Tác động của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số đến tiếng Việt hiện đại là gì?
kiến thức chung
Với tên gọi đã trở thành quen thuộc là ''tiếng phổ thông'', tiếng Việt ngày càng đảm nhiệm vững chắc tư cách là ngôn ngữ giao tiếp giữa các dân tộc cùng sống chung trong nước Việt Nam: các dân tộc thiểu số ở nước ta thực sự coi tiếng Việt là công cụ giao tiếp chung của mình. Hơn cả tiếng mẹ đẻ của mỗi dân tộc thiểu số, tiếng Việt thực sự trở thành thứ công cụ giao tiếp đặc biệt tiện lợi không chỉ cho những cá thể thuộc các tộc người khác nhau mà cho các cá thể thuộc cùng một dân tộc thiểu số. Hiện tượng song ngữ dân tộc - Việt đã được hình thành và ngày càng củng cố vững chắc. Một số người không muốn học thứ chữ dân tộc mới được xây dựng cũng chỉ vì không thấy lợi ích trước mắt trong việc giao tiếp.
1. Do những cuộc di dân liên tục diễn ra trong lịch sử, nhất là từ khoảng giữa thế kỷ XX, hiện tượng cư trú đan xen trở thành phổ biến. Chỉ xem xét vùng núi phía Bắc Việt Nam ngày nay, các nhà nghiên cứu đã thấy ngay là địa bàn cư trú đa dân tộc, với sự có mặt của 40/54 thành phần dân tộc khác nhau. Ðây là địa bàn đa dân tộc cư trú đan xen nhưng không đều giữa các tỉnh, huyện và thị: người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số ở 6 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La và Lai Châu; chiếm từ 50 đến 70% ở các tỉnh: Hoà Bình, Lào Cai và Tuyên Quang; nhưng chỉ chiếm từ 20 đến 50% ở Yên Bái và Thái Nguyên. Có tỉnh có hàng chục dân tộc cư trú nhưng có tỉnh chỉ có 8-9 dân tộc. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thế Huệ thì hiện nay trong số 109 huyện, thị của 10 tỉnh trong khu vực, đã có trên 59 huyện, thị có từ 10 dân tộc trở lên, chiếm 54% số huyện, thị ở miền núi phía Bắc. Những huyện có từ 15 dân tộc cư trú trở lên là Tuần Giáo (17), Bắc Quang (16), Yên Sơn (16), Hữu Lũng (16), Sìn Hồ (16), Ðiện Biên (16), Ðồng Hỷ (16), Phong Thổ (15), thành phố Thái Nguyên (15). Như vậy, mười năm sau so với kết quả của tổng điều tra dân số năm 1979, số huyện, thị có từ 10 dân tộc cư trú trở lên đã tăng thêm 30 đơn vị, vào năm 1989. Theo nghiên cứu của Khổng Diễn, thì vào năm 1979, "hầu như không có một nơi nào diện tích vài ba trăm km2 lại chỉ có một dân tộc cư trú". Có tỉnh giáp biên nhưng cũng có tỉnh nằm sâu trong nội địa. Có tỉnh người Kinh khá đông, có tỉnh người Kinh không còn là "đa số" mà trở thành thiểu số. Trong đời sống ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng Việt có được vị trí như trên do những điều kiện xã hội - chính trị và kinh tế của đất nước này trong nhiều thập kỷ vừa qua qui định. Trong bối cảnh lịch sử ấy, lẽ đương nhiên tiếng Việt cũng đã phải nhận sự tác động từ phía các ngôn ngữ thiểu số. Kết quả của sự tác động này là tiếng Việt hiện đại đã giàu thêm, phong phú thêm do đã tiếp thu một số yếu tố ngôn ngữ từ các ngôn ngữ thiểu số: những yếu tố thuộc những cấp độ ngôn ngữ khác nhau được du nhập và lắng kết lại trong tiếng Việt hiện đại, lúc đầu là ở khu vực song ngữ và đa ngữ trong tiếng Việt của người thiểu số và trong tiếng Việt của người Kinh ở vùng này), trong ngôn ngữ cá nhân giao tiếp hàng ngày, rồi sau đó đi vào tiếng Việt văn học hiện đại sử dụng trong sóng phát thanh, trong sách báo
2. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những tác động từ phía các ngôn ngữ các dân tộc thiểu số đến tiếng Việt ở những cấp độ ngôn ngữ khác nhau của tiếng Việt. Sự thể hiện rõ nét nhất được biểu lộ ở hệ thống ngữ âm tiếng Việt hiện đại và ở phép viết trên các văn bản hiện đại. Ðể diễn đạt tên người, tên một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng Việt hiện đại buộc phải chấp nhận bổ sung phụ âm đầu [p-]: Sa Pa, người Pa cô, người Pu péo, cũng như nhóm phụ âm vốn xa lạ tiếng Việt: br, gl, đr, kl, kr, hm. hr, pl, v.v... như người Bru, huyện Krông Pác, người Ra glai, chim đrao, chim poong kle, đàn krông pút v.v... Cũng như trong giao tiếp thông thường, người ta đã quen dần với phát âm mới này.
Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà văn nhà thơ ... là người dân tộc thiểu số, sáng tác bằng cả hai ngữ: dân tộc và Việt, như Vương Anh (dân tộc Mường); Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu , Nông Viết Toại, Vi Hồng, Triều Ân (dân tộc Tày)... là sự xuất hiện ngày càng nhiều bài viết, tác phẩm tác giả người Kinh viết về cuộc sống lao động và chiến đấu của đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng tăng lên, như: Bàng Thúc Long, Mạc Phi, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng. Cần lưu ý rằng nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt nam sử dụng "nó" nghĩa trung tinh như he, she tiếng Anh, il, lui, elle tiếng Pháp, OH tiếng Nga, v.v... Nói về người bề trên, tiếng Việt ở vùng dân tộc có thể dùng nó mà không có ý không coi trọng:
- Bác tôi nó đã đến chơi!
Các yếu tố ngôn ngữ cũng được dùng cấu tạo từ mới cho tiếng Việt; chim nộc thua, quả mác kham, quả mác mật ,v.v... Trong cách tạo từ ghép ta cũng thấy hiện tượng này; làng bản, buôn làng, chuyện buôn sóc bản mường, v.v...
Về các mặt cú pháp và tu từ, tác động của các ngôn ngữ dân tộc được thể hiện rõ trong phép cấu trúc câu của người Kinh ở vùng dân tộc thiểu số và trong các tác phẩm viết về các dân tộc thiểu số: tiếng Việt trong văn học rất gần với tiếng Việt giao tiếp hàng ngày, chịu ảnh hưởng sâu sắc của lối dùng hình tượng ví von, cách so sánh thể hiện cuộc sống nội tâm của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong giao tiếp và đối thoại ưa cách sử dụng ngôn ngữ hết sức sinh động và giản dị: vui như chuột rúc trong bụng, chạy nhanh như chân ngựa, cay cháy tai, v.v...
Một số từ cảm thán mà đồng bào các dân tộc ưa dùng cũng được đưa vào tiếng Việt hiện đại; dà! úi! a lố! dỏ! lớ! v.v...
Sự tiếp thu những yếu tố vay mượn là cần thiết nhưng cũng phải đề phòng sự lạm dụng quá mức. Nhiều tác giả và dịch giả lạm dụng quá nhiều khi xử lý ngôn ngữ. Trong tiểu thuyết viết về dân tộc thiểu số, viết về miền núi, nhiều khi tư duy của tác giả bắt độc giả phải hiện đại hóa mối tình của đôi trai gái nọ, không đúng với thực tế phong tục bản Mường. Những nét đặc thù của dân tộc đã bộc lộ qua phong thái và nhân cách của họ. Với tính chân thực và lòng nhiệt thành sẵn có theo kiểu cách riêng của từng dân tộc không thể lẫn với cái chung của người dân tộc khác.
3. Trong quá trình tiếp xúc giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, sự tác động từ các dân tộc thiểu số đến tiếng Việt đã góp phần làm thay đổi diện mạo ngữ âm và chữ viết, làm phong phú thêm vốn từ ngữ và cách sử dụng từ trong tiếng Việt hiện đại. Cùng với những sự tác động từ các ngoại ngữ phổ biến, sự tác động này làm cho tiếng Việt giàu thêm về mọi mặt, khiến cho nó sức đảm đương sứ mệnh là ngôn ngữ giao tiếp chung của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Nội dung liên quan
Diệu Linh