SƯƠNG MÙ là Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ? Tư duy phản biện và Rèn luyện kỹ năng chống “Fake News”.
Đi thẳng vào vấn đề nhé! Nội dung chính của bài viết sẽ là quan điểm và phần biện luận (phản biện) của tôi về thông tin được một số trang báo mạng Việt Nam trích nguồn đăng tải (trong đó có rất nhiều trang nổi tiếng, nhiều độc giả như Yan News), với tiêu đề:
Ảnh chụp màn hình tiêu đề bài viết trên Yan.vn (hiện tại bài viết đã bị xoá)
Bài viết với tiêu đề trên được trích
Ảnh chụp màn hình nguyên văn dòng trạng thái của bạn My trên Facebook cá nhân.
Với góc nhìn nghề nghiệp thì theo mình bài đăng trên là một bài “hưởng ứng” phong trào trồng cây xanh gì đó của tổ chức Hạnh Phúc Xanh và Sống Foundation (còn 2 tổ chức này làm vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận thì mình chưa bàn đến). Khách quan mà nói thì bạn My có mục đích là tốt, nhưng cách làm là không tốt. Ở đây bạn My dùng các dữ liệu của app AirVisual để lập luận HCM và Hà Nội là 2 thành phố Ô nhiễm không khí nặng nhất Việt Nam, và khẳng định sương mù mấy ngày gần đây ở SG là do Ô nhiễm không khí, chứ không phải sương mù bình thường (phản bác lại 2 bài báo của Zingnews và Vietnamnet), và cho rằng các báo đã “vô trách nhiệm" khi không đưa tin về tình trạng Ô nhiễm không khí (giống như quan điểm của bạn My).
Sau đây là phần trình bày của tôi:
- Đầu tiên tôi khẳng định luôn, hiện tượng mấy ngày qua ở Sài Gòn là do sương mù, cụ thể hơn là “sương mù ướt”. Nguyên nhân chính gây ra là hiện tượng này là độ ẩm trong không khí tăng cao, kết hợp với miền nam đang bị ảnh hưởng không khí lạnh từ phía bắc, và mưa do áp thấp (bão) ở biển Đông - ai không biết thì google hoặc bật thời sự lên xem. (và đương nhiên là có sự “góp sức” của khói bụi từ các phương tiện giao thông - cái này là chuyện hàng ngày rồi).
- Điểm chưa đúng từ thông tin của bạn My là bạn My cho rằng hiện tượng sương mù trên là do Ô nhiễm không khí. Cắt nghĩa ra tức là bạn ấy cho rằng đây là hiện tượng “sương mù khô". Tôi cho rằng đây là điểm chưa đúng, “sương mù khô" hay còn gọi là “sương mù quang hoá”, là hiện tượng không khí bị ô nhiễm cục bộ vì khói bụi hỗn hợp, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này là do áp suất khí quyển giảm đột ngột, sinh ra các lốc hút không khí và khói bụi từ các vùng xung quanh. Sương mù khô là hiện tượng sương mù gây nguy hiểm cho hệ hô hấp của con người, vì khi này nồng độ bụi trong không khí sẽ lên rất cao, và vì là bụi hỗn hợp nên cũng có rất nhiều loại (kích thước) khác nhau - những loại có kích thước nhỏ sẽ rất nguy hiểm.
- Cách để nhận biết 2 dạng sương mù trên khá đơn giản. Sau cơn mưa, nếu sương mù vẫn còn - đó là sương mù ướt (vì hết mưa thì độ ẩm và không khí lạnh vẫn còn). Còn khi sau cơn mưa, sương mù khô sẽ hết ngay. Như các bạn thấy thì mấy ngày qua, Sài Gòn ngày nào cũng mưa, nhưng sương mù thì có hết đâu.
