Tại sao vẫn luôn có người sinh sống ở những khu vực thiên tai?
Việc bật TV lên và nghe các tin thời sự về những vụ thiên tai xảy ra khắp thế giới không phải là quá khó. Thực chất, những tin tức như vậy có vẻ đang được phát sóng ngày càng thường xuyên hơn. Và tất nhiên, các thảm họa thiên nhiên là vô cùng đáng sợ, cướp đi biết bao sinh mạng người dân những nơi chúng đi qua.
Tuy nhiên, bạn có bao giờ tự hỏi: tại sao những khu vực có thiên tai xảy ra thường xuyên như vậy (chẳng hạn như lũ lụt hằng năm ở miền Trung nước ta) vẫn luôn có cư dân sinh sống? Lẽ nào họ không sợ những tai họa khủng khiếp do thiên tai giáng xuống sao?
Mời bạn đọc cùng điểm qua 5 nguyên nhân sau đây, để hiểu sâu hơn về vấn đề này.
(YouTube)
1/ Họ đã quá quen với vùng đất đó
Tuy thiên tai xảy ra thường xuyên như vậy, nhưng vì cư dân ở đây đã trở nên thích nghi và quá quen thuộc với những thứ như bạn bè, hàng xóm xung quanh, thực phẩm, các loại hình vui chơi giải trí đặc thù của vùng miền, khí hậu đặc thù của vùng miền...
Bởi tâm lý của con người là ưa thích sự quen thuộc, nên yếu tố này cũng có tác động đến quyết định đi hay ở của họ.
Một khía cạnh khác của sự quen thuộc và thích nghi này là: họ thích nghi cả với những công tác tránh bão, lũ, động đất, sóng thần...những công việc khẩn cấp và nguy hiểm như vậy đã trở thành một phần cuộc sống của họ.
2/ Lỗi ở truyền thông
Ngoài ra, truyền thông, tin tức và báo đài cũng đóng một vai trò trong việc tiêm vào người xem những nhận thức sai lầm, ít nhất là thiếu chính xác, về mức độ nghiêm trọng của các thiên tai. Nhiều người sinh sống hoặc công tác ngay tại những khu vực được cho là "nguy hiểm" cho biết, phần lớn thời gian, các thiên tai này không đáng sợ như khi chúng xuất hiện trên TV, báo đài.
Bởi thế nên, người không sinh sống tại những khu vực lân cận sẽ khó có thể hiểu được tại sao những cư dân tại các vùng thiên tai này quyết định tiếp tục định cư tại đây.
(Lồi truyền thông: các thiên tai không rùng rợn như khi chúng xuất hiện trên TV) _ YouTube
3/ Suy nghĩ tích cực đến mức mù quáng
Có một sự thật là, dù với những ảnh hưởng và sức tàn phá dữ dội, nhưng các sự kiện thiên tai lớn (sóng thần, động đất, các hoạt động núi lửa phun trào...) diễn ra với tần suất cực kỳ thấp, ít nhất là khi xét trên những mốc thời gian ngắn (chẳng hạn như trong vòng 1 năm đổ lại).
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng xác suất này rơi vào khoảng 2-3% tỉ lệ xảy ra của các vụ thiên tai trong 1 khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, tỉ lệ này tăng lên 100% khi xét trong khoảng thời gian dài hơn, ví dụ: trong vòng 50 năm.
Và bản chất của con người là ưa thích tư duy ngắn hạn, cùng với xu hướng suy nghĩ tích cực mù quáng (Optimism fallacy), nên họ thường không nghĩ rằng các thiên tai đó sẽ xảy ra với mình.
4/ "Hại bất cập lợi"
Bạn có thể cảm thấy điều này thật khó hiểu, nhưng chính những trận lũ quét, những đợt sóng thần, lại giúp mang về những nguồn lợi khổng lồ cho cư dân tại các khu vực thiên tai, từ việc bồi đắp phù sa cho đến việc mang một trữ lượng khổng lồ tôm cá đến với ngư dân các vùng này. Tất nhiên, việc này không đúng với mọi vùng miền, và mọi loại thiên tai, nhưng rõ ràng có một bộ phận cư dân thà hy sinh công sức chống chọi với thiên tai, để có thể nhận lại những "lợi ích" từ nó.
(Phys.org)
5/ Niềm tin nơi chính quyền địa phương
Tại rất nhiều khu vực thiên tai khắp thế giới, mỗi khi các thiên tai xảy ra và được khắc phục hậu quả một cách nhanh chóng và triệt để, người dân lại càng có thêm niềm tin nơi chính quyền địa phương, cũng như các tổ chức cứu nạn trên thế giới.
Đặc biệt là tại những khu vực thiên tai tuy xảy ra thường xuyên, nhưng mức độ sát thương lại không quá nghiêm trọng. Cư dân ở những khu vực này có khuynh hướng tin rằng những tai ách thiên nhiên tiếp theo nếu có xảy ra cũng sẽ được giải quyết ổn thỏa bởi chính quyền, thế nên họ không có động lực đủ mạnh để chuyển đến nơi khác sinh sống.
Vậy còn các bạn, các bạn nghĩ đâu là lý do khiến những cư dân các khu vực thiên tai bám trụ tại địa bàn của mình? Các bạn có đồng ý với những lý do trên không? Tại sao?
Nguồn: