Tại sao kiến là một loài sinh vật đáng để chúng ta học hỏi?
Tự cổ chí kim, con người đã luôn quan sát và lấy cảm hứng từ thiên nhiên để sáng tạo nên biết bao nhiêu thành tựu và phát minh lẫy lừng. Đáng buồn thay, khi xã hội càng phát triển hiện đại, thì con người lại càng trở nên xa lạ với thiên nhiên và với chính mình.
Đặt vấn đề
Xã hội con người chúng ta hiện nay đã phát triển đến một tầm mức quá phức tạp, khi mà con người thậm chí còn không thể lý giải nổi tại sao mô hình xã hội mà chúng ta đang sống trong lại được cấu tạo theo như cách nó được cấu tạo.
Khi so sánh chính mình với những loài động vật khác, con người chúng ta thường tự cho rằng giống loài của mình là thông minh nhất. Chúng ta hiểu được và đang từng bước kiểm soát thiên nhiên, nhưng cũng chính chúng ta là những kẻ đang ngày đêm góp phần tàn phá hành tinh này.
Nguồn: Amazing Things
Bài viết này sẽ tập trung vào việc khai thác những điểm khác biệt giữa mô hình xã hội của con người và mô hình xã hội của loài kiến - một trong những loài sinh vật được giới khoa học cho là có tổ chức nhất - để từ đó đưa ra những giải pháp giúp con người tái định hướng suy nghĩ và cách tiếp cận (approach) các vấn đề trong xã hội.
Những điểm khác biệt này là gì? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!
Khác biệt giữa mô hình xã hội con người và loài kiến
Sau đây là những điểm khác biệt, và cũng là những điều mà con người chúng ta có thể học hỏi từ mô hình xã hội của loài kiến, để trở thành một giống loài hoàn thiện hơn:
1/ Cấu trúc cơ bản của xã hội loài kiến
Trước khi tiến vào những chi tiết, chúng ta cần phải nắm được cấu trúc chính của mô hình xã hội loài kiến. Một tổ chức xã hội kiến thường sẽ bao gồm những "thành phần xã hội" sau:
- Kiến chúa: là kiến cái, có nhiệm vụ duy nhất là đẻ trứng và duy trì dân số kiến trong tổ. Vòng đời của kiến chúa có thể dài tới 30 năm.
Kiến chúa có buồng trứng phát triển. Nguồn: Terro
- Kiến thợ: toàn bộ đều là kiến cái nhưng không có khả năng sinh sản. Nhiệm vụ của kiến thợ là kiếm thức ăn để nuôi dưỡng cả tổ, chăm sóc kiến con chưa trưởng thành, và "chăn nuôi" các chiến lợi phẩm như rệp, sâu bướm hoặc các loại côn trùng kẻ địch (ví dụ: kiến của tổ khác, mối...), sau khi đã bị "đánh bại" và "bắt giữ", để biến chúng thành thức ăn.
Kiến thợ không có khả năng sinh sản. Nguồn: alexanderwild.com
- Kiến chiến binh: cũng là kiến cái và được "tiến hóa" từ kiến thợ. Chúng có phần càng và nọc acid phát triển giúp cho việc chiến đấu và bảo vệ tổ khỏi những loài côn trùng khác (ví dụ: mối) hoặc từ môi trường bên ngoài.
Kiến chiến binh có phần càng và nọc phát triển. Nguồn: Alex Wild Photography
- Kiến đực: là những con đực duy nhất trong tổ. Nhiệm vụ duy nhất của chúng là giao phối với kiến chúa. Kiến đực cũng thường có cánh. Sau khi giao phối, chúng sẽ chết và trở thành nguồn protein cho kiến chúa và kiến thợ để nuôi dưỡng kiến con.
Kiến đực thường có cánh. Nguồn: Alex Wild Photography
2/ Xã hội loài kiến là một xã hội phân quyền (decentralized)
Loài kiến sống trong một mô hình xã hội phân quyền điển hình: tuy trong tổ chỉ có duy nhất một kiến chúa, nhưng kiến chúa không nắm quyền kiểm soát tất cả những con kiến còn lại.
