Tâm lý học đám đông và lầm tưởng của sinh viên: Bạn có nhiều quyền lựa chọn và quyết định như bạn nghĩ?
Nhiều bạn sinh viên đưa ra quyết định và lựa chọn sai lầm nhưng lại nhận định đó hoàn toàn là lỗi ở mình như việc chọn sai ngành học, việc đánh mất mình trong mối quan hệ với người yêu, bạn bè, câu lạc bộ hội nhóm... Nghĩ sâu xa, có phải lỗi hoàn toàn ở bạn ấy hay bạn đã bị dẫn lối bởi 1 nguyên do khác? Vậy, bạn nghĩ mình là người có toàn quyền quyết định, lựa chọn trong thời đại tất cả những thông tin mình có bị dẫn dắt bởi truyền thông, bởi chủ ý của một đối tương nào hoặc bạn bị dẫn dắt bởi tâm, sinh, lý tự nhiên của con người ?
Sau khi tìm hiểu, mình nhận ra rằng tâm lý con người mình dễ bị đám đông ảnh hưởng khiến mình mất tỉnh táo, kiểm soát và dễ biến đổi theo điều hướng của tập thể. Nếu không nhận ra thì sẽ thật nguy hiểm.
Bài viết này sẽ giới thiệu 3 quan điểm lý thuyết trong tâm lý học đám đông và một số lầm tưởng sinh viên thường gặp để từ đó bạn có thể tìm hiểu lý do tại sao chúng ta lại dễ có những lầm tưởng, lựa chọn không mong muốn và cả những mối nguy khác để đề phòng. Khi đã biết nó bạn có thể tìm ra những giải pháp cho những vấn đề của riêng của mình.
1/ Lý thuyết tâm lý học đám đông của Gustave LeBon
Theo ông, tâm lý học đám đông là những đám đông luôn bị vô thức dẫn dắt, họ hành sử như người tiền sử, bị suy giảm năng lực tư duy, thay đổi hầu hết về tình cảm, chỉ cảm nhận chủ yếu qua hình ảnh. Họ dễ thay đổi và dễ dao động từ thái cực vô tri nhất đến cực đoan nhất. Vì vậy, đám đông này cần người dẫn đầu để dẫn dắt và cho họ một ý nghĩa.
Theo ông, đám đông có những tính chất cụ thể như:
+ Tính bốc đồng, dễ thay đổi, dễ bị kích thích
(Nguồn: pexels.com)
Đám đông dễ bị ảnh hưởng bởi tất cả mọi kích thích từ bên ngoài vào và thay đổi tùy theo mức độ dao động (từ thái cực này sang thái cực khác), như một quả bóng đàn hồi mà không có ý thức kiềm chế.
Tuy nhiên, người độc lập không như thế, bởi họ có khả năng chế ngự cảm xúc của mình do họ có thể ý thức được hậu quả mà không tuân phục.
Đối với sinh viên:
Bạn hay có lầm tưởng rằng dành nhiều thời gian để làm những công việc cơ bản như phục vụ bán hàng... theo số đông hay làm những việc và học những khóa học theo xu hướng là đúng là tốt.
Như vậy, bạn không kịp dừng lại xem mình có thực sự cần không và nó như thế nào mà đã vội chạy theo số đông, xu hướng. Mà xu hướng có khởi rồi cũng diệt, vậy những khoảng thời gian, công sức, tiền bạc bạn đã dành thì sẽ ra sao đây?
Vậy nên, chế ngự cảm xúc và ý muốn thôi thúc của mình một chút lại, ý thức hậu quả và suy nghĩ kĩ về những gì mình thật sự cần và tính chất của việc làm đó cho thật kĩ hãy ra quyết định bạn nhe.
+ Đám đông dễ bị tác động và nhẹ dạ
(Nguồn: project-academy.co.uk)
Đám đông có khả năng định hướng cực nhanh cảm xúc, biến ý định thành hành động một cách vô thức mà không quan tâm đến mục đích. Ngược lại, người độc lập có khả năng ý thức, tư duy nên có thể cưỡng lại hành động đó.
Đám đông dễ bóp méo các sự kiện thực tế thành các ảo giác tập thể. Vì họ tư duy bằng hình ảnh không theo mạch logic và không phân biệt được giữa sự thật và bóp méo nên thường xem những gì xuất hiện trong tâm trí là sự thật (những huyền thoại, sự kiện lịch sử,... là ví dụ).
So với đám đông, người độc lập có khả năng tư duy về sự mạch lạc của chuỗi các hình ảnh để nhận biết cái nào có bị bóp méo hay không.
Đối với sinh viên:
Lầm tưởng rằng những thông tin tv, báo giới uy tín hay lời của tập thể có những người bạn tin tưởng tường thuật lại một sự kiện là đúng?
Tuy nhiên như quan điểm tâm lý đám đông phía trên trình bày, thông tin đều có thể sai nếu không được ý thức, tự vấn và tư duy mạch lạc có trình tự. Mà bạn có chắc những sự việc đều đúng logic? Như vậy bạn nên tập cho mình thói quen đừng vội tin mà hãy tư duy xem câu chuyện mình được biết có mạch lạc, hợp lí hay không. Nếu có thể bạn hãy kiểm tra, đối chiếu với nhiều nguồn gốc khác nhau.
Đối với chính mình cũng vậy, bạn nên kiểm tra suy nghĩ của mình, tránh để một sự kiện mà mình ấn tượng làm bóp méo toàn thể một bức tranh. Ví dụ như việc bạn nhìn nhận về một ngày, đừng để cái chấm xấu xí làm hỏng cả ngày siêng năng giải quyết được nhiều vấn đề của bạn.
+ Tính thái quá và phiến diện
(Nguồn: pexels.com)
Đám đông thể hiện sự thái quá của mình CHỈ trong tình cảm, không phải LÝ TRÍ vì điều này bảo vệ họ tránh sự khỏi nghi ngờ và lưỡng lự. Đám đông chỉ bị kích động bởi những cảm nhận thái quá như họ sẽ bị lôi cuốn bởi hình thức diễn thuyết có cách diễn đạt mạnh mẽ, hùng hồn...
Tác giả cho rằng, chỉ cần cá nhân là một phần trong đám đông, cũng sẽ dẫn đến một sự suy giảm đáng kể về lí tính.
Đối với sinh viên:
Lầm tưởng ham thích tham gia những cuộc vui, xem những đoạn giải trí mà đa số thích xem mang tính thái quá hóa cảm xúc là tốt, vì chỉ là vui thôi mà?
Đúng khi chúng mang tính giải tỏa tâm lí. Tuy nhiên, vui thôi đừng vui quá vì khi thái quá hóa trong cảm xúc, lí trí của bạn sẽ thuyên giảm bớt. Vậy nên bạn có thể hạn chế xem các đối tượng mang tính khơi dậy cảm xúc thái quá (có thể là các buổi hội thảo mạnh mẽ, các phim ảnh tình cảm nồng cháy, buổi diễn thuyết gây hài...) để bảo vệ lí trí, năng lực tư duy của mình.
+ Tính không khoan dung, độc đoán và bảo thủ.
(Nguồn: pexels.com)
Đám đông có tình cảm hết sức rõ ràng (đơn giản và thái quá) hoặc đúng hoàn toàn hoặc sai hoàn toàn, không hề nghi ngờ. Họ dễ dàng chấp nhận và biến nó thành hành động. Chính tình cảm rõ ràng, không nghi ngờ là biểu hiện của tính không khoan dung, độc đoán và bảo thủ của đám đông.
Một người độc lập có thể chấp nhận sự phản biện tranh luận, nhưng đám đông sẽ không bao giờ cho phép điều đó.
Đối với sinh viên:
Lầm tưởng về những điều bạn xem là chắc chắn đúng, không thể sai và có một tình cảm rõ ràng và bảo thủ rằng nó là đúng
Đây là một đặc tính mà tâm lý đám đông, hay thành viên trong đám đông thường mắc phải như đã nêu trên, và như vậy không có nghĩa những điều bạn xem là đúng, chính xác. Vậy, khi bạn nhận diện mình đang có cảm xúc thái quá, thái độ bảo thủ không nghi ngờ điều gì thì hãy cẩn thận suy xét lại, biết đâu những điều đó hoàn toàn sai?
Ví dụ như việc chúng ta được bảo rằng uống sữa bò rất tốt cho sức khỏe, và sữa bò được làm từ những chú bò hạnh phúc, vui vẻ và tin dùng như thế. Nhưng điều đó liệu có đúng?
+Đạo đức của đám đông
(Nguồn: psmag.com)
Theo khái niệm đạo đức là sự kiềm chế thường xuyên đối với những tham vọng cá nhân, thì "đám đông là một tập thể hành động theo bản năng và không chín chắn để có thể tiếp nhận đạo lý" (LeBon, trang 43)
Người ta thường xuyên nhận thấy sự tha hóa đạo đức của một cá nhân trong một tập thể vì khi gia nhập vào đám đông, cá nhân sẽ không còn tính trách nhiệm về hành động mình gây ra, khi đó sẽ không còn sự trừng phạt, ăn năn. Khi đó, anh ta có thể mặc sức thỏa mãn bản năng của mình, và đó là dấu hiệu sự tha hóa đạo đức cá nhân.
Đối với sinh viên:
Lầm tưởng bạn bè mình chơi đâu quan trọng đâu, quan trọng là do mình thôi!
Nếu bạn tham gia vào một nhóm bạn chủ yếu buông thả bản thân không lo học tập, bạn sẽ rất dễ buông thả bản thân cho thõa mãn những đòi hỏi của bản năng mình. Lúc ấy, những phán xét, và trách nhiệm, những tự trừng phạt của bạn biến mất, không như khi bạn chỉ một mình. Cuối cùng, bạn dễ bị nhiễm thành một người chủ yếu ăn chơi dẫu từ đầu bạn rất siêng năng. Vậy, bạn nên tỉnh táo nhận ra, và chọn tập thể tích cực cho mình vì một tập thể ảnh hưởng đến mình rất nhiều đó.
2/ Lý thuyết tâm lý học đám đông của Sigmund Freud
Nếu LeBon chỉ chú trọng phân tích về những ảnh hưởng của một tập thể đối với cá nhân, thì Freud tập trung phân tích từ tâm lí cá nhân và mối liên hệ giữa cá nhân và tha nhân (người khác), tập thể. Xuất phát từ dục vọng cá nhân.
LeBon nhấn mạnh vào vô thức và có hai luận điểm quan trọng (tuy không mới) về ức chế trí tuệ và phóng đại cảm xúc của đám đông. Đám đông có những điểm tốt nhất định như nó có thể đạt những chủ nghĩa đạo đức thuộc tính sẵn sàng hi sinh cao cả, bởi tính không phụ thuộc vào dục vọng cá nhân nào của đám đông. Kế đến, nhiều đám đông đã là nguồn cảm hứng sáng tác thơ ca, văn vẽ cho nghệ sĩ. Dù vậy nhưng những khuyết điểm của đám đông vẫn còn nhiều. Vậy, có những giải pháp có thể có nào không?
+ Những quan điểm khác về tâm lí đám đông
(Nguồn: pexels.com)
MC Dougal có những quan điểm là giải pháp khả quan cho những khiếm khuyết đám đông đang mắc phải là cần hội đủ những điều kiện để trở thành đám đông có"tổ chức", các điều kiện ấy như sau:
. Điều kiện thứ nhất: Đám đông có một mức độ ổn định nhất định từ các thành viên (ví dụ: có một số thành viên nhất định hay người dẫn đầu nhất định)
. Điều kiện thứ hai: cá nhân trong tập thể có sự hiểu biết nhất định về bản chất, chức năng, họat động và đòi hỏi của đám đông để họ có tình cảm với đám đông đó.
. Điều kiện thứ ba: Đám đông có liên hệ với những đám đông tương tự, nhưng vẫn khác ở một số đặc điểm để tạo ra sự cạnh tranh.
. Điều kiện thứ tư: Đám đông có một số truyền thống, phong tục, định chế.
. Điều kiện thứ năm: Đám đông có sự phân công, phân nhóm và chia công việc cho từng người.
Cách khắc phục những khuyết điểm về đặc tính vô thức mà tập thể các bạn sinh viên đang tham gia có thể mắc phải: bạn có thể thiết lập những điều kiện nhất định trên để đám đông đi vào "tổ chức", thành một tập thể có "tổ chức"
+ Ám Thị và Libido
(Nguồn: pixabay.com)
Ám thị xảy ra khi cá nhân đánh đồng mình với những thành viên khác của đám đông, cá nhân sẽ loại bỏ sự kiềm chế và những tình cảm đặc thù của mình (vì sợ hãi, muốn bảo vệ mình). Biểu hiện là cá nhân sẽ bắt chước và bị lây nhiễm những đặc tính của đám đông.
Libido là năng lượng của dục vọng bao hàm tình yêu, ham muốn tình ái.
Tác giả có hai suy nghĩ củng cố giả thuyết của mình. Thứ nhất, bản chất của mối liên hệ tình ái là bản chất của linh hồn tập thể. Thứ hai, khi cá nhân chịu từ bỏ cá tính mạnh mẽ của mình để hòa vào đám đông là do anh ta muốn đồng thuận, chiều lòng họ chứ không phải có mâu thuẫn với họ.
Như vậy, hãy cẩn thận khi mình có cảm xúc về điều gì khi gia nhập một tập thể và không đổ lỗi, vì nó xuất phát từ mong muốn của mình cơ mà.
+ Những vấn đề và hướng tìm tòi mới
(Nguồn: pixabay.com)
Những ràng buộc tình cảm lưỡng phân tồn tại trong một đám đông. Nó có thể là sự ràng buộc với người dẫn đầu hoặc với các thành viên trong tập thể.
Phân tâm học khẳng định rằng sự gần gũi tình cảm đủ lâu trong một mối quan hệ đều để lại ác cảm, và chỉ có thể được giải tỏa bằng cách giữ khoảng cách với nhau. Ác cảm với người ta từng yêu mến gọi là thái độ nước đôi (ambivalent), là biểu hiện của tính ích kỉ, ngã ái, muốn khẳng định cái tôi của mình. Tính ích kỉ này chỉ bị hạn chế khi có tình yêu với đối tượng khác. Chỉ có tính yêu mới là nhân tố văn hóa để chuyển từ chủ nghĩa vị kỉ sang vị tha.
"Libido hướng vào việc đáp ứng các nhu cầu sống còn và lựa chọn những người có thể đáp ứng các nhu cầu đó làm đối tượng đầu tiên" (Freud, 1921, trang 39)
Tuy nhiên phương pháp chiếm đoạt đối tượng không phải hình thức liên kết tình cảm duy nhất, chúng ta còn phải lưu ý những cơ chế khác nữa.
Đối với bạn sinh viên:
Lầm tưởng gần gũi quá trong một mối quan hệ là tốt
Điều này dễ hình thành ác cảm cho nhau. Vì vậy trong mối quan hệ thân mật, bạn nên cho nhau một khoảng cách cần thiết sao cho thoải mái nhất, không nên quá gần gũi.
+Đồng nhất hóa
(Nguồn: pexels.com)
Đồng nhất hóa là biểu hiện đầu tiên của liên kết tình cảm đối với đối tượng. Nó dẫn đến việc sao chép cái tôi theo hình mẫu mình muốn trở thành (đôi khi với cả người mình ghét). (Ví dụ, một bé trai có khao khát dục tính với mẹ (đối tượng libido) và muốn đồng nhất hóa với cha (vừa muốn trở thành vừa muốn loại trừ để thay thế cha mình)) Đồng nhất hóa có thể xuất hiện khi có một cái chung với người không phải đối tượng dục tính.
Với trầm cảm, tác giả cho rằng nguyên nhân của trầm cảm là bị mất phương diện tình cảm, đối tượng tình cảm và có biểu hiện là tự hạ thấp bản thân, phê phán và oán trách mình. Biểu hiện này "nhằm vào đối tượng, là sự trả thù "cái tôi" của chính đối tượng" (Freud,1921, trang 32) Lúc này cái tôi như chia ra hai nửa, chống đối nhau kịch liệt. một nửa, gọi là cái "Tôi" Thực Tế, chứa đựng đối tượng đã bị mất. Một nửa đóng vai trò phê phán, phân xử, là cái "Tôi" lý tưởng.
+Yêu đương và thôi miên
Trong biểu hiện cực đoan, nếu đồng nhất hóa là làm thay đổi "Tôi" phần nào theo mẫu hình của đối tượng, thì tình yêu là hi sinh, hạ thấp cái "Tôi" để đánh giá cao đối tượng.
(Nguồn: pexels.com)
Tình yêu theo nghĩa Libido là say mê đối tượng trong một thời gian dài và vẫn giữ tình cảm ngay cả khi không còn tình cảm nồng cháy.
Hiện tượng lí tưởng hóa đối tượng, "đối tượng được thay thể cho cái "Tôi"- lý tưởng chưa thành tựu của chính mình"(Freud,1921, trang 49) Họ cho rằng đối tượng có những điểm thiện mỹ mà họ chưa vươn đến, dẫn đến cuối cùng đối tượng làm chủ tình yêu và hi sinh cái "Tôi" là hậu quả tất yếu. Khi đó, trí tuệ, lương tâm của cái tôi không còn chỗ trong những việc anh ta làm vì đối tượng, khi đó người ta mù quáng vì tình.
Ngăn chặn khao khát dục tính (libido) sẽ giữ được kết nối lâu dài giữa người với người.
Về thôi miên, trong trạng thái này chúng ta sẽ tuân theo bất cứ gì đối tượng đòi hỏi, bỏ mất cái "Tôi" lý tưởng, suy xét của mình, không được thỏa mãn dục tính ngược lại. Thôi miên giữ vị trí trung gian giữa đám đông và tình yêu.
"Đám đông là tập hợp của những cá nhân đã đặt một đối tượng vào “Tôi”-lí tưởng của chính mình và vì vậy mà tự đồng hóa với nhau trong cái “Tôi” của mình." (Freud, trang 53)
Đối với sinh viên:
Lẩm tưởng của bạn về lí tưởng hóa quá mức đối tượng mình yêu (có thể là người yêu, việc học, việc làm của bạn) dẫn đến hi sinh cái"Tôi"
Giải pháp cho bạn là ngăn chặn, hạn chế sự khao khát dục tính (libido) sẽ giữ được kết nối lâu dài giữa bạn và đối tượng bạn yêu quí.
Lầm tưởng của bạn về việc tham gia các khóa học làm giàu nhanh hay các việc làm đa cấp là có thể giàu nhanh
Giải pháp cho điều này là bạn nhận diện ra mình có đang bị thôi miên hay không, qua biểu hiện bạn quên đi lí trí mà rơi vào những gì đối tượng đòi hỏi bạn mà không được thỏa mãn dục tính (libido) ở chiều ngược lại.
3/ Lý thuyết chuẩn mực mới xuất hiện
(Nguồn: pixabay.com)
"Ralph Turner và Lewis Killian đưa ra ý tưởng rằng các tiêu chuẩn xuất hiện từ bên trong đám đông. Lý thuyết này cho rằng đám đông có ít sự thống nhất ngay từ đầu, nhưng sau một khoảng thời gian tiếp xúc, các thành viên chủ chốt đề xuất những hành động thích hợp để các thành viên còn lại tuân thủ, từ đó tạo thành nền tảng cho chuẩn mực chung của tập thể .
Các thành viên chủ chốt được xác định thông qua những tính cách hoặc phẩm chất đặc biệt. Việc thu hút sự được sự chú ý và việc thiếu những phản hồi tiêu cực từ đám đông như một sự đồng ý ngầm cho tính hợp pháp của tiêu chuẩn. Các tín đồ chiếm đa số đám đông, vì con người có xu hướng trở thành những cá thể giống nhau và bị ảnh hưởng nhiều bởi ý kiến của người khác. Điều này đã được thể hiện trong các nghiên cứu về sự tương hợp của Sherif và Asch. Các thành viên trong đám đông bị thuyết phục hơn bởi những Hiện tượng mang tính phổ quát, được Allport mô tả là xu hướng thuyết phục của một ý tưởng rằng nếu mọi người trong đám đông đều hành động như vậy, thì điều đó không thể sai được.
Lý thuyết chuẩn mực cũng đúng với các nhóm tích cực và tiêu cực, vì những đặc tính và phẩm chất riêng biệt của thành viên chủ chốt có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Một nhà lãnh đạo chống đối xã hội có thể kích động hành động bạo lực, nhưng một giọng nói có ảnh hưởng phi bạo lực với trong đám đông có thể dẫn đến một sự cuộc biểu tình ngồi (sit-in).
Một lời chỉ trích chính của lý thuyết này là việc hình thành và tuân thủ các định mức mới cho thấy mức độ tự nhận thức của các cá nhân thường bị mất trong đám đông (chứng minh bằng nghiên cứu Deindividuation)
Một lời chỉ trích khác là ý tưởng về các chuẩn mực mới xuất hiện không tính đến sự xuất hiện của các chuẩn mực xã hội hiện có. Ngoài ra, lý thuyết không giải thích được tại sao một số đề xuất hoặc cá nhân nhất định có thể tăng trạng thái quy phạm lên trong khi số còn lại thì không."- Nguồn Wikipedia về crowds pyschology
Đối với sinh viên:
Lầm tưởng rằng sự lựa chọn của đa số là đúng, cứ hành động theo mà không cần nghi ngờ.
Bạn nên cẩn thận trước những hành động của mình để tránh rơi vào chế độ tự động hóa hành động mà không suy nghĩ, hãy dành cho mình một thời gian suy nghĩ, hoặc nhiều hơn đối với vấn đề phức tạp.
Ví dụ, nhóm bạn thân bạn trong dịp đi chơi uống trà sữa thường sử dụng ly và ống hút nhựa của quán, nhiều người khác cũng làm vậy. Trong trường hợp này, mình làm khác đi mới xem là không hay, việc gì phải suy nghĩ làm khác mà nên làm như số đông nhỉ?
Lời kết
Như vậy, qua bài tóm tắt về các quan điểm lý thuyết tâm lý đám đông của LeBon, Freud, Turner & Williams, bạn có thể hiểu thêm về sự ảnh hưởng của đám đông lên cá nhân, tâm lý cái "Tôi" của cá thể, sự liên hệ của cá nhân với đám đông, và hiệu ứng tâm lý xuất hiện bên trong đám đông. Từ đây, bạn đọc có thể nhận thức, phân biệt những đặc tính và ảnh hưởng này ở mình, trong mối liên hệ với tập thể để có giải pháp phù hợp, không để mình bị dẫn dắt theo định hướng của đám đông.
Theo mình, mình học được bài học rằng nên trở nên luôn có ý thức xem mình có đang mắc bẫy. Tiếp theo, việc có năng lực tư duy (nghi ngờ, suy nghĩ, đối chiếu, phản biện), có niềm tin, sự thấu hiểu vào bản thân, quyết tâm mạnh mẽ là chì khóa để mình không bị rơi vào những cạm bẫy do tâm lý đám đông mà có thể dẫn đến những lựa chọn, những lầm tưởng không nên có.
Cảm ơn bạn đã đọc đến cuối, rất mong nhận được những phản hồi từ các bạn.
Nguồn bài viết:
LeBon, G (1895), Psychology of Crowds, France.
Freud, S (1921), The Crowd: A Study of the Popular Mind, German.
www.en.wikipedia.org/wiki/Crowd_psychology
lề xưa thói cũ
,tâm lý học
,tâm lý học đám đông
,lầm tưởng sinh viên
,thông não
,tâm lý học
Theo ý kiến của em, tâm lý đám đông/tâm lý bầy đàn đều có mặt lợi và mặt hại. Điều đó tùy thuộc vào tính chất tốt hay xấu của "bầy đàn" mình thôi! Nếu như môi trường tổ chức có tính thúc đẩy sự phát triển của mình thì từ một người yếu đuối bản thân có thể theo đà đó mà phát triển cho kịp partner của mình. ĐÓ chính là những mặt lợi mà tâm lý đám đông mang lại. Nếu mỗi người biết cách suy nghĩ chọn lọc, bão hòa nhưng không hòa tan lầ được.
Hữu Tuyết
Theo ý kiến của em, tâm lý đám đông/tâm lý bầy đàn đều có mặt lợi và mặt hại. Điều đó tùy thuộc vào tính chất tốt hay xấu của "bầy đàn" mình thôi! Nếu như môi trường tổ chức có tính thúc đẩy sự phát triển của mình thì từ một người yếu đuối bản thân có thể theo đà đó mà phát triển cho kịp partner của mình. ĐÓ chính là những mặt lợi mà tâm lý đám đông mang lại. Nếu mỗi người biết cách suy nghĩ chọn lọc, bão hòa nhưng không hòa tan lầ được.
Hồ Thu Hiền
Bài viết rất hay. Nhưng làm sao để nhận diện được tâm lí học đám đông để tránh. Tức là bản thân mình không bị dẫn dắt bởi nó?