “Ông ấy vượt qua quân Ngu và quay trở lại mà không giết một người nào.”

Đường lối của Trung Hàng Ngô, mặc dù đem tới thành công, nhưng vẫn bị một vị tướng nổi tiếng đương thời tên Tôn Vũ bác bỏ. Tôn Vũ, sau này được biết tới với danh xưng nổi tiếng hơn là Tôn Tử, đã truyền bá một quan niệm khác hoàn toàn về phương án lý tưởng trong chiến tranh. Tôn Tử tuyên bố: “Đã tham gia chiến trận là phải dối trá”, đồng nghĩa với việc, dựa dẩm vào sự phản trắc của một tên phản bội luôn là chiến thuật được chào đón mỗi khi ông cầm quân. Chiến tranh bao vây, do những khó khăn và nguy cơ tiềm ẩn kéo dài, cần phải tránh bằng mọi giá. “Tốc độ là thứ quan trọng nhất trong chiến tranh,” ông viết, “Một cuộc chiến lâu dài không mang lại lợi ích cho bất cứ quốc gia nào.” Lặp lại những thắc mắc của các thủ hạ dưới trướng Trung Hàng Ngô, Tôn Vũ đưa ra một lời phê bình trực diện: “Khi tham gia chiến trận, hãy tìm cho mình một chiến thắng nhanh chóng. Nếu trận chiến kéo dài, vũ khí của bạn sẽ hỏng hóc còn binh lính của bạn sẽ mất hết tinh thần. Nếu cứ cố vây hãm một thành trì quá kiên cố, bạn sẽ tự vắt kiệt sức lực của chính mình.”

… HẬU NHÂN BỊ ẤN TƯỢNG RẰNG NHỮNG Ý TƯỞNG CỦA TÔN TỬ LÀ THỨ DUY NHẤT HÌNH THÀNH NỀN TẢNG QUÂN SỰ TRUNG HOA…

Ngày nay, không có hội quân sự hay khóa học nghiên cứu chiến lược nào, tranh luận về các giá trị hoặc khuyết điểm trong quan điểm chiến tranh của cả hai vị tướng nêu trên. Thay vào đó, hậu nhân bị ấn tượng rằng những ý tưởng của Tôn Tử là thứ duy nhất hình thành nền tảng quân sự Trung Hoa. Tuy nhiên, sự đơn giản hóa trên đã che giấu một đánh giá phức tạp và nhiều sắc thái hơn về sự phát triển thực tế của tư duy chiến lược trong giai đoạn biến chuyển lịch sử cổ xưa này ở Trung Quốc. Nét tương phản về góc nhìn cạnh tranh trong thuật cầm quân, phản ánh một vấn đề tranh luận đang diễn ra, bàn về việc tiến hành một cuộc chiến, được gọi là vấn đề Văn/Vũ.

Bắt nguồn từ các chữ cái Hán tự, Văn (文) và Vũ (武), gốc rể cho cuộc tranh luận Văn/Vũ đến từ niềm tin rằng hai nhà đồng sáng lập nhà Chu, Văn Vương và Vũ Vương, đã kết hợp thành công quyền lực cứng và quyền lực mềm khi bắt đầu đặt nền móng cho triều đại lâu dài của họ (1045-256 TCN). Theo Sách Lễ: “Vua Văn dùng văn trị để đem lại trật tự, vua Vũ dùng võ pháp để xua tan tai họa cho dân chúng.” Hoài Nam Tử, một cuốn sách về quản trị ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 2 TCN, đã làm rõ thêm sự khác biệt giữa hai phương pháp cai trị này:

Văn Vương tin rằng bằng sự khiêm nhường và mềm mỏng, ông sẽ ngăn chặn được mọi quyền thế và bạo lực. Từ đó, giải thoát thiên hạ khỏi sự hung tàn, thanh tẩy bạo quyền và bóc lột, để tạo nên Con đường của bậc Đế vương… Khi sự nghiệp của Văn Vương bị bỏ dở, Vũ Vương tiếp tục nỗ lực của mình. Với các chiến lược của Khương Tử Nha, ông huy động một đội quân nhỏ, tự mình khoác chiến giáp để đòi lại sự công bằng và trừng phạt những kẻ bất nghĩa. Ông đánh bại quân địch tại Mục Dã rồi lên ngôi Thiên Tử.

