Sử thi: Akayet Dewa Mưno- Sử thi dân tộc Chăm?
kiến thức chung
Nguồn gốc:
- Akayet Dewa Mưno gồm 480 câu thơ theo thể ariya Chăm, xuất hiện ở Champa vào đầu thế kỷ XVII. được ghi nhận là có nhiều nét giống Hikayat Dewa Mandu của Mã Lai.
Dewa Mưno là một thi phẩm mang đậm tình người.tính nhân đạo
-Đó là tình phụ tử của vua Karama Raja đã chịu chết đi cho con có mặt trên trần gian:
“Ta phải chịu thuận theo ý trời
Để con trai ta ở lại lo toan cai quản xứ sở
Và rồi hoàng hậu cùng tất cả
Dân chúng cũng như quần thần thương tiếc khóc than
Trối trăng hết lời lẽ rồi quốc vương
Kurama Raja hóa thân trở về thiên giới..”
-Đó là lòng hiếu chí của Dewa Mưno đã không quản nguy hiểm gian khổ, lên đường tìm cha, bỏ lại sau lưng ngai vàng cùng sự giàu sang phú quý, mặc cho mọi người ngăn cản , níu giữ:
“Họ cùng giã từ mẹ và rời bỏ quê hương
Quyết đi tìm cha mong sao gặp mặt
Hoàng hậu, tướng sĩ than khóc
Mọi người hoang mang làm náo động cả xóm plây
Dewa Mưno lên ngựa trắng bay
Cùng với Ưngkar Dewa lên đường đi biệt
Đám quần thần đuổi theo chẳng kịp
Phần thì chết dọc đường vì đói khát, phần sống sót quay về”
-Đó là lòng trung thành của Jin Xơnggi, đã bao lần ra tay cứu anh em Dewa Mưno thoát khỏi cảnh nguy khốn; là đức chung thủy của công chúa Xapatan một mực yêu thương chồng dù bị chồng hiểu lầm và ruồng bỏ, của công chúa Ratna đã đánh lừa Xamưilaik để được thủ tiết với chồng khi chồng bị nạn, và trong trận quyết đấu đã sát cánh bên chồng để được cùng sống chết. Và nhất là tình máu mủ của công chúa Xapatan đối với người anh là Xamưilaik
Akayet Dewa Mưno còn là bài thơ ngợi ca lòng cao thượng hào hiệp của con người. Dewa Mưno rất cao thượng, cao thượng khi chàng từ chối đánh Xamưilaik để rồi phải mắc nạn bị kẻ thù bắn lén sau lưng, cao thượng khi chàng cho phép vợ khóc cho một người anh ruột của nàng vừa là kẻ tử thù của mình, khi chàng không cho người em kết nghĩa Ưngkar Dewa giết quân lính kẻ địch trong khi chiến đấu chống Xamưilaik. Và ngay cả Xamưilaik, một nhân vật phản diện, cũng đã làm được một cử chỉ cao thượng: chàng đã không đụng chạm đến công chúa Ratna khi được nàng yêu cầu để tang chồng( vì tưởng chồng đã chết). Cả đến Đấng Thượng Đế Chí Tôn cũng đã thể hiện cử chỉ nhân từ cao cả: không để cho Xamưilaik, một con người có tài năng lớn phải chịu mất mặt trước người yêu, khuất nhục trước kẻ thù; vì khi bị đấy đến bước đường cùng, con người dễ nghĩ đến những hành động thiếu chín chắn, mối thù kéo dài dây dưa, và con dân Ngài dưới trần mãi chịu cực khổ; nên Ngài đã nghĩ ra hướng để gỡ danh dự cho Xamưilaik bằng cách cho chàng một lần nữa được chiến đấu với Dewa Mưno, và cuối cùng được cưới bóng của công chúa Ratna. Thật không thể tìm được giải pháp nào tài tình hơn!
Akayet Dewa Mưno thỏa mãn được những khát khao muôn thuở của con người. Con người bao giờ cũng thế, họ dù sống trong bất kì không gian thời gian nào, nhu cầu được truyền giống( vua Kurama Raja phải tự hi sinh để có được đứa con nối dõi), nhu cầu được yêu thương đùm bọc (Xapatan cần được bàn tay Dewa Mưno ôm ấp), ước mong được sống ấm no trong một đất nước bình an( tất cả quần chúng nhân dân trong mọi xứ sở) vẫn là những nhu cần bức thiết nhất. Ở đây con người đã biết quên đi bản thân mình và biết hi sinh cho người khác, cha hi sinh cho con, em biết quên mình vì anh, bạn bè dám lăn xả vào khói lửa để cứu nhau, chồng biết tha thứ cho vợ… những đức tính này của con người khi kết hợp lại, có thể tạo nên những kì tích mà nếu thiếu đi những kì tích này thì cuộc sống sẽ trở nên vô vị và con người muôn đời mãi không thể đạt tới nhân bản đích thực.
Các đức tính cao cả này của nhân vật này sẽ nhạt nhẽo biết bao nếu nó không đặt trong cảnh ngộ, tính huống tương ứng, được kể lại bằng một nghệ thuật thơ chín chắn và lối kể chuyện đã đạt tới mức tinh xảo.
Cốt truyện chặt chẽ: các sự kiện diễn ra chặt chẽ hợp lý, những sự việc diễn ra bị đẩy lên cao trào thắt nút, phát triển nhưng được giải quyết mở nút một cách hợp lý
Không giống như các tác phẩm khác thuộc dòng văn học cổ xưa Chăm, rất ít chi tiết được lặp lại trong akayet Dewa Mưno. Tất cả đều được phóng đại, và cái phóng đại đạt đến mức dị thường, cái dị thường này lại luôn luôn có thể chấp nhận được. Có thể nói, chính cái dị thường này đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn riêng của tác phẩm:
- Dewa Mưno đang chuẩn bị xuất quân:
“Hào quang sáng rực lưng chừng trời
Tay cầm gươm thần, cười ngựa trắng bay”
-Cơn giận dữ của Xamưilaik :
“Nổi cơn thịnh nộ, hắn giậm chân
Thiên thạch rụng rơi, núi non nghiêng đổ”
-Diễn tả cảnh cung điện của công chúa Ratna thì :
“Trong thành một ngọn núi cao ngất được dựng nên. Ngọn núi này chỉ được trồng độc nhất cây chà là thần nặng trĩu nặng trái chà là vàng, và trong thân cây luôn âm vang ngàn điệu nhạc mê li. Xung quanh ngọn núi là một vùng biển cả vỗ sóng êm ngân hòa cùng điệu nhạc trong thân cây chà là. Một chiếc cầu bằng vàng ròng được lọc từ đại dương bắc qua biển nối liền ngọn núi với biệt thự. Biệt thự vĩ đại cao lưng chừng trời được lợp bằng những tấm kim cương,..”
Đấy là một cảnh tượng siêu nhiên chỉ được thây trong óc tưởng tượng hay trong những trụ xứ của các vị bồ tát trong kinh Hoa nghiêm của Đạo Phật. Và đây là bãi chiến trường trong trận giao tranh cuối cùng giữa Dewa Mưno và Dewa Xamưlaik:
“Trên mặt đất, những ngọn lao của họ chạm nhau nổ bùng những đám lủa thiêng cháy trụi núi non. Họ kéo nhau ra đại dương, hóa thân thành loài rồng biển, tiếp tục chiến đấu trong bảy ngày đêm làm đại dương nổi sóng, bão tố mù đất trời. Thấy chẳng ăn thua gì, họ lại lặn sâu vào lòng đất(lúc này họ đã hóa thân thành rồng đất) tiếp tục thí võ.Cuộc chiến lại diễn ra trên không trung làm sấm sét nổ tung, chấn động một nửa vũ trụ”
Cứ thế tiếp tục. Cứ thế, Dewa Mưno và Xamưilaik tung hoành cùng óc tưởng tượng bay bổng, với vần thơ hoa mĩ và ngôn từ bay bướm kì tuyệt.
Khi Dewa Mưno vội vã về quê hương sau khi được công chúa Jotna giải độc và được Jin Xơnggi cứu thoát. Lúc ấy, Ratna và Cahay bị giam lỏng, đang thủ sẵn con dao để kịp tự vẫn khi qua thời hạn được Xamưulaik cho phép để tang chồng. Lòng thấp thỏm, chàng nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào:
“Nàng hỏi ai đi tựa tiếng bước chân
Chồng ta đi lại những ngày thường
Và Dewa Mưno bật khóc.”
Dewa Mưno, người anh hùng cái thế đã bật khóc. Chàng khóc vì chàng hiểu rằng chỉ có những người thực sự yêu nhau, thực lòng mong nhớ nhau mới có được cái tinh tế ấy của thích giác. Các chi tiết nhỏ nhất và tưởng như dễ bị khuất lấp bởi bao âu lo thường nhật, nhưng với nỗi nhớ mong, bằng sự chờ đợi trong câm lặng và qua một thời gian dài hồi tưởng, chúng từ từ lớn dậy và lớn mãi trong kí ức sâu thẳm mà ta hầu như không hay biết cho đến khi, bởi một cơ duyên nào đó, nó vỡ ra và lộ nguyên hình. Lúc ấy, Dewa Mưno nhanh tay giật lấy con dao nơi tay công chúa, bỗng bị nàng kháng cự lại. Vô thức nàng tin đó là tiếng bước chân của chàng- là chàng, người chồng yêu dấu của mình nhưng ý thức nàng lại bị phản bác lại: chàng đã chết. Trong một cảnh ngộ rất thực, với một nghệ thuật phân tích tâm lý sâu sắc, thi sĩ đã thổi được vào đoạn thơ sức sống kì lạ. Đấy là điểm son khác của akayet Dewa Mưno.
Và một điều cần nói ở đây là kết thúc có hậu của tác phẩm chính nghĩa thắng hung tàn, Dewa Mưno ca khúc khải hoàn, trỏ về quê hương đoàn tụ với gia đình. Sử thi Dewa Mưno đã đưa bao thế hệ con người chấc phác, thoát được những cơ cực của đời thường, những bất công của chế độ phong kiến, được thả hồn bay theo vần thơ để cùng với Dewa Mưno đi qua mấy tầng trời bao la, viếng thăm các cung điện nguy nga tráng lệ, chiêm ngưỡng dung nhan các nàng công chúa xinh đẹp tuyệt trần; cùng bay theo chàng trong cuộc trường chinh chống lại cái xấu ác, chiến thắng cái xấu cái ác để an toàn cùng hoàng tử trở về quê hương- nơi mà ngọn lúa tự do trổ bông, cây rừng tự do lớn dậy, dân làng an tâm làm ăn sinh sống.
Dewa Mưno cũng như các sử thi khác, phản ảnh các mặt trong cuộc sống của cộng đồng. Người ta nói rằng “sử thi là bộ bách khoa thư đầy đủ nhất của các dân tộc thời cổ đại”. Đặc biệt Dewa Mưno là một thánh thư về đạo đức, luân lý của người Chăm như: lòng hy sinh, vị tha, vua cha chịu chết cho con cháu và đất nước bình an; tình bạn, tình huynh đệ vào sinh ra tử của hai anh em Dewa Mưno và Ưngkar Dewa; lòng trung thành tuyệt đối và sự biết ơn sâu xa của Jin Sanggi; tình nghĩa thuỷ chung của công chúa Ratna v.v…Nếu không có những con người với phẩm chất cao quý và kiên định phi thường ấy thì người đại diện cho chính nghĩa và tài năng là Dewa Mưno làm sao mà thắng được ác quỷ đại gian hùng?
Trong cuộc chiến đấu ác liệt giữa cái xấu và cái tốt, cuối cùng cái tốt chiến thắng. Đây cũng là một nét tâm lý, ước nguyện của dân tộc Chăm. Nhưng nhân vật phản diện Samưlaik không bị thất bại đến độ quá bi đát, mà vẫn được thượng đế cho cưới cái bóng của Ratna. Tinh thần nhân đạo của nhân dân Chăm thể hiện ở sự kết thúc khoan hoà này.
Xét về mặt nghệ thuật phản ánh, Dewa Mưno chan hoà tính kỳ vỹ, hào hùng. Các anh hùng và đối thủ của họ pháp thuật siêu cường. Sau đây là một vài nét miêu tả cuộc chiến đấu:
Cả hai vị hoàng tử siêu quần, chiến đấu suốt bảy ngày đêm
Hai bậc kỳ tài kéo nhau vào đại dương sóng dậy
Cả hai biến thành loài thuỷ quái
Đâm chém nhau nơi ấy giữa biển khơi mù mịt
Bảy ngày đêm không ngừng nghỉ bao giờ
Biển nổi sóng mịt mù, .. 4
Kỳ vỹ và hào hùng tạo nên linh hồn của sử thi. Hê-ghen nói “con người trong sử thi chứa trong lồng ngực của nó hơi thở của các vị thần”. Chúng ta thấy ở tất cả sử thi chói ngời những sự tích kỳ tài, xuất chúng, siêu việt, phi thường. Và tinh thần kỳ vỹ này có căn nguyên ở tâm lý, tín ngưỡng của nhân dân đương thời, thời kỳ ra đời sử thi. Nó vừa là sự phản ánh vừa là sự biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cộng đồng của nhân dân. Và về phương diện mỹ học, nó tạo nên phạm trù thẩm mỹ cái hùng, và các sắc thái của nó là cái cao cả, cái tuyệt vời.
Trong phạm vi thẩm mỹ cần bàn đến hình thức diễn đạt và diễn xướng. Ngôn ngữ của Dewa Mưno không phải văn xuôi như cổ tích, truyện cười, mà là thơ ariya có vần có nhịp điệu. Với gần 1000 dòng thơ, Dewa Mưno không phải chỉ ghi trên lá buông hoặc trên giấy mà chủ yếu là để hát ngâm “một giọng ngâm đặc chất Dewa Mưno”.
Diễn đạt bằng thơ ca và diễn xướng bằng hát-kể cũng là một đặc điểm phổ biến của sử thi thế giới và nước ta.
Môi trường sáng tạo, sinh tồn và lưu truyền Dewa Mưno là môi trường văn hoá dân gian. Mặc dầu có chữ viết để ghi chép thì Dewa Mưno vẫn thuộc phạm trù văn hoá dân gian. Chúng tôi không bao giờ quan niệm văn hoá dân gian kém sang trọng thua văn học bác học.
Tất cả những đặc điểm về nội dung, hình thức và môi trường văn hoá trên đây của Dewa Mưno chính là đặc điểm của sử thi. Vậy chúng ta có thể xác định Dewa Mưno là một sử thi Chăm đặc sắc. Chúng ta đồng ý với G. Moussay: “Người ta coi Dewa Mưno là một sử thi dân gian thực sự” .
Nếu như theo khung phân loại sử thi thành các tiểu loại sử thi sáng tạo thế giới tiêu biểu như Đẻ đất đẻ nước, Ăm ệt luông và sử thi thiết chế xã hội, tiêu biểu như Đăm Xăn, Đăm Di, Xing Nhã,… thì Dewa Mưno có thể xếp vào tiểu loại sử thi thiết chế xã hội. 6
Phan Đăng Nhật nghiên cứu về sử thi Chăm
Dewa Mưno là một tác phẩm thơ ca cổ được nhân dân Chăm rất yêu quý và trân trọng. “Mọi người còn nhớ có thời kỳ, người ta không ngập ngừng khi trả giá một xe bò lúa cho việc ghi chép để có một bản akayet Dewa Mưno”. Và họ cất vào nơi cao quý nhất là trên xà nhà của vựa thóc. 1
“Tráng ca Dewa Mưno được truyền bá thực rộng rãi trong nhân dân Chăm. Người ta hãnh diện về nó, xem nó như là Truyện Kiều của dân tộc Việt. Và cũng như người Việt với Truyện Kiều, người Chăm say Dewa Mưno, nói Dewa Mưno, phân tích Dewa Mưno và ngâm nó với một giọng ngâm đặc chất Dewa Mưno. Người Chăm cho rằng đây không phải là sáng tác của người trần mắt thịt, mà là một tặng phẩm của thần thánh ban cho”
Nội dung liên quan
Trinh Dinh Thanh