Tại sao Việt Nam vẫn chọn cách chôn lấp rác thải?
Hẳn là các bạn cũng đã biết đến nhiều hình thức xử lí rác thải khác nhau như đốt rác tạo điện, ủ phân làm phân compost hay những xử lí sinh học khác và có lẽ Việt Nam mình cũng đủ tiên tiến để biết đốt rác tạo năng lượng chứ nhỉ ?
Ôi, có lẽ trên con đường cân đo đong đếm các biện pháp, Việt Nam mình vẫn ưu tiên con đường chôn lấp đấy ạ. Phải chăng vì dân tộc mình xưa nay vẫn được dạy rằng Việt Nam ta có “rừng vàng, biển bạc”, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên có cơ man là cơ hội, là sản vật quý hiếm nên cứ xắt đất, xắt rừng ra mà ăn, ăn xong thì lại bới đất mà chôn rác.
Có lẽ vậy, mặc dù dân số hiện tại đang tăng chóng mặt, lượng rác tiêu thụ trong ngày lên đến cả nghìn tấn nhưng con cháu Việt vẫn cứ vô tư không suy tư về những câu chuyện môi trường.
Về vấn đề chôn lấp, điều quan trọng nhất là rẻ, rẻ, rẻ. Hiện tại, khi so sánh với biện pháp đốt ta thấy rằng rào cản trong việc phát triển các lò đốt rác tại TP HCM là suất đầu tư quá lớn, trong khi giá thành điện hòa vào mạng lưới khá thấp.
Ngoài ra, một vấn đề trong việc chuyển giao này chính là chính việc không phân loại rác tại nguồn. Việc trộn lẫn các chất thải hữu cơ và vô cơ làm cho độ ẩm của rác lên đến 60% và nếu xử lí không đúng sẽ còn tiêu hao nhiều hơn năng lượng điện, chất đốt và càng làm hại đến môi trường xung quanh hơn. Chính vì thế, cho dù có muốn như thế nào đi chăng nữa, có rao giảng về việc hạn chế nhựa, vể việc dùng ống hút tre, ống hút thủy tinh thì chính chúng ta nên quay lại và nhìn xem người khổng lồ mà mình đang đối diện là ai kia kìa.
Phải chăng đang là chính chúng ta, chính cách tiêu dùng tùy tiện của chúng ta đang giết chết tương lai của ngành công nghiệp xử lí rác thải?
-------
Để biết thêm thông tin về cách phân loại rác, mong bạn xem lại bài biết ở đây bạn nhé!