Điểm cân bằng hoàn hảo giữa mức độ nhân văn và vũ lực trong sự cai trị đã được chứng minh là không thể tồn tại lâu dài. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 8 TCN, quyền lực của nhà Chu suy giảm mạnh mẽ. Giới tri thức, những người đã trải qua thời kỳ đầy hỗn loạn và chiến tranh, thì phải vật lộn để tìm con đường thiết lập lại trật tự và hòa hợp. Theo nghiên cứu kinh điển của Angus Graham về các nhà triết học Trung Quốc thời kỳ này, “Câu hỏi quan trọng nhất đối với tất cả bọn họ không phải là ‘Sự thật là gì?’ như các triết gia phương Tây. Mà là ‘Con đường ở đâu?’, cách để thiết lập trạng thái trật tự và thực hiện đời sống cá nhân.” Đối với các cây viết quân sự đương thời, điều này có nghĩa là họ ít quan tâm đến việc xem xét cơ sở lý thuyết về bản chất độc đáo của chiến tranh mà quan tâm nhiều hơn đến việc cung cấp một hướng dẫn quân sự cụ thể để khôi phục trật tự chính trị và xã hội trong thời đại của họ. Những nhà chiến lược hiện đại có thể nhìn thấu bản chất của chiến tranh qua các tác phẩm này nhưng chắc chắn là phải thông qua nhiều văn bản riêng lẻ, đi kèm hiểu biết sâu sắc về bối cảnh lịch sử mà chúng đang đề cập và thời điểm mà chúng ra đời.

Để đưa ra một ví dụ ngắn gọn về cách những cuộc tranh luận cổ xưa diễn ra, hãy xem xét một câu chuyện mang tính biểu tượng từ trận Thành Bộc, được thảo luận trong ít nhất bốn văn bản còn tồn tại từ thời Chiến Quốc cho tời đầu thời nhà Hán. Năm 632 TCN, đứng trước cuộc đụng độ với quân Sở, Tấn Văn công đã tìm lời khuyên từ hai cố vấn của mình về cách mà ông nên tiến hành trận chiến. Cố vấn đầu tiên, Hồ Yển, cho rằng Tấn Văn công nên dựa vào các chiến lược gian trá để đánh bại quân Sở. Tấn Văn công sau đó tiếp tục triệu kiến Loan Chi, người này trả lời: “Nếu ngài đốt rừng rồi đi săn, ngài sẽ có rất nhiều mục tiêu để nhắm bắn, nhưng rồi sau này sẽ chẳng còn con vật nào trong rừng. Nếu ngài đối xử gian trá với mọi người, ngài có thể có lợi thế trong một thời gian, nhưng điều tương tự sẽ không bao giờ có thể lặp lại.” Tấn Văn công dựa vào phương kế của Hồ Yển để đánh bại quân Sở nhưng lại tưởng thưởng cho Loan Chi nhiều hơn cả Hồ Yển. Khi các quan lại hỏi Tấn Văn công tại sao ông sỉ nhục Hồ Yển khi rõ ràng ông thích lời tham mưu của Hồ Yển hơn Loan Chi, ông đáp lại rằng: “Đây không phải như những gì các vị hiểu. Những gì Hồ Yển đề xuất đem lại kết quả nhất thời, thế nhưng những gì Loan Chi khuyên mới đem lại một mối lợi vĩnh viễn.”

