Sub-framing
Trong bố cục có một kỹ thuật gọi là framing (hay sub-framing). Khi sử dụng kỹ thuật này, người chụp tạo ra một khung hình phụ cho chủ thể của bức ảnh bằng các vật thể khác trong khung hình thật.
Two friends of mine at our grad school
Chẳng hạn, ở hình trên, đối tượng chính là bóng của hai người được đặt vào giữa khung cửa (frame). Bố cục cùng với ánh sáng này làm cho hình ảnh có chút kỳ ảo 🙂
Có vài lý do quan trọng để sử dụng framing.
- Framing làm đối tượng trở nên nổi bật hơn.
- Khung hình đẹp làm bức ảnh có tính nghệ thuật hơn.
- Các yếu tố được dùng làm khung hình có thể mang thông tin, giúp người xem đoán được bối cảnh của bức ảnh. Khung hình và đối tượng có thể cùng nhau kể một câu chuyện.
Nói chung các kỹ thuật về bố cục không cần phải đầu tư, chỉ cần trí tưởng tượng và cảm quan thẩm mỹ. Con người bị kích thích bởi những thứ lạ. Mặc dù framing rất đơn giản, nhưng không phải nhiều người biết dùng. Nếu bạn dùng framing, ảnh của bạn sẽ thú vị hơn đối với người xem.
Dưới đây là một vài bức ảnh của tôi có sử dụng framing:
Khu tập thể
Cách đơn giản nhất để tạo ra khung hình là dùng cửa sổ. Ảnh trên được chụp vào một ngày hè nhiều năm trước qua một khung cửa sổ của thư viện ĐHSPHN, sau khi tôi đã tốt nghiệp. Ngày đó dù học ở QG nhưng tôi hay lên thư viện của trường SP. Bàn học có vách ngăn ở đó tạo cảm giác riêng tư và yên tĩnh hơn.
大晦日
Một khung cửa sổ khác, ở Kyoto. Bức ảnh được chụp vào đêm giao thừa hai năm trước trong một con hẻm nhỏ ở khu phố Gion khi tôi đang trên đường từ Yasaka Jinja trở về nhà. Người Kyoto có phong tục đến Yasaka Jinja và mang về ngọn lửa thiêng từ đó vào đêm giao thừa để nhóm bếp nhà mình. Họ mang theo những sợi dây đặc biệt, châm chúng bằng lửa trong đền rồi đi bộ về nhà. Một phong tục khác là đến một ngôi chùa nào đó để nghe 108 tiếng chuông mừng năm mới. Ngày nay không phải tất cả mọi người đều theo phong tục đó vào đêm giao thừa, nhưng rất nhiều người vẫn còn làm như vậy. Tôi trở về sau khi xem đánh chuông ở Chion-in cạnh Yasaka Jinja. Rất có thể người trong bức ảnh cũng trở về từ đó và ăn đêm trước khi về nhà. Thứ được treo ngoài khung cửa là Shimezakari, một vật trang trí may mắn truyền thống đầu năm của Nhật, tương tự như cành lộc ở ta.
秋の寒さ
Từ một khung cửa sổ trong tòa nhà cạnh Kizuna. Ngày ấy tôi vẫn thường hay đi qua ô cửa sổ này trước khi đến Kizuna học tiếng Nhật với Takeda sensei. Đây không phải một nơi được nhiều người biết, nhưng với tôi nó đẹp và bình yên kỳ lạ. Với tôi, cái lành lạnh cuối thu, những băng ghế gỗ, và lá đỏ ở nơi này đã trở thành một phần ký ức không thể phai nhòa về Kyodai.
微笑
Vẫn là những khung cửa sổ, lần này là ở Pontocho, một buổi tối mùa thu. Pontocho là khu phố nổi tiếng ở Kyoto chạy dọc theo dòng sông Kamogawa, kéo dài từ Sanjo đến Shijo dori. Người ta có thể cảm nhận được phong vị Kyoto ở đây, thưởng thức những món ăn truyền thống và các màn biểu diễn của geiko và maiko. Pontocho nằm gần phố Gion, Hoàng Cung, chợ tươi Nishiki và phố mua sắm Teramachi, đều là những địa điểm yêu thích của du khách. Nét cổ kính của Pontocho làm một người yêu cảnh vật Kyoto như tôi mê đắm, nhưng tôi biết đến nó khá muộn. Hơn một năm sau khi đến Kyoto, sau khi trở về từ tiệc BBQ ở Ohara với host family tôi đã đi lòng vòng quanh khu trung tâm chụp ảnh trước khi bắt tàu về nhà và phát hiện ra khu phố này. Lúc ấy tôi giống như tìm thấy một kho báu 🙂
集中する
Một người bán đồ ăn trên khu phố mua sắm Teramachi đang tập trung làm việc. Ảnh chụp cùng ngày với tấm ở Pontocho. Ngày hôm ấy tôi đã đi rất lâu, và giữ lại những khoảnh khắc mà tôi nghĩ rằng rất “Nhật,” giống như cảnh làm việc của người bán hàng này.
ドア
Tạo khung hình với gương cũng là một cách làm phổ biến. Nếu sắp đặt tốt có thể có những hiệu ứng thú vị. Hình trên chụp trên một trong những con đường từ nhà tôi tới Katsura Campus.
Chợ quê
Một khu chợ ở ngoại ô Hà Nội.
Hiểu rộng hơn một chút thì frame có thể là bất cứ thứ gì tạo ra cảm giác về biên giới cho chủ thể, và đường biên ấy không nhất thiết phải bao bọc toàn bộ chủ thể.
限り
Ví dụ, trong bức ảnh trên đây đường biên là hai thanh chắn hàng rào. Đây là hoa anh đào ở Katsura.
新芽
Dưới một băng ghế ở cơ sở Xuân Thủy, ĐHQGHN.
Khung hình có thể mang bất cứ hình dạng gì, chẳng hạn hình tròn.
道
Honda Collection Hall – Tochigi
Zaco
Bên trong Zaco, một quán ăn gần Demachi Yanagi, nơi hợp lưu của hai con sông Kamogawa và Nakanokawa. Tôi từng kể ở Kyoto có những quán ăn gia đình mà khách tới thường xuyên và có thể trở nên thân thiết với chủ quán. Zaco là một quán ăn như vậy. Quán nhỏ, ấm cúng, hai bác chủ quán rất thân thiện và đối với khách như những người bạn. Hàng năm hai bác cũng tổ chức Hanami party với khách quen và bạn bè ở Hoàng cung Kyoto (tiệc ngắm hoa anh đào mà mọi người mang thức ăn đơn giản đến cùng nhau ăn uống, nói chuyện, và ngắm hoa. Những bãi cỏ rộng lớn ở Hoàng cung có hoa anh đào rất đẹp và là điểm đến yêu thích của người Kyoto cho Hanami party). Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ viết nhiều hơn về quán Zaco.
Bạn có thể thấy ở hình trên những hình ảnh ở đường viền có hình dạng kỳ dị. Đó là hiệu ứng khi góc chụp quá lớn, ở đây là gần 180 độ. Tôi đã dùng lens mắt cá (fisheye) dành cho điện thoại để chụp ảnh này. Lens mắt cá là một lựa chọn để tạo ra khung hình hình tròn tự nhiên.
秋
“Khu vườn” gần Kizuna, chụp cùng một chỗ với bức ảnh lá đỏ sau khung cửa, nhưng lần này là từ phía trước khung cửa sổ ấy. Đây là một góc yêu thích của tôi ở Kyodai.
秋の公園
Mùa thu trong một công viên ở Katsura.
Có những cấu trúc có thể trở thành khung hình một cách tự nhiên, chẳng hạn cổng Torii.
途中
Những du khách ở Fushimi Inari Taisha. Nơi đây là một trong những biểu tượng của Kyoto với hàng ngàn cổng Torii dẫn lên đỉnh núi. Các cổng Torii này thường được tặng bởi các cá nhân và doanh nghiệp. Những dòng chữ bạn nhìn thấy phía sau các cây cột là tên doanh nghiệp và nội dung tặng. Gia đình cô Akemi trước đây cũng đã tặng cổng Torii ở Fushimi Inari.
Khi sử dụng khung hình, không nhất thiết phải đặt toàn bộ đối tượng vào trong khung hình. Chúng ta muốn kể một câu chuyện hay, chứ không phải là muốn tuân theo một quy tắc.
眺め
Trong một quán ăn ở Uji, nhìn ra Uji Bridge, gần Bảo tàng Genji Monogatari. Uji nổi tiếng với trà, các trà thất, và là bối cảnh của mười chương cuối trong kiệt tác Genji Monogatari.
Ảnh chụp trước bữa ăn của tôi với Haru và host family của cậu ấy. Ngày hôm ấy cũng là kỷ niệm ngày cưới của hai bác. Chúng tôi biết chuyện ấy khi đến cầu nguyện một ngôi đền mà cùng ngày ấy mấy chục năm trước hai bác đã tới, ngôi đền kỷ niệm. Hai bác ấy thật ngọt ngào.
Một buổi chiều ở Nara
Trong bức hình trên, câu chuyện không kết thúc trong khung hình. Người xem có thể tưởng tượng dãy núi phía xa còn kéo dài, và những khung hình tương tự vẫn tiếp tục về hai phía.
Không chỉ là hình chữ nhật hay hình tròn, khung hình có thể có bất cứ hình dạng gì.
空
Một buổi chèo thuyền ở Tottori.
順序
Người lên cổng soát vé ở ga Katsura gawa. Ảnh chụp mùa thu 2018 trên đường đến sân bay Kansai.
将来列
Tân cử nhân xếp hàng ra khỏi hội trường tại buổi lễ tốt nghiệp của Đại học Shiga. Một trong những bức ảnh khi tôi đến dự lễ tốt nghiệp của Sakura chan.
帰り
Ở bến xe bus đối diện Bảo tàng Đại học Kyoto.
営業中
Một cửa hàng ở Gojo trong cơn mưa. Như đã thấy, Vignette cũng có thể được sử dụng làm khung hình, nhưng dùng vignette đòi hỏi nhiều sự tinh tế hơn.
Một kỹ thuật nâng cao khác là để cho chủ thể chiếm một phần rất nhỏ trong bức ảnh. Các yếu tố khác (khung) chiếm phần lớn bức ảnh, chúng sẽ cung cấp thông tin về bối cảnh, khơi gợi trí tưởng tượng và tạo cảm xúc. Thầy Việt Thanh gọi đây là thủ pháp “xe chỉ luồn kim.”
一人の花見
Một người phụ nữ dưới tán anh đào ở Hoàng cung Kyoto.
Một bông hoa sắp nở.
友達
Hanami Party ven sông Kobata gawa.
(Có lẽ) Một giáo sư của Kyodai.
Những người sống trong nội thành Kyoto thường đi xe đạp hoặc chỉ sử dụng phương tiện công cộng, vì ít chỗ đỗ ô tô và giao thông công cộng rất tốt. Một anh bạn tôi khi thấy những bãi đỗ xe đạp phổ biến khắp nơi từng thốt lên hóa ra đây là cách người dân đi lại ở quốc gia đã xuất khẩu ô tô và mô tô khắp thế giới.
Và cuối cùng, một cách hiệu quả khác để tạo ra khung hình là dùng các yếu tố tự nhiên như cây cỏ hay hoa lá.
Chùa Long Đọi Sơn (VN), một ngày đầu năm.
遊び
Một công viên ở Toyama.
Nếu nhìn kỹ, có thể bạn sẽ thấy một cô bé đang chơi đùa với mẹ.
Một chiếc thuyền chở du khách trên dòng Katsuragawa, Arashiyama
山裾村
Một ngôi làng dưới chân núi ở Yatsuomachi, qua một tán cây anh đào trên đỉnh núi.
雪桜
Một ngôi nhà ở Toyama. Khó để nhìn thấy anh đào và tuyết cùng một lúc, nhưng khi thấy rồi thì đó luôn là một cảnh tuyệt vời. Ảnh chụp mùa xuân năm nay.
待ってる
Một chiếc thuyền nhỏ neo trên hào nước quanh Hikone Castle, Shiga vào một ngày nắng đẹp. Ảnh chụp qua một tán cây anh đào. Những hình ảnh như thế này thường làm tôi mơ mộng về những câu chuyện tôi đã đọc ở đâu đó, hay những bộ phim về những ngày xưa. Tôi luôn tưởng tượng đó là những tháng năm đầy thi vị.
親子
Hai cha con trong công viên cạnh trường tôi. Nếu để ý, khi nào ta cũng có thể bắt gặp những phút giây bình yên như thế.
Môt lẵng hoa không có hoa trong nắng, gần nhà cũ của tôi ở Kyoto trước đây.
---
Framing là một kỹ thuật đơn giản, không cần phải có thiết bị phức tạp mà chỉ cần một chút óc quan sát. Nếu bạn thích chụp ảnh, tôi rất vui nếu bạn tìm được một chút cảm hứng từ những bức ảnh trên.
Happy shooting 🙂
Originally posted on my blog in the
nhiếp ảnh
,bố cục
,framing
,composition
,photography
,nghệ thuật
Ngân
Solitary
Nghệ sĩ nên góc nào cũng ra ảnh đẹp, cảm ơn bạn đã chia sẻ nhé!
Nguyễn Duy Thiên
Cảm ơn bạn chia sẻ! Mình chưa biết chụp hình nhưng muốn học. Bài viết này rất có ích
Yvonne