Tại sao Thái Lan được gọi là “Xứ sở Chùa vàng” ?
kiến thức chung
Phật giáo là một tôn giáo khá phổ biến trên thế giới hiện nay.Ấn Độ và Trung quốc là hai trung tâm phật giáo lớn của thế giới nhưng cùng với đó Thái Lan cũng là một quốc gia có phật giáo phát triển mạnh. Sự phát triển mạnh của Phật giáo ở Thái Lan đã đem đến cho quốc gia này những công trình kiến trúc độc đáo có giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch cao đặc biệt là các ngôi chúa. Chính vì đặc điểm này mà Thái Lan được gọi với một cái tên rất đặc biệt “Xứ sở chùa vàng”.
I, Đạo Phật ở Thái Lan
Theo thống kê ở Thái Lan có khoảng 95% dân số theo đạo Phật ngoài ra còn có các tôn giáo khác như Hindu giáo, Hồi giáo...Ở Thái Lan Phật giáo đã trở thành quốc giáo.
Phật giáo được truyền vào Thai Lan vào khoảng năm 241 TCN tức là thời kì tập kết kinh điển lần thứ III theo sau cuộc Chánh pháp quy mô của nhà vua phật tử Asoka đến Tích Lan và Miến Điện. Phật giáo Thái Lan về sau còn chấp nhận thêm các nhà truyền bá đến từ Miến Ðiện vào năm 1044 và các pháp sư đến từ Tích Lan vào năm 1155.
Phật giáo Thái lan chỉ thực sự đặt lại nền móng, phát triển và ảnh hưởng sâu rộng vào xã hội Thái Lan từ triều đại Sukhothai (1237-1456). Các nhà vua cũng chú trọng đến việc phát triển đạo Phật như vua Lithay, vua Kue Na,...
Các vương triều Ayodrya đến triều đại Bangkok Phật giáo không ngừng được củng cố, hoàn thiện về mặt tổ chức cũng như giáo lí. Hầu hết các vị vua Thái Lan đều quan tâm đến việc phát triển phật giáo( củng cố tăng đoàn, xây dựng chùa, có cả những ông vua xuất gia,...), đến nay vẫn như vậy.
Thái Lan từ ngày lập quốc đến nay, trải qua hơn 700 năm, qua từng giai đoạn lịch sử, Phật Giáo được coi trọng. Ngay trong pháp luật Thái Lan, Phật Giáo cũng được xiển dương. Chẳng hạn như trong những Hiến Pháp 1946, Hiến Pháp 1949 và Hiến pháp hiện hành (11-10-1997) nhấn mạnh: "Quốc vương cần phải kính tin Phật Giáo, hơn nữa, còn là người ủng hộ Phật Giáo" (Điều VII - HP 1997) hay là "Nhà vua tín ngưỡng Phật Giáo và là người bảo vệ tôn giáo"(Điều IX - HP 1997). Chính phủ Thái Lan ngoài việc tôn trọng phất triển đạo phật hàng năm vẵn bỏ ra các khoản cần thiết để tu bổ , xây dựng chùa, các trường đại học đào tạo về đạo phật như trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya thành lập năm 1887 (มหาจุฬาลงกรณราชวิทยาลัย) , Đại học Phật Giáo Mahamakut (มหาวิทยาลัยมหามกุฏราชวิทยาลัย) thành lập năm 1893,...
II, Chùa Thái Lan
Chùa là sản phẩm của đạo Phật, bất kì nơi nào có đạo phật đều có chùa. Chùa ở mỗi một quốc gia lại có những nét đặc trưng riêng do ảnh hưởng văn hóa của từng quốc gia và Thái lan cũng không ngoại lệ. Là một quốc gia Phật giáo phát triển lâu đời kiến trúc chùa của Thái vô cùng đặc sắc và phong phú mang những đặc trưng phản ánh văn hóa người Thái.
Thái Lan có khoảng 2 vạn 7 ngàn ngôi chùa. Thái Lan có rất nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng: Chùa Wat Phra Kaew Chiang Rai và Bangkok, Chùa Wat Ratchanaddaram, Chùa Wat Bowonniwet,…
Chùa thái Lan phát triển thành những nét phong cách riêng khá độc đáo với những ngôi chùa nhiều mái, những đền đài có tháp cao vút đặc sắc , ngôi chùa được dát vàng, nghệ thuật chạm trổ tinh vi. Kiến trúc đền chùa Thái Lan có sự kết hợp hài hòa đươc hai trường phái hoàn toàn đối lập nhau, một bên có màu sắc sặc sỡ, một bên có sắc thái dịu dàng, trầm mặc, phong cách kiến trúc này đã phản ánh toàn diện vẻ đẹp tâm hồn của người Thái.
Bên trong khuân viên mỗi ngôi chùa Phật giáo là một vài khối nhà và các ngọn tháp. Ngôi nhà lớn nhất, một đại sảnh hình chữ nhật có mái gốc chỉ thẳng lên cao gọi là “bot”, đây là nơi để tụng kinh và hội họp các sư sãi; kế đến là “viharn”, nơi tiến hành các nghi lễ thờ phụng hàng ngày.
Nói đến kiến trúc chùa Thái Lan lại không thể bỏ qua nghệ thuât chạm khắc tinh xảo trên những cánh cửa, khung cửa sổ, mái hiên, trụ cột… và chắc chắn không thể thiếu những bức tượng đầy uyển chuyển với những tư thế khác nhau thể hiện sự tinh tế đến lạ kỳ.
Mặc dù cùng với sự phát triển cũng như thâm nhập của các nền văn hóa khác nhau, nhưng những lối kiến trúc bản địa, lối kiến trúc của văn hóa Thái Lan không hề thay đổi, có chăng là sự tu bổ thêm những chi tiết phức tạp khác trên nguyên bản kiến trúc cổ xưa mà thôi, ngay cả những ngôi chùa được xây mới vào nửa cuối thế kỷ 20 vẫn còn bảo tồn được nghệ thuật cổ điển độc đáo của mình, tạo nên một phong cách kiến trúc Phật giáo rất Thái.
III, Giá trị văn hóa
Phật giáo cùng các tổ chức của nó tồn tai lâu đời ở Thái Lan đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân Thái Lan: chào Wai, thái độ sống, ngày lễ,...
Chào Wai: một cử chỉ chắp tay như đang cầu nguyện, cùng với một nụ cười ấm áp. Trong những đền thờ linh thiêng, bạn cũng có thể dễ dàng thấy những dòng người Thái hơi gập mình với đôi tay chắp trước ngực đi thành hàng. Wai là một nét đặc trưng trong văn hóa ở Thái Lan. là một biểu hiện tôn trọng mà ta có thể thấy ở bất cứ đâu trên đất nước Thái Lan. Theo một góc độ nào đó chúng ta có thể nhận thấy rằng tục chào Wai này giống với việc chào của các vị sư tăng.
Thái độ sống: Giáo lí của đạo Phật luôn hướng con người đến cái thiện, suy nghĩ mọi việc tích cực, sự cảm thông, bao dung và tha thứ. Từ hàng trăm năm trước, chùa chiền là nơi có trách nhiệm mở lớp giáo dục cho học sinh tiểu học. Ngày nay, trường học cũng hay được xây dựng trong chùa hoặc bên cạnh chùa. Vì vậy mối liên hệ của người dân Thái với tôn giáo thường được kết nối ngay từ khi còn nhỏ. Chính sự ảnh hưởng về tôn giáo tín ngưỡng ngay từ nhỏ đối với mỗi người dân cũng là một nhân tố quan trọng tác động tới tư duy của họ khi trưởng thành. Cứ như vậy thái độ của người Thái tương đối thoáng và khoan dung. Ví dụ thái độ của người Thái đối với việc đồng tính luyến ái,...
Các sư thầy ở Thái thường xuyên đi khất thực vào buổi sáng các gia đình người Thái chuẩn bị thức ăn từ sớm để đưa cho các nhà sư khi họ đến. Đối với người Thái đây là một việc rất đỗi quen thuộc và họ cảm thấy vui vẻ khi thực hiện điều này....
IV, Giá trị du lịch
Các ngôi chùa ở Thái Lan là các địa điểm du lịch nổi tiếng ở đất nước này. Chúng ta có thể kể đến một số ngôi chùa như Wat Phra Kaew, Wat Arun , Wat Pho, Wat Mahathat,...
Ngoài đền chùa thì ẩm thực và lễ hội cũng là một trong những lựa chọn của các đoàn khách du lịch: Nuea daet diao kaphrao thot: Món này gồm thịt bò phơi khô rồi rán giòn, trộn với húng quế cũng được rán, và ăn kèm với một sốt chấm cay. Người Thái thường ăn món này khi uống rượu, Kai yang: Đây là món có nguồn gốc từ Lào, gồm gà ướp gia vị nướng than hoa, thường được ăn kèm nộm đu đủ và xôi, Som tam: Món nộm nổi tiếng của Thái này làm từ đu đủ trộn với chanh, ớt, muối, nước mắm và đường,…. lễ hội Songkran ngày Tết được tổ chức từ ngày 13-15/4 để đón năm mới, Loy Krathong (lễ hội hoa đăng) được coi là lễ hội truyền thống lãng mạn nhất thế giới với ánh sáng lung linh, huyền ảo của hàng vạn cây nến thơm và đèn trời…v..v
Tất cả yếu tố kết hợp cùng với điều kiện địa lí, phát triển kinh tế,… đã tạo ra những tiền đề khiến ngành du lịch ở Thái Lan phát triển mạnh mẽ.
V, Kết luận
Thái Lan là một quốc gia tôn thờ Phật giáo, lòng sùng kính tôn giáo là một khung cảnh đầy màu sắc và phổ biến. Những ngôi chùa sáng lấp lánh và những bức tượng phật vàng xuất hiện ở khắp mọi nơi từ những vùng nông thôn xa xôi cho tới những đô thị hiện đại. Những buổi giảng đạo của các nhà sư Thái Lan diễn ra hằng ngày trong sự tôn nghiêm và yên tĩnh, các lễ hội tôn giáo náo nhiệt ở miền đông bắc Thái Lan, những đền thờ trong hang động yên bình ở Kanchanaburi và Phetchaburi. Chính những yếu tố như vậy đã tạo cho Thái Lan phát triển ngành du lịch liên quan đến tôn giáo và tạo nên nét đặc trưng cho văn hóa Thái . Đến nay mỗi lần nhắc đến Thái Lan bạn bè quốc tế đều biết đến một xứ sở của các ngôi chùa và một nền phật giáo phát triển- XỨ SỞ CHÙA VÀNG
Nội dung liên quan
Thị Ngọc Hưng