SỰ VA CHẠM GIỮA CÁC NỀN VĂN MINH VÀ SỰ TÁI LẬP TRẬT TỰ THẾ GIỚI

  1. Sách

Su-va-cham-cua-cac-nen-van-minh


Ngày 11/9/2001, hai chiếc máy bay Hồi giáo đâm thẳng vào toà Tháp Đôi của Mĩ, khiến cả thế giới bàng hoàng. Bất ngờ hơn, điều này dường như đã được Samuel P. Huntington - một trong những nhà khoa học chính trị nổi tiếng nhất nước Mĩ "nhìn thấy" từ trước. Năm 1996, ông đã từng viết : "Đâu đó ở Trung Đông, vài thanh niên mặc quần jeans, uống cocacola, nghe nhạc rap, và giữa những lần quỳ xuống hướng về Mecca sẽ cùng nhau cài bom làm nổ tung máy bay Mĩ."

Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới - cuốn sách mà Wang Gungwu từng nhận xét trên The National Interest là :"Điều tuyệt vời nhất về 'Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới' là : không chỉ được viết về tương lai mà có thể nó còn góp phần định hướng tương lai". 

Trong cuốn sách này, Samuel đã vẽ ra bức tranh toàn cảnh về các nền văn minh trên thế giới, cách chúng dịch chuyển thế cân bằng và sắp xếp trật tự, rồi va chạm với nhau, phần cuối cuốn sách là những dự đoán của tác giả về tương lai của các nền văn minh. 

Vậy theo Samuel, văn minh là gì? Nền văn minh là tập hợp cao nhất của cộng đồng người, và là cấp độ rộng lớn nhất của bản sắc văn hóa, phân biệt loài người với các loài khác. Nó được xác định bởi những yếu tố khách quan chung như ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo, phong tục, thể chế và bằng sự tự xác định mình một cách chủ quan của con người. Ông cho rằng hiện tại có bảy nền văn minh lớn : Trung Hoa, Nhật Bản, Hindu, Hồi giáo, Chính thống giáo, Phương Tây, Mĩ La-tinh, và cận kề đó là anh bạn Châu Phi với nhiều tiềm năng. Các nền văn minh đã và đang tiến triển theo ba giai đoạn : đụng đầu, tác động, tương tác. Nhưng dù tiến triển đến đâu, Samuel cho rằng trật tự thế giới mới sẽ được quy định bởi văn hóa : văn hóa sẽ thay thế hệ tư tưởng, chính trị và kinh tế để trở thành nhân tố chủ chốt tác động lên các mối quan hệ toàn cầu. Ông khẳng định : những cuộc xung đột dữ dội, quan trọng và nguy hiểm nhất không phải là giữa các tầng lớp xã hội, giữa giàu và nghèo, giữa các nhóm khác được phân định bởi kinh tế, mà là giữa các dân tộc thuộc về các thực thể văn hóa khác nhau. Thực tế chứng minh, ông đã đúng! Một ví dụ điển hình cho Sự va chạm này là mâu thuẫn phát sinh giữa người dân Tây Âu và người Hồi giáo nhập cư, với hậu quả là vụ bạo loạn đẫm máu của người Hồi giáo nhập cư tại Pháp. 

Dưới góc độ lịch sử, những xung đột giữa Hồi giáo và phương Tây đã có nguồn gốc từ hàng ngàn năm nay, bắt nguồn từ những xung đột giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo. 

Những cuộc thập tự chinh của người Thiên chúa giáo giành lại thánh địa Jerusalem bắt đầu từ năm 1095 nhắm vào mục tiêu bành trướng và ngăn chặn sự lan rộng lên phía bắc của nền văn minh Hồi giáo. Tuy nhiên, đế chế Hồi giáo Ottoman đã hình thành và phát triển vào thế kỷ 13 và chỉ hai thế kỉ sau đã nhanh chóng đã thống trị cả vùng bắc Phi, bán đảo Balkan. 

Tuy nhiên, trong những thế kỉ tiếp theo, đế chế Ottoman dần dần bị đẩy lui ra khỏi châu Âu và các nước Tây Âu, nhờ sự phát triển của thương mai, đã từng bước thực dân hoá các lãnh thổ Hồi giáo. 

Dưới góc độ tín ngưỡng, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo chứa đựng một số yếu tố xung khắc khó có thể dung hoà. Mỗi tôn giáo đều chỉ chấp nhận một đức tin duy nhất và một vị thánh duy nhất. Mỗi tôn giáo đều đòi hỏi tín đồ của mình phải cải hoán những người xung quanh theo tôn giáo của mình. Những cuộc thập tự chinh của người Thiên chúa giáo (crusade) hay thánh chiến (jihad) của người Hồi giáo đều là biểu hiện của khát vọng độc tôn của hai tôn giáo này.

Dưới góc độ địa-chính trị, văn minh Hồi giáo ở phía nam và văn minh phương Tây ở phía bắc cọ xát trực tiếp trên một đường biên giới trải dài từ Bắc Phi sang Trung Đông. Với vị trí tiếp giáp nhau, hai nền văn minh lớn không thể tránh khỏi có những va chạm. Những va chạm này biểu hiện trên nhiều phương diện. Chúng có thể bùng nổ thành những cuộc chiến tranh như trong trường hợp nội chiến ở Bosnia trước đây hay nội chiến ở Sudan. 

Do đó, tiếp tục sẽ xảy ra những cuộc xung đột đe dọa đến nền hòa bình thế giới như thế, nếu giữa các nền văn minh không có hạt nhân chung căn bản. Giải pháp mà Samuel đưa ra là : một trật tự quốc tế dựa trên các nền văn minh sẽ đảm bảo an toàn và chắc chắn nhất cho hòa bình thế giới. 

Được xuất bản hơn 10 năm nay, cuốn sách, mặc dù còn gặp phải nhiều tranh cãi, nhưng ngày càng khẳng định được những tư tưởng đúng đắn của nó. Chúng không chỉ dừng lại ở tư tưởng lí luận mà còn đi xa hơn góp phần định hướng loài người trong việc duy trì và phát triển thế giới bền vững. 

Khuyên các bạn hãy đọc cuốn sách này nhé ^^, sẽ thu được rất nhiều kiến thức và có thể sẽ làm thay đổi quan điểm của bạn về nhiều chuyện đó nha!

Từ khóa: 

sách