Thực chất, toàn bộ kiến trong tổ đều cùng một lúc vừa là "công dân", vừa là "lãnh đạo". Kiến trong tổ tự đưa ra các quyết định và thảo luận các phương hướng giải quyết vấn đề với nhau thông qua giao tiếp bằng râu của chúng. Thậm chí, khi cần kíp, kiến trong tổ còn có thể chuyển đổi vai trò cho nhau (ví dụ: kiến thợ thành kiến chiến binh) - khái niệm này được các nhà nghiên cứu về kiến gọi là quy trình phân bổ (distributed process).
Quy trình này giúp kiến giải quyết các vấn đề xung quanh tổ của chúng cực kỳ nhanh, bởi chúng không phải trông chờ và dựa vào sự lãnh đạo của các bộ máy chính quyền quan liêu, phức tạp, giống như con người.
Phân biệt kiến thợ, kiến đực, và kiến chúa. Nguồn: Pacific Invasive Ant Toolkit
3/ Kiến luôn có kế hoạch dài hạn
Vào thời điểm trời nóng ấm (mùa xuân-hạ), kiến thợ luôn tranh thủ tìm kiếm thức ăn để dành cho thời điểm mùa thu-đông. Việc này giúp duy trì sự sinh tồn của tổ kiến liên tục.
Theo một số nhà nghiên cứu, nguyên nhân của việc này là do kiến không gặp phải những vấn đề về việc ưu tiên những điều cần làm (prioritize) hoặc quản lý thời gian (time management) như con người chúng ta.
Con người chúng ta luôn bị giằng xé giữa việc thực hiện những nhiệm vụ cần phải làm trong tương lai và những ham muốn mà chúng ta muốn được thỏa mãn trong thời điểm hiện tại. Điều này khiến chúng ta có khuynh hướng lơ là các nhiệm vụ và trì hoãn chúng.
Bạn đọc có thể tìm hiểu kĩ hơn về việc quản lý thời gian tại đây.
Kiến thợ đang "xử lý" một con mồi ngon. Nguồn: PestWiki
4/ Kiến không làm việc liên tục
Điều này có thể gây bất ngờ cho một số bạn đọc, nhưng kiến - loài sinh vật luôn được liên hệ với đức tính cần cù, chăm chỉ - không thực sự làm việc quanh năm. Như đã đề cập ở mục số 3, kiến thường chỉ hoạt động mạnh mẽ vào mùa xuân-hạ và nghỉ ngơi vào mùa thu-đông. Chiến lược làm việc-ngủ đông luân phiên này cũng được áp dụng bởi rất nhiều loại động vật khác (ví dụ: gấu, chim...).
Con người chúng ta, đôi khi vì mưu cầu sinh tồn, đôi khi vì những tham vọng cá nhân quá lớn, mà lao vào làm việc không ngừng nghỉ. Việc này về lâu dài thường khiến chúng ta trở nên kiệt sức. Những chú kiến chăm chỉ mà còn cần đến sự cân bằng về công việc và cuộc sống (work-life balance) thì hà cớ gì chúng ta, sống trong một môi trường phức tạp như xã hội con người, lại phớt lờ việc đó!?
Kiến thợ chăm sóc các sâu kiến (kiến con). Nguồn: somewhereinblog.net
5/ Kiến có khả năng thích ứng cao
Trừ nam cực ra, không có bất cứ vùng đất nào mà không có kiến tồn tại. Kiến được cho là một trong những loài có khả năng thích nghi với môi trường cao nhất, vượt xa các loài côn trùng và động vật khác. Thay vì cố gắng kiểm soát và thay đổi thiên nhiên, kiến (và các loài sinh vật khác, trừ con người) tự trở nên thích nghi với môi trường sống của nó.
Trong khi đó, con người chúng ta, suốt một thời gian dài tiến hóa, đã không ngừng tác động, kiểm soát và thay đổi thiên nhiên. Việc này tuy có thể mang lại sự thoải mái cho chúng ta trong một thời gian ngắn, nhưng về lâu dài nhất định phản tác dụng. Những thảm họa biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt (extreme weather), động đất, sóng thần...đều là những bằng chứng rất rõ cho việc này.
