Tâm - Tầm - Thế: Nguyên nhân Cần Vương thất bại?
Nguyên nhân thất bại của phong trào Cần Vương và ý nghĩa lịch sử
Định nghĩa nguyên nhân thật bại của một phong trào hay một cuộc kháng chiến trong lịch sử nói chung và trong sách sử Việt Nam nói riêng đều không quá khó nếu ta xét trên con mắt của người hiện đại. Nào là lãnh đạo yếu kém, vũ khí thô sơ, tinh thần đoàn kết, đường lối kháng chiến,… nhưng đó có phải là khách quan hay chính chúng ta đang tự huyền hoặc chính mình, biến lịch sử của một thời đại thành câu chuyện hôm qua mà bàn, lấy con mắt kẻ hậu sinh mà bàn chuyện của tiền nhân. Bao sách sử đều chép thế nên ta phải thế. Ngẫm mà suy từ chính mình thôi. Đúng hay sai cũng tùy theo cách nhìn nhận của con người.
Lấy đề tài luận bàn về thất bại của phong trào Cần Vương, tôi mạn phép phân tích một góc nhìn khác về nguyên nhân thất bại và ý nghĩa lịch sử của phong trào
Chiếu Cần Vương
Sau khi cuộc tấn công tại kinh thành Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết - một đại thần thuộc phe chủ chiến - đưa vua Hàm Nghi ra ngoài, phát hịch Cần Vương chống Pháp. Người Pháp dựng vua Đồng Khánh lên ngôi tại Huế. Ngoài Khởi nghĩa Cần Vương của vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn, các cuộc khởi nghĩa hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi gồm có:
+ Nghĩa hội Quảng Nam của Nguyễn Duy Hiệu
+ Khởi nghĩa Hương Khê (1885-1895) của Phan Đình Phùng, Cao Thắng ở Hương Khê, Hà Tĩnh.
+ Khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn ở Nghệ An
+ Khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887) của Đinh Công Tráng, Phạm Bành ở Nga Sơn, Thanh Hóa.
+ Khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định.
+ Khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1886-1892) của Tống Duy Tân ở Bá Thước và Quảng Xương, Thanh Hóa.
+ Khởi nghĩa Bãi Sậy (1885-1889) của Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên
+ Phong trào kháng chiến ở Thái Bình-Nam Định của Tạ Quang Hiện và Phạm Huy Quang,
+ Khởi nghĩa Hưng Hóa của Nguyễn Quang Bích ở Phú Thọ và Yên Bái.
+ Khởi nghĩa Sông Đà (1885-1892) của Đốc Ngữ (Nguyễn Đức Ngữ) ở Hòa Bình.
Đêm 30/10/1888, vua Hàm Nghi bị người Pháp bắt trong lúc mọi người đang ngủ say. Bắt được vua Hàm Nghi thực dân Pháp ra sức dụ dỗ thuyết phục, mua chuộc nhà vua trẻ cộng tác với chúng nhưng vua Hàm Nghi đã từ chối quyết liệt. Không mua chuộc được vua Hàm nghi thực dân Pháp quyết định đưa vua Hàm Nghi đi an trí tại Algeria, một thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi (châu Phi), các cuộc khởi nghĩa chống Pháp vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, phong trào Cần Vương suy yếu dần; từng cuộc khởi nghĩa lần lượt bị tiêu diệt. Từ cuối năm 1895 đầu 1896, khi tiếng súng cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng thất bại, phong trào Cần Vương coi như chấm dứt.
Bàn luận nguyên nhân thất bại của phong trào Cần Vương thực tế chỉ từ 3 chữ T: Tâm – Tầm – Thế
Phong trào thất bại từ chính cái tâm của người lãnh đạo. Ngay từ những thất bại đáng xấu hỗ của các cuộc kháng chiến theo phong trào kháng Pháp của quan quân triều đình với đỉnh điểm là hàng loạt hòa ước, hiệp ước ký với Pháp của triều đình nhà Nguyễn. Sự kiện “tứ nguyệt tam vương” càng khẳng định vai trò của tư tưởng quân chủ trên vũ đài chính trị càng lưu mờ và dẫn tắt trong bầu trời Đại Nam. Tư tưởng của lãnh đạo là cái TÂM phong kiến nặng nề, làm cho chính đường lối kháng chiến, con đường của phong trào theo một lối mòn phong kiến. Cái TÂM của nhà lãnh đạo không biết rằng vì Quân hay vì Dân, tư tưởng quân chủ có quá nặng nề, lại không lường trước vai trò của nhân dân nên đã đánh mất cái TÂM vì nhân dân của một phần lớn lãnh đạo.
TẦM – một phong cách của lãnh đạo chưa thực sự hiệu quả trong phong trào Cần Vương. Những biểu hiện thấy rõ điều đó chính từ những hình ảnh xấu hỗ và đáng thương của các cuộc kháng chiến. Các lãnh tụ Cần Vương chỉ có uy tín tại nơi họ xuất thân, tinh thần địa phương mạnh mẽ làm họ chống lại mọi sự thống nhất phong trào trên quy mô lớn hơn. Khi các lãnh tụ bị bắt hay chết thì quân của họ hoặc giải tán hay đầu hàng. Chính sách sa thải các quan chức Việt và cho các dân tộc thiểu số được quyền tự trị rộng rãi cũng làm cho các sắc dân này đứng về phía Pháp. Chính người Thượng đã bắt Hàm Nghi, các bộ lạc Thái, Mán, Mèo, Nùng, Thổ đều đã cắt đường liên lạc của quân Cần Vương với Trung Hoa làm cạn nguồn khí giới của họ. Quen thuộc rừng núi, họ cũng giúp quân Pháp chiến tranh phản du kích đầy hiệu quả. Bên cạnh đó, TẦM ảnh hưởng cùa vua Nguyễn ngày càng giảm do hàng loạt những hậu quả trước đó của triều đình.
Cuối cùng la THẾ. THẾ gắn liền với LỰC. Đại Nam đang mất dần vị thế trên vũ đại chính trị. Pháp đã đến Việt Nam và hoàn thành việc đặt chế độ đô hộ trên đất nước ta. Một cuộc kháng chiến từ năm 1858 đến 1883 đã hoàn thành nên Pháp ngày càng tạo thế vững chắc. THẾ còn là những bước chuẩn bị chưa chu đáo của bộ máy lãnh đạo phong trào Cần Vương. Đọc sách sử ta thấy rõ những bước chuẩn bị của phong trào Cần Vương xem như là một kế hoạch hoàn hào, tuy nhiên thời gian có phải buộc phải phát động Cần Vương hay không? Chính Tôn Thất Thuyết đã dự trù cho một phong trào trường kỳ hay chính những biến cố của kinh thành Huế thúc đẩy phong trào đi lên. Cái THẾ đã đặt sẵn phong trào chắc chắn đi đến đường thất bại.
Ý nghĩa lịch sử của phong trào Cần Vương đã để lại những bài học đáng ghi nhận cho hậu thế.
Cần vương mang nghĩa "giúp vua". Trong lịch sử Việt Nam, trước thời nhà Nguyễn từng có những lực lượng nhân danh giúp nhà vua phát sinh như thời Lê sơ, các cánh quân hưởng ứng lời kêu gọi của vua Lê Chiêu Tông chống lại quyền thần Mạc Đăng Dung. Tuy nhiên phong trào này không để lại nhiều dấu ấn và khi nhắc tới Cần Vương thường được hiểu là phong trào chống Pháp xâm lược. Phong trào thu hút được một số các quan lại trong triều đình và văn thân. Ngoài ra, phong trào còn thu hút đông đảo các tầng lớp sĩ phu yêu nước thời bấy giờ. Phong trào Cần vương thực chất đã trở thành một hệ thống các cuộc khởi nghĩa vũ trang trên khắp cả nước, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, kéo dài từ 1885 cho đến 1896. Đôi nét nhận định phong trào Cần Vương cho thấy phong trào xem như dấu chấm hết cho tư tưởng phong kiến, tư tưởng chiến tranh quân chủ. Chính phong trào Cần Vương là minh chứng hùng hồn cho việc thất bại đường lối quân chủ, vị thể vua triều Nguyễn đã kết thúc sứ mạng của mình trong lịch sử. Các phong trào sau đó của Duy Tân hay Thành Thái có thể xem là những ánh đèn nhỏ nhoi trên chính trường Đại Nam.
Phong trào Cần Vương ghi nhận tinh thần chống ngoại xâm luôn âm ỉ trong lòng người dân, thể hiện ý chi cho một triều đại tưởng chừng đã đầu hàng quân giặc. Trân trọng một phong trào ý nghĩa nhưng tiếc cho một thế hệ anh hùng không đúng thời – thế.
Linh CK
(Một chút suy tư về Cần Vương)
tranh biện sử việt
,phong trào cần vương
,tinh hoa việt nam
,lịch sử
Bài viết rất xuất sắc, cảm ơn bạn
Lan Huong Nguyen
Bài viết rất xuất sắc, cảm ơn bạn
Minh Hoàng Nguyễn
tâm, tầm và thế của bạn thực ra không hề khác gì với câu bạn đã nhắc " lãnh đạo yếu kém, vũ khí thô sơ, tinh thần đoàn kết, đường lối kháng chiến" mà bạn cho rằng đó là nhận xét có thể chưa khách quan, của kẻ hậu thế cả.
để tôi phân tích bài của bạn 1 chút:
đây là TÂM của bạn:
" Tư tưởng của lãnh đạo là cái TÂM phong kiến nặng nề, làm cho chính đường lối kháng chiến, con đường của phong trào theo một lối mòn phong kiến. Cái TÂM của nhà lãnh đạo không biết rằng vì Quân hay vì Dân, tư tưởng quân chủ có quá nặng nề, lại không lường trước vai trò của nhân dân nên đã đánh mất cái TÂM vì nhân dân của một phần lớn lãnh đạo." .... ĐÂY CHÍNH LÀ ĐƯỜNG LỐI LÃNH ĐẠO KHÁNG CHIẾN, nên vì cái gì? nên đi nhứ thế nào?
cái này cũng có thể xếp vào mục "Lãnh đạo" chưa tức thời (mình ko muốn nói là yếu kém, hủ nho hay không giỏi)
Còn đây là cái TẦM của bạn:
"Các lãnh tụ Cần Vương chỉ có uy tín tại nơi họ xuất thân, tinh thần địa phương mạnh mẽ làm họ chống lại mọi sự thống nhất phong trào trên quy mô lớn hơn. Khi các lãnh tụ bị bắt hay chết thì quân của họ hoặc giải tán hay đầu hàng. Chính sách sa thải các quan chức Việt và cho các dân tộc thiểu số được quyền tự trị rộng rãi cũng làm cho các sắc dân này đứng về phía Pháp. Chính người Thượng đã bắt Hàm Nghi, các bộ lạc Thái, Mán, Mèo, Nùng, Thổ đều đã cắt đường liên lạc của quân Cần Vương với Trung Hoa làm cạn nguồn khí giới của họ. Quen thuộc rừng núi, họ cũng giúp quân Pháp chiến tranh phản du kích đầy hiệu quả. Bên cạnh đó, TẦM ảnh hưởng cùa vua Nguyễn ngày càng giảm do hàng loạt những hậu quả trước đó của triều đình"
Cái này của bạn chính là việc nhận xét lãnh đạo chưa thực sự tốt (mặc dù sự phân tích chi tiết của bạn không ổn)
Còn đây là THẾ của bạn:
Trong thế có LỰC:
"Đại Nam đang mất dần vị thế trên vũ đại chính trị. Pháp đã đến Việt Nam và hoàn thành việc đặt chế độ đô hộ trên đất nước ta. Một cuộc kháng chiến từ năm 1858 đến 1883 đã hoàn thành nên Pháp ngày càng tạo thế vững chắc" ... ĐÂY chính là bạn đang nêu ra nguyên nhân theo kiểu Việt Nam mình dưới thời Nguyễn yếu kém về kinh tế, quân sự lạc hậu vvv quá thua kém với Pháp ... mà đại diện chính là "vũ khí thô sơ" đấy thôi có khác gì đâu?
Còn Thế:
"THẾ còn là những bước chuẩn bị chưa chu đáo của bộ máy lãnh đạo phong trào Cần Vương. Đọc sách sử ta thấy rõ những bước chuẩn bị của phong trào Cần Vương xem như là một kế hoạch hoàn hào, tuy nhiên thời gian có phải buộc phải phát động Cần Vương hay không? Chính Tôn Thất Thuyết đã dự trù cho một phong trào trường kỳ hay chính những biến cố của kinh thành Huế thúc đẩy phong trào đi lên. Cái THẾ đã đặt sẵn phong trào chắc chắn đi đến đường thất bại"
ĐÂY LẠI CHÍNH LÀ ĐƯỜNG LỐI LÃNH ĐẠO KHÁNG CHIẾN RỒI!
Thực tế bài này của bạn không phải là một ý kiến khác, góc nhìn khác so với những gì thường thấy trước đây là nguyên nhân thất bại của cần vương mà mọi người biết. Mà chỉ là bạn đang xào nấu lại những thứ đó và đặt một cái tên mới TÂM - TẦM - THẾ mà thôi