- Tiếp theo tôi nói đến App AirVisual, đây đúng là một App hữu ích. Nó giúp chúng ta biết: chất lượng không khí theo chỉ số AQI (Mỹ), đưa ra cảnh báo và lời khuyên theo từng mốc, dự báo chất lượng không khí trong 1 tuần, bản đồ chất lượng không khí trên toàn thế giới, tra cứu nồng độ 1 số tác nhân nguy hiểm như: PM2.5, PM10, ozone, nitơ dioxide, sulfur dioxide và carbon monoxide. Và tuyệt nhiên, đó chỉ mang tính chất tham khảo, vì bản chất ta phải hiểu cách tính của nó
Ảnh chụp màn hình từ app AirVisual
Dữ liệu được ghi nhận chính là dữ liệu được chia sẻ từ thiết bị đo của người dùng đặt tại một vị trí nào đó - theo mô hình xã hội hoá (một thiết bị đo giá $269). AirVisual đo chỉ số ô nhiễm không khí real-time trên toàn Thế giới, nhưng dữ liệu đó chỉ được thu thập từ hơn 10.000 thiết bị đo. Như vậy về bản chất, tính chính xác của thông số cũng chỉ ở mức tham khảo, nghĩa là thông số càng đúng khi bạn càng ở gần thiết bị đo. Nếu muốn lấy chỉ số không khí và mức độ ô nhiễm, thì dữ liệu từ Trung tâm quan trắc môi trường TP.HCM đáng tin cậy hơn nhiều, vì họ có thiết bị đo tại từng địa điểm cụ thể (hình ví dụ bên dưới)
Những khu vực không khí bị ô nhiễm cao tại TP.HCM. Số liệu thống kê của trung tâm quan trắc môi trường TP.HCM (tính đến tháng 2-2017) - ảnh tuoitre.vn
- Hơn nữa, cách trích xuất dữ liệu so sánh của bạn My cũng rất chủ quan, không thể so sánh Bắc Kinh ở thời điểm “sạch" nhất, với SG ở thời điểm “bẩn" nhất để kết luận là Bắc Kinh sạch hơn SG được. Về chỉ số trung bình thì Bắc Kinh có chỉ số ô nhiễm luôn gấp khoảng 2-3 lần so với SG (theo dữ liệu của app AirVisual - nếu các bạn check rộng ra)
- Tiếp theo, khói bụi ở SG chủ yếu là bụi từ phương tiện giao thông, không phải bụi từ khí thải các nhà máy công nghiệp, vì theo chủ trương của thành phố, các khu công nghiệp bây giờ đã chuyển gần hết ra xa ngoại ô rồi. Nhà mình nằm trong khu dân cư của KCN Tân Bình đây, các nhà máy bây giờ hầu hết được chuyển thành nhà kho (của Lazada, Tiki,...) hoặc kho bãi hết rồi. Và bụi khói xe chủ yếu (trên 70%) là PM 10, một số ít là PM 2,5 (nghĩa là kích thước trên 10 và trên 2,5 micromet), loại bụi này hầu hết có thể lọc được bằng khẩu trang hoặc hệ thống mũi của chúng ta (lông mũi, chất nhầy từ mũi). Bạn My nói sương mù ở SG chứa cả bụi PM 1.0 là chưa đúng. Tuy nhiên cảnh báo về nguy hại sức khoẻ nếu hít nhiều là đúng, dù là sương mù ướt hay khô, thì cũng đều nên tránh tiếp xúc là tốt nhất.
Chốt lại, tôi muốn nói 3 ý chính:
- Các bạn cứ yên tâm, sương mù mấy ngày gần đây ở Sài Gòn không nguy hại như trong bài viết của bạn My. Ai thích thì cứ thoải mái tận hưởng hiện tượng khá thú vị này. Đừng quá lo sợ. (Và tương nhiên là chỉ nên tận hưởng vào ban sáng hoặc tối khuya - khi đường xá ít phương tiện giao thông thôi, không nên ra giữa trưa để hít kèm thêm bụi khói xe nhé.)
- Các thông số từ app AirVisual chỉ mang tính chất tham khảo, vì cách thu thập dữ liệu rất sơ sài, mang tính “cục bộ”, chứ chưa mang tính “toàn bộ".
- Tôi thấy bài đăng này để cập đến vấn đề khoa học, nhưng lại lấy dữ liệu và lập luận khá chủ quan, đánh vào cảm xúc của người đọc nhiều quá - dễ hiểu lý do vì sao nó được ủng hộ mạnh như vậy (like, share nhiều kinh khủng). Nên tôi muốn lưu ý với các bạn rằng Fake news bây giờ đầy rẫy trên mạng, với nhiều mục đích khác nhau (mà chủ yếu là những mục đích chẳng mấy tốt đẹp gì). Nên là khi tiếp nhận thông tin, chúng ta cũng phải nên chọn lọc thông tin đầu vào, và không hẳn cứ các trang báo lớn đều “auto" đăng tin chính xác đâu. Vì thế kỹ năng Tư duy phản biện là đặc biệt quan trọng trong thời kỳ tràn lan fake news như thế này.
Tien NgnThMy
Phước Anh
Trang Thục Văn
Ahihihi, cuối cùng cũng có bài phản biện chuyện này :))))
Em cũng tin đây là fake news nhưng em chưa tìm đủ cơ sở và chứng cứ đủ thuyết phục để phản biện ạ. Cảm ơn chủ thớt vô vàn :)))
Tien NgnThMy
Nguyễn Quang Vinh
Chẳng bao giờ tin bất cứ thứ gì trên fb. Ko biết ko có tội, nhưng ko biết mà nói bậy, share bậy là cái tội nặng nhất.
Còn việc các trang tin. Như vừa rồi tin sóng thần ở Indo, VTV1 còn đưa là sóng thần tràn vào bờ biển 20m. Bởi vậy, báo chí chính thống cũng chưa chắc chắn. Tốt nhất, đọc, suy nghĩ, nhận định, tham khảo các nguồn khác, nhận định lại. Luôn nhớ rằng: Ng ta nói đúng đấy chứ, ko có nghĩa là đúng, nếu ko thì pháp luật ko có quy định tội lừa đảo rồi.
Rất hoan nghênh bài biết của bạn. Hy vọng nó có thể mở mắt cho càng nhiều ng càng tốt. Để giảm bớt thiệt hại của fake news ở thời nhiễu nhương thông tin này.
ha ha