[Tấm gương Lịch Sử] Tăng Sâm cốt nhục tình thâm
Tăng Sâm tên tựu Tử Dư, người ấp Vũ Thành nước Lỗ, cùng quê hương và cũng là học trò của Khổng Tử. Ông không những học vấn giỏi giang mà còn là người con hiếu thảo, vì vậy sau này được người đời ca tụng và liệt vào "Tứ phối", tức bốn bậc thánh nhân được phối hưởng tế tự chung với Khổng Tử, gồm có:
- Phục thánh Nhan Hồi, tự Tử Uyên còn gọi là Nhan Uyên.
- Tông thánh Tăng Sâm, tự Tử Dư còn gọi là Tăng Tử.
- Thuật thánh Khổng Cấp, tự Tử Tư.
- Á thánh Mạnh Kha, tự Mạnh Tử.
Gia cảnh của ông vốn nghèo nàn, phải vào rừng đốn củi từ sáng tinh mơ, mang xuống chợ bán mới kiếm đủ tiền nuôi dưỡng cha mẹ. Nhiều người thấy vậy liền khuyên Tăng Sâm làm việc bớt đi nhưng ông trả lời:
Cha mẹ đâu có sống mãi với mình, vì vậy nếu tôi có cực khổ mà cha mẹ được sung sướng thì cố bao nhiêu cũng chưa vừa.
Đến khi lập gia đình, người vợ vì luộc rau không chín khiến Tăng Sâm hết sức giận dữ, nói với mọi người:
Chỉ việc nhỏ như vậy mà không chuyên cần thì còn làm sao phụng dưỡng cha mẹ chồng cho tròn đạo nghĩa?
Nói xong, Tăng Sâm nhất quyết từ vợ và sống một mình để có thời gian lo lắng cho cha mẹ chu toàn. Một hôm, Tăng Sâm vào rừng đốn củi, bất ngờ ở nhà có khách quý đến chơi mà cha mẹ không có đồng nào mua sắm chiêu đãi. Thấy trời đã quá trưa mà Tăng Sâm vẫn chưa về, người mẹ vô cùng lo lắng. Trong lúc bối rối, bà cắn ngón tay mình cho đến chảy máu. Quả nhiên, khi ấy Tăng Sâm chợt cảm thấy ruột đau quặn thắt, vội thu xếp ra về. Thế mới biết "cốt nhục tình thâm" có thể cảm thông với nhau từ ngàn dặm.