[Tấm gương Lịch Sử] Đế Thuấn - Gương sáng thánh nhân

  1. Lịch sử

Ảnh: Wikipedia

Thời cổ đại, vua Thuấn là một hiếu tử được biết đến sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc, được người sau coi như là mẫu mực của thánh hiền. Tính cách trung hiếu hết lòng của vua Thuấn cuối cùng cũng khiến tất cả mọi người khâm phục và truyền tụng cho đến ngày nay.

Ông vốn xuất thân bình dân, sống bằng nghề đánh bắt cá và trồng trọt, gia đình lại gặp nhiều khó khăn bởi vì mất mẹ từ nhỏ, cha ông là Cổ Tâu bị mùa lòa, phải lấy vợ kế để có người nương tựa. Kế mẫu sinh được một đứa con trai đặt tên là Tượng. Vì lo sợ bị Thuấn tranh đoạt gia tài, bà đối xử với Thuấn hết sức khắc nghiệt, lại thường thủ thỉ lấy lời gièm pha Thuấn với chồng. Nhiều lần bà toa rập cùng Tượng đốt kho lúa rồi sai sửa giếng, lấy đá lớn lấp lại, quyết giết chết Thuấn cho bằng được. Nhưng Thuấn vẫn không vì thế mà coi nhẹ đạo hiếu, một lòng chăm lo từng miếng ăn, cái mặc cho kế mẫu, cũng không phiền trách gì tâm địa độc ác của đứa em cùng cha khác mẹ.

Ảnh: Wikipedia

Khi đã bước sang tuổi 30, tiếng tăm hiếu thảo của Thuấn được vua Nghiêu nghe biết. Người gả cả hai cô con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn để cùng Thuấn chăm lo việc gia đình. Tuy được làm phò mã, Thuấn vẫn không hề kiêu ngạo mà vẫn khuyến khích vợ mình phải biết kính hiếu với mẹ chồng, không vì thân phận cao sang mà xem thường đạo lý. Đức tính gìn giữ đạo hiếu của Thuấn cảm động đến cả trời đất, vì vậy mấy lần ông bị cha sai đến Lịch Sơn cày ruộng thì có chim chóc bay xuống giúp nhặt cỏ, khi đến đầm Lôi Trạch đánh bắt cá thì sóng lặng gió yên. Nhờ vậy, Thuấn được mọi người kính yêu và kéo đến giúp sức, chẳng bao lâu gia đình đã trở nên sung túc và thuận hòa vui vẻ. Cuối cùng Thuấn được vua Nghiêu nhường ngôi lại và trở thành vị đế vương cổ đại hết sức mẫu mực và lẫy lừng trong lịch sử Trung Quốc.

Từ khóa: 

100 tấm gương lịch sử

,

chữ hiếu

,

huyền sử

,

lịch sử trung quốc

,

lịch sử