Trong một văn bản của mình, Khổng Tử đồng ý với quyết định của Tấn Văn công: “Biết lừa dối khi đối mặt với khó khăn là một cách phù hợp để đẩy lùi kẻ thù. Nhưng trở về sau trận chiến và tôn vinh những người xứng đáng mới là một cách thích hợp để phục hồi đức hạnh.” Nhà triết học theo trường phái Pháp gia Hàn Phi thì lại chỉ trích Tấn Văn công vì đã trọng thưởng cho Loan Chi, cho rằng việc khuyến khích hành vi lừa gạt của Hồ Yển đem lại “một mối lợi lâu dài”. Người thầy cũ của Hàn Phi, Tuân Tử, không đồng tình với cả hai lập luận trên và nêu bật nhược điểm của sự gian dối trong chiến tranh. Ngoài bàn về tính đạo đức, Tuân Tử còn đẩy lùi giả định về việc những chiến thắng nhanh chóng dựa trên sự phản bội sẽ mang lại hiệu quả trong dài hạn. Tuân Tử cảnh báo, “Nắm bắt và tiếp quản kẻ khác là điều dễ dàng nhưng làm thế nào để để duy trì và củng cố sự kiểm soát đối với họ mới là điều khó.”

Ngày nay, chúng ta tiếp cận Binh pháp Tôn Tử như thể những cuộc tranh luận kể trên chưa bao giờ xảy ra, hoặc nếu có, thì trình độ bậc thầy của Tôn Tử đã ngăn chặn bất kỳ quan điểm xen kẽ nào. Điều này thường dẫn đến những phân tích đương thời đầy nghi vấn, trong đó người ta khẳng định rằng chỉ cần tuân theo lời dạy của Tôn Tử, thì những kết quả chiến lược tích cực sẽ đến như một điều tất yếu. Henry Kissinger là một trong những người nổi tiếng đã lan truyền niềm tin lệch lạc trên. Trong Bàn về Trung Quốc, ông viết, “Người ta có thể chỉ rõ rằng việc coi thường các quy tắc trong Binh pháp Tôn Tử là nguyên nhân quan trọng khiến người Mỹ nhận kết quả đáng thất vọng trong các cuộc chiến tranh ở châu Á.” Nếu điều đó đúng, người ta cũng nên cân nhắc xem Chiến tranh Triều Tiên có thể kết thúc như thế nào nếu tướng MacArthur ghi nhớ những lời khuyên của Tôn Tử về các mối quan hệ dân sự-quân sự:

Người nào có các tướng lĩnh tài năng và không bị can thiệp bởi quân chủ thì sẽ là người chiến thắng… Có những trường hợp tướng lĩnh không cần tuân theo mệnh lệnh của quân chủ… Nếu đứng trước một trận thắng nhưng quân chủ ra lệnh không giao chiến, vị tướng có thể tự quyết chiến.

Những vấn đề mà các nhà hiền triết Trung Hoa cổ đại kia tranh luận cũng là những vấn đề khiến chúng ta đau đầu. Chiến trah Irag năm 2003 bắt đầu với một kế hoạch gọi là “chấn động và kinh hãi”, được những người đề xướng cho là lấy cảm hứng từ Binh pháp Tôn Tử và được xây dựng để giành được một chiến thắng nhanh chóng và toàn diện bằng “những cấp độ [tác động chiến lược] như ở Hiroshima nhưng thông qua việc chọn lọc và tìm hiểu kĩ mục tiêu hơn.” Tuy nhiên, trong nhận thức muộn màng, người ta có thể lập luận rằng cuộc chiến đã không thực sự kết thúc cho đến mười bốn năm sau đó, với cuộc bao vây chậm chạp và tàn bạo ở Mosul. Khi Mỹ lần đầu tiên lật đổ Taliban ở Afghanistan, họ làm điều đó với tốc độ, sự bất ngờ, dấu chân quân sự nhỏ và thương vong tối thiểu. Điều đó chắc hẳn sẽ nhận được sự tán dương từ Tôn Tử. Thế nhưng, gần hai thập kỷ sau, với những hành động thù địch kéo dài, thương vong ngày một tăng, tài nguyên hao phí, sự thiết đặt của một chính phủ tồi tệ và một Taliban đang trỗi dậy, sẵn sàng giành lại quyền kiểm soát, có lẽ lời khuyên của Trung Hàng Ngô sẽ cung cấp một đối sách hữu ích để xem xét trong giai đoạn lập kế hoạch cho hai cuộc xung đột kể trên. Lời khuyên của Trung Hàng Ngô hướng đến việc cân nhắc kỹ lưỡng phản ứng quân sự với mục tiêu chiến lược dài hạn mong muốn — bao gồm cả việc chấp nhận rủi ro đối với lực lượng của chính mình — hoặc trân trọng hiện trạng, vẫn còn mang tính đúng đắn. Lợi ích của việc nghiên cứu những văn bản quân sự cổ xưa không nằm ở bất kỳ câu trả lời nào mà tác giả cung cấp, mà là ở những câu hỏi mà họ đặt ra.

Đã đến lúc phá bỏ sự bó buộc của Tôn Tử đối với việc nghiên cứu tư tưởng chiến lược cổ đại Trung Hoa và lý thuyết quân sự nói chung. Việc chỉ tập trung vào Binh pháp Tôn Tử khiến chúng ta quên mất những cuộc thảo luận quân sự lớn đầu tiên, diễn ra hàng thiên niên kỷ trước và vẫn còn đang tiếp diễn. Như hai học giả Trung Hoa đã nhắc nhở, “Các tài liệu cổ không nói chuyện với chúng ta, chúng chỉ đang tranh luận với nhau mà thôi.” Do đó, sẽ rất hữu ích nếu bạn nỗ lực nhiều hơn để hiểu các đường nét chính của những lập luận kể trên. Chỉ có thể đánh giá mức độ phù hợp đương đại của Tôn Tử trước tiên bằng cách so sánh và đối chiếu ông với các nhà tư tưởng quân sự khác cùng thời với ông, chứ không phải chạy đua để so sánh tác phẩm của ông với các tác phẩm quân sự của Phổ ở thế kỷ XIX.

Chúng ta nên cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình về các tác phẩm lịch sử và triết học khác ít nổi tiếng hơn trong thời của Tôn Tử và đặt dấu hỏi về việc liệu rằng Tôn Tử có thật sự là một vị thần sáng suốt của mọi tư duy chiến lược Trung Hoa. Steven Metz, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, đã từng nhận định rằng “đã đến lúc phải thức tỉnh để các nhà chiến lược có thể bày tỏ sự kính trọng của họ với Clausewitz và sau đó gác lại, để ông ấy yên nghỉ giữa các nhà sử học”. Có một kế hoạch tương tự với Tôn Tử sẽ là vội vã, bởi vì đã quá muộn cho một sự can thiệp. Khi suy ngẫm tỉnh táo về cuốn Binh pháp Tôn Tử, ta thấy được rằng nó không quá độc đáo như chúng ta vẫn tưởng, không quá tập trung vào chiến lược như từng được tuyên bố, và cũng không liên quan nhiều tới chiến tranh hiện đại như chúng ta kỳ vọng. Tuy nhiên, trong thế kỷ trước, chính những người tôn sùng học thuyết của Tôn Tử ở phương Tây đã xây dựng một hàng rào đáng gờm được thiết kế để ngăn chặn việc nghi ngờ vị trí ưu việt của Tôn Tử như là nguồn gốc của mọi tư duy chiến lược và quân sự. Đối với những người sẵn sàng lật đổ tòa dinh thự giả tạo này, thì hãy chuẩn bị để làm quen. Đó sẽ là một cuộc vây hãm lâu dài.

Từ khóa: 

lịch sử