Kiến chiến binh khác tổ tấn công nhau. Nguồn: Gizmodo
6/ Kiến là loài sinh vật có ý thức vệ sinh cao
Một trong các tập quán của kiến là luôn thu dọn xác chết của côn trùng vãng lai xung quanh tổ của chúng. Nguyên nhân là để phòng tránh sự lây lan của vi khuẩn và vi trùng trong tổ, nhằm bảo tồn số lượng kiến. Việc này nhắc nhở con người chúng ta rằng một giống loài bé nhỏ như kiến mà còn có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, vì mục đích sinh tồn, thì không có lý gì mà con người chúng ta - một giống loài luôn tự xưng là văn minh - lại thiếu ý thức giữ vệ sinh chung.
"Văn hóa chia sẻ" của kiến. Nguồn: NationSwell
7/ Kiến là loài sinh vật có ý thức mục tiêu cao
Bạn có bao giờ để ý rằng, mỗi khi bạn thử dùng ngón tay để chặn đường đi của một chú kiến, chú ta sẽ không ngần ngại đi vòng qua ngón tay của bạn, hoặc bò lên trên ngón tay của bạn và tiếp tục đi đến địa điểm mà chú ta muốn? Đây là một trong những dẫn chứng cho thấy kiến vừa có khả năng xác lập và bám sát với mục tiêu, vừa dũng cảm, kiên cường, ít bị chi phối bởi nỗi sợ hãi.
Có thể nói, đây là một trong những bài học đắt giá và sâu sắc nhất mà chúng ta có thể thu về được khi quan sát và nghiên cứu loài kiến. Trong cuộc sống, chúng ta có thể tập cách xác lập cho bản thân những mục tiêu thật cụ thể và cố gắng bám sát vào mục tiêu đó. Khi gặp khó khăn, hãy thay đổi phương pháp, không nên thay đổi mục tiêu.
Nguồn: horeb.antioca.it
8/ Kiến là loài sinh vật có ý thức tập thể cao
Nếu thường xuyên quan sát cách di chuyển của kiến, đặc biệt là khi chúng đang trên đường tìm kiếm và đem thức ăn về tổ, bạn sẽ thấy rằng hễ chú kiến nào phải khuân vác những vụn bánh, kẹo nặng nề nhất sẽ được tất cả những chú kiến còn lại nhường đường, hoặc cùng chia sẻ gánh nặng với chú kiến đó. Khả năng hợp tác này cũng là một đặc tính ở kiến khiến cho giới khoa học ngưỡng mộ.
Trong xã hội chúng ta, những mẩu chuyện về các "anh hùng xa lộ", những con người rất bình thường nhưng luôn ra tay giúp đỡ những người gặp nạn hoặc yếu thế là không thiếu, nhưng đâu đó chúng ta vẫn còn chứng kiến những câu chuyện nói về sự vô tâm của con người trước những đau khổ của đồng loại. Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi mà chúng ta càng lúc càng trở nên vị kỷ và đánh mất khả năng cảm thông, quan tâm và yêu thương những người xung quanh.
Khả năng làm việc tập thể đáng nể của loài kiến. Nguồn: Sciencing
Lời kết
Vậy, con người chúng ta rõ ràng có thể học hỏi nhiều điều từ mô hình xã hội của loài kiến. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi dân số thế giới ngày càng gia tăng, dẫn đến việc xã hội cũng ngày càng trở nên phức tạp. Có lẽ, một mô hình xã hội phân quyền, cùng ý thức làm việc có mục tiêu, có hiệu quả dài hạn...đều là những điều cần có cho một xã hội con người phát triển bền vững trong tương lai.
Nguồn:
ant
,loài kiến
,mô hình xã hội loài kiến
,ant model society
,ant-man and the wasp
,kiến thức chung
Đọc bài về Kiến bất giác m nghĩ tới series Ant Man
Mô hình decentralize là mô hình mà xã hội loài người chúng ta đang hướng tới; nhưng công nghệ như Blockchain đang cố gắng chỉ ra rằng mô hình đó có nhiều giá trị tối ưu và là mô hình của tương lai so với mô hình centralize hiện tại
Hường Hoàng
Đọc bài về Kiến bất giác m nghĩ tới series Ant Man
Mô hình decentralize là mô hình mà xã hội loài người chúng ta đang hướng tới; nhưng công nghệ như Blockchain đang cố gắng chỉ ra rằng mô hình đó có nhiều giá trị tối ưu và là mô hình của tương lai so với mô hình centralize